Trọng Nghĩa
Hôm 03/11/2011, tại tỉnh Tứ Xuyên ở Trung Quốc, lại có thêm một ni cô người Tây Tạng tự thiêu, nâng số tăng ni Tây Tạng chọn biện pháp hy sinh này lên thành 11 người, kể từ tháng ba đến nay. Làn sóng tự thiêu đó đã thu hút mối quan tâm của công luận đến chính sách đàn áp khắc nghiệt của Bắc Kinh nhắm vào người Tây Tạng, không chỉ đối với những người sống ở chính Tây Tạng, mà cả đối với người Tây Tạng đã tự nguyện sống tại Trung Quốc.
Tu viện Tây Tạng Kirti (ở Tứ Xuyên - Trung Quốc), nơi có nhiều vị sư tự thiêu để phản đối chính quyền Trung Quốc. Ảnh chụp năm 2003. Nguồn: wikipedia |
Vụ tự thiêu đầu tiên xảy ra tại tu viện Kirti (Cách nhĩ đăng tự), thuộc huyện A Bá tỉnh Tứ Xuyên tháng Ba vừa qua, đúng dịp kỷ niệm ba năm ngày nổ ra các cuộc bạo động tại Lhassa, thủ phủ Tây Tạng, vào năm 2008, đã bị chính quyền Trung Quốc đàn áp dữ dội.
Từ sau vụ tự thiêu đầu tiên, đến nay đã có thêm 10 vụ khác, đều xẩy ra tại tỉnh Tứ Xuyên, một tỉnh ở miền tây nam Trung Quốc, nơi có đông đảo cư dân là người Tây Tạng. Trong số 11 tăng ni tự thiêu, đã có 7 người qua đời.
Theo chính quyền Bắc Kinh, chính « phe nhóm » của Đức Đạt Lai Lạt Ma đã xúi giục các vụ tự thiêu. Trong khi đó, chính phủ Tây Tạng lưu vong tại Ấn Độ thì xác định rằng làn sóng tự thiêu của tăng ni ở Tứ Xuyên bắt nguồn từ chế độ hà khắc mà họ đang phải gánh chịu. Thứ Bảy tuần qua, đến lượt Ðức Ðạt Lai Lạt Ma lên tiếng, quy trách nhiệm cho chính sách đàn áp của Trung Quốc nhắm vào người Tây Tạng, một chính sách cai trị bị ngài đánh giá là « độc ác và phi lý ».
Hầu hết các nhà quan sát đều ghi nhận chính sách đàn áp cực kỳ khắc nghiệt của chính quyền Bắc Kinh đối với người Tây Tạng, đặc biệt là từ sau phong trào nổi dậy ở Lhassa vào tháng Ba năm 2008, và kéo dài cho đến ngày nay, với một làn sóng đàn áp mới sau vụ tự thiêu của tu sĩ Phuntsog ngày 16 tháng 3 vừa qua.
Theo các tổ chức bảo vệ nhân quyền, sau cái chết của nhà sư trẻ Phuntsog, chính quyền Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát tu viện Kirti, cũng như tất cả các cơ sở tôn giáo khác của người Tây Tạng, đến mức mà các tu sĩ cảm thấy minh bị tù không hơn không kém.
Ngoài các biện pháp an ninh kể trên, chính quyền còn áp dụng hình thức có thể gọi là tẩy não, bất hàng trăm tu sĩ Tây Tạng phải đi học tập cải tạo để tìm hiểu về điều gọi là « chủ nghĩa xã hội hài hòa ».
Vấn đề được nhiều nhà phân tích nêu bật là những lời tố cáo của chính quyền Bắc Kinh đối với Đức Đạt Lai Lạt Ma hoàn toàn không có cơ sở. Ngài không hề kêu gọi đấu tranh cho nền độc lập của Tây Tạng, như Trung Quốc vẫn thường tuyên bố, mà chỉ muốn Tây Tạng được quyền tự trị đích thực, tôn giáo và văn hóa Tây Tạng không bị hủy hoại như hiện nay.
Đạt Lai Lạt Ma không tán đồng hành động tự thiêu
Về các sự cố gần đây, theo hãng tin Pháp AFP, nhà lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng luôn luôn chống lại các hình thức tự thiêu, xem đấy là điều đi ngược lại tính chất thiêng liêng của cuộc sống.
Theo ông Ngô Nhân Dụng, bình luận gia báo Người Việt tại Hoa Kỳ, từng nghiên cứu kỹ triết lý của Phật giáo Tây Tạng, thì quan điểm chống tự thiêu của Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng trùng hợp với chủ trương bất bạo động của ngài, mà đúng ra phải gọi là « bất hại ».
- Đức Đạt Lai Lạt Ma thay đổi ý kiến, không đòi cho Tây Tạng độc lập mà muốn tự trị nhiều hơn, nhất là không muốn Trung Quốc sử dụng chính sách đồng hóa tiêu diệt văn hóa cổ truyền Tây Tạng và khai thác tài nguyên Tây Tạng theo cách duy vật và duy lợi của chính quyền Trung Quốc.
Trong việc tranh đấu đòi quyền tự trị, Đức Đạt Lai Lạt Ma luôn yêu cầu người Tây Tạng tôn trọng quan điểm, mà tiếng thông dụng gọi là « bất bạo động », nhưng chính ra là « bất hại », tức là không hại đến các sinh mạng - từ Ấn Độ gọi là « ahimsa »...
Tự thiêu là một hành động hại đến một sinh mạng, cho nên Đức Đạt Lai Lạt Ma luôn kêu gọi không được bạo động, không được tự thiêu. Chính quyền Trung Quốc nói dối khi cho rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma kích động tự thiêu.
Tự thiêu là một truyền thống lâu đời
- Tự thiêu là truyền thống có từ 2000 năm trước ở Ấn Độ, thời Alexandre Đại Đế mang quân sang Ấn Độ. Trong đoàn quân có những triết gia Hy Lạp. Khi trở về Hy Lạp, họ có nhắc đến trong sách vở rõ ràng là ở Ấn Độ có những nhà hiền giả hoặc triết gia tự thiêu mình, và đó là điều mà họ quan tâm rất nhiều.
Truyền thống đó của Ấn Độ đã truyền sang Phật giáo của Ấn Độ, qua phái zen (thiền) của Ấn Độ, luôn luôn đi đôi với cái thực tập về thiền quán. Những vị tu sĩ theo đạo Phật hay theo những tôn giáo khác ở Ấn Độ, họ thực tập thiền quán đến một trình độ cao thì định lực của họ lớn đến mức họ có thể chiụ đựng được cái chết, cái đau, mà không có phản ứng nào cả.
Chỉ những vị cao tăng đã đạt được đến trình độ đó, muốn trình bày cho đại chúng thấy là con người có thể tu tập như vậy mới chọn cái chết như vậy.
Có nhiều cách chọn cái chết, có những vị cao tăng ở Việt Nam như ta đã thấy, là ngồi kiết già, nhịn ăn, nhịn uống, cho đến khi thân thể từ từ chết đi mà vẫn ngồi yên. Đó là hình ảnh mà chúng ta đã thấy ở mấy ngôi chùa ở Việt Nam và ở bên Trung Quốc. Đó cũng là cách để chứng tỏ rằng chuyện sinh tử đối với người tu tập không còn quan trọng nữa.
Tự thiêu mang tính chất giáo huấn trước khi biến thành hành động xã hội
- Một cách mạnh mẽ hơn là các vị tu sĩ có thiền quán cao chọn cái chết trong lửa. Ngày xưa người ta chất củi lên rồi vị thiền sư lên ngồi thiền quán trong đó. Họ đốt củi chung quanh và vị sư cứ ngồi yên cho đến lúc chết. Đó là cách để chứng tỏ con người có thể làm chủ bản thân như thế nào.
Đối với một tu sĩ phật giáo, đó có thể coi là một hành động có tính cách giáo huấn, độ sinh, để giúp cho mọi người tin tưởng nơi khả năng tu tập của tất cả mọi người. Đó là hành động tự thiêu trong tôn giáo từ xưa đã truyền lại.
Xưa ở Việt Nam đã có nhiều vị sư đã tự thiêu, Trung Quốc cũng có, Nhật Bản cũng có. Những người đó phải xin phép triều đình, những người ở xa kinh đô thì họ xin phép đại chúng trong chùa của họ. Chỉ khi nào đại chúng đồng ý, ông là người tu tập cao, có thể làm gương cho chúng tôi học hỏi, thì lúc đó vị sư mới tự thiêu. Cho nên tự thiêu không phải là một hành động bạo động, mà trở thành một hành động tu tập như ngồi thiền chẳng hạn.
Lần đầu tiên xẩy ra việc tự thiêu có tính chất xã hội, ảnh hưởng đến chính trị quốc gia là trường hợp của Thích Quảng Đức năm 1963 tại Sài Gòn : tự thiêu trước công chúng không phải đánh thức mọi người về khả năng tu tập, mà muốn bày tỏ thái độ đối với tình trạng xã hội chung quanh.
Về sau này ở nhiều nơi, ở Việt Nam cũng như nơi khác, có những tu sĩ hoặc người thưòng tự thiêu, nhưng họ chỉ học được một khía cạnh của hành động tự thiêu mà thôi, chứ còn khía cạnh tu tập, thiền quán thì họ chưa đạt được.
Những vụ tự thiêu tại Tứ Xuyên thể hiện sự tuyệt vọng trước chế độ đàn áp
- Có thể nói là tất cả những vụ tự thiêu đều xẩy ra ở trong tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc, tức là ngoài khu vực Tây Tạng hiện nay, nhưng là nơi người Tây Tạng vẫn sống đông đúc, và sống theo truyền thống của họ.
Những người tự thiêu gần đây đều là những người trẻ, ở trong tình trạng tuyệt vọng. Số người tự thiêu nhiều nhất là tại các tu viện đã bị chính quyền Trung Quốc đàn áp rất nặng nề từ năm 2008 khi xẩy ra vụ tu sĩ tại Tây Tạng nổi dậy đến nay.
Theo báo chí, tại vùng A Bá ở Tứ Xuyên, có những ngôi chùa đã liên tiếp bị chính quyền đàn áp : Ngay trong năm 2008, đã có một ngôi chùa bị công an Trung Quốc tấn công và bắn chết 8 vị tu sĩ và 10 phật tử Tây Tạng. Gần đây thì có 300 tu sĩ bị công an đến bắt mang đi gọi là để học tập cải tạo.
Tình trạng bùng nổ các vụ tự thiêu trong tỉnh Tứ Xuyên cho thấy rằng chính sách đàn áp dân Tây Tạng cho dù họ không phải là ở ngay trong Tây Tạng, mà là ở trong một tỉnh của Trung Quốc, chính sách đó đã làm cho người dân và các tu sĩ Tây Tạng cảm thấy tuyệt vọng vì thấy rằng không thể thay đổi đời sống của họ trong xã hội Trung Quốc được.
Phải thấy rằng những người Tây Tạng ở Tứ Xuyên, họ đã tình nguyện sống như người Trung Hoa, chịu đồng hóa theo người Trung Hoa. Cụ thể là trong số 10 người tự thiêu có một ni cô, trong lúc mà trong truyền thống Tây Tạng, không thấy có ni cô. Điều này chứng tỏ rằng Phật giáo Tây Tạng ở Tứ Xuyên đã có thay đổi, vì ni cô chỉ có trong đạo Phật tại Trung Quốc hay Việt Nam mà thôi. Những người đã chịu đồng hóa theo Trung Quốc như vậy mà lại bị đẩy vào tình trạng tuyệt vọng đến mức phải tự thiêu như vậy, cho thấy là chính sách đàn áp của Trung Quốc cực kỳ hà khắc.
Các vụ tự thiêu là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với chính quyền Trung Quốc
- Đây là một tiếng chuông đánh thức chính quyền Trung Quốc. Bắc Kinh muốn thay đổi Tây Tạng theo chủ nghĩa cộng sản, nhưng mà họ không thể tiêu diệt truyền thống tinh thần của một dân tộc đã tồn tại hàng nghìn năm. Cái chủ nghĩa cộng sản mà họ mang đến đây hoàn toàn mang tư tưởng duy vật, bây giờ lại có thêm kinh tế tư bản cho nên lại có thêm tính duy lợi. Do đó không thể đáp ứng được khát vọng của một dân tộc đã có truyền thống lâu đời.
Chính sách tư tưởng của Trung Quốc vốn đã sai lầm nhưng không chịu thay đổi, nay lại dùng bạo lực để áp đặt cho nên lại càng sai lầm hơn nữa. Do đó, những vụ tự thiêu của các tu sĩ Tây Tạng vừa rồi có thể là lời cảnh báo chính quyền Trung Quốc, đồng thời là tiếng chuông thức tỉnh chính người Trung Hoa nữa.
Ngay ở tu viện nơi có những tu sĩ Tây Tạng tự thiêu, một nhà báo Pháp đến nơi đã chứng kiến cảnh những phật tử thuần thành người Trung Hoa đến lễ, được các nhà sư Tây Tạng dậy bảo… Thực tế này chứng tỏ rằng, nếu cứ để bình thường, thì đời sống của người Tây Tạng và người Trung Hoa ở Tứ Xuyên rất hòa hợp, bình an. Chỉ có chính sách xây đồn công an cạnh các tu viện, ban đêm đến bắt các tu sĩ mang đi học tập cải tạo, mới gây mâu thuẫn giữ người Tây Tạng ở Tứ Xuyên với chính quyền Trung Quốc.
Nếu chính quyền Bắc Kinh biết tôn trọng đời sống tinh thần của người khác, thì chính đời sống tinh thần của người Tây Tạng và tăng ni Tây Tạng có thể là nguồn suối đạo đức, giáo huấn cho phật tử Trung Hoa tại Tứ Xuyên … Vả lại chính các tu sĩ Phật giáo Tây Tạng đã biết thay đổi lối tu để phù hợp với Phật giáo Trung Hoa nhiều hơn.
Đó là một cách để người ta có thể sống hòa hợp với nhau, và nếu sống hòa hợp được thì chính một tỷ người dân Trung Hoa có thể học hỏi được rất nhiều từ các truyền thống đạo lý và tôn giáo của người Tây Tạng.
Có lẽ đây là dịp để chính quyền Trung Quốc thấy rõ đâu là sự thật để họ thay đổi chế độ hà khắc về mặt tôn giáo của họ”.