Huy Đức
Không hiểu vì sao Hiến pháp lại được đưa ra sửa khi những ý tưởng cải cách trong Đảng thì thiếu vắng và tình hình theo nhiều người là vẫn “chưa đủ xấu”. Nếu không xuất phát từ nhu cầu cải cách, việc sửa đổi Hiến pháp chỉ là vá víu. Rất tiếc là Đảng Cộng sản Việt Nam thường chỉ chấp nhận cải cách khi bị dồn tới chân tường, Đại hội VI năm 1986 là ví dụ.
Chỉ chưa đầy 5 thập niên (1946-1992), Việt Nam có 4 lần thay Hiến pháp. Năm 1959, khi môi trường chính trị để vận hành một nhà nước dân chủ và đoàn kết toàn dân theo Hiến pháp 1946 không còn, Đảng Cộng sản hình thành ở miền Bắc một nhà nước do “giai cấp công nhân lãnh đạo”. Tháng 6-1976, sau khi chiến thắng người anh em ở miền Nam, trong tâm thế “ta đang tới đỉnh cao nhân loại”, Quốc hội Thống nhất quyết định thay thế Hiến pháp 1959, thiết lập trên cả nước một nhà nước chuyên chính vô sản hơn. Nhưng, đường lối Đại hội Đảng lần thứ IV và mô hình nhà nước theo Hiến pháp 1980 đã nhanh chóng đưa Việt Nam tới chỗ bế tắc. Đảng phải tìm lối thoát bằng cách chia tay với mô hình copy từ Liên xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu.