Từ sau buổi trả lời chất vấn trước Quốc Hội vào ngày 25/11, tên tuổi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xuất hiện tràn lan trên vô số các phương tiện truyền thông đại chúng bằng tiếng Việt. Báo chí chính thống nhắc đến ông, đã đành. Các trang web và blog phi chính thống, thường được mệnh danh là lề trái, cũng nhắc đến ông với một mật độ dày đặc. Hầu như tất cả đều tập trung vào hai sự kiện chính: Ông công khai tuyên bố chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như toàn bộ hải phận Việt Nam, hơn nữa, còn công khai dùng chữ “dùng vũ lực đánh chiếm” để chỉ sự hiện diện của Trung Quốc trên Hoàng Sa và một phần Trường Sa từ năm 1974 về sau. Sự kiện thứ hai là việc ông đề nghị Quốc Hội bàn luận và thông qua luật biểu tình.
Bình thường, hai sự kiện ấy đáng lẽ chỉ nhận được lời khen. Đó đều là những việc cần làm và phải làm. Hơn nữa, cần làm và phải làm từ lâu rồi. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của người Việt Nam, những lời phát biểu của Nguyễn Tấn Dũng đã gợi lên rất nhiều hoài nghi và tranh cãi. Có hai lý do chính.