Báo chí quốc tế cho hay Đại sứ Trung Quốc tại New Delhi đã tỏ ra giận dữ khi bị chất vấn về một tấm bản đồ, trong đó Trung Quốc 'lấn nhầm' đất của Ấn Độ.
Công ty này trình bày một tấm bản đồ, trong đó bang Arunachal Pradesh và Ladakh bị ghi là lãnh thổ Trung Quốc, đồng thời phần đất tranh chấp ở Kashmir bị ghi là lãnh thổ Pakistan.
Ông Trương, sau khi bị một phóng viên Ấn Độ vặn vẹo nhiều lần, đã nói người này 'shut up' trong tiếng Anh có thể dịch là "câm mồm" hoặc "im đi".
Sự việc xảy ra trong khi họp báo ở một khách sạn sang trọng của New Delhi, khi công ty Trung Quốc phân phát cho quan khách cuốn sách giới thiệu sản phẩm, trong có tấm bản đồ gây tranh cãi.
Đại sứ Trương Viêm nói người phóng viên đã chất vấn đi chất vấn lại, dù đã được giải thích rằng đây 'chỉ là vấn đề kỹ thuật' và sẽ được sửa ngay.
Trong chương trình truyền hình chiếu trên kênh Star ở Ấn Độ và cũng được truyền lại trên Bấm YouTube, người xem thấy ông Trương lúng túng nói bằng tiếng Anh "chúng tôi sẽ giải quyết" (We will handle it) và sau đó có bắt tay người phóng viên.
Tuy nhiên, toàn bộ cảnh va chạm lời lẽ hai bên đã khá căng thẳng trước sự chứng kiến những người khác.
Ông Trương Viêm được trích lời nói: "Chúng tôi đang cố gắng xây dựng quan hệ hữu hảo với Ấn Độ... thái độ [của người phóng viên] thật không hay ho".
Giận dữ
Gautam Bambawale, thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, sau đó đã lên tiếng phản đối tấm bản đồ và nói ông được cam đoan đây là lỗi thiết kế và sẽ được sửa.
Một số khu vực dọc biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ hiện đang còn tranh chấp sau cuộc đụng độ Trung Ấn hồi năm 1962.
Hai bên đã tổ chức nhiều vòng đàm phán nhằm giải quyết vấn đề biên giới.
Trung Quốc đã phản đối khi Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh thăm khu vực Arunachal Pradesh trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2009.
Bản đồ gây tranh cãi nói ở trên còn mô tả khu vực Kashmir còn đang tranh chấp là lãnh thổ Pakistan.
Cuộc tiếp tân mà ông Trương Viêm tham gia là do công ty năng lượng Trung Quốc TBEA tổ chức ăn mừng việc ký biên bản ghi nhớ hợp đồng đầu tư 400 triệu đôla vào bang Gujarat.
Sự việc này hiện đang được báo chí Ấn Độ và Quốc tế đăng tải rộng rãi.
Người ta cũng chú ý đến chuyện ông Trương là một nhà ngoại giao dày kinh nghiệm của Trung Quốc.
Sinh năm 1950, quê Triết Giang, ông từng công tác tại các sứ bộ ngoại giao của Trung Quốc ở châu Phi, Liên hiệp quốc (Geneva), APEC và IAEA (Vienna).
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/