Châu Giang dịch theo CNAS
An ninh biển đã chế ngự nhiều chương trình nghị sự ngoại giao gần đây ở Đông Nam Á, bao gồm Diễn đàn Khu vực năm 2010 và 2011 và các hội nghị liên quan tại Việt Nam và Indonesia.
An ninh biển ở cả góc độ quân sự và thương mại dân sự bao gồm ba mặt: các đòi hỏi chủ quyền và lãnh thổ chồng lấn, đặc biệt liên quan đến hai quần đảo lớn là Trường Sa và Hoàng Sa; các quyền cơ bản trên biển, vì các nước đưa ra các căn cứ khác nhau cho các yêu sách của mình và cũng tìm cách áp dụng luật quốc tế như cách hiểu của Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS); và tự do hàng hải, bao gồm kiểm soát các tuyến SLOCs và các hoạt động được phép tiến hành bên trong các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).
Dù các căng thẳng về an ninh biển đã leo thang tại biển Đông trong hai hoặc ba năm gần đây, song các căng thẳng này chưa trực tiếp bị quân sự hóa như các tranh chấp bùng phát từ năm 1988 -1995, trong đó có cuộc giao tranh giữa Trung Quốc và Việt Nam liên quan đến đảo Gạc Ma và giữa Trung Quốc với Philippines liên quan đến đảo Vành Khăn. Ở đây không đề cập đến câu hỏi tại sao các quốc gia lại nhanh chóng chuyển sang đối đầu quân sự trong thời kỳ trước như vậy. Có thể khi đó, đúng giai đoạn cuối và ngay sau Chiến tranh Lạnh, các nước cảm thấy được thoải mái sử dụng vũ lực mà không sợ rằng các cuộc xung đột có thể dẫn tới kịch bản hạt nhân.