TRẦN ĐÌNH HƯỢU
Mùa xuân năm 1907 đã xảy ra một sự kiện có tiếng vang rộng lớn trong đời sống văn hoá tư tưởng: Trường Đông Kinh nghĩa thục khai giảng ở Hà Nội. Theo giấy phép của chính quyền thực dân thì đó chỉ là một trường tư thục cấp sơ học, dạy cả chữ Quốc ngữ, chữ Pháp và chữ Hán. Nhưng trong thực tế thì đó lại là một trung tâm tập hợp những nhà Nho duy tân, truyền bá một khuynh hướng tư tưởng mới tập hợp những người yêu nước, hô hào làm công cuộc cải cách nhiều mặt để làm cho đất nước đi đến độc lập và phú cường. Đông Kinh nghĩa thục là bộ mặt công khai của một phong trào chính trị bí mật hoạt động trước đó ba bốn năm. Nó cũng là đỉnh cao của một trào lưu tư tưởng đã hình thành trước đó non chục năm.
Năm 1904, Phan Bội Châu, Nguyễn Hàm và các nhà yêu nước khác đã thành lập Tân Đảng. Tân Đảng đã cử Phan Bội Châu sang Nhật cầu viện. Tiếp theo Phan Bội Châu, Cường Để, Nguyễn Thượng Hiền và cả Phan Châu Trinh cũng đã sang Nhật tìm đường cứu nước. Nhiều lớp thanh thiếu niên khắp nước đã đi theo gót chân của các bậc đàn anh đó, gây thành phong trào Đông du sôi nổi. Phong trào cứu nước bằng con đường du học đó đã khác hẳn với phong trào cứu nước bằng khởi nghĩa Cần Vương cuối thế kỷ trước. Gây nên sự đổi thay như vậy là luồng tư tưởng theo tân thư, tân văn - sách mới, báo mới - từ Trung Quốc tràn vào.