Trước Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) tới đây, các thỏa thuận khu vực liên quan Biển Đông hiện được bàn đến trong xu hướng đối phó sức ép gia tăng của Trung Quốc.
Thỏa thuận Việt - Philippines được xem là cố gắng hợp tác để kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông |
Nhà báo Roberto Tofani, trên báo mạng Asia Times hôm nay, nhận xét trước Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ở Bali giữa tháng 11 này, Philippines và Việt Nam đã ra thông điệp chung "phủ đầu": họ không nhượng bộ trước Trung Quốc về Biển Đông.
Tác giả nhắc đến thỏa thuận vừa ký hôm 27/10 giữa Tổng thống Benigno Aquino và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang ở Manila.
Trước thỏa thuận này là một loạt các hoạt động ngoại giao của hai nước.
Nỗ lực ngoại giao
Các nỗ lực ngoại giao gần đây có thể tính từ Diễn đàn Khu vực Asean 18 tháng Bảy năm nay, khi Trung Quốc và Asean ký vào bản hướng dẫn thực thi Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông 2002 (DOC).
Văn bản này có nhiều phản ứng trái ngược. Philippines cho rằng nó không đủ để làm giảm căng thẳng, trong khi Việt Nam "nêu bật sự hợp tác với nước chủ nhà hội nghị, Indonesia, và nói về 'thành công' của diễn đàn đa phương."
Ông Đông Hiểu Linh, đại sứ Trung Quốc ở Asean, nhấn mạnh tổ chức này không phải là một bên của tranh chấp "vì thế một văn bản do hai phía đạt được không thể giải quyết tranh chấp". Ông này nhấn mạnh vấn đề chỉ có thể giải quyết thông qua "nền tảng song phương".
Nhà báo Roberto Tofani phân tích giữa luồng quan điểm trái ngược, Tổng thống Philippines đã thăm Bắc Kinh đầu tháng Chín, đem về thỏa thuận hứa "tiếp cận cuộc tranh chấp thông qua đối thoại hòa bình".
Dường như thiếu tin tưởng vào ngôn từ này, ngày 27/09 tại Tokyo, Tổng thống Aquino lại ký thỏa thuận củng cố quan hệ hải quân với Nhật, cũng nhân danh duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Một ngày sau đó, giới chức quốc phòng Nhật và Asean có cuộc họp gây chú ý về hợp tác và tham vấn ở Biển Đông. Thứ trưởng quốc phòng Nhật Kimito Nakae nói sau cuộc gặp rằng quan hệ giữa nước ông và khối Asean "đã trưởng thành từ đối thoại sang quan hệ mà Nhật đóng vai trò hợp tác cụ thể hơn".
Báo chí khi đó cũng dẫn lời ông này nói căng thẳng ở Biển Đông sẽ cần thêm hợp tác từ Mỹ và Ấn Độ.
Như thể được mở lời, Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang, vào hôm 12/10, gặp Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và ký thỏa thuận khai thác dầu giữa ONGC Videsh của Ấn và PetroVietanm - một thỏa thuận bị Trung Quốc phản đối.
Tác giả Tofani ghi nhận thỏa thuận năng lượng Việt - Ấn ký một ngày sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Bắc Kinh, và cũng đem về một tuyên bố nhằm kiềm chế căng thẳng ở Biển Đông.
Cuối tháng Mười, Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh lại đến Nhật ký với người tương nhiệm của Nhật một biên bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng.
Nhà báo Tofani, dẫn lời một nguồn tin trong Đảng Cộng sản Việt Nam, nói rằng chính sách ngoại giao của Việt Nam một mặt "muốn làm bạn với tất cả các nước", nhưng mặt khác cũng thể hiện chia rẽ nội bộ bên trong Đảng và chính phủ.
Nguồn tin này bình phẩm thêm rằng ông Nguyễn Phú Trọng được xem là thân Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thân phương Tây hơn và "muốn cải thiện quan hệ và hợp tác chiến lược với Mỹ", còn ông Trương Tấn Sang được xem là "giữ cân bằng quyền lực và những bước đi gần đây chứng tỏ ông cũng đang ngả theo phương Tây".
Phản ứng của Mỹ
Ít nhất về mặt ngôn từ, Mỹ đang đáp lại những kêu gọi chiến lược.
Trong chuyến thăm châu Á lần đầu tiên, tân bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta tái khẳng định vai trò của nước ông ở châu Á.
Bài tiểu luận gây chú ý trên tạp chí Foreign Policy của Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng nhắc lại rằng trong thập kỷ tới, châu Á - Thái Bình Dương sẽ là trung tâm trong chính sách của Washington.
Khi Tổng thống Barack Obama đến Balil cho hội nghị Đông Á ngày 19/11, dự kiến ông sẽ có những tuyên bố tương tự.
Nhà báo Tofani kết luận thỏa thuận song phương giữa Philippines và Việt Nam, những cam kết chiến lược và thương mại mới của Nhật và Ấn Độ, sẽ có thể làm các nước Asean có tranh chấp ở Biển Đông cứng rắn hơn.
"Nhưng bất kỳ dấu hiệu nào là Mỹ đang chỉ huy các liên minh song phương trong Asean, cộng thêm sự tham dự của Nhật và Ấn Độ nhằm kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc cũng sẽ có nguy cơ tạo ra căng thẳng, mà khi đó các đồng minh Asean sẽ mong chờ Washington phản ứng mạnh không kém."
Vai trò Ấn Độ
Tiếp tục chủ đề cạnh tranh quyền lực trong khu vực, chuyên gia quốc phòng Harsh V. Pant của trường King's College, London nhận xét "chính trị đại cường trong khu vực chỉ mới vừa bắt đầu".
Viết trên tạp chí YaleGlobal hôm 28/10, ông này ghi nhận việc lãnh đạo hai nước láng giềng của Trung Quốc, Miến Điện và Việt Nam, đều thăm Ấn Độ trong tháng 10.
"Đây là thời điểm đại hỗn loạn trên không gian chiến lược của châu Á, và Ấn Độ đang cố gắng chứng tỏ có vai trò với các nước trong vùng," tác giả bình luận.
"Cùng với sự trỗi dậy kinh tế và chính trị, Bắc Kinh bắt đầu ra lệnh cho các nước láng giềng về giới hạn trong cư xử, bộc lộ rõ phí tổn của chính trị đại cường."
"Hoa Kỳ và các đồng minh đã bắt đầu đánh giá lại chiến lược trong vùng, và một liên hiệp mơ hồ nhằm cân bằng với Trung Quốc đang hiện ra."
Tác giả cho rằng các nước nhỏ trong vùng nay tìm đến Ấn Độ như một thế lực cân bằng trước ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc và lo ngại Mỹ sẽ rút khỏi khu vực trong tương lai gần.
Ông cũng kêu gọi Ấn Độ cần phải "thuyết phục hơn để khẳng định mình là đối tác chiến lược có thể tin cậy trong vùng".
Lựa chọn khó cho Đông Nam Á
Chia sẻ quan điểm rằng châu Á nghi ngờ cam kết của Mỹ trong vùng và rằng khu vực này đang bước vào giai đoạn tranh đấu quyền lực mới, tác giả Vikram Nehru, từ tổ chức Carneige Endowment, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Tổng thống Obama có mặt ở Bali.
Đây sẽ là lần đầu tiên Mỹ (và Nga) có mặt ở hội nghị Đông Á, một diễn tiến mà ban đầu Trung Quốc phản đối nhưng được khối Asean khuyến khích.
Tác giả nói có nhiều lý do, cả về chính trị lẫn kinh tế, để Asean hoan nghênh việc Mỹ quan tâm châu Á nhiều hơn.
Nhưng đồng thời, Asean cũng nghi ngờ cam kết của Mỹ.
Ví dụ, Asean không hứng thú gì về dự luật của Thượng viện Mỹ có mục đích gây sức ép với Trung Quốc để nâng giá nhân dân tệ. Các nước cho rằng nếu nó trở thành luật, Đông Nam Á sẽ chịu thiệt hại kinh tế.
Những khó khăn tài chính của Mỹ, bế tắc chính trị ở Washington, và một tổng thống Obama bị trong nước chỉ trích, thật trái ngược với sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, sự chuyển giao quyền lực khá suôn sẻ cho năm 2012, và khả năng có hành động tập thể khi cần thiết tại Trung Quốc.
Ông Vikram Nehru nói tương lai kinh tế của Asean gắn kết với Trung Quốc, với dự định có khu vực thương mại tự do vào năm 2015 và xây dựng cơ sở hạ tầng giúp giao thương xuyên quốc gia mà trong đó Trung Quốc đóng vai trò chủ lực.
Nhưng mặt khác, nhiều nước trong Asean lo ngại về sức mạnh quân sự của Bắc Kinh, và sự có mặt của Mỹ trong vùng cũng sẽ giúp họ tương đối yên tâm.
Những diễn biến trái ngược này, theo tác giả, cho thấy Đông Nam Á "đang chuyển sang một sự cân bằng quyền lực mới trong khi điểm tựa lại chưa có".
Hội nghị Đông Á và hội nghị Apec tháng 11 năm nay sẽ là "cột mốc quan trọng trong con đường dài trước mặt," tác giả kết luận.