Bùi Quang Minh
“Phi trí bất hưng”, điều ấy gắn liền với “phi nông bất ổn”, “phi công bất phú”, “phi thương bất hoạt” là sự khẳng định của Lê Quý Đôn khi bàn về quy luật thịnh suy của một quốc gia. Thật ra, đây là một sự đúc kết của nhiều bậc thức giả trên thế giới mà Lê Quý Đôn, bộ óc uyên bác thuộc làu kinh sử, thông suốt cổ kim đã đặc biệt lưu ý nhằm đưa ra lời khuyến cáo với hậu thế. Xuyên suốt lịch sử dựng nước và giữ nước, triều đại nào biết quý trọng trí thức, quy tụ và phát huy được sức mạnh trí tuệ trong tầng lớp tinh hoa của dân tộc, triều đại ấy hưng thịnh. Ngược lại là suy vong. Chuyện ấy rõ mồn một.
Chẳng phải chỉ Lê Quý Đôn, trước đó ba thế kỷ, trong văn bia tiến sĩ đầu tiên khoa Nhâm Tuất (1442) dựng tại “Văn Miếu” do Thân Nhân Trung biên soạn đã đưa ra một thông điệp thật thâm thúy : “…Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết…”. Thông điệp ấy được xem như một lời răn dạy nghiêm cẩn của ông cha ta trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước!