Mai Khắc Ứng
Một buổi chiều cuối năm 1962, sau hồi kẻng “thu không” khoảng 15, tôi theo thầy Trần Quốc Vượng ra khỏi lớp. Lúc đó, mấy lối đi về phía nhà ăn của Ký túc xá Láng học trò trường Trung học Trung Hoa và sinh viên Khoa Xã hội trường Đại học Tổng hợp đã gõ đũa vào bát lanh canh.
Là một học sinh xuất thân từ trường Bổ túc Văn hoá Công Nông Nghệ An, vì trường ở Cổng Chốt cháy phải ra Đông Triều rồi vào Đại học, tôi có tuổi đờì xấp xỉ tuổi thầy, nên tình thầy trò cũng là tình anh em. Thân thiện và cởi mở đã tạo cho tôi nhiều cơ hội gần gũi các thầy.
Đi dọc hành lang từ lớp ra đường trục, thầy Vượng đảo mắt rất nhanh rồi khe khẽ nhắc tôi: “Hãy tìm cuốn Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim mà đọc”. Lời căn dặn dè dặt chỉ đủ cho tôi nghe nhưng sao mà ấm áp vậy. Việt Nam Sử Lược như một dòng sữa ngọt rót vào tâm hồn tôi từ buổi chiều đáng nhớ đó.
“Thánh nhân đãi khù khờ”. Thầy Đặng Huy Vận đã lôi dưới đáy rương ra cho tôi mượn cuốn sách mà thầy Vượng khuyên tìm đọc. Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim thời đó là sách cấm. Phòng đọc hạn chế của Thư viện Quốc gia ở số 31 đường Trường Thi cũng không ló ra.