Sau 5 ngày hội nghị tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, kết thúc hồi tuần trước (13/05/2011), các nhà lãnh đạo nhóm 48 nước có mức thu nhập bình quân thấp nhất thế giới phối hợp với các nhà tài trợ đưa ra một chương trình hành động nhiều cao vọng. Đó là nỗ lực tài trợ cho 900 triệu dân có mức thu nhập dưới 745 đôla/năm sớm thoát ra cảnh nghèo khó vào năm 2020, tức là vào thời điểm hội nghị PMA lần tới.
Để thực hiện mục tiêu này, Chương trình hành động tập trung vào «
nâng cao khả năng sản xuất, giảm nạn đói,cải tiến hệ thống cung cấp nước sạch ». Các quốc gia tài trợ một lần nữa cam kết sẽ dành từ 0,15% đến 0,20% GDP để chi viện cho nhóm PMA.
Tuy nhiên qua nhiều hội nghị, các lời hứa này không bao giờ được thực hiện.
Theo ông Louis Michel, nghị viên châu Âu và cũng là cựu Ủy viên châu Âu về phát triển, các quốc gia giàu hay lấy lý do nầy lý do nọ để không tháo khoán. Do vậy, hội đồng cố vấn do Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lập ra, trong đó có nghị viên Louis Michel, đề nghị không viện trợ theo dự án như chủ trương cố hữu, mà viện trợ qua ngân sách.Tiền viện trợ tập trung cải thiện khả năng lãnh đạo của chính quyền địa phương, cho phép người dân tham gia xây dựng tương lai của chính họ.
Ý kiến này đã không được hội nghị tán đồng.
Từ khi Liên Hiệp Quốc đặt ra khái niệm PMA, các nước phát triển chậm nhất vào năm 1971, cho đến nay chỉ có ba nước nhỏ là Boswana, Cap-Verdas và Maldives, thoát khỏi tình trạng này.
Theo các chuyên gia Liên Hiệp Quốc, có nhiều hy vọng ba đảo quốc nhỏ Samoa, Tuvala và Vanuatu sẽ có khả năng vượt khỏi ngưỡng PMA trong năm năm tới đây.
Còn ba nước có dầu hỏa là Angola, Guinea Xích Đạo và Đông Timor, cùng với Bangladesh và Nepal có thể thực hiện được mục tiêu này vào năm 2020.
Trong khối Asean, ngoài Đông Timor và Miến Điện còn có hai nước Đông Dương là Lào và Cam Bốt chưa thấy lối ra.
Thông tín viên Phạm Phan từ Phnom Penh phác họa bức tranh kém phát triển của xứ Chùa Tháp. Đằng sau những đoàn xe hơi đắt tiền, những ngôi nhà cao tầng và biệt thự nguy nga, là hàng triệu dân lầm than chạy gạo từng bữa.