Thứ Tư, 13 tháng 4, 2011

Lý và Thế

HÀ THÚC MINH

Chỉ riêng chữ "thế" cũng đủ nhiều chuyện rồi, nói chi đến chữ "lý”. Ngày xưa, Archimede tuyên bố nếu có được điểm tựa thì ông nhấc cả quả đất lên cũng chẳng khó khăn gì. Điểm tựa tức là "thế", có "thế" trong tay chuyện gì mà không làm được. Có "thế" thì có lực, không có "thế" thì không có lực, không có thế lực thì chẳng làm được gì cả. Con cọp chỉ đáng sợ khi ở trên đất liền chớ còn chẳng may rớt xuống nước thì làm gì được ai. Người xưa nói nếu có thế mà chẳng may đạp phải đuôi con hổ cũng chẳng việc gì, nếu không có thế thì giẵm phải vỏ chuối cũng té lộn nhào. "Thế" quan trọng như vậy đó, cho nên đúng là:
"Thất thế hai xe đành bỏ phí.
Gặp thời một tốt cũng thành công"
            (Hồ Chí Minh).

Chính sách an dân thời Trần

 Mai Thị Thơm

"Việc nhân nghĩa cốt ở an dân" câu nói nổi tiếng của danh nhân Nguyễn Trãi thuở nào đã thể hiện một cách cụ thể mang đậm sắc thái Việt về chính sách trị dân của một chế độ xã hội. Để rồi cho đến ngày nay, cụm từ "an cư lạc nghiệp" như một hình thức diễn đạt chính sách an dân của nhà nước đối với dân chúng. Bởi dân chúng có an cư lạc nghiệp thì nhà nước mới giàu mạnh, xã hội mới công bằng, dân chủ, văn minh. Nhà Trần, một triều đại phong kiến thịnh trị cả về phương diện võ công lẫn văn nghiệp với những vị vua "Khoan nhân đại độ, có lượng đế vương, có thể sáng nghiệp truyền dòng, lập kỉ dựng cương, chế độ nhà Trần thực to lớn vậy" (vua Trần Thái Tông), "Trung hiếu nhân thứ, tôn hiền trọng đạo, cha khai sáng trước, con kế thừa sau, cơ nghiệp nhà Trần được bền vững vậy" (vua Trần Thánh Tông), "Nhân từ hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng sáng ngời thuở trước, thực là bậc vua hiền của nhà Trần" (vua Trần Nhân Tông), "Khéo biết kế thừa, cho nên thời cuộc đi tới thái bình, chính trị trở nên tốt đẹp, văn vật chế độ ngày càng thịnh vượng, cũng là bậc vua tốt của triều Trần" (vua Trần Anh Tông)(1)...; những vị tướng tài ba kiệt xuất như Trần Thủ Độ, Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão... bao phen đánh đuổi giặc Nguyên Mông hùng mạnh khát máu phương Bắc ra khỏi bờ cõi Đại Việt, dẹp tan sự quấy phá nhũng nhiễu của quân đội các nước Chiêm Thành, Lào phương Nam; những tác gia, thi nhân lỗi lạc ở những phương diện triết học, tư tưởng, văn học nghệ thuật... qua những áng thơ văn bất hủ hiện còn như Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Trương Hán Siêu, Trần Quang Triều... Quả thực là một thời kì "nhân tài nở rộ"(2)!