Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

Nhân vật và hành động ấn tượng 2011

Kỳ Duyên

Năm mới 2012 đã cận kề. Những chao đảo của kinh tế- xã hội năm cũ đang dần trở thành quá khứ. Những cái mới, dù rất yếu ớt, và còn lung bung, cũng đã bắt đầu manh nha, nảy nở. Bỗng nhớ tới những câu thơ xa xót của Nguyễn Duy khi ông "Nhìn từ xa...Tổ quốc": Có thể ta không tin ai đó/ Có thể không ai tin ta nữa/ Dù có sao vẫn tin ở con người.

Nhân vật ấn tượng: Hiện tượng Đinh La Thăng
Năm 2011, có một quan chức trong dàn Chính phủ mới, bỗng nổi lên với những phát ngôn và hành động đều khá quyết liệt, khiến báo chí, các trang mạng xã hội tốn không biết bao nhiêu giấy mực. Đến mức người ta khái quát nên thành hiện tượng.
Có cả lời khen và tiếng chê. Có cả thiện chí và ác ý. Có cả sự ủng hộ lẫn diễu cợt. Mặc. Ông vẫn sống và làm việc theo những gì ông cho là phải làm.

Phát ngôn Tuần Việt Nam cuối năm xin chọn ông là một nhân vật ấn tượng nhất năm này. Đó là Đinh La Thăng, Bộ trưởng Giao thông Vận tải.
Còn trẻ, (so với độ tuổi các thành viên Chính phủ lâu nay), từ doanh nghiệp dầu khí chuyển sang. Từng công tác ở Đoàn thanh niên, một lĩnh vực khiến con người ta thường "ăn sóng nói gió" và cả... "chém gió", những phát ngôn của Đinh La Thăng ngay sau nhậm chức, lập tức gây ấn tượng:
Là tư lệnh của ngành, phải cho tôi toàn quyền như vị tướng ra trận, được toàn quyền quyết chiến đấu hay không...
Nhưng những hành động của ông, còn ấn tượng hơn.
Rất nhanh, việc ban hành hàng loạt văn bản đề xuất các giải pháp tháo gỡ ùn tắc giao thông đô thị, gây choáng cho cả xã hội, cũng như đề nghị cán bộ ngành "chia ngọt xẻ bùi" với người dân khi vận động họ đi xe buýt, và đặc biệt nhất, yêu cầu cán bộ lãnh đạo không chơi golf, đã lùi sau, nhường chỗ cho hàng loạt hành động ấn tượng khác.
Đó là trảm một loạt tướng.
Mới bốn tháng sau ngày nhậm chức, người ta thống kê, ông đã trảm bẩy tướng và nhà thầu làm chậm tiến độ các dự án, công trình xây dựng.
Mở đầu, là Tổng chỉ huy công trình Dự án nhà ga sân bay Đà Nẵng, công trình đã khiến CT tỉnh Nguyễn Bá Thanh phẫn nộ và chua xót, từng gọi là nỗi nhục quốc thể. Không biết ông Đinh La Thăng có nỗi lo giống như nhiều quan chức khác không, rằng nếu cứ trảm liên tục, lấy đâu người làm việc? Chỉ biết, hai tháng sau, nhà ga sân bay Đà Nẵng hoàn thành tiến độ.
Nhưng nỗi lo đó xem ra thừa. Dân gian có câu tổng kết rất hay: Tre già, măng mọc. Lại có câu Cờ đến tay ai, người ấy phất. Nếu không dám nghĩ Tre hỏng thì măng mọc, để cứ loay hoay lo cho... tre, thì măng chẳng bao giờ mọc nổi. Vì thế lâu nay, nhiều tre có hỏng thì tre vẫn cứ ngồi...hiên ngang!
Ông Đinh La Thăng cũng rất công bằng, có trảm thì có khen.
Đến thời điểm này, có hai người lao động và một tập thể ông đã gửi thư khen. Đúng hơn, ông cảm ơn họ, những người bình thường đã làm những việc tốt đẹp trong thế gian vốn còn nhiều bất an. Một người đàn bà là nhân viên gác chắn, dũng cảm xông ra trước mũi tàu cứu một em bé.
Người kia, một người đàn ông ở TP Cần Thơ, suốt bốn năm liền tự nguyện vá những ổ gà, những vị trí đường hư hỏng. Và một tập thể- Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam, đã cứu sống toàn bộ 17 thuyền viên của tàu BV 3849 TS, về căn cứ Vũng Tàu an toàn.
Người xưa có câu: Đạo làm quan lấy chữ tín làm đầu.
Dường như, vị Bộ trưởng nay, đang gắng làm theo lời của người xưa!
Những hành động quyết liệt và kịp thời của ông, rõ ràng đã đem lại một động thái mới trong cái đời sống hiện đại, mà từ lâu, những quan chức "khôn" không làm vậy. Họ chọn cách đi an toàn. Hoặc dĩ hòa vi quý. Hoặc không làm gì, ngoài những phát ngôn rất kêu. Bởi đằng sau đó, là lá phiếu nhiệm kỳ. Là lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Là những bổng lộc có tên và không tên...
Nhưng họ quên rằng, nhân dân luôn nhìn vào việc làm, vào hành động để hiểu về những phát ngôn, về chữ tín nơi họ đang... cất kín. Vì thế, người nay lại có câu: Nói vậy, không phải vậy!
Đinh La Thăng khôn hay dại? Chỉ biết, nhìn dưới góc độ triết học, như ai đó đã nhận xét, hiện tượng Đinh La Thăng báo hiệu một xu thế mới tất yếu, thậm chí báo hiệu một thế hệ bộ trưởng mới nảy sinh, từ sự tích dồn của guồng máy cơ chế cũ vốn trì trệ và kém hiệu quả hàng chục năm nay.
Dầu vậy, không phải cứ làm tướng tư lệnh giao thông là ông được toàn quyền quyết chiến đấu như ông từng... ảo tưởng.
Vì tháo gỡ ách tắc giao thông đô thị không phụ thuộc vào ý chí riêng, vào toàn quyền của một Bộ trưởng Giao thông như ông, dù tràn đầy nhiệt huyết. Bức tranh giao thông đô thị Hà Nội, và TPHCM, là những sản phẩm "hỏng", là hệ lụy của tư duy manh mún, vụn vặt và cách quản lý kiểu nông dân của các ngành, chính quyền đô thị các thời tích tụ lại.
Từ quy hoạch, xây dựng- quản lý môi trường đô thị, đến quản lý dân số, nhập khẩu phương tiện giao thông. Đến ý thức tuân thủ pháp luật của người Việt trong một xã hội tiểu nông... mà văn hóa ứng xử nơi công cộng đang bị phá nát.
Giao thông hỏng, hay chính con người cũng rất cần được chạy chữa?
Nó đòi hỏi giải pháp tổng thể, đồng bộ và ý chí quyết liệt, cùng tư duy quản lý hiện đại, mang tầm chiến lược của cả hệ thống chính trị vào cuộc. Năm 2012 đã đến, cũng là năm được Nhà nước xác định- năm Giao thông!
Đó cũng là sự ưu tiên, hỗ trợ cho Bộ trưởng Đinh La Thăng cùng ngành GTVT.
Dư luận xã hội có tin ông thành công? Không ai, kể cả ông, có thể dám tự tin trả lời.
Nhưng giống như một tín đồ hành đạo, ông không thể rời bỏ con đường ...giao thông mình đã trót dấn thân. Biết đâu, sự hành xác trên con đường này, sẽ khiến ông ngộ ra rất nhiều điều, về số phận nhân dân.
Cũng không thể rời bỏ chữ tín của đạo làm quan.
Còn nhân dân, vẫn đang nhẫn nại và khốn khổ viết tiếp mặt đường khát vọng đó, thưa Bộ trưởng! (xin được mượn tên bài thơ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm)

Hành động ấn tượng: Tái cấu trúc kiểu...Việt Nam?
Nếu như Biển Đông là sự kiện ấn tượng nhất đầu năm 2011, thì tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), lại là hành động ấn tượng nhất của cuối năm.
Một cái kết tạm coi là "có hậu" của một năm kinh tế - xã hội Việt Nam có quá nhiều chao đảo và bất ổn, sau những trao đổi, tranh luận ồn ào, và cũng tốn không ít giấy mực của giới báo chí truyền thông.
Tái cấu trúc DNNN- là hệ quả tất yếu không thể khác, bởi những thất bát đắng cay, những hư hỏng tồi tệ của nhiều DNNN vốn được chiều chuộng, o bế, được trông cậy như con trưởng của nền kinh tế. Như trái với hy vọng là thất vọng. Trái với niềm tin là hoài nghi và rạn vỡ...
Đó là Vinashin, với con số thua lỗ, thất thoát gần 100 ngàn tỷ đồng. Là Tập đoàn Điện lực VN (EVN) thua lỗ 10.162 tỉ đồng (năm 2010), đang chờ được hạch toán vào giá điện cho... nhân dân  cùng "hưởng". Là Tổng Công ty xăng dầu (Petrolimex) báo lỗ 1800 tỷ đồng.  Và còn là những DNNN nào nữa đây...?
Điều rất đáng xấu hổ, số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê năm 2011 cho biết, hàng năm có khoảng 12% DNNN bị lỗ trong sản xuất kinh doanh, trong khi khu vực DN nói chung là 25%. Tuy nhiên, mức lỗ bình quân của một DNNN lại cao hơn 12 lần so với các doanh nghiệp khu vực khác (?)
Đáng xấu hổ nữa, nếu biết rằng, khu vực DNNN luôn được hưởng quá nhiều ưu đãi- chiếm tới 70% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn đầu tư Nhà nước, 60% tín dụng của các ngân hàng thương mại, 70% vốn ODA. Do thua lỗ (không ăn nên làm ra, lãng phí và tham nhũng), hiện anh con trưởng này nợ đầm đìa, đến 54,2 % của GDP - giá trị sản xuất toàn quốc năm 2010, nghĩa là chừng 60 tỷ đôla.
Dân gian hiện đại lại có câu: Con hư tại...bố. Chẳng sai chút nào!
Vắt tay lên trán, truy tìm nguyên nhân của đứa con hư, người ta đắng đót, bởi những gì đã... sẩy chân:
Thiếu hẳn lý luận về mô hình kinh tế thị trường theo định hướng XHCN đã đành, mà tư duy kinh tế ở ta, trong toàn bộ quá trình tổ chức, đầu tư, đến triển khai mô hình kinh doanh, vẫn mang rất đậm cách nghĩ và cơ chế quản lý bao cấp xin- cho thủ cựu thời nào, kiểu ông rút chân giò, bà thò chai rượu. Thất thoát ở đó, lợi ích nhóm ở đó, lãng phí ở đó, và thua lỗ tràn lan cũng ở đó!
Nhưng tái cấu trúc thế nào, và cần những điều kiện gì? Một câu hỏi không dễ trả lời
Theo các chuyên gia kinh tế, DNNN nên tách bạch rõ ràng hai vai: Mục đích kinh doanh, và trách nhiệm chính trị xã hội. Chứ gánh cả hai vai, dễ nhập nhằng tài năng và... đức độ lắm!
DNNN chỉ nên tập trung làm các lĩnh vực ngành nghề quan trọng có tính chất an ninh sống còn với lợi ích quốc gia, mà doanh nghiệp tư nhân không thể gánh. Thực hiện chương trình an sinh xã hội, đáp ứng các mục tiêu chiến lược quan trọng, và có ý nghĩa lớn nhất đối với tổng thể nền kinh tế.
Nhưng mặt tổ chức, DNNN cũng phải được cổ phần hóa, đổi mới hệ thống quản trị doanh nghiệp theo tiêu chí và mô hình kinh tế công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, chịu sự điều chỉnh chung của Bộ Luật Doanh nghiệp và các bộ luật khác, chứ không phải cứ là con trưởng, thì có quyền nằm trên luật. Như anh Vinashin chẳng hạn!
Việc quản trị của anh con trưởng này, cũng cần xác định rõ, ai là đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước. Người đại diện phải có năng lực, được trao quyền nhưng cũng phải chịu sự điều chỉnh của những quy định cùng chế tài chặt chẽ về trách nhiệm với nguồn lực đầu tư. Cơ chế quản lý và quản trị DNNN phải được "hợp chuẩn" theo quốc tế, bảo đảm sự minh bạch trong việc đầu tư và sử dụng vốn.
Một Ủy ban chuyên trách về tái cấu trúc DNNN, (giống như Ủy ban Cải cách Giáo dục Quốc gia trước đây) mới đủ tầm, đủ vị thế lãnh đạo, chỉ đạo công việc này, tránh tình trạng các Bộ vừa đá bóng vừa thổi còi.
Nhưng người viết lại thực tâm đắc với những trả lời báo chí của chuyên gia Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch InvestConsult Group khi ông cảnh báo "Cải cách DNNN: Đừng chủ quan và sơ sài" (VietNamNet, ngày 1/12/2011).
Vì cải cách DNNN là phải cải cách cả cách thức quản trị. Trong khi quản trị DNNN là hệ quả tự nhiên của thể chế. Người ta không thể quản trị một cách tự nhiên, một cách lành mạnh, nếu như môi trường vĩ mô không lành mạnh.
.... Nói cách khác, cải cách DNNN phải bắt đầu từ cải cách thể chế. Nếu không xác lập một không gian rõ ràng thì không có điều kiện cho bất kỳ một bài toán có tính chất vĩ mô nào cả.
Chợt nhớ tới ba bài học, mà từ sự dẫn dắt của một con người "bình thường", được cả thế gian thán phục như một huyền thoại- Lý Quang Diệu, quốc gia Singapore đã phát triển thần kỳ: Có một bộ máy hành chính tử tế. Nguồn nhân lực có chuyên môn cao. Hệ thống hạ tầng thông suốt.
Để nhìn lại nền hành chính của chúng ta. Nền giáo dục của chúng ta. Hệ thống hạ tầng giao thông của chúng ta.
Và không khỏi chạnh lòng...
Nhưng năm mới 2012 đã cận kề. Những chao đảo của kinh tế- xã hội năm cũ đang dần trở thành quá khứ. Những cái mới, dù rất yếu ớt, và còn lung bung, cũng đã bắt đầu manh nha, nảy nở.
Bỗng nhớ tới những câu thơ xa xót của Nguyễn Duy khi ông "Nhìn từ xa...Tổ quốc": Có thể ta không tin ai đó/ Có thể không ai tin ta nữa/ Dù có sao vẫn tin ở con người.
Dù có sao, vẫn phải tin ở con người.

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/