Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

Gặp cô bạn 9X làm triệu trái tim VN rơi lệ

- Tất cả các phóng viên và những người chứng kiến buổi thi đấu ngày hôm đó ở Palembang, Indonesia đã bật khóc khi chứng kiến sự quả cảm của Nguyễn Thị Phương. Với tất cả, đôi bàn tay cố vươn chạm về đích ấy, tấm HCB ấy của em còn quý hơn vàng.

Tấm HCB cự ly chạy vượt rào 3000m mà Nguyễn Thị Phương giành được ở Đại hội thể thao Đông Nam Á (Sea Games 26) vừa diễn ra ở Indonesia hồi tháng 11 đã khiến cả dân tộc rưng rưng nước mắt.

PHẦN THI ĐẤU ĐẦY NGHỊ LỰC CỦA NGUYỄN THỊ PHƯƠNG TẠI SEA GAMES 26 (Nguồn clip: VTC News)

Vừa qua trong lễ trao giải cho VĐV xuất sắc tại SeaGames, cùng với VĐV vật Lương Thị Quyên (cũng người Thanh Hóa), Phương được trao giải Tinh thần VN. Đó là những ghi nhận của nước nhà trước nghị lực phi thường của em.

Cô gái “xấu xí” sống  tình cảm

Cơn mưa lạnh ở Palembang đã khiến cô gái xứ Thanh gục ngã vì kiệt sức khi cách đích chỉ tầm 2m nữa. Tất cả đã nghĩ em không thể đứng lên, chạy tiếp vậy mà “không hiểu vì sao em có thể vươn tay chạm đích nữa” (lời của chính em tâm sự sau đó).
Cú ngã quỵ ấy khiến em chỉ dành được HCB nhưng với tôi và nhiều người nó còn quý hơn vàng bởi tinh thần quả cảm của em. Tỉnh dậy trên giường bệnh, nhìn người thầy (HLV Nguyễn Văn Hùng) bên cạnh, Phương chỉ muốn bật khóc vì thấy mình còn non kinh nghiệm và tiếc nuối vì không giành được tấm HCV cho điền kinh nước nhà.
Hỏi Phương “sức mạnh nào giúp em cố đưa bàn tay nhỏ về đích”, em chỉ nhỏ nhẹ “ngã không có nghĩa là thất bại, bỏ cuộc lại càng là điều nhục nhã”.
Và nếu không có tinh thần “không bỏ cuộc” ấy thì cô gái 21 tuổi xứ Thanh có lẽ đã quyết định rời xa đường chạy từ lâu. Cách đây 5 năm, Phương bị chấn thương ở đầu gối phải mất 3 tháng sau mới hồi phục, thành tích thì chưa có “em nản lắm, bạn bè nhiều người bị cùng vào một đợt luyện tập bị loại lại càng làm em muốn từ bỏ”.
Nhờ những động viên chân tình của người thầy đã vực cô gái nhỏ đứng dậy để sau đó người ta thấy một Nguyễn Thị Phương thật mạnh mẽ trên đường chạy.

Nguyễn Thị Phương: "Với em, ngã không có nghĩa là thất bại".
21 tuổi nhưng Phương già hơn nhiều so với cái tuổi thực của mình. Phương thì thật thà “em xấu. Đây, da mặt của em bong, hỏng hết rồi. Em cũng không dùng mỹ phẩm vì sợ tập suốt ngoài trời nắng, mưa có khi phản tác dụng”.
Cuộc sống với Phương từ nhỏ đã là những tháng ngày vất vả. Em là con thứ 5 trong gia đình 6 anh em, cuộc sống quanh năm vất vả vì chỉ trông vào hơn mẫu ruộng của nhà. Năm lên 7 thì mẹ mất, bố Phương đi bước nữa với người dì còn trẻ.
Bố vì đàn con nheo nhóc nên dù muốn cũng không thể quan tâm tới tất cả các con. Phương hiểu cho bố, thông cảm cho cả dì vì khoảng cách tuổi tác khó gần nên dành nhiều tình yêu thương cho em trai nhỏ, 7 tuổi (là con của dì và bố). Phương dành dùm từng đồng tiền dù ít ỏi có được qua các cuộc thi đấu để sắm sửa cho bố mẹ ít đồ đạc trong nhà, mua cho em trai cái áo, đồng quà.

Khổ luyện và thành công

Từ thi đấu cấp trường năm lớp 8, lên đến đội tuyển năng khiếu của tỉnh, bắt đầu từ năm 2005, Phương bắt đầu có thành tích ở cấp quốc gia.
Thành công bao giờ cũng đi liền với sự khổ luyện, vất vả. Khi còn chạy marathon, một tuần có khi Phương và các bạn phải chạy đến 250km. Vào mùa đông, trời rết căm căm, nhiều hôm chạy 42km về người lạnh ngắt vì vừa mất nước, mất muối, mất nhiệt.
Rồi có thời gian trung tâm không có nước nóng để tắm, tắm xong chỉ thấy lạnh run, người đã mệt lại càng mệt hơn. Đói mà chẳng ăn nổi, người đau nhức. Nhiều hôm những cô gái chỉ biết ngồi ôm nhau mà khóc.
Mùa hè thì trời nắng rát mặt vẫn phải lao xuống đường chạy. Sau những buổi tập chạy là tập tạ đến đau hết các bắp chân, bắp tay. Cổ thì xướt xát hết vì bị tạ cọ vào.
Sau quan sát thấy em có thế mạnh hơn về tốc độ, HLV chuyển em sang nội dung ngắn 3000m vượt chướng ngại vật. Thời gian chạy được rút ngắn nhưng bài tập nặng dần lên lên.
Năm 2007, Phương có HCĐ giải vô địch quốc gia; 2008 có HCV rồi sau đó năm 2009 vô địch quốc gia ở nội dung 3000m vượt rào. Từ đó cho đến nay Phương liên tục được huy chương vàng ở nội dung này. Hồi tháng 7 vừa qua em được đi thi giải vô địch châu Á ở Nhật Bản.
Đạt HCB trên đường chạy 3000m vượt rào tại Sea Games 26 với thời gian 10 phút 04, Phương đặt mục tiêu cho bản thân là phải rút ngắn thời gian xuống còn dưới 10 phút. Nói về ước mơ sau này, Phương chia sẻ: “Em mong sau có thể làm HLV dạy điền kinh, tiếp tục bám nghề, dạy cho các em lứa sau. Từ trước tới nay em chưa nghĩ đến làm gì ngoài điền kinh cả”.  
 
Văn Chung