Nhà văn Đào Hiếu
Viết cho BBCVietnamese.com từ Sài Gòn
Sau khi bài “Hội chứng khóc lóc ở Bắc Hàn” của tôi được phổ biến trên trang web BBC, tôi đã nhận được gần 100 comments từ trang blog LỀ TRÁI của tôi và từ Facebook của BBC. Dù được khen hay bị chê, tác giả cũng rất cám ơn sự quan tâm của quý độc giả.
Trước hết, tôi viết bài “Hội chứng khóc lóc ở Bắc Hàn” là vì lòng yêu mến và thương cảm nhân dân Bắc Triều Tiên, một dân tộc mà tôi luôn muốn được chia sẻ những bất hạnh mà họ đang phải gánh chịu.
Trong bài “Hội Chứng Khóc Lóc ở Bắc Hàn” tôi có viết:
“Triều Tiên là một dân tộc anh hùng. Trong thế chiến thứ 2 họ đã đánh đuổi đế quốc Nhật, trong hòa bình họ đã xây dựng một Hàn Quốc giàu mạnh, văn minh và hiện đại, không hề thua kém các nước châu Âu, được xếp thứ 15 trên thế giới. Dân tộc ấy đã sản sinh ra những tên tuổi lớn trong điện ảnh và ca nhạc như: Han Ga In, Jang Dong Gun, Bi Rain, Song Hye Kyo, và trong bóng đá như Jong Tae-Se (Bắc Triều Tiên), Park Ji Sung (Hàn Quốc)… Vì đâu mà một dân tộc ưu việt như thế lại phải lâm vào thảm cảnh như hiện nay? Vì đâu mà họ phải khóc lóc thảm thương như vậy?“
Đã có không ít độc giả đồng thuận với những suy nghĩ ấy của tôi qua những trích đoạn comments sau đây:
Lâm Sung: Bài này nói lên nỗi đau quặn thắt của một con người có ý thức khi chứng kiến cảnh đồng loại bị biến thành những sinh vật chỉ biết trung thành vô điều kiện, sống không ra người.
ĐVL: Bác Đào Hiếu chỉ đưa ra một vài ẩn dụ, thế là những thứ tưởng chừng rất phức tạp bỗng trở nên rõ như ban ngày.
NTT: Mấy bữa nay tôi cứ bần thần về sự khóc của người dân Triều Tiên, hôm nay bác Hiếu viết bài này như nói hộ lòng tôi, thật là dễ sợ…
Trần Anh Đức: … Bắc Hàn sống dưới triều của cha con họ Kim, Đào Hiếu muốn nói là khổ như kiếp của loài chó, chứ không phải chửi bới gì cả.
Phầm Phập: … Việc đưa ra so sánh chẳng qua chỉ phục vụ ý đồ của bài, không thể nói là hạ thấp cả một dân tộc được.
Nhưng cũng có bạn, có lẽ do không đọc kỹ, nên đã hiểu lầm ý của tác giả:
Anh Duy: Ông lấy tư cách gì mà so sánh cả dân tộc như thế? Đó là chưa kể ông hành hạ động vật, đánh một chú chó đến què chân. Đã không biết ngượng mà còn khoe ra trong bài. Nhân cách ông đẹp lắm!
Còn một nhóm độc giả khác, có lẽ là các vị đã lớn tuổi, từng sống ở miền Bắc Việt Nam từ thập niên 1960. Các vị này đã nhìn cái “hội chứng khóc lóc” ở một góc độ khác:
TC Bình: Ở những quốc gia loại này thì sự giả dối đã thống trị tuyệt đối trong cách hành xử của mọi tầng lớp xã hội. Mọi người muốn tồn tại phải dối trá, ai nói và làm theo sự thật sẽ bị trù dập, bắt bớ, tù đày. Mãi rồi thành quen, sự giả dối bao trùm tất cả và chả ai coi đó là quan trọng. Giả khóc, giả cười, giả ca tụng, giả lên án, giả đạo đức, giả nghèo, giả khổ…
Hồ Đan: Đây chỉ là các màn kịch mà nếu diễn không khéo thì khi về đến làng xóm sẽ mang họa, có khi đi tù vì sẽ bị đấu tố “chủ tịch chết sao mi không khóc”. Ông Đào Hiếu không ở miền Bắc năm 69 nên không biết.
Có nhóm độc giả khác lại có cái nhìn “tổng hợp” hơn:
NQVINH: “TC Bình” và “Hồ Đan” nói cũng có ý đúng: có những người chán ghét nhưng vẫn buộc phải ra vẻ tiếc thương. Nhưng cũng rất nhiều kẻ trung thành thực sự. … ĐẶC BIỆT GIỚI TRẺ MÀ KHÓC THÌ HẦU HẾT LÀ THẬT. Chúng chưa đủ khả năng để đóng kịch như thật. Ở một nơi như Triều Tiên thì cha mẹ nếu không tin lãnh tụ cũng không dám nói cho con cái nghi ngờ theo.
Cuối cùng có một cái comment tuy rất ngắn nhưng dí dỏm lạ lùng:
Trùm Núp Lùm: Bây giờ mình mới hiểu được câu “sướng đến phát khóc”.
Bạn hiểu cái comment này như thế nào? Còn tôi thì tôi cho rằng đồng chí Trùm Núp Lùm muốn nói: khi Ông Kim Jong-il chết, dân Bắc Hàn đã khóc vì “sướng quá”!
Nhưng trên đây chỉ là những “giao lưu” thân mật giữa tác giả và độc giả. Tác giả vẫn còn muốn gởi gắm thêm vài điều tâm sự.
Chế độ Bắc Triều Tiên từ hơn 60 năm qua đã coi thường nhân dân, khinh miệt họ, coi họ là tôi tớ, là lũ con nít bảo sao nghe vậy. Đó không chỉ là vi phạm nhân quyền mà còn là sự man rợ. Ấy vậy mà sau khi Kim Jong-il chết đi, họ còn tiếp tục tạo ra hàng loạt Những trò đồng bóng để tiếp tục mị dân:
"Chế độ Bắc Triều Tiên từ hơn 60 năm qua đã coi thường nhân dân, khinh miệt họ, coi họ là tôi tớ, là lũ con nít bảo sao nghe vậy. Đó không chỉ là vi phạm nhân quyền mà còn là sự man rợ."
“KCNA, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên cho biết, bầu trời phía trên ngọn núi thiêng Paektu chuyển sang màu đỏ chỉ vài phút trước khi Chủ tịch Kim từ trần. Người dân Triều Tiên tin rằng ông Kim chào đời trên núi Paektu" (mặc dù ông ta sinh ở Nga!)
"Vào buổi sáng hôm 17/12 - ngày mất của ông Kim - băng trên núi lửa Hồ-Chon gần núi Paektu nứt toác kèm theo tiếng nổ lớn "đến kinh động cả đất trời". Một trận bão tuyết, có từ hôm ông Kim qua đời, đã bất ngờ tạnh vào sáng hôm sau, và vầng ánh sáng trên núi thiêng Paektu hiện ra."
"Khi chủ tịch Kim mất, dòng chữ "Paektu, ngọn núi thiêng của cách mạng. Kim Jong-il" mà nhà lãnh đạo Triều Tiên từng viết trên một phiến đá phát sáng suốt một ngày.
Ở nước ta, khi Nguyễn Trãi phò Lê Lợi kháng chiến chống giặc Minh, ông cũng đã tạo ra một huyền thoại: Ông cho người lên rừng dùng mỡ heo viết trên hàng ngàn chiếc lá cây câu: “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần”.
Những chữ mỡ heo này bị kiến ăn, đục thủng lá. Lá chết, rụng xuống, trôi theo dòng nước. Dân làng nhặt được, nhìn thấy câu “Lê Lợi vi quân Nguyễn Trãi vi thần” thì nghĩ rằng đó là “ý Trời” và họ hết lòng ủng hộ cuộc kháng chiến. Lê Lợi đánh thắng quân Minh một phần cũng là nhờ “huyền thoại” ấy.
Tất nhiên chuyện đó chỉ là truyền thuyết, nhưng nó đẹp, nó cao quý vì nó vì đất nước, vì nhân dân. Còn những chuyện tào lao nhảm nhí ở Bắc Triều Tiên chỉ nhằm phục vụ cho gia tộc họ Kim nhằm bần cùng hóa nhân dân trong hơn nửa thế kỷ nay. Đó là điều tàn ác, phi nhân và trơ trẽn.
"Người góp chợ"
Hồi còn nhỏ, ở làng tôi có một “chức sắc” gọi là “người góp chợ”. Ông ta là một gã đàn ông trung niên khỏe mạnh có râu quai nón, tướng tá như một hảo hán Lương Sơn Bạc. Nhưng ông ta lại làm nghề “góp chợ”.
Công việc của người góp chợ là mỗi sáng khoảng chín giờ, ông ta xách một cái túi vải ra chợ, đi rảo một vòng, sau đó ông ta ghé thăm từng gian hàng một. Gặp bà bán cá ông nói: “Nộp ba chục ngàn.” Gặp bà bán thịt ông nói: “Nộp năm chục ngàn.” Vô cửa hàng tạp hóa ông ra lệnh: ‘Đóng cho tôi một trăm ngàn.” Tới sạp bán rau quả ông bảo: “Nộp sáu chục ngàn,” v.v…. Ông không bỏ sót gian hàng nào. Ông là “viên chức” nhà nước. Nhà nước khoán cho ông mỗi tháng nộp bao nhiêu tiền, ông phải nộp đủ. Số dư sẽ là của ông, ông dùng tiền dư ấy tiêu pha trong gia đình, ăn nhậu, đánh bạc…
Những người tiểu thương ai cũng sợ ông, ai cũng oán hận ông. Có người chửi sau lưng, có người chửi thẳng vào mặt. Họ gọi ông là “cái thằng góp chợ” nhưng ông cóc cần. Ông muốn ra lệnh “nộp” bao nhiêu là tùy ý ông, chẳng có quy định gì, chẳng có luật lệ gì.
Tôi nghĩ các chính quyền độc tài, lạc hậu trên thế giới cũng giống như những “thằng góp chợ”.
Họ chỉ làm cái công việc trung gian bắt thiên hạ nộp thuế, gom số tiền khổng lồ của cả một dân tộc lại và gọi bằng một cái tên rất hoa mỹ là “ngân sách”.
Họ muốn chi cho ai bao nhiêu thì chi. Ông bộ trưởng bao nhiêu, giám đốc bao nhiêu, trưởng phòng bao nhiêu, nhân viên bao nhiêu, bác sĩ bao nhiêu, giáo viên bao nhiêu…??? Mọi người phải nghe họ vì nếu không nghe thì họ “cúp lương”, mất nồi gạo, gia đình đói khổ…
Họ ăn những bữa tiệc sang trọng và chia cho dân những vụn bánh mì. Rồi khi có chiến tranh thì họ đẩy nhân dân vào bom đạn. Và khi họ lâm bệnh qua đời thì nhân dân phải khóc than thảm thiết còn hơn bố mình chết!
Thế đấy! Có buồn cười không hỡi trời!