Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

Ông Nguyễn Cao Kỳ vẫn gây tranh cãi sau khi ra đi

Thứ Bảy 23 tháng 7 vừa rồi, Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, Cựu Phó Tổng Thống Việt Nam Cộng hòa, đã qua đời tại Kuala Lumpur, Malaysia, hưởng thọ 81 tuổi. Phóng viên của AP mô tả ông là một trong những nhà lãnh đạo “nhiều màu sắc” nhất của thời chiến tranh Việt Nam. Từng là Tư Lệnh không quân được coi như một người hùng, vào lúc cuối đời ông bị một số chiến hữu trong binh chủng của chính ông xa lánh và chỉ trích. Câu Chuyện Việt Nam do Hoài Hương phụ trách tuần này xin được dành để bàn về những di sản do cựu Thủ Tướng Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Cao Kỳ để lại. 
Cựu Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ
Cựu Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ
Trong bối cảnh cuộc chiến Việt Nam cho tới nay vẫn là một đề tài nhạy cảm đối với rất nhiều người Mỹ, sự ra đi của Tướng Nguyễn Cao Kỳ đã được hầu hết các hãng tin quốc tế tường thuật. Các bài báo nhắc lại những chi tiết trong cuộc đời thăng trầm của ông, từ một tướng phi công trẻ, nhờ thời cuộc đã leo tới đỉnh cao danh vọng, chiếm chiếc ghế Thủ Tướng Việt Nam Cộng hòa vào năm mới lên 35 tuổi, để rồi trở thành một người tỵ nạn sống cuộc đời lưu lạc nơi xứ lạ. Thời gian hầu như nắm toàn quyền tại miền Nam Việt Nam, từ năm 1965 tới năm 1967, Tướng Nguyễn Cao Kỳ và phu nhân Đặng Tuyết Mai được coi là đôi trài tài gái sắc, thường xuất hiện trong bộ đồ bay màu đen, choàng khăn tím, ngự trị trên một Sài Gòn hoa lệ.

Một cựu phi công không lực Việt Nam Cộng hòa hoài niệm về Tướng Tư Lệnh Không Quân Nguyễn Cao Kỳ như sau.

Ông Hiến: “Khi ông làm Thủ Tướng của Việt Nam, tức là Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương thì lúc đó tôi chỉ mới là một sinh viên trường luật. Phải nói rằng tôi rất thích, rất thích ông ấy lúc đó, một người mặc đồ bay, ăn nói bộc trực, có thể nói là thẳng thắn, lúc bấy giờ tôi chưa có ý thức chính trị gì mấy.”

Ông Định: “Trong quân chủng không quân thì có nhiều câu chuyện, nhiều giai thoại về ông Tư lệnh cũ của chúng tôi, thì cũng có những điều tốt, nhưng cũng có cái xấu, nhưng đối với tụi tôi, thì tôi cho rằng chết là hết, thành ra quá khứ có điều gì đó không hay thì là quan niệm riêng của mỗi người...Còn khi ông trở về Việt Nam tiếp xúc với chính quyền Hà nội, thì phía cộng đồng người Việt bên Mỹ, hầu như không có ai hài lòng.”

Đó là những phản ứng tiêu biểu, lẫn lộn của một số cựu chiến hữu trong quân chủng không quân của ông Nguyễn Cao Kỳ, khi được tin ông qua đời.

Giáo sư Tạ Văn Tài, một chuyên gia về pháp luật Việt Nam và là nhà nghiên cứu cho trường Đại học Luật Harvard, có nhận định sau đây về những di sản mà Thiếu Tướng Kỳ để lại.

Giáo sư Tạ Văn Tài: “Khi ông là Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương, ông Nguyễn cao Kỳ có những hành động của một chính phủ mạnh, được Mỹ hỗ trợ tối đa qua sự hiện diện của quân đội Mỹ lên tới mấy trăm ngàn quân dưới quyền chỉ huy của Tướng Westmoreland, vốn có cảm tình với ông Kỳ. Hành động mạnh mẽ của chế độ quân nhân 1965-67 có thể là một trong những điểm son của thời kỳ mà ông Nguyễn Cao Kỳ cho là thành công của chế độ miền Nam, chống cộng mạnh và quyết liệt.”

Giáo sư Tài nói rằng một điểm thấp dưới thời cầm quyền của Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ là vụ xử bắn một doanh gia người Việt gốc Hoa.

Giáo sư Tạ Văn Tài: “Vụ ông Kỳ xử bắn Tạ Vinh để trừng trị người Việt gốc Hoa về tội thao túng kinh tế, hơi có vẻ độc tài quân phiệt. Đó là một hành động quá đáng, không khôn khéo của người lãnh đạo chế độ quân nhân. Hồi đó tôi làm một luận án tiến sĩ về vai trò của quân đội tại các nước Đông Nam Á, một người trong ủy ban cố vấn của hội đồng quân lực có đưa cho Tướng Phạm xuân Chiểu để cho người dịch, để có thể rút ra bài học từ các nước Đông Nam Á, nhưng mà rốt cuộc chẳng có ai dịch cả! Vụ bắn Tạ Vinh đã làm mích lòng người Việt gốc Hoa, làm cho kinh tế không thể nào có sự cộng tác của người Việt gốc Hoa lúc đó.”

Suốt cuộc đời ông, cả thời huy hoàng đã qua, trên bước đường tỵ nạn, cho tới lúc vĩnh viễn ra đi, Tướng Nguyễn Cao Kỳ vẫn là đề tài thu hút sự chú ý và gây nhiều tranh cãi trong các cộng đồng người Việt khắp nơi.

Việc Tướng Kỳ lái máy bay trực thăng ra tàu Blue Ridge của Hoa Kỳ để di tản sang Mỹ vào giờ thứ 25 của cuộc chiến, đã khiến nhiều người cảm thấy bị phản bội.

Ông Hiến: “Ngày 29 tháng Tư, ông ấy tuyên bố rằng ông ấy sẽ ở lại để chiến đấu tới phút cuối cùng, nhưng cuối cùng như chị đã biết rồi đó, ông đã lên hạm đội số 7 để đi Mỹ. Lúc đó thì trách thì tôi chưa trách, nhưng mà buồn, rất buồn.”

Giáo sư Tạ Văn Tài: “Ông tuyên bố ông sẽ ở lại để đánh nhau tới cùng, nhưng rốt cuộc ông bỏ chạy ra hạm đội 7, và như vậy, cái di sản này rất là tiêu cực.”

Ông Định: “Trong binh chủng không quân thì có nhiều câu chuyện, nhiều giai thoại về ông Nguyễn Cao Kỳ, thì cũng có những điều tốt, nhưng cũng có cái xấu, nhưng đối với tụi tôi, thì tôi cho rằng chết là hết, thành ra quá khứ có điều gì đó không hay thì là quan niệm riêng của mỗi người..."

So sánh cung cách lãnh đạo giữa Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ thời đó, Giáo sư Tạ Văn Tài cho rằng ông Kỳ có tài gây cảm tình và khả năng lôi cuốn người khác hơn ông Thiệu.

Giáo sư Tạ Văn Tài: “Về tư cách lãnh đạo, gần gũi với người thuộc quyền thì ông Kỳ có đặc điểm là thân mật hơn với những người dưới quyền, và do đó ông tạo được sự trung thành, cảm mến dễ dàng hơn. Điều đó ông Kỳ hơn ông Thiệu, vốn là một người lạnh lùng, đa nghi, làm người ta sợ chứ không thích.”

Năm 2004, khi Tướng Kỳ nhận lời mời của Hà Nội và trở thành nhà lãnh đạo miền Nam đầu tiên về thăm quê hương, tin này đã được đưa lên các hàng tít lớn, gây phẫn nộ trong các cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản ở hải ngoại. Nhiều người cực lực chống đối lập trường hòa giải của ông với chế độ ở Hà Nội.

Giáo sư Tạ Văn Tài: “Giữa cộng đồng hải ngoại và dân tộc Việt Nam trong nước thì sự thực vấn đề hòa giải đã có từ lâu, tức là bà con về thăm nhau, mừng mừng tủi tủi, rồi thì nhiều người đã về để đóng góp xây dựng đất nước, hay có khi chết về chôn ở quê nhà, hơn là chết chôn ở xứ người, thì giữa dân tộc và dân tộc đã hòa giải từ lâu rồi. Nhưng giữa người Việt hải ngoại và chế độ tại Việt Nam đó, thì chưa có.”

Nhưng Giáo sư Tạ Văn Tài cũng nêu ra một điểm tích cực trong cố gắng hòa giải của ông Kỳ.

Giáo sư Tạ Văn Tài: “Ông Kỳ có một điểm son là ông yêu cầu chế độ nên tôn trọng nghĩa trang quân đội miền Nam ở Biên Hòa. Ông đã đặt vấn đề đó ra. Thế nhưng muốn hòa giải, thì phải có sự tương kính lẫn nhau thì mới có thể nói hòa giải được theo nghĩa bình đẳng được.”

Cái chết của Tướng Kỳ đã khơi lại những vết thương tưởng như đã lành, nhưng mặc dù vậy, hầu hết các chiến hữu của ông từng chiến đấu dưới quyền ông trong binh chủng không quân, đều chấm dứt câu chuyện bằng lời chúc bình an dành cho người ra đi. Tiêu biểu là nhận định của ông Trịnh Hiến thuộc Hội Ái hữu không quân Virginia.

Ông Hiến: “Từ mấy ngày nay, tôi có đọc tất cả các ý kiến của mọi người trên net, thì tôi thấy khen có mà chê cũng có, khóc than thương tiếc cũng có, mà chê trách cũng có. Tôi chỉ nói một câu là, tôi là không quân, ông Kỳ cũng là không quân, chuyện gì mà ông ấy làm, trái phải thì để sau này phán xét, nhưng ông mất rồi, thì tôi nghĩ là, nghĩa tử là nghĩa tận, chúng ta cũng không nên quá khích trong vấn đề này. Công thì để cho lịch sử phán xét, mà tội cũng để cho lịch sử phán xét.”

Với sự ra đi của Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Cựu Tư Lệnh Không quân, Phó Tổng Thống và Cựu Thủ Tướng Việt nam Cộng hòa, thế giới lại mất đi thêm một nhân chứng khác nữa từng đóng vai trò lãnh đạo trong chiến tranh Việt Nam, mà đoạn kết còn để lại những vết thương vẫn chưa hết nhức nhối, 36 năm sau khi chiến tranh kết thúc.