Thứ Hai, 1 tháng 8, 2011

Nước Mỹ trước tham vọng biển của Trung Quốc

Dean Cheng
Sự mở rộng của lực lượng Hải quân thuộc Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA-N) xét trong nhiều khía cạnh là một kết cục logic và khó tránh khỏi.
Sự mở rộng của lực lượng Hải quân thuộc Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA-N) xét trong nhiều khía cạnh là một kết cục logic và khó tránh khỏi. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới; sự phụ thuộc lớn của họ vào thương mại đương nhiên khiến biển ngày càng có tầm quan trọng nhiều hơn đối với sự phát triển đất nước. Nhưng khi các tham vọng biển của Trung Quốc tiếp tục mở rộng, Mỹ đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn: thừa nhận các lợi ích của Trung Quốc mà không nhượng bộ cho các đòi hỏi của nước này. Việc Mỹ sẽ đối mặt với thách thức này như thế nào sẽ quyết định tương lai khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng như quyết định liệu Mỹ có giữ được vai trò bá chủ trên biển trong thế kỷ tới hay không.
Trong nhiều thập kỷ qua, quân đội Trung Quốc đã cải thiện đáng kể các năng lực tác chiến của mình. Một phần dựa trên các bài học từ việc quan sát các lực lượng quân đội nước ngoài và các cuộc chiến tranh ở nơi khác, PLA đã mở rộng lực lượng của mình (về số tên lửa đạn đạo chẳng hạn), cải thiện năng lực chỉ huy và giám sát, và bắt đầu tham gia thực hiện các chiến dịch chung. Họ cũng đã chuyển từ việc tập trung vào các chiến dịch trên đất liền sang cải thiện các lực lượng trên không và trên biển.
Sự mở rộng của PLA-N xét trong nhiều khía cạnh là một kết cục logic và khó tránh khỏi. Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sự phụ thuộc lớn vào thương mại, cả về nguyên liệu đầu vào để cung cấp cho nền kinh tế ấy cũng như để xuất khẩu, tất yếu khiến biển có tầm quan trọng ngày càng lớn hơn đối với sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, qua thời kỳ "Cải cách và Mở cửa", bắt đầu dưới thời Đặng Tiểu Bình, tầm quan trọng ngày càng lớn của thương mại quốc tế đã khiến trung tâm của nền kinh tế Trung Quốc chuyển dần ra phía biển. Nhiệm vụ phòng thủ biển cũng ngày càng quan trọng đối với giới lãnh đạo Trung Quốc.
Không phải mọi lực lượng hải quân đều được hình thành như nhau. Các ý định cũng quan trọng như - thậm chí hơn - các năng lực. Sự phát triển biển của Trung Quốc có thể đơn giản là nhằm bảo vệ các tuyến đường kinh tế của nước này, hoặc có thể nhằm ép buộc các nước láng giềng cũng phụ thuộc nhiều vào biển. Vì vậy, sự mở rộng hải quân Trung Quốc nên được đánh giá một cách thận trọng và tỉnh táo.
Trung Quốc và biển: sự phụ thuộc ngày càng lớn
Trung Quốc thường được nghĩ đến như một cường quốc lục địa. Trong lịch sử, nhìn chung thì đúng như vậy, dù có những thời kỳ lợi ích của Trung Quốc nằm ngoài biển. Gần đây nhất là những năm 1400, dưới thời nhà Minh, khi Đô Đốc Trịnh Hòa (Zheng He) dẫn đầu "những hạm đội châu báu" trên hành trình viễn chinh khám phá biển Đông và Ấn Độ Dương, tới tận Mogadishu (ở Somalia) trên bờ biển phía Đông châu Phi ngày nay. Tuy nhiên, sau khi Đô Đốc Trịnh Hòa trở về sau chuyến viễn chinh, Trung Quốc đã quay lưng lại với biển.

Ảnh minh họa: weapons.technology.youngester.com
Trung Quốc ngày nay phụ thuộc nhiều hơn vào biển so với Trung Quốc thời phong kiến trước đây. Người Trung Quốc ghi lại rằng, từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO), kim ngạch thương mại của Trung Quốc với các quốc gia khác đã tăng trưởng vững chắc, tỷ lệ thuận với hoạt động kinh tế quốc gia, đạt đến mức tác động tới 60-70% nền kinh tế. Không có thương mại, Trung Quốc sẽ không thể giữ vững được nền kinh tế của mình, chứ chưa nói đến việc duy trì  tỷ lệ tăng trưởng cần thiết để giữ thất nghiệp ở mức thấp - điều được coi là chìa khóa mà đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) duy trì quyền lực. Giao thương trên biển là một phần quan trọng trong thương mại của Trung Quốc. Theo các số liệu thống kê mới đây của nước này, công bố trong Báo cáo Phát triển Biển Trung Quốc năm 2010, thương mại biển chiếm 9,87% GDP Trung Quốc, đạt gần 3.000 tỷ NDT (456 triệu USD), riêng trong năm 2008. Tuy nhiên, khoảng 85% thương mại quốc tế diễn ra qua các tuyến đường biển.
Một phần quan trọng của thương mại biển là sự phụ thuộc ngày càng lớn của Trung Quốc vào nhập khẩu dầu mỏ để giữ vững nền kinh tế. Trung Quốc nhập hơn một nửa lượng dầu tiêu thụ trong nước năm 2009 và dự tính phải nhập khoảng 65% nhu cầu tiêu thụ mặt hàng "vàng đen" này vào năm 2020. Đa số nguồn dầu nhập khẩu này đến từ Trung Đông, trong đó có Iran và Arập Xêút, đòi hỏi một dòng tàu chở dầu đều đặn tới các cảng biển Trung Quốc. Các vấn đề gần đây ở Kazakhstan, trong đó có việc các công ty dầu lửa phương Tây ngừng khai thác các mỏ dầu lớn ở Kashagan trên biển Caspia, sẽ càng gia tăng sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nguồn dầu mỏ từ Trung Đông và các chuyến tàu biển.
Chiến lược phát triển biển của Trung Quốc
Vì phụ thuộc ngày càng nhiều vào biển như trên, người Trung Quốc đã rút ra kết luận là họ phải phát triển một chiến lược điều hành và quản lý sự phát triển biển của mình. Theo các chuyên gia Trung Quốc, một chiến lược như thế phải tính đến ba điều:
- Các lợi ích rộng lớn trên biển của Trung Quốc, trong đó có sự phụ thuộc ngày càng tăng vào các hải trình quốc tế phục vụ thương mại;
- Các lợi ích an ninh quốc gia của Trung Quốc, trong đó có khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên biển, chống lại sự can thiệp "bá quyền" vào các công việc nội bộ của Trung Quốc, an ninh cho các hải trình, nguy cơ xung đột vũ trang xuất phát từ các yêu sách tranh chấp về biên giới biển hoặc các đảo, và vấn đề Đài Loan
- Sự cần thiết phải xây dựng một "xã hội hài hòa" trên biển, trong đó thừa nhận tính tất yếu của cuộc cạnh tranh toàn cầu ngày càng tăng nhằm giành được các nguồn tài nguyên biển.
Tính đến các lợi ích này, chiến lược biển Trung Quốc dựa trên một số suy nghĩ chỉ đạo và nguyên tắc cơ bản. Bắt đầu từ tầm quan trọng của việc duy trì vai trò giám sát của quốc gia đối với lãnh thổ và hỗ trợ các lợi ích quốc gia trong khi dựa vào câu châm ngôn của ông Đặng Tiểu Bình về "Phát triển và Hòa bình" (tức là hy vọng sẽ không xảy ra một cuộc chiến tranh lớn trong thời gian trước mắt).
Nhiệm vụ biển quan trọng đối với sự phát triển tương lai của Trung Quốc bao gồm:
-  Bảo vệ quyền của Trung Quốc đối với "các vùng nước liên quan";
- Phát triển kinh tế biển Trung Quốc;
- Tăng cường sử dụng đại dương và quản lý đảo;
- Giữ vững môi trường biển;
- Phát triển các ngành công nghiệp biển và hải dương học;
- Gia tăng những đóng góp của Trung Quốc và ngành hải dương học toàn cầu.
Có nhiều cách để Trung Quốc theo đuổi nhiệm vụ này mà không phải gây hấn. Chẳng hạn Báo cáo Phát triển biển đã ghi nhận tầm quan trọng của việc tham gia các dự án hợp tác quốc tế. Nhưng cùng lúc, báo cáo này cũng cho rằng Trung Quốc không nên nhượng bộ các yêu sách hoặc lợi ích biển của mình chỉ để tránh những cáo buộc về "mối đe dọa Trung Quốc" hay nhân nhượng các nước lớn. Thay vì thế, báo cáo nhấn mạnh các lợi ích quốc gia rộng lớn của Trung Quốc đòi hỏi nước này theo đuổi sự phát triển biển. Nói ngắn gọn là Trung Quốc đã chuẩn bị để theo đuổi một loạt chính sách quốc gia mang tính xác quyết nhằm kiểm soát các vùng lãnh hải và vùng biển tiếp giáp - ngay cả khi các chính sách này có thể xung đột với các cường quốc biển và các nước láng giềng.
Các công cụ của sức mạnh biển Trung Quốc
Để hỗ trợ đầy đủ các nhiệm vụ và bảo vệ các lợi ích trên, Trung Quốc đã mở rộng mọi công cụ của sức mạnh biển, trong đó có ngành công nghiệp đóng tàu, các công ty tàu biển và các lực lượng hàng hải và hải quân.
Vì thương mại của Trung Quốc tăng trưởng, hàng hóa của Trung Quốc thường được đem tới các điểm đến tiêu thụ của mình trên các phương tiện của chính Trung Quốc. Hai trên 10 công ty vận tải container lớn nhất trên thế giới là của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc: Tập đoàn vận tải biển Trung Quốc (COSCO), và Công ty TNHH Vận Tải Biển Trung Quốc (CSCL).
Nhiều trong số các con tàu này được ra đời trong các xưởng đóng tàu Trung Quốc. Trung Quốc trở thành xưởng đóng tàu lớn nhất thế giới năm 2010, soán ngôi lâu năm của Hàn Quốc; "các tàu do Trung Quốc đóng có tổng trọng tải 65,5 triệu tấn, chiếm 43% khả năng trọng tải của các tàu được đóng trên thế giới". Tuy nhiên, các công ty đóng tàu Trung Quốc không chỉ phục vụ trong nước. Năm 2010, đa số đơn đặt hàng mới của các xưởng đóng tàu ở Trung Quốc đến từ nước ngoài.
Ngành công nghiệp đóng tàu Trung Quốc bao gồm một loạt các xưởng đóng tàu tư nhân nhỏ lẻ, nhưng hầu hết tập trung vào hai trung tâm đóng tàu lớn, Tập đoàn Đóng tàu Quốc gia Trung Quốc (CSSC) và Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc (CSIC). Đây đều là hai doanh nghiệp nhà nước (SOEs).
CSIS có 140.000 nhân viên và tài sản trị giá 27,5 tỷ USD. Dây chuyền sản xuất của công ty gồm một loạt các loại tàu, như tàu chở dầu, tàu chở hàng trọng tải lớn, tàu container, cầu cảng RO/RO cho phép xe cộ lên xuống, và các loại tàu đặc dụng. Công ty cũng chế tạo tàu chiến cho quân đội Trung Quốc. Giống như các SOEs khác, công ty này trên thực tế là một tập thể phối hợp dọc và bao gồm không chỉ các xưởng sửa chữa và đóng tàu, mà cả các viện thiết kế, trung tâm nghiên cứu và phòng thí nghiệm, tuyển dụng khoảng 30.000 kỹ sư. Tương tự CSIC không chỉ sản xuất vỏ tàu mà cả động cơ diesel, các linh kiện điện tử, và một loạt phương tiện vận tải biển.
Với khoảng 95.000 nhân viên, CSSC nhỏ hơn CSIC một chút. Nhưng giống như CSIC, công ty này sản xuất cả tàu dân sự và quân sự, và tham gia một loạt các nghiên cứu và thiết kế khác. CSSC chế tạo một loạt tàu cho tiêu dùng dân sự, nhưng trọng tâm chính là phục vụ quân sự. Trang web của công ty mô tả CSSC là "lực lượng xương sống của hải quân Trung Quốc trong lĩnh vực xây dựng".
Một số lực lượng khác bảo vệ các lợi ích biển ngày càng tăng của Trung Quốc. Một trong số đó là Cơ quan thực thi pháp luật nghề cá (FLEC), một cánh tay của Phòng quản lý nghề cá thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, có trách nhiệm tuần tra các ngư trường của Trung Quốc. Cơ quan này có ba đội tàu đầu não, nắm quyền điều hành các đơn vị địa phương thiết lập tại các thành phố lớn và các tỉnh duyên hải. FLEC huy động khoảng 10-20 tàu lớn, gồm các tàu tuần tra có trọng tải từ 1.000 tấn và một tàu ngầm cứu hộ gần 5.000 tấn. FLEC phối hợp đều đặn với Lực lượng Tuần duyên Mỹ (USCG), trong đó có chương trình "Cưỡi tàu", theo đó các sỹ quan FLEC cùng tuần tra trên các tàu của USCG trong mùa đánh bắt.
Bộ Giao thông Trung Quốc quản lý Cục An toàn đường thủy Trung Quốc (MSA). Tương tự như USCG, MSA có trách nhiệm trong các vấn đề an toàn biển và theo dõi và kiểm soát ô nhiễm trên các con sông lớn của Trung Quốc cũng như ở vùng bờ biển. Cục này cũng quản lý các biện pháp hỗ trợ và kiểm soát vận tải biển. MSA giám sát 20 chi cục cấp tỉnh của mình, trong đó có các tỉnh duyên hải và dọc các sông Dương Tử, Châu Giang và Hắc Long Giang. Các chi cục này lại có nhiệm vụ giám sát 97 chi nhánh địa phương. MSA có hạm đội xuồng ca nô của mình, trong đó ít nhất ba chiếc có trọng tải hơn 1.000 tấn.
Một phần khác của lực lượng hàng hải Trung Quốc là Lực lượng hải giám Trung Quốc (CMS), thuộc Tổng Cục Đại dương quốc gia. Lực lượng này cũng có ba hạm đội tàu nhỏ chính và sở hữu "300 xuồng ca nô, trong đó 30 chiếc có trọng tải trên 1.000 tấn". Không ca nô nào trong số này trang bị vũ khí. CMS có trách nhiệm giám sát nơi mà Trung Quốc gọi là "biển gần", đồng thời theo dõi tình trạng ô nhiễm, phá hoại môi trường và khai thác tài nguyên cũng như tiến hành các cuộc thăm dò đại dương học.

Giống như FLEC, CMS tiến hành tuần tra tại các vùng nước tranh chấp ở những nơi như biển Đông, nhằm khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trong khi giữ cho các cuộc tranh chấp này "bản chất dân sự". Mới đây, một tàu thăm dò của Việt Nam đang thăm dò dầu khí ở vị trí cách bờ biển Việt Nam 80 hải lý đã bị các tàu tuần tra Trung Quốc cắt cáp - một sự cố được cho là có liên quan đến các đơn vị của CMS. Cùng lúc các tàu của CMS được cho là đã tới vùng biển của Philippines, dựng các cột trụ trong khu vực này - một hành động vi phạm trắng trợn biên bản ghi nhớ của Trung Quốc với ASAN liên quan đến cách ứng xử trên biển Đông.

Lực lượng thứ tư là Lực lượng Bảo vệ bờ biển Trung Quốc (CCG), một lực lượng bán quân sự trực thuộc Bộ Công an nhưng gồm các thành viên lực lượng Cảnh sát vũ trang nhân dân (PAP). CCG được chia thành 20 đội tàu nhỏ, mỗi đội tương đương với một đơn vị cấp trung đoàn trong PLA. Các tàu của lực lượng này có trọng tải từ 130 - 1.500 tấn và đa số được trang bị vũ khí. Trong một số trường hợp, các tàu của CCG là tàu khu trục nhỏ cũ, do PLA-N chuyển giao. Nhiều khả năng giống như PAP, GGC sẽ có một vai trò trong thời chiến, phục vụ hậu cần cho PLA.
Dean Cheng is Research Fellow in Chinese Political and Security Affairs in the Asian Studies Center at The Heritage Foundation.
Còn tiếp.... 
Châu Giang dịch từ The Haritage Foundation
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-07-21-nuoc-my-truoc-tham-vong-bien-cua-trung-quoc