Tống Văn Công
Trong bài “Trước họa xâm lăng, làm gì để Chính phủ và nhân dân cùng một ý chí”, tôi có phê phán bản tin của TTXVN viết về cuộc biểu tình sáng Chủ Nhật ngày 5-6-2011. Sáng nay, 13-6-2011, tôi nóng lòng tìm xem bản tin mới của TTXVN và các báo Việt Nam đưa tin về hai cuộc biểu tình ở Thủ Đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sáng 12-6-2011 với hy vọng sẽ thấy sự thay đổi tích cực. Lạ quá! TTXVN và tất cả các báo Việt Nam không có một dòng nào cho sự kiện đáng trân trọng và ghi nhớ này! Tôi nhớ có một ông thầy dạy rằng, báo chí ngoài việc thông tin kip thời còn có giá tri một biên niên sử. E rằng thế hệ mai sau đọc lại báo nước nhà sẽ lầm tưởng rằng vụ Trung Quốc gây hấn tàu Viking 2, cả Việt Nam không có cuộc biểu tình nào như lần chúng cắt cáp Bình Mình 2. Lại nhớ những ông thầy dạy các nhà báo hiện đại rằng dù có hiện đại đến đâu thì có những điều từ truyền thống vẫn không bao giờ được thay đổi: đưa sự thật một cách chính xác, công bằng và khách quan. Báo chí Việt Nam là một biệt lệ chăng khi tất cả im phăng phắc trước một sự thật không lồ có quan hệ đến tồn vong của đất nước? Vì lý do gì vậy? Vì không dám nhìn chính xác sự thật? Vì không biết ủng hộ biểu tình hay chống lại biểu tình là công bằng? Vì không thể tường thuật sự thật một cách khách quan?
Dù bởi một lý do nào hay vì cả ba lý do thì việc coi như không hề có sự thật khổng lồ đã xảy ra sáng 12-6-2011 là một thái độ vô trách nhiệm đối với bạn đọc. Báo chí Việt Nam lại còn được giao nhiệm vụ “định hướng thông tin theo quan điểm của Đảng”, vậy thì sự im lặng này phải chăng là buông lỏng định hướng trong một tình thế nước sôi lửa bỏng đang nung nấu tâm can của toàn dân Việt Nam giữa làn sóng thông tin tàn độc từ phía Bắc Kinh?
Vì vậy tôi làm một việc bất đắc dĩ là thử viết thay TTXVN bản tin về hai cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược. Làm thaycho ai là một việc khó, nói thay lại càng khó hơn, cho nên tôi sẽ cố viết rất ngắn và xin chân thành lắng nghe TTXVN phản ứng những điều tôi viết ra trái với ý của quý vị.
LẠI BIỂU TÌNH CHỐNG TRUNG QUỐC GÂY HẤN
Thủ đô Hà Nội. Từ 7 giờ sáng 12-06-2011, lực lượng an ninh đã đông đặc trên các đường phố dẫn đến Sứ quán Trung Quốc. Xe cảnh sát đậu đầy từ ngã tư Hoàng Diệu đến ngã tư Trần Phú, Điện Biên Phủ. Những người đeo băng bảo vệ ngồi kín các góc phố, các vệ đường. Cảnh sát cơ động rải dọc theo công viên, các mối đường, đối phó với cuộc biểu tình sẽ xảy ra để phản đối Trung Quốc lại cắt cáp tàu Viking 2.
Người biểu tình đi lác đác tìm những quán cà phê chờ nhau. Hơn 8 giờ những nhóm lác đác bắt đầu tụ lai thành đoàn lớn. Các vị trí thức nổi tiếng xuất hiện: Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, giáo sư Phạm Duy Hiển, giáo sư Chu Hảo, giáo sư Hoàng Xuân Phú, giáo sư Nguyễn Yên Đông, nhà văn Phạm Xuân Nguyên, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, nhà báo Trần Nhương, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, đạo diễn điện ảnh Đỗ Minh Tuấn… Nhiều đoàn khác cũng cùng lúc xuất hiện. Trên tay nhiều người giơ cao cờ đỏ sao vàng, hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các khẩu hiệu: Việt Nam-Hoàng Sa; Việt Nam-Trường Sa; Đả đảo Trung Quốc xâm chiếm lãnh hải; Đả đảo Trung Quốc gây hấn; Việt Nam muôn năm. Đoàn biểu tình đến ven Hồ Gươm, một đôi cô dâu chú rể ngưng chụp hình xin gia nhập…
Các đội cảnh sát cơ động ngăn không cho đoàn biểu tình đi về hướng sứ quán TRung Quốc. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi nói với anh em cảnh sát: “Nhân dân ta biểu dương lực lượng để bọn xâm lược biết quyết tâm sắt đá của cả nước ta. Nếu ngăn cản đoàn biểu tình thì các cháu đứng về phía nào? Các cháu có thấy chống nhân dân biểu tình phản đối xâm lược là nhục hay không?”. Anh em cảnh sát lắng nghe nét mặt nhẹ nhỏm, tỏ ý đồng tình với vị giáo sư đáng kính. Tuy vậy đến đoạn cuối đạo điễn Đỗ Minh Tuấn đã bị bắt đưa vào đồn công an một lúc lâu mới được trả tự do.
Theo bản tin của RFI ngày 12-6-2011 số người tham gia ở Hà Nội lần này có thể tới 1000 người, đông hơn cuộc biểu tình ngày chủ nhật 5-6-2011.
Cuộc biểu tình ở TP Hồ Chí Minh bắt đầu trễ hơn, khoảng 9 giờ 30 sáng. Nhiều người cho rằng số người tham gia biểu tình lần này đông hơn lần trước, nhưng số cảnh sát cũng đông hơn, các đoàn biểu tình bị xé lẻ ra thành nhiều nhóm nhỏ. Cảnh sát ngăn chặn mọi ngã đường dẫn đến lãnh sự quán Trung Quốc. Các đoàn biểu tình phải chia ra kéo đi tập trung ở nhiều nơi như trước dinh Thống nhất, lãnh sự quán Hoa Kỳ, lãnh sự quán Anh… Cảnh sát đã “mạnh tay” với người biểu tình hơn lần trước, đã có ít nhất 3 người bị bắt, có người bị đưa lên xe bít bùng. Theo nhiều người biểu tình thì kinh nghiệm để bảo vệ an toàn cho nhau là phải cố bám sát trong hàng, tránh đi lẻ xa đoàn dễ bị bắt!
Nhận xét chung là cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, anh em cảnh sát đều tỏ ra thông cảm với nhân dân đi biểu tình. Anh em tỏ ra miễn cưỡng khi phải ngăn chặn chỗ này chỗ khác theo lệnh cấp trên
Ngày 13- 6- 2011
T. V. C.