Thứ Ba, 14 tháng 6, 2011

Campuchia trục xuất 186 người Trung Quốc

2011-06-13
Cảnh sát Campuchia đã phá đường dây tống tiền qua mạng Internet của người Trung Quốc và bắt giữ hơn một trăm người trong đó có một phụ nữ Việt Nam liên quan đến đường dây tống tiền nạn nhân ở nước ngoài.
AFP PHOTO
Những công dân Trung Quốc bị cảnh sát Campuchia bắt giữ vì bị cáo buộc tống tiền từ nạn nhân ở nước ngoài sử dụng dịch vụ điện thoại Internet tại Phnom Penh ngày 09 tháng 06 năm 2011.
Sau khi tạm giữ hai ngày, Campuchia quyết định trục xuất băng nhóm này trở về nước. Từ Campuchia, thông tín viên Quốc Việt có bài tường trình.Dùng Campuchia làm nơi cư trú ...
 
Bộ Nội vụ của chính phủ Hoàng gia Campuchia cho biết nước này đã bắt giữ 186 người Hoa và một phụ nữ Việt Nam liên quan đến đường dây đe dọa để cướp đoạt tiền của người nước ngoài qua mạng Internet vào hôm thứ Năm, 9/6. Sau hai ngày tạm giữ, cảnh sát Campuchia quyết định trục xuất họ trở về nước hồi đêm thứ Sáu, 10/6 vừa qua.
Theo thông cáo báo chí của Bộ Nội vụ xứ Chùa Tháp cho hay cảnh sát Bộ Nội vụ và Tòa án xứ này phối hợp với bộ An ninh Trung Quốc bắt giữ những người Hoa sử dụng Internet với những thủ đoạn đe dọa để cướp đoạt tiền của người ở nước ngoài.
Sau các cuộc trấn áp đó, tại thủ đô Phnom Penh cảnh sát đã bắt giữ 68 người Hoa và một người phụ nữ Việt Nam. Tại tỉnh Preah Sihanouk, cảnh sát đã bắt giữ 57 người Hoa.
Cảnh sát Campuchia cũng đột nhập vào một khách sạn ở tỉnh Svay Riêng, cuối cùng bắt giữ 62 người Hoa cùng nhiều tang chứng khác để sử dụng dịch vụ điện thoại qua mạng Internet.
Phó thủ tướng, kiêm bộ Trưởng bộ Nội vụ Campuchia là ông Sar Kheng cho biết trong các cuộc đột kích bắt giữ đường dây tống tiền trên có một phụ nữ người Việt, ông cho rằng người phụ nữ này không phải là người trực tiếp tham gia hoạt động cướp đoạt tiền mà có thể là bạn gái của nghi phạm. Theo Phó Thủ tướng, bộ Nội vụ và bộ An ninh của
Trung Quốc đã đồng ý ký kết thỏa thuận phối hợp để ngăn chặn tội phạm xuyên biên giới và hồi hương các nghi phạm từ lâu.
Ông Sar Khêng còn nhấn mạnh những người Hoa bị bắt này không phải cướp đoạt tiền của người Campuchia ở trong nước mà họ lấy Campuchia làm nơi cư trú để đe dọa cướp đoạt tiền từ các công ty Trung Quốc tại Trung Quốc. Chính phủ không cho phép bất cứ người nào hay tổ chức nào hoạt động chống đối quyền lợi nước khác tại đây.
Ông cũng cho hay cùng ngày 9/6, ngoài Campuchia thì các nước như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, và Đài Loan đã cùng tiến hành các cuộc trấn áp những nghi phạm này như nhau.
Theo hãng tin AP, trưởng cảnh sát Đài Loan Wang Cho-chun cho hay sau khi điều tra trong vòng ba tháng và phối hợp, các cuộc tấn công 160 điểm tại một số nước ở Châu Á, cảnh sát đã bắt giữ 599 người bị tình nghi.
Đây là vụ đàn áp tội phạm lớn nhất ở Châu Á. Trong số những người bị bắt giữ, đã có 411 người Đài Loan, 180 người Hoa, 3 người Thái, 2 người Hàn Quốc, một công dân Campuchia và một công dân Việt Nam.
Liên quan vụ bắt giữ nghi phạm hơn một trăm người tại Campuchia, Giám đốc tổ chức nhân quyền Campuchia là ông Ou Virak đưa ra nhận định rằng luật nhập cảnh nước này vẫn còn mềm dẻo, các quan chức hải quan vẫn còn tham nhũng trong lúc các nghi phạm quốc tế coi xứ này là nơi dễ dàng trà đạp Luật pháp và dễ làm ăn nhất.

...để làm ăn phi pháp

Theo ông Ou Virak, con số nghi phạm lên tới 187 người khó nói là các quan chức hải quan không liên quan đến vấn đề tham nhũng. Ông cho rằng chính phủ nên điều tra thêm đường dây tống tiền này, đồng thời cũng nên tiến hành kiểm tra làm rõ trách nhiệm cụ thể các quan chức có liên quan.
Ông Sar Kheng nói rằng phía cảnh sát rất khó làm việc khi các nghi phạm nhập cảnh mà không có thông tin cụ thể. Cảnh sát sẽ bắt giữ và buộc hồi hương về nước nếu người nước ngoài có hoạt động sai trái pháp luật ở đây.
Vẫn theo ông, khi Campuchia nhận được thông tin xác thực từ Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) đối với tội phạm bị xếp vào sổ đen, thì Campuchia từ chối cho phép nhập cảnh. Tuy nhiên, đối với những người không phải là tội phạm hay có tội mà cảnh sát không biết trước, nếu như cảnh sát ngăn chặn hoặc cấm họ nhập cảnh thì không khác gì Campuchia phân biệt đối xử và điều đó cũng gây ảnh hưởng đến ngành du lịch.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh Campuchia không phải là nơi an toàn cho những tội phạm nước ngoài. Campuchia sẽ tiếp tục tiến hành điều tra.
Tội phạm xuyên biên giới bị cảnh sát Campuchia bắt giữ này, dường như báo chí địa phương không hề đề cập tới, và cũng không có báo cáo rõ ràng về những khoản phí mà đường dây này cướp được ngoài những thông tin phía Campuchia cho biết họ đã trục xuất những nghi phạm về nước.
Trong khi đó, nhà chức trách tại Đài Loan và Trung Quốc cũng đồng ý hồi hương các nghi phạm đến các tỉnh của họ để truy tố, theo một thỏa thuận tội phạm năm 2009; chính quyền Indonesia cũng đã đồng ý hồi hương các nghi phạm, nhưng Thái Lan và Malaysia có thể xử lý theo pháp luật của họ.

http://www.rfa.org/