Thứ Ba, 14 tháng 6, 2011

“Chỉ sợ lòng dân không theo”

Lê Hữu Minh Tuấn
Là một sinh viên tại Đà Nẵng, chưa có cơ hội để tham gia vào hai cuộc biểu tình chống sự bành trướng trên biển của bọn bá quyền Bắc Kinh, nhưng thông qua những thông tin, hình ảnh trên boxitvn, các trang mạng trong và ngoài nước em cảm nhận được nhiều sức nóng.
Có thể nói, Trung Quốc với hai vụ việc (một cắt cáp biển của tàu Bình Minh 2, một áp sát tàu Viking II) đã là một bước đi lộ rõ mưu đồ.
Dân đã thấy, người nào cũng thấy, nhưng liệu họ có bịt tai, bịt mồm lại trước sự việc đó không?
Qua những luồng tin, thời gian qua, em cảm giác như là “Đảng và nhà nước ta đang tìm cách độc quyền lòng yêu nước” khi tìm cách hạn chế (5/6) đến ngăn cản (12/6 – TP HCM) lòng yêu nước. Những hành động đó được báo trước từ sau khi cuộc biểu tình thứ nhất, khi Tướng Nguyễn Chí Vịnh cảnh báo "Người dân phải tin rằng Nhà nước sẽ có giải pháp, có đủ trách nhiệm để vừa giữ chủ quyền lãnh thổ, vừa duy trì hòa khí và quan hệ với Trung Quốc".


Tất nhiên, dân vẫn tin những người “đầy tớ” đó đủ sức, đủ tài năng, trí tuệ để có “giải pháp” đối phó lại các hành động của Trung Quốc, nhưng trước khi làm được cái điều to tát là vừa “giữ chủ quyền” lại “vừa duy trì hòa khí, quan hệ với Trung Quốc” thì ít nhất Đảng và Nhà nước phải tìm cách dấy lên lòng yêu nước, cổ vũ tinh thần yêu nước, biểu lộ sức mạnh thực sự của nhân dân, của hơn 84 triệu con người. Ít nhất, Đảng và nhà nước ta phải biết chứng tỏ cho Trung Quốc thấy rằng, dân ta không phải “dễ hiếp đáp” hay đang sống trong xã hội thị trường mà lãnh đạm với vấn đề chủ quyền đất nước.
Tiếc rằng, thay vì lấy sức mạnh nhân dân, ý chí yêu nước của nhân dân để đối chọi với tham vọng bá quyền của Trung Quốc, thì lần này Đảng và nhà nước ta lại tìm cách hạn chế, dần đi đến dập vùi nó. Thay vào đó là chỉ dựa vào hợp đồng mua vũ khí của Nga, tập trận ở Hòn Ông – Quảng Nam để thị uy? Liệu cách này có phải là khôn ngoan trong tình hình đất nước lạm phát, đời sống của bộ phận nhân dân còn chật vật, nền kinh tế còn chưa thoát nghèo? Liệu cách này có phải là trúng kế của bộ sậu Trung Quốc, khi chúng tìm cách kích động Đảng và chính quyền ta chạy đua vũ trang, thị uy quân sự, đè bẹp lòng yêu nước?
Rõ là một cách ngoại giao, hành xử nhược tiểu.
Người dân làm sao tin được khi Đảng và Nhà nước quá yếu ớt trong việc đối phó và chống lại sự bành trướng của bọn Bắc Kinh?
Người dân làm sao tin được khi ngư dân bị bắt, người bị bắn, cáp bị cắt, lãnh hải bị xâm phạm trắng trợn mà Đảng và Nhà nước cao lắm cũng chỉ là cứng rắn, qua cái lưỡi gỗ của bà phát ngôn Bộ Ngoại giao – Phương Nga, kêu gọi “Trung Quốc” anh em tránh làm phức tạp tình hình?
Người dân làm sao tin được khi cùng bị xâm phạm chủ quyền, Philippines đã điều tàu chiến xua đuổi, lên tiếng mạnh mẽ, tố cáo Trung Quốc đến Liên Hiệp Quốc, trong khi Đảng và Nhà nước ta vẫn giữ một thái độ “hòa hiếu”, vẫn “sống chết mặc bay” đối với tính mạng, tài sản của ngư dân, vẫn không thấy ló mặt đội cảnh sát biển, hải quân biển khi ngư dân gặp nạn, hay khi tàu thăm dò dầu khí bị cắt đứt cáp?
clip_image002
Người dân làm sao tin được khi cuộc biểu tình bùng nổ với hàng trăm, hàng ngàn người tham gia không những không làm cho truyền thông trong nước nhân đó mà phản ảnh “chân thực” về khí thế yêu nước, làm một cuộc “Diên Hồng” rộng lớn về mặt dư luận, thì lại tìm cách “che giấu” và biến cơ quan ngôn luận chính thức của nhà nước Việt Nam là TTXVN trở thành trò cười, khi uốn éo tin biểu tình trở thành sự “tụ tập tự phát của một số ít người”?
Người dân làm sao tin được khi mà Đảng và nhà nước vừa ngán trở, dập tắt biểu tình, vừa vô tình thủ tiêu cả lòng yêu nước, sự tin tưởng vào “tính trung thực của báo chí cách mạng” trong việc phản ánh, làm mất đi tính “định hướng dư luận” của truyền thông trong nước, làm cho người dân cảm thấy phẫn nộ, mất tin tưởng vào lời nói, dân vận của chính quyền?
Để làm vừa lòng Trung Quốc mà mất chừng đó, liệu người dân có nên tin không?
Trở lại cách nói của Tướng Nguyễn Chí Vịnh và diễn biến tính tới thời điểm hiện nay (hạn chế biểu tình lần 1, đưa tin “một số ít người tụ tập”, chỉ đạo giới truyền thông trong nước không được làm nóng tình hình…), tất cả phải chăng được hiểu là “người dân phải tin rằng sẽ có giải pháp và trách nhiệm để duy trì hòa khí và quan hệ Trung Quốc”?
Không thể nào có được chủ quyền khi mà vẫn đặt cái “hòa khí và quan hệ Trung Quốc” ngang bằng hay lên trên được.
Không thể nào có được chủ quyền khi mà vẫn tìm cách dập tắt biểu tình để đạt được cái “hòa khí và quan hệ” với kẻ đang tâm cướp chủ quyền, lãnh thổ của ta được
Không thể nào có được chủ quyền khi mà làm mất lòng tin của nhân dân về truyền thông, sự nhục nhã trước cách ứng phó nhược tiểu của Đảng và Nhà nước với bọn bành trướng đó được.
Nếu Đảng và Nhà nước cứ quyết “giữ hòa hiếu” để trở nên nhược tiểu trong ngoại giao và hành động “lên tiếng”, sợ hãi “Hoa Lài” mà tìm cách chặn làn sóng yêu nước của nhân dân thì sợ rằng, đến một lúc nào đó, nhân dân ta sẽ “lãnh đạm” với lời kêu gọi yêu nước. Lúc đó, súng ống, đạn dược, 4 tốt, 16 chữ vàng không những không lấy lại được Hoàng Sa, không giữ được Trường Sa, mà ngược lại còn mất cả. “Mệnh trời ở lòng dân”; “vận nước ở dân cả”. Đừng để như nhà Hồ, thành đá, súng ống, thuyền binh đầy đủ nhưng Hồ Nguyên Trừng (con trai Hồ Quý Ly) vẫn phải thốt lên: “Hồ Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân không theo” trong cuộc chống xâm lược nhà Minh.
Ghi thêm:
Ngay từ trước ngày xảy ra cuộc biểu tình đầu tiên tại hai đầu đất nước nhằm phản đối vụ cắt cáp tàu Bình Minh 2 của Trung Quốc, em đã nhận được tin nhắn của anh chàng Bí thư Liên chi đoàn Khoa (vì em là ủy viên liên chi) nội dung: “không được tham gia biểu tình… nhằm tránh kẻ xấu lợi dụng và thông báo điều này cho tập thể lớp”... Đến ngày hôm nay, nhìn lại hai cuộc biểu tình, các diễn biến, tự dưng em thấy ngượng cho Đoàn Thanh niên, mang tiếng sức trẻ nhưng lại già cỗi trong tình hình đất nước, trong lòng yêu nước nhân dân.
L. H. M. T.