Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

Có hay không "mối đe dọa Trung Quốc"?

Đình Ngân theo Japantimes

Người ta đã quan tâm rất nhiều tới mối đe dọa có thể gây ra bởi sự gia tăng sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc. Gần như tuần nào nước này cũng đánh dấu những cái nhất mới trong chương trình hiện đại hóa quân sự của mình, tất cả đều được cho là nằm trong tham vọng trở thành cường quốc số một ở châu Á của Trung Quốc.
Thực tế, nếu Trung Quốc có đe dọa tới ổn định toàn cầu, thì đó thách thức ở khía cạnh kinh tế hơn là quân sự. Và vấn đề không phải ở sức mạnh của Trung Quốc như các nhà hoạch định chính sách vẫn thường quan tâm, mà là sự yếu đi của kinh tế nước này. Sự thất bại của nền kinh tế Trung Quốc sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế toàn cầu và làm rung động cả khu vực cũng như thế giới.

Câu chuyện Trung Quốc trong ký ức hiện đại vẫn là sự tăng trưởng ngoạn mục của nó. Nước này liên tục đạt mức tăng trưởng bình quân 10% trong 3 thập niên qua, vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và nhà xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới.
Hàng triệu người đã thoát khỏi cảnh nghèo đói và tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc đã ngang bằng hoặc thậm chí vượt quá quy mô dân số của nhiều nước. Sự năng động của Trung Quốc đã tiếp sức cho nền kinh tế toàn cầu. Bất chấp cuộc suy thoái bắt đầu vào năm 2008, khả năng phục hồi kinh tế của Trung Quốc, trong khi phần còn lại của thế giới đang vật lộn trong đợt thoái trào mới, đã mang đến cho nước này vị thế và hình ảnh lớn hơn cả số của cải thực trong tay.
Tuy nhiên, những tháng gần đây, các chuyên gia kinh tế đang trở nên lo ngại về khả năng "tiếp đất mạnh" khi kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại. Với sự ế ẩm của thị trường nhà đất - ước tính có khoảng 10 triệu đến 65 triệu căn hộ bỏ không trên khắp cả nước - giá nhà bình quân đã giảm tháng thứ năm liên tiếp tại khắp 100 thành phố.
Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng đang tăng cao, lạm phát lên tới 4,5% trong tháng Giêng; giá lương thực, với đóng góp tới 1/3 vào chỉ số giá tiêu dùng, trong tháng này cũng đã tăng 10,5%.
Các vấn đề của bất động sản đặc biệt đáng báo động. Ngành bất động sản được cho là đóng góp vào khoảng 20% cho nền kinh tế Trung Quốc. Đó là tài sản chính của nhiều hội gia đình; một sự suy giảm mạnh giá trị nhà đất trên diện rộng có thể làm khởi sinh những bất ổn.
Nhưng hiệu ứng lan tỏa của nó mới là điều đáng lo ngại nhất. Chính quyền địa phương chủ yếu dựa vào tiền bán đất để tăng doanh thu thuế; năm 2011, doanh số mua bán nhà đất đã giảm 13% so với năm trước.
Ảnh minh họa: guardian.co.uk
Các ngân hàng cũng chịu rủi ro lớn liên quan tới hoạt động của thị trường bất động sản. Ngân hàng cũng là công cụ chủ yếu để thực hiện các chương trình kích thích ồ ạt mà Trung Quốc triển khai từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 để ngăn chặn suy thoái. Không nhiều người tin những quỹ này được đầu tư hiệu quả và đâu đó nảy sinh quan ngại về một cuộc khủng hoảng ngân hàng có thể nổ ra khi các khoản cho vay này đáo hạn.
Đa số các nhà kinh tế đều dự báo một sự tăng trưởng chậm dần của nền kinh tế Trung Quốc, từ hai con số xuống mức hợp lý hơn. Sau khi tăng trưởng 9.2% trong năm 2011, Ngân hàng thế giới trong tháng 11 đã dự báo, Trung Quốc sẽ đạt được tăng trưởng trên 8% vào năm 2012, mặc dù theo một số ý kiến, 8% sẽ vẫn là mức khó đạt được. Nhiều người ở Trung Quốc tin rằng tăng trưởng 8% là mức cần thiết tối thiểu để hấp thụ hết số thành viên mới tham gia lực lượng lao động mỗi năm và những công nhân mất việc do hoạt động tư nhân hóa.
Chỉ cần thấp hơn một chút cũng sẽ có nguy cơ dẫn tới bất ổn chính xã hội và biến động về chính trị. Cũng không ai có thể biết chắc chính phủ Trung Quốc - hay cả người dân - sẽ đối phó với khủng hoảng tương tự như vừa diễn ra tại các nền kinh tế phát triển trong mấy năm qua như thế nào. Liệu nó sẽ dẫn tới chủ nghĩa dân tộc? Hay Trung Quốc sẽ hướng ra bên ngoài để trút lên người khác những kết quả do sai sót của mình gây ra nhằm đánh lạc hướng công chúng?
Và khủng hoảng sẽ ảnh hưởng ra sao đến các nền kinh tế này đang ngày càng gặp khó khăn này trước các hoạt động của chính Trung Quốc.
Hầu hết các nhà quan sát tin rằng, sẽ rất rủi ro - đặc biệt ở vào thời điểm chuyển giao chính trị - nếu tình hình kinh tế Trung Quốc vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Nói cách khác, chính phủ Trung Quốc sẽ làm tất cả những gì có thể để tiếp tục duy trì tăng trưởng và giữ vững sự ủng hộ của người dân.
Một báo cáo mới của Ngân hàng thế giới nhận định, nhiệm vụ này đang trở nên khó khăn hơn. Theo chủ tịch Ngân hàng thế giới Robert Zoellick, mô hình kinh tế của Trung Quốc "thiếu bền vững" và có thể rơi vào "bẫy thu nhập trung bình" nếu nước này không tiến hành những cải cách quan trọng nhằm thúc đẩy nâng cao năng suất cũng như tích lũy vốn con người.
Báo cáo có tên "Trung Quốc năm 2030", được thực hiện với sự hợp tác của Trung tâm nghiên cứu phát triển, một nhóm chuyên gia có liên hệ với Hội đồng nhà nước Trung Quốc công bố ngày 27/2, kêu gọi thay đổi trong một số lĩnh vực chủ chốt như: cải cách thuế, tăng trưởng xanh, cải thiện quyền lợi cho người dân sống ở các vùng nông thôn và tự do hóa tài chính.
Các cải cách cấp bách và rắc rối nhất sẽ liên quan đến vấn đề cạnh tranh ở Trung Quốc, nghĩa là phá vỡ thế kìm kẹp của các doanh nghiệp nhà nước.
Mặc dù hoạt động tư nhân hóa đã diễn ra, nhưng khoảng 120 công ty thuộc quyền kiểm soát của chính quyền trung ương vẫn đang chi phối những ngành chủ đạo của nền kinh tế. Kết hợp với khoảng 150.000 doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn trong các ngành khác, khu vực nhà nước chiếm tới 30% toàn bộ nền kinh tế.
Những doanh nghiệp này kém hiệu quả, nhưng do sự tham gia của nhà nước, họ luôn là người được ưu tiên về vốn cũng như các tài nguyên hữu hạn khác. Đáng lo hơn, do gắn liền với chính phủ nên các doanh nghiệp này lại có những liên hệ mật thiết trongi các cuộc đấu đá chính trị và thường nuỗi dưỡng tham nhũng.
Các quan chức Ngân hàng thế giới thừa nhận có những khác biệt trong quan điểm giữa tổ chức này với phía đối tác Trung Quốc. Nhưng những khuyến nghị trong báo cáo phản ảnh chung quan điểm với báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế công bố tháng 11 năm ngoái.
Ngân hàng thế giới kết luận, nếu không cải cách, Trung Quốc sẽ đứng trước nguy cơ khủng hoảng kinh tế trong thời gian tới, điều đến lượt nó lại dẫn đến bất ổn xã hội. Rủi ro sẽ vô cũng lớn nếu cả Trung Quốc và thế giới đều không có những hành động cần thiết.

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/