Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2012

Cái sự hèn và nỗi uất nghẹn của đớn đau…

Hà Văn Thịnh
Chưa có năm nào mà mở đầu một năm mới (2012), tính đến hôm nay là 10 ngày (10.1.2012) mà cái đầu và trái tim của người dân Việt bị thử thách nhiều đến như thế, bị giày vò thảm thê đến thế trước những tai ương, những câu chuyện còn hơn cả buồn và những nhức nhối, để dẫu có muốn làm thinh cho khỏi mang tiếng “diễn biến” hay “bị xúi giục” thì vẫn phải mở mồm rên lên, khóc lên cho vợi bớt cái nhục nhã của thân phận làm người…
Đầu tiên là chuyện cháy xe và quan chức cứ sống chết mặc bay cho đến khi báo chí, dư luận la hét vang trời mới đủng đỉnh nhận cho gọi là… có. Tiếp đó là đọc ở đâu, xem cái gì cũng “năm 2020”(!) Nào là đến năm đó có mấy chục ngàn tiến sĩ, nào là lạm phát bằng không, nào là “kiểm soát về cơ bản vệ sinh an toàn thực phẩm”… Hứa lèo cho qua hai nhiệm kỳ thì ai mà không hứa được? Nếu nói rằng đến 2020, không còn thực phẩm thối thì liệu đến ngày đó, sức khỏe giống nòi sẽ ra sao, văn hóa đạo đức suy đồi đến mức nào?… Độc, đau, đắng, đểu là “bốn Đ” xin gửi tặng cho ông LDH và các bộ tứ khác đang tồn tại trên trái đất này, chẳng hạn như 4 biết, 4 chịu, 4 tốt (láng giềng tốt, đồng chí tốt…), 4 vàng (4 nhân 4 thành 16 chữ vàng – Sơn thủy tương liên, vận mệnh tương quan)…
***
Có một câu hỏi tôi luôn nghĩ từ nhiều năm nay nhưng SỢ chẳng dám nói ra bởi biết chắc là sẽ bị ném đá tơi bời – thậm chí là bị vùi cho thân tàn ma dại. Đó là câu hỏi người Việt có anh hùng bất khuất thật hay không? Đành rằng vì không biết nên phải hỏi, nếu có sai thì các bậc thức giả, nhà cầm quyền có lẽ cũng chẳng trách đâu nhưng nỗi sợ nó ngấm vào máu, nó cuộn đắng trong tim nên mới để mãi đến bây giờ. Một trong những danh ngôn mà tôi thích nhất là câu nói của tổng thống bị bại liệt hai chân F. D. Roosevelt nói trong lễ nhậm chức năm 1933: “Điều duy nhất mà chúng ta phải sợ chính là bản thân nỗi sợ” (The only thing we have to fear is fear itself). Quả thực, trong mấy ngày qua, không ngày nào tôi không muốn viết nhưng bạn bè – người thân cản ngăn nhiều quá, cho đến lúc này, sau khi đọc thông tin đã tương đối, mới dám cố gắng đặt nỗi sợ sang một bên và… viết.
Trước hết, hãy liếc qua lịch sử Triều Tiên: Điều nhiều người biết nhưng ít người nói là trong suốt 1.117 năm Việt Nam bị Bắc thuộc, người Triều Tiên chỉ bị Trung Quốc đô hộ có vài chục năm – lần thứ nhất từ 108 đến 82 B.C. (thời Hán) và lần thứ hai từ năm 668-676 (thời Đường). Đó là điều đáng để ngẫm suy. Và, cũng nên nhấn mạnh rằng, trong 1.117 năm đau đớn ấy, nhân dân Việt Nam chỉ nổi dậy khởi nghĩa có tất cả 12 lần lớn, nhỏ: Năm 111 B.C. là khởi nghĩa (đầu tiên) của Tây Vu Vương, năm 40-43 là Hai Bà Trưng, khởi nghĩa của Chu Đạt (năm 157), của Bà Triệu (năm 248), của Lý Trường Nhân (468-485), của Lý Bí (542 – 548), của Triệu Quang Phục – Lý Phật Tử (năm 547 – 602), của Lý Tự Kiên và Đinh Kiến (năm 687); của Mai Thúc Loan (năm 722); của Phùng Hưng (766-791), của Dương Thanh (819-820), Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Kiều Công Tiễn, Ngô Quyển (905-938). Như vậy trung bình cứ 92 năm thì khởi nghĩa 1 lần!
Mức độ và “tần số” của những cuộc khởi nghĩa đó nói thẳng, rõ ràng với chúng ta rằng đừng có tôn vinh sự quật cường thái quá bởi không có sự vượt trội so với nhiều dân tộc khác (nếu không muốn nói là chưa bằng) thì không thể luôn luôn huyễn hoặc mình. Tất nhiên, đây là công việc của các cây đa cây đề sử học mà người viết bài này chỉ muốn lướt qua để nói về nỗi đau hiện tại có nguồn cội từ yếu hèn.
Nếu không hèn yếu cớ sao không ít quan tham ngu dốt cứ nói, cứ làm mà hàng triệu người vẫn cúc cung tận tụy trong lặng câm? Nếu không bị ảnh hưởng bởi hơn 1.000 năm với kiếp cúi luồn thì tại sao bây giờ chúng ta (kể cả người viết bài này) lại sống trong sợ hãi: Không dám nói về những điều sai, trong khi cái sự thật cứ rành rành?… Rất và rất nhiều câu hỏi chỉ có một sự trả lời duy nhất – chúng ta không dám sáng tạo (phản biện, chống lại cái ác là sự sáng tạo của tỉnh thức, sự lung linh của trái tim, sự hy vọng của nhân cách), chúng ta khiếp sợ bạo lực, cường quyền nên càng ngày, chúng ta càng lún sâu hơn vào vũng bùn tối tăm của nhận thức, dò dẫm sống, lắt lay tồn tại bằng sự đui mù của tư duy.
Có rất nhiều dẫn chứng nhưng, có lẽ, bài học từ Tiên Lãng là đủ đầy nhất. Tôi xin lấy ví dụ từ chính cái mới nhất và đau nhất này. Một, tại sao người dân, kể cả người có học, lại dễ bị lừa đến thế khi nghe chính quyền (thật ra là quyền lực bị lộng hành bởi vài cá nhân nhân danh chính quyền) rút đơn về để họ dễ bề… cưỡng chế! Chỉ cần biết cái kiến thức tối thiểu rằng đất đai đang tranh chấp thì không thể cưỡng chế như luật pháp đã quy định thì phải hiểu ngay lập tức rằng rút đơn khiếu nại (kiện tụng) về, đồng nghĩa với tự đút đầu vô thòng lọng. Hai, chính quyền của “vua anh” (chủ tịch huyện) cưỡng chế trên đất của “vua em” (chủ tịch xã) là cái loại cơ cấu gì mà không cần học cũng hiểu ngay bản chất của vấn đề. Ba, nhà không thuộc diện bị cưỡng chế, vẫn bị đập tan tành: Phá hoại tài sản công dân trắng trợn như thế mà vẫn nhởn nhơ được sao? Thì ra không cần luật pháp, ưa chi làm nấy là cái thực của xã hội bây giờ sao? Tại sao càn rỡ như thế mà không bị cách chức, đuổi việc ngay lập tức? Bốn, đất đai người ta bỏ cả máu, nước mắt, mồ hôi và tiền của ra để lấn biển, không khen, không ưu đãi thì chớ, lại còn ngang nhiên tịch thu (cướp giật) ngay giữa ban ngày là cái lý nào đây? Năm, cái sai của gia đình ông Vươn là rành rành, luật pháp không thể dung thứ nhưng cái căn nguyên, nguồn cội của sự phẫn uất là lý giải được theo cái nghĩa hẹp nhất của cụm từ bước đường cùng. Lửa và Khói là mối quan hệ nhân quả nhãn tiền. Vậy, ở đây phải làm rõ tội của AI nặng hơn: Kẻ càn rỡ nhân danh luật pháp hay người dân trong phận con giun bị xéo giày tức tưởi?…
Nhiều và rất nhiều nữa những điều phải nói, sẽ nói về chuyện Tiên Lãng. Đây là lúc những người có trách nhiệm phải cẩn trọng vì một tia lửa hay một ngọn lửa chỉ khác nhau về mức độ mà thôi còn thực tế, chúng bao giờ cũng là điểm khởi đầu của đám cháy. Không thể chỉ trừng phạt một phía vì nguyên tắc của công lý là sai đến đâu phải xử ngay đến đấy. Đến đây, chợt thấy buồn nẫu cả ruột gan: Vì lâu nay chúng ta đều “đồng thanh” lặng câm (khuyên bảo nhau lặng im) nên sự càn rỡ ngày càng trắng trợn, vì lâu nay người ta đánh giá sự phản kháng của người dân quá thấp nên cứ việc hành xử bất kể đúng sai. Thật ra, cái tốt nhẫn nhục mới là tội ác ghê gớm hơn cả tội ác từ cái xấu. Martin Luther King đã nói đại ý như thế.
Chúng ta phải đòi công lý thực thi theo đúng lẽ ai sai đến đâu thì phải chịu trách nhiệm đến đó. Đây là nguyên tắc, ít nhất, nó chứng tỏ rằng đôi khi người Việt cũng còn nhớ đến tinh thần bất khuất…

Huế, 13.1.2012
H. V. T.