Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2012

BÀI PHÁT BIỂU CỦA GS TƯƠNG LAI TẠI HỘI NGHỊ UBTUMKTTQVN

GS.Tương Lai

Vì đang nằm bệnh viện, không đủ sức để đến dự cuộc HỘI NGHỊ ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẮT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM lần thứ tư, Diễn đàn chính thức, mang tính hợp hiến mà về danh nghĩa thì tiếng nói tại đây được Đảng và Nhà nước trân trọng lắng nghe nên tôi muốn lên tiếng tại đó, do không trực tiếp đọc được, tôi đã gửi bài phát biểu đến ông Huỳnh Đảm, Chủ tịch UBTƯMTTQVN yêu cầu được bố trí thời gian để Gs Trần Hậu, Ủy viên UBTƯMTTQVN khóa 7 đang có mặt tại Hội nghị đọc giúp. Đáng tiếc là điều đó không thực hiện được, và cũng như thói quen ứng xử “rất văn minh” đã thành nếp quen thuộc trong chế độ ta, tôi không được có bất cứ một hồi âm nào. Vì vậy xin gửi đến bạn đọc xa gần qua báo mạng được biết.
Tương Lai

Kính thưa các cụ,
Thưa quý vị
Làm nhiệm vụ của một ủy viên của UBTƯMTTQVN, như thường lệ mỗi năm một lần, tôi xin phát biểu một số ý kiến và kiến nghị như sau:
1. Bản báo cáo dài 17 trang, liệt kê tương đối đầy đủ những hoạt đông phong phú và cụ thể của Mặt trận các cấp trong năm 2011. Đọc kỹ, vừa lạc quan vừa bi quan.
Lạc, vì Mặt trận ta làm được quá nhiều việc, nhiều con số rất cụ thể và hoành tráng.
Bi, vì bị hụt hẫng do chờ đợi được đọc những dòng quan trọng nhất về một nhiệm vụ hết sức quan trọng của Mặt Trận ở chiều cạnh vĩ mô mà năm ngoái, cũng tại diễn đàn Hội nghị lần thứ ba với sự có mặt của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi đã phát biểu về “cơ chế” chưa đươc đề ra nhằm thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận với đường lối, chủ trương chính sách và sự lãnh đạo của Đảng cũng như sự quản lý của Nhà nước và Hệ thống chính trị. Trong bài phát biểu đó, tôi đã trình bày rõ về “cơ chế cởi ra rồi lại buộc vào như chơi” với sự chỉ rõ ai cởi, ai buộc và kiến nghị phải tháo gỡ trong năm 2011. Thế rồi sau một năn hoạt động của Mặt trận các cấp trong một bối cảnh mà lý ra, tiếng nói giám sát và phản biện của MT phải kịp thời, mạnh mẽ và thiết thực nhưng rồi chỉ tìm thấy sự tháo gỡ ở câu kết cuối trang báo cáo về 9 công tác trọng tâm của MT: “Đặc biệt, là xây dựng và tham mưu để sớm ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội”. Như thế cũng có nghĩa là, trong năm 2011, nhiệm vụ hết sức quan trọng và bức xúc của Mặt trận đã được ghi trong Nghị quyết Đại hội 11 của Đảng về giám sát và phản biện xã hội chưa được thực hiện vì chưa được “sớm ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN”! Vậy thì quy chế này do ai ban hành? Do Mặt trận phải chủ động xây dựng hay MT ngồi chờ Đảng ban hành?
Thật ra thì báo cáo cũng có nói về “công tác tham mưu ở tầm vĩ mô về chủ trương, chính sách” (giữa tr.16), nhưng là chính sách vĩ mô về “chế độ phụ cấp cho Trưởng ban công tác MT ở khu dân cư, phụ cấp trách nhiệm cho Ủy viên UBMTTQVN các cấp”! Sao lại xem việc góp ý kiến về phụ cấp lại là “tham mưu ở tầm vĩ mô về chủ trương chính sách” mà thật ra là xin tăng lương! Trong khi đó, những vấn đề rất bức xúc về chính trị, xã hội, kinh tế rất cần đôi mắt giám sát và tiếng nói phản biện mạnh mẽ lại không được đề cập đến.
2. Xin chỉ nói một chuyện, năm 2011 là năm đầy những biến động và thử thách cho việc lèo lái con thuyền đất nước vượt qua những con sóng dữ. Chưa lúc nào mà bản lĩnh Việt Nam cần phải được phát huy bằng lúc này trong cái thế kẹt địa-chính trị nằm sát cạnh một quốc gia khổng lồ về dân số, về tiềm lực kinh tế và quốc phòng khiến cho mộng bành trướng trỗi dậy mà cái lưỡi bò thè ra định nuốt trọn Biển Đông là một minh chứng. Trong bối cảnh đó, thì huy động trí tuệ và sức mạnh của cả dân tộc cùng với Đảng và Nhà nước vượt qua thử thách hiểm nghèo này là hết sức bức xúc. Vậy thì Mặt trận của chúng ta đã làm gì để đáp ứng điều đó khi mà sứ mệnh cao cả của MT là tập họp ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là của tuổi trẻ và trí thức.
Mặt trận đã tỏ rõ thái độ của mình đối với hành động yêu nước của lớp trẻ, một biểu tượng rất đáng mừng, đáng khích lệ như thế nào. Sẽ là một sự bất công và quá thiển cận khi không thấy hết sức quật khởi của dân tộc vốn tiềm ẩn trong đời sống Việt Nam và khi được khơi dậy, được cổ vũ và phát huy sẽ trở thành một “làn sóng vô cùng mạnh mẽ, lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ.
Tôi đã tham gia biểu tình cùng lớp trẻ, đã trực tiếp chứng kiến hành động yêu nước của họ. Tôi thực sự xúc động và tự hào khi nhìn vào đôi mắt sáng trên gương mặt trẻ măng của các nam nữ thanh niên tự nguyện đi tuần hành hòa bình trên đường phố mặc dầu họ biết họ có thể bị bắt giữ, bị hành hung, bị đạp vào mặt, bị theo dõi chặt chẽ trong sinh hoạt thường ngày của họ. Họ chỉ có một trái tim yêu nước, một khối óc biết suy nghĩ, trong tay không một tấc sắt, họ xuống đường để biểu thái độ của thế trẻ Việt Nam lên án hành động xâm lược của những người nuôi mộng bành trướng. Mặt trận có đừng về phía họ không, có cổ vũ tinh thần yêu nước và ý chí bất khuất của truyền thống Việt Nam không? Chẳng nhẽ hình ảnh bất hủ của Trần Quốc Toản bóp nát quả cam đang cầm trên tay vì không được trao nhiệm vụ cứu nước đã là một biểu tượng lịch sử truyền thống không bao giờ phai mờ trong tâm trí Việt Nam vào lúc này khi “tái cơ cấu lại hệ thống giá trị” sẽ bị loại ra khỏi đời sống dân tộc?
Sâu thẳm trong tâm tư, tôi nghĩ rằng, đất nước này còn có một lớp trẻ như vậy sẽ là điểm tựa vững chắc cho sức vận động tự thân của của truyền thống dân tộc, khiến cho dân tộc này sẽ vĩnh viễn trường tồn, đó là niềm tin duy nhất vào lúc này. Cùng với lớp trẻ đó là những trí thức nhân sĩ yêu nước cũng đã có mặt trên đường phố để động viên lớp trẻ. Và cùng với hành động quả cảm đó, họ còn kiên trì nhẫn nại gửi những Kiến Nghị, những Tuyên bố đến những cơ quan có trách nhiệm điều hành bộ máy Đảng và Nhà nước một cách minh bạch, công khai và thật sự nghiêm túc. Những người ký tên vào các bàn Tuyên bố và Kiến nghị là những nhân sĩ đáng kính như cụ Nguyễn Đình Đầu, mặc dù đã 90 tuổi vẫn xuống đường cùng lớp trẻ. Những tên tuổi khác rất quen thuộc đối với những ai quan tâm đến vận mạng đất đã đọc những kiến nghị, những phát biểu thẳng thắn đầy tâm huyết của họ như giáo sư Hoàng Tụy, nhà toán học lớn của Việt Nam và của thế giới, như giáo sư Phan Đình Diệu, hiện là Ủy viên Đoàn chủ tịch UBTƯMT, và có những vị thiền sư, vị linh mục mà nhắc đến tên thì bà con theo đạo Phật hay đạo Thiên chúa đều biết đến. Đáng tiếc là cho đến nay họ chưa nhận được bất cứ một hồi âm nào cho dù lẻ tẻ đã có những lời hứa của những nhà lãnh đạo cấp cao sẽ có tiếp xúc, trao đổi. Đây là một câu hỏi lớn chưa lời đáp.
Liệu có phải vì việc “xây dựng và tham mưu để sớm Ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN và các đoàn thể chính trị xã hội” sẽ được tiến hành trong năm 2012 nên vừa qua chưa có quy chế trong việc nghiêm túc trả lời những kiến nghị của giới trí thức trong và ngoài nước. Tôi e không phải thế.
3. Một chuyện xưa như quả đất là khi đã nắm quyền lực trong tay thường nảy sinh ra một thói quen khó khắc phục là không muốn nghe những lời trái ý mình, không muốn chia sẻ quyền lực cho ai ngoài mình và vây cánh của mình. Biểu hiện dễ thấy của thói quen đó là chỉ muốn độc thoại chứ không quen đối thoại. Thói quen đó tự cho mình đã biết tất cả, chân lý là đã có sẵn, chỉ cần rao giảng và áp đặt. Người ta gọi đấy là sự tha hoá của quyền lực.
Thói quen ấy đi ngược với tư duy hiện đại về quá trình tiến hoá. Vì rằng “tiến hoá thực chất là đồng tiến hóa”. Tư duy hiện đại đã vượt qua sự cố chấp của “nguyên lý loại trừ” mà bước vào “nguyên lý bổ sung”. Độc thoại gắn liền với nguyên lý “loại trừ”, ai không phải là ta, không theo ta, tức là chống lại ta! Còn nguyên lý “bổ sung” thì khuyến khích thái độ lắng nghe để tiếp nhận thông tin, nhằm làm cho tri thức của mình luôn luôn mới, theo kịp được với nhịp phát triển liên tục của cuộc sống. Sự mở rộng của tri thức do được bổ sung liên tục, giúp hình thành và củng cố được ý thức và phong cách ứng xử khoan dung, cởi mở và sự hoà hợp, mong muốn làm bạn chứ không tự trở thành kẻ thù đối với người khác mình!
Và đấy chính là cội nguồn và cũng là cốt lõi của khái niệm dân chủ vốn đã ghi đậm trong tên nước và thể chế chính trị của nước Việt Nam được khai sinh bằng Tuyên Ngôn Độc lập 2.9.1945. Chữ đó có từ cội nguồn Hy Lạp, kratia là quyền và demos là dân, “democratie” trong tiếng Pháp và “democracy” trong tiếng Anh đều có ý nghĩa là chế độ dân chủ. Gợi lại cái gốc Hy Lạp để hiểu rằng “ Các nhà sử học về cổ Hy Lạp nhấn mạnh chỉ một chữ nằm tận trong thâm sâu của tư tưởng Hy Lạp, trong kịch, trong thực tiễn sống động của tổ chức dân chủ ở Athènes, trên chính nhan đề quyển sách của Platon,chữ đó là dialogue, đối thoại.
Gần đây hơn, Nelson Mandela, cựu Tổng thống Nam Phi trong cuốn tự thuật của mình “Con đường dài dẫn đến tự do” đã nói đến bài học dân chủ: “Bất cứ ai muốn phát biểu đều có thể nói. Đó là dân chủ trong hình thức thuần túy nhất”. Phải chăng nhà cách mạng đáng kính của nhân dân Nam Phi muốn gợi lại ý tưởng của Voltaire, người được xem là “người phát ngôn của tự do công dân” của thế kỷ “ánh sáng”: “Tôi có thể không đồng ý với điều anh nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ cho đến chết quyền của anh được nói điều đó” (The Enlightenment. Age of Reason).
Cũng trên tinh thần đó, Hồ Chí Minh nói nôm na và đơn giản: “Dân chủ là để cho dân mở miệng ra. Dân chủ là đừng bịt miệng dân”. Có dân chủ thực sự hay không, không nên căn cứ vào lời nói mà căn cứ vào hành động thực hiện chỉ dẫn đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vậy thì, trước diễn đàn của Mặt trận, mỗi năm một lần, tôi thiết tha kiến nghị với Đoàn Chủ tịch và Ủy ban TƯ nên nghiêm khắc nhìn lại trách nhiệm của mình trước dân tộc, trước các tầng lớp nhân và trên ý nghĩa đó, cũng là trách nhiệm trước Đảng lãnh đạo, vì MT đã thực sự là nơi tập hợp ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân để chuyển đến Đảng, làm cho Đảng sát với dân, nghe được tiếng nói của dân.
Để kết thúc, tôi xin nhắc lại khí phách trước cường quyền và bạo lực của đồng chí Xuân Thủy, một cán bộ lão thành đã có công lớn trong việc thành lập và lãnh đạo Mặt trận Viện Minh, tiền thân của MTTQVN hôn nay qua bài thơ dưới đây ;

“Đế quốc tù ta, ta chẳng tù,
Ta còn bộ óc ta không lo.
Giam người trói cả chân tay lại
Chẳng thể ngăn ta nghĩ “tự do”

Xin trân trọng cám ơn các vị đã lắng nghe.
T. L.