Thư gửi nhờ chú Diện chuyển giúp đến ĐBQH Dương Trung Quốc và toàn thể ĐBQH khóa XIII
Thưa chú Diện, hôm nay cháu lại xin phép làm phiền chú thêm 1 lần nữa để nhờ chú chuyển giúp cháu Thư Ngỏ này đến toàn thể các đại biểu Quốc hội khóa XIII, đặc biệt là đến tận tay đại biểu Dương Trung Quốc. Bản lưu trữ trên blog, xin chú vẫn để tên cháu là Một Người Việt Nam.
Cháu xin cảm ơn chú Diện thật nhiều.
Thưa đại biểu Quốc hội khóa XIII Dương Trung Quốc, cháu là 1 công dân Việt Nam quan tâm sâu sắc đến dự án Luật Biểu Tình mà Quốc hội đang tranh luận tại các phiên họp vừa rồi. Hôm nay, cháu gửi bức thư ngỏ này, là để trình bày toàn bộ suy nghĩ, nhận thức và ý muốn của mình đối với dự thảo Luật nêu trên để Quốc Hội được nghe kỹ và rõ hơn nguyện vọng của một công dân. Sở dĩ cháu viết bức thư ngỏ này, là vì bức xúc gay gắt với những phát biểu của đại biểu Hoàng Hữu Phước và một số đại biểu a dua theo phát biểu đó. Cháu gửi thư này đến bác, vì tin rằng bác thực sự là một đại biểu Quốc Hội tâm huyết và điều quan trọng nhất là biết lắng nghe nguyện vọng của nhân dân mà đại biểu Hoàng Hữu Phước không có được. Cháu dùng quyền công dân của mình để hi vọng và tin tưởng những ý kiến này sẽ được bác nêu ra trước Quốc Hội trong các phiên họp tiếp theo nhằm làm rõ nhu cầu cần thiết của việc xây dựng Luật Biểu Tình trên quan điểm của một công dân hòng đáp ứng nguyện vọng và yêu cầu chính đáng của người dân Việt Nam cũng như góp phần tích cực vào việc quản lý xã hội một cách hợp lý, hợp tình và hiệu quả hơn.
Vì không có nhiều thông tin về bác cũng như điều kiện không thuận lợi để trao tận tay bác thư này, nên cháu xin mạn phép chuyển nó đến bác thông qua sự giúp đỡ của Ts Nguyễn Xuân Diện là một người đủ tư cách để gửi đến bác trọn vẹn sự tôn trọng đúng mực từ cháu.
Thưa bác, dù là trong phiên họp vừa qua, Quốc Hội chỉ có một mình bác đứng lên thể hiện quan điểm đòi hỏi xây dựng Luật Biểu Tình, nhưng xin bác hãy tin rằng đó là nguyện vọng của nhân dân và chắc chắn nhân dân sẽ không để bác phải cô độc một mình.
Cháu xin chân thành cảm ơn bác và xin kính chúc bác sức khỏe, nghị lực, quyết tâm để giữ vững lý tưởng là một người đại diện xứng đáng của nhân dân và để xây dựng đất nước ta ngày càng tốt đẹp, vững mạnh hơn.
Cháu
__________________
THƯ NGỎ GỬI TOÀN THỂ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XIII
NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM
NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM
Kính thưa toàn thể ĐBQH khóa XIII nước CHXHCN Việt Nam,
Tôi là một công dân Việt Nam đã từng tham gia biểu tình phản đối thái độ bành trướng và hành vi xâm lược chủ quyền biển đảo Việt Nam của Trung Quốc vào ngày 05 tháng 06, 2011 và 12 tháng 06, 2011 vừa qua tại Sài Gòn, quan tâm sâu sắc đến một số vấn đề hiện tình đất nước và đặc biệt là vấn đề mà tôi sẽ đề cập trong thư này, là dự thảo về Luật Biểu Tình đang được đệ trình và thảo luận trước Quốc Hội trong các phiên họp vừa qua.
Tôi là người ủng hộ chủ trương xây dựng Luật Biểu Tình vì thế tôi hoàn toàn đồng quan điểm với đại biểu Dương Trung Quốc và vô cùng bức xúc trước phát biểu của đại biểu Hoàng Hữu Phước cũng như những ý kiến đồng dạng của hai đại biểu Trương Trọng Nghĩa và Nguyễn Thanh Tùng. Tôi xin trình bày quan điểm của mình về dự án Luật này như sau:
- Với tôi, Luật Biểu Tình là cực kỳ cần thiết và bức thiết. Vì lẽ, việc tự do biểu lộ tình cảm, chính kiến một cách ôn hòa, trật tự là quyền của công dân trong mọi quốc gia văn minh và việc quản lý tốt diễn biến của những cuộc biểu tình như thế thuộc về trách nhiệm của nhà nước. Cần nhìn nhận nghiêm túc rằng, Luật Biểu Tình là những định chế, những giới hạn cho phép để không chỉ giúp công dân thực hiện quyền lợi chính đáng của mình mà còn góp phần rất tích cực vào khả năng quản lý xã hội của nhà nước. Luật Biểu Tình không được xây dựng để tạo ra những cuộc biểu tình bát nháo, hỗn loạn và vô trật tự mà là nó hợp thức hóa và đề ra chuẩn mực cũng như giới hạn cho việc biểu tình nhằm hạn chế tối đa những yếu tố tiêu cực và nguy hiểm chưa lường trước được. Không có Luật Biểu Tình thì nhà nước cũng không thể cấm người dân biểu tình, nhưng như thế khoảng cách giữa nhân dân và nhà nước sẽ ngày càng xa hơn và những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân sẽ khó mà được nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu và đáp lại. Chưa kể, vì không có Luật dẫn đến sự lúng túng trong quản lý khiến phát sinh nhiều hành vi tiêu cực trong việc xử lý trấn áp càng làm gia tăng thêm những bức xúc sẵn có của quần chúng đồng thời đẩy khoảng cách giữa nhà nước và nhân dân ngày càng cách xa nhau. Đó là yếu tố vô cùng nguy hiểm cho sự bền vững của một nhà nước, gây ảnh hưởng xấu rất lớn đến lòng tin và sự thống nhất đồng lòng giữa nhân dân và chính phủ. Vì thế, Luật Biểu Tình thực chất là hỗ trợ cho nhà nước nhiều hơn là cho nhân dân. Việc mong muốn và yêu cầu có Luật Biểu Tình là hành động tích cực để giúp nhà nước quản lý xã hội một cách nhẹ nhàng, thân thiện hơn đồng thời người dân được đảm bảo quyền lợi và bảo vệ tính mạng để can đảm bày tỏ những nguyện vọng chính đáng của mình ôn hòa, trật tự và nhã nhặn.
- Quyền biểu tình của nhân dân là điều đã được khẳng định trong Hiến Pháp, tức là dù chưa có Luật, nhưng nó đã được công nhận, đồng nghĩa rằng nhân dân được quyền biểu tình vì điều đó không bị cấm. Luật Biểu Tình chỉ là để giúp nhà nước và nhân dân cùng quản lý cho tốt quyền đương nhiên ấy nhằm tránh phát sinh những tiêu cực. Cần nhớ rằng, chính thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề ra ý định soạn thảo Luật Biểu Tình và giao cho Bộ Công An thực hiện, tức là Luật này sẽ được soạn thảo ra từ những người quản lý việc biểu tình chứ không phải từ những người đòi hỏi biểu tình, cho nên không thể nói Luật này sẽ không phù hợp và không có lợi cho nhà nước. Và tôi khẳng định rằng, những công dân thấy cần thiết phải có Luật Biểu Tình là những công dân thực sự ý thức tôn trọng nhà nước và Pháp Luật cũng như mong muốn rằng việc bày tỏ chính kiến, thái độ của mình phù hợp với sự quản lý của chính quyền và tránh gây khó khăn, căng thẳng cho cơ quan hành pháp dẫn đến những đối đầu không đáng có. Đó là một ý thức tốt đẹp và chính đáng.
- Đại biểu Hoàng Hữu Phước chỉ nhìn duy nhất khía cạnh tiêu cực nhất của việc biểu tình từ một phía mà dám phát biểu lớn lối như vậy là xúc phạm nhân dân. Lương bổng của một đại biểu Quốc Hội nước ta thì chắc không cao, nhưng đại biểu Hoàng Hữu Phước cần ý thức sâu sắc rằng, những đồng tiền mà ông sẽ nhận ấy, là một phần mồ hôi, nước mắt của nhân dân, là máu xương của những người đã chiến đấu và hi sinh vì tổ quốc. Mong rằng ông ghi nhớ. Hôm nay, với tư cách là một công dân nước CHXHCN Việt Nam, tôi thẳng thắn phê bình đại biểu Hoàng Hữu Phước là thiếu ý thức trách nhiệm và nông cạn. Nếu ông không thay đổi, thì tôi – một công dân - không cần một người đại diện cho mình như thế. Vì với một ý thức hệ tiêu cực và cực đoan như vậy cộng với sự thiếu sáng suốt khi nhìn nhận diễn biến và bản chất của các vấn đề (những luận điểm mà ông đã đưa ra để phản bác dự thảo Luật Biểu Tình trong phát biểu của mình) tôi không nghĩ rằng ông sẽ đủ trình độ và tư cách đại diện cho nhân dân cũng như tham gia cùng chính phủ điều khiển lèo lái con tàu đất nước.
- Biểu tình là hành động dùng lực lượng số đông nhằm tạo sức mạnh cho những yêu cầu, thái độ, chính kiến, nguyện vọng của một khối quần chúng có cùng suy nghĩ nhằm thu hút sự chú ý và thúc đẩy quan tâm của nhà nước nhờ giá trị quy mô đông đảo đánh vào yếu tố nhận thức, tinh thần. Nó là một hành động tích cực và thiện chí và cũng là phương tiện hữu hiệu để công dân đối thoại với nhà nước, với lãnh đạo khi mà những tiếng nói riêng lẻ bị phớt lờ, bỏ ngoài tai. Thời đại văn minh này không cho phép những cuộc biểu tình với vũ trang và bạo động nhằm phá hoại những giá trị hiện hữu, nhưng mọi con người cần phải được quyền cất lên tiếng nói của mình và cần được Pháp Luật bảo vệ quyền căn bản đó.
.
.
- Luật Biểu Tình sẽ thiết lập những chuẩn mực, giới hạn để những biểu lộ thái độ, tình cảm, nhu cầu của quần chúng không đi quá mức độ cho phép đảm bảo sự ổn định và trị an. Cũng như sẽ là những giao ước để nhà nước quản lý các cuộc tụ tập biểu tình nơi công cộng nhằm tránh khỏi những tác động bất ngờ hoặc có chủ đích không mong muốn. Cá nhân tôi không bao giờ cho rằng một sự việc thiếu quản lý nào lại có thể diễn biến tốt đẹp hơn là khi nó được chuẩn bị đầy đủ về phương tiện vật chất lẫn tinh thần. Và đó là sự thiết yếu cần thiết của xây dựng Luật.
- Chúng ta cũng cần nhớ rằng, chính phủ là cơ quan lãnh đạo, quản lý nhà nước và quốc gia, nhưng điều đó không có nghĩa là chính phủ luôn luôn đúng. Vậy thì, khi chính phủ đưa ra một quyết sách không phù hợp thì nhân dân phải tuân thủ nhưng ức chế và âm thầm chống đối, phản kháng sẽ tốt hơn hay là nhân dân bày tỏ nguyện vọng của mình để chính phủ điều chỉnh chính sách cho phù hợp thì tốt đẹp hơn? Ai cũng sẽ có lúc sai lầm và chỉ có những người biết lắng nghe, biết nhận lỗi và sửa đổi mới là người được tôn trọng và tin tưởng. Điều cần thiết nhất của một chính phủ yêu nhân dân, đất nước mình. Không ai lại có một cái tai và hai cái miệng, tức là người ta cần phải biết lắng nghe nhiều hơn là nói, những người đại diện cho người khác, những người sử dụng tư cách đại diện cho người khác thì lại càng phải cần lắng nghe kỹ càng hơn, nghiêm túc hơn những tiếng nói đã lựa chọn mình. Đại biểu Hoàng Hữu Phước đã bịt hai tai, lại dùng tư cách đại diện cho người khác để áp đặt nhận thức của cá nhân, đương nhiên không thể nói đó là một hành động phục vụ quyền lợi của nhân dân được. Xin cảm ơn đại biểu Dương Trung Quốc đã có một lời đáp trả thích đáng trước hành vi đó: "Tại diễn đàn Quốc hội, chúng ta hãy nhân danh cá nhân mình thôi, trừ khi chúng ta có sự ủy nhiệm, hoặc có điều tra định lượng để nói rằng người dân phản đối, người dân băn khoăn trước định lượng đó, nó dẫn đến tiêu cực xã hội", câu nói này là điều mà tôi hài lòng và mong muốn. Còn ông Hoàng Hữu Phước là đại biểu của nhân dân nhưng lại bảo vệ mù quáng cho chế độ chính trị là không đúng chức năng và vô trách nhiệm. Gọi là bảo vệ mù quáng vì thực chất nó phản tác dụng, nó tạo ra những nhận thức không tốt từ nhân dân dành cho nhà nước đồng thời làm suy giảm luôn uy tín của chính phủ, một điều cực kỳ nghiêm trọng trong quản lý quốc gia.
- Biểu tình sẽ chỉ dẫn đến chống chính phủ như đại biểu Hoàng Hữu Phước nói, khi mà quá nhiều nguyện vọng chính đáng của quần chúng bị gạt bỏ đồng thời chính phủ không có thiện chí cải thiện tình hình mà thôi. Thưa đại biểu Hoàng Hữu Phước, phải chăng ông muốn nói chính phủ Việt Nam hiện nay là như vậy nên ông mới quan ngại và kịch liệt phản đối Luật Biểu Tình?
- Trong thời buổi khó khăn kinh tế này, không có ai đủ thời giờ rảnh rỗi để hở cái gì ra cũng biểu tình, chỉ khi bức thiết lắm, cần kíp lắm, ức chế lắm, dầu sôi lửa bỏng lắm hay vui mừng lắm, yêu thương lắm thì người ta mới phải dành dụm thời gian mà thể hiện thái độ, tình cảm của mình với nhau, tôi không hiểu vì lý do gì đại biểu Hoàng Hữu Phước lại lo sợ biểu tình sẽ gây ra rối loạn đến như vậy. Cho dù hiện tình chính trị Việt Nam có phức tạp thế nào, ông cũng cần phải hiểu rằng xã hội vẫn luôn còn những con người đủ sáng suốt và thiện chí chứ. Và chính phủ nên tôn trọng, lắng nghe và chăm lo cho họ. Còn nếu như nhìn đâu cũng chỉ thấy người xấu, kẻ ác và tiêu cực, thì còn gì là một đất nước, một quốc gia. Nếu đại biểu lo lắng rằng nhân dân dễ bị kích động, xúi giục bởi những mưu đồ chính trị đen tối, thì nhiệm vụ nằm ở những chính sách quản lý xã hội, tuyên truyền vận động, giáo dục nhận thức, chứng minh thực tiễn, xây dựng các Bộ Luật chi tiết, đầy đủ, sâu sát, thực tế, kỹ lưỡng, nghiêm chỉnh, rõ ràng hơn chứ không phải là dẹp bỏ Luật Biểu Tình.
- Một điều cần lưu ý là không phải nếu không có luật biểu tình thì dân sẽ không dám biểu tình, mà ngược lại, việc tức nước vỡ bờ sẽ càng nguy hiểm và dễ lâm vào trạng thái tiêu cực hơn nữa, tức là tổn hại cho toàn xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận mệnh quốc gia. Còn nếu nói như đại biểu Hoàng Hữu Phước là mục tiêu của biểu tình là bạo động và lật đổ thì tôi xin nói thẳng rằng nhận thức ấy ấu trĩ và nông cạn. Bởi lẽ, nếu một khi đã lâm đến hiện trạng bất tuân dân sự tạo thành bạo động, thì không còn chỗ cho sự hiện diện của Luật Pháp nữa, nghĩa là có hay không có Luật Biểu Tình cũng vậy mà thôi. Chính vì vậy, tôi mong muốn Quốc Hội suy nghĩ về những thành ý tốt đẹp của chúng tôi, để xây dựng Luật Biểu Tình nhằm hợp pháp hóa quyền lợi chính đáng của nhân dân cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan hành pháp thực thi quản lý.
- “Câu hỏi được đặt ra ở đây là dự án Luật biểu tình đã tham vấn ý kiến, nguyện vọng của cử tri, công dân là người cao tuổi, cựu kháng chiến, cựu chiến binh, anh hùng các lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, tập thể nông dân, tập thể quân đội, công an, những chiến sỹ biên phòng đang trấn giữ biên cương của tổ quốc và hải đảo quốc gia, những nhà tu hành chân chính hay chỉ vì một nhóm nhỏ vài chục, vài trăm sinh viên, học sinh, những người chưa là những công dân có thu nhập, có việc làm”. Thưa đại biểu Hoàng Hữu Phước, và để trả lời cho viện chứng hết sức ngớ ngẩn của ông, tôi xin nói rõ một điều rằng: Tôi là một công dân Việt Nam, năm nay hai mươi sáu tuổi, đã tự đi làm để nuôi bản thân mình và góp phần xây dựng xã hội. Tôi ủng hộ và mong muốn xây dựng Luật Biểu Tình. Sau này, khi phát ngôn những điều tương tự, xin ông hãy dùng tư cách cá nhân.
Kính thưa Quốc Hội,
Những yếu tố tích cực của việc biểu tình cũng như sự thiết yếu cần có một Luật Biểu Tình trong bối cảnh hiện nay thì đại biểu Dương Trung Quốc đã phân tích khá đầy đủ nên cũng không cần phải bổ sung thêm. Tôi chỉ xin nhấn mạnh một điều rằng, việc xây dựng một bộ Luật nhằm quản lý việc biểu tình cũng là một hành động tích cực để củng cố dân chủ, đáp ứng xu hướng vận động và phát triển của thế giới cũng như thực hiện mong ước của các vị lãnh đạo nước ta. Khi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, rồi tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và chủ tịch nước Trương Tấn Sang lên nhậm chức đều đã thể hiện khát vọng mở rộng tự do dân chủ, xây dựng một nền dân chủ pháp trị có thực chất, thanh lọc bộ máy nhà nước nhằm thể hiện quyền làm chủ thực sự của nhân dân. Tuy nhiên, cho đến nay, vì nhiều lý do chủ quan lẫn khách quan, công khai cũng như bí mật, nội tại cũng như tác động từ các nước bên ngoài, những khó khăn do bối cảnh chung và tình thế riêng… những khát vọng đó của các vị lãnh đạo vẫn chưa có được bước tiến quan trọng và đột phá nào. Lần này, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có một động thái tích cực và rất đáng hoan nghênh đó là đề xuất dự thảo xây dựng Luật Biểu Tình, một bước tiến khá lớn trong thực thi dân chủ.Vì vậy, là một công dân, tôi mong muốn Quốc Hội – cơ quan đại diện cho mình – hãy giúp các vị lãnh đạo thực hiện tốt hơn khát vọng nói trên. Lòng dân là sự bền vững của chế độ và là sự ổn định của quốc gia. Với những nhận định đã nêu, tôi thấy việc xây dựng Luật Biểu Tình ngay bây giờ là hợp lý và cần thiết. Xin kính trình Quốc Hội.
Tôi xin kính chúc toàn thể các đại biểu Quốc Hội sức khỏe, minh mẫn, tỉnh táo, sáng suốt và nhiệt huyết để xây dựng đất nước ta bền vững, trường tồn.
Sài Gòn, 18 tháng 11 năm 2011
Kính thư
Một người Việt Nam