Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

Dân trí thấp hay “quan trí” thấp?

Hồ Bất Khuất
Chữ “dân trí”hiện nay được sử dụng khá nhiều (có hẳn một tờ báo mạng nổi tiếng có tên “Dân Trí”), nhưng chủ yếu trong các trường hợp là các quan chức (bao gồm cả đại biểu dân cử) cho rằng, dân trí của nước ta hiện nay đang thấp. Theo dõi thông tin, nghe ngóng, thậm chí tranh luận với một số vị, tôi lại thấy “quan trí” của chúng ta đang có vấn đề.

Buồn, lo từ những phát biểu của một số đại biểu Quốc hội
Mấy hôm trước báo chí loan tin rộng rãi là Đại biểu Quốc hội, Bác sỹ – Nhà văn Nguyễn Minh Hồng đề xuất với Quốc hội là cần có Luật nhà thơ. Tôi nghe, giật mình và thấy buồn cười. Sau đó thì buồn thật vì thấy là một đại biểu Quốc hội, lại là nhà văn (Tôi đọc nhiều nhưng không hiểu ông nhà văn này viết cái gì) mà còn suy nghĩ và hành động kiểu này thì xã hội ta sẽ còn phải chịu đựng sự “ấm ức” khá lâu đây.
 Hôm nay (18/11/2011) các báo đưa tin, Đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước đề xuất đợi đến “khi nào trình độ dân trí cao hơn và kinh tế ổn định hơn thì mới có thể ban hành Luật biểu tình”. Báo “Tuổi Trẻ’ còn đăng hẳn cả một bài phỏng vấn ông Phước; đọc xong, tôi thấy lo quá!
 Mối lo trước tiên hơi sâu xa, hơi mơ hồ. Đó là trong số hàng chục triệu người Việt Nam trưởng thành, ta chỉ bầu chọn lấy mấy trăm đại biểu; đáng ra ta phải tìm ra được những người xứng đáng nhất: Họ phải hiểu biết nhiều, xử lý thông tin giỏi, phản ứng linh hoạt, hiểu biết tâm tư nguyện vọng của nhân dân, bảo vệ lợi ích của dân chúng… Song, qua phát biểu của một số đại biểu, tôi có cảm giác là chúng ta đã lựa chọn không chính xác ở một số trường hợp. Nỗi lo thứ hai, rất cụ thể, chủ yếu liên quan đến phát biểu của ông Phước vì ông muốn loại bỏ cả hai dự luật là Dự luật Biểu tình và Dự luật Lập hội. Nỗi lo ở chỗ ông Hoàng Hữu Phước là Đại biểu Quốc hội, là người tham gia vào quá trình lập pháp, nhưng những phát biểu của ông đầy băm bổ và mang nặng tính vi hiến, nghĩa là ông không hiểu, hoặc không tôn trọng những điều đã được Hiến pháp ghi rõ.

Đôi lời với ông Hoàng Hữu Phước
Kính thưa ông Hoàng Hữu Phước!
Không biết căn cứ vào đâu và hiểu thế nào mà ông cho rằng dân trí của nước ta đang thấp, không phù hợp cho Luật biểu tình ra đời? Xin thưa với ông là hiện nay Việt Nam có trên 2 triệu người đã tốt nghiệp đại học, gần 25 000 thạc sỹ, trên 20 000 tiến sỹ; cả nước đã hoàn thành phổ cập Tiểu học và đang phấn đấu hoàn thành phổ cập Trung học Cơ sở trong mấy năm tới.
 Nhưng thôi, khoan đã bàn đến chuyện học hành và bằng cấp ở đây. Chữ “dân trí” không hẳn để chỉ trình độ học vấn của nhân dân, mà là chỉ sự hiểu biết của nhân dân. Một người có thể chỉ có trình độ tiểu học, thậm chí không biết chữ, nhưng người đó có thể hiểu biết nhiều vấn đề, từ những vấn đề liên quan đến đất đai, cái ăn cái mặc của từng người, cho đến những vấn đề chiến tranh và hoà bình, chủ quyền lãnh thổ, vận mệnh quốc gia. Lịch sử hơn nửa thế kỷ qua của dân tộc ta chỉ ra rằng, nhờ có sự hiểu biết và ủng hộ của nhân dân mà chúng ta giành được những chiến thắng quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
 Nay là thời bình nhưng đang có nhiều vấn đề xẩy ra khiến đại bộ phận quần chúng nhân dân cảm thấy cần phải có một hình thức nào đó để lên tiếng, để bày tỏ thái độ, tình cảm, nhận thức của mình. Đó chính là biểu tình. Biểu tình là những cuộc tụ họp của nhiều người để hưởng ứng hay phản đối một điều gì đó. Đơn giản vậy thôi. Và quyền được biểu tình đã được ghi trong Hiến pháp của nước ta, và đã xẩy ra ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mấy tháng trước. Không chỉ xẩy ra một lần mà diễn ra nhiều lần trong mấy tháng trời.
 Trước đến nay Quốc hội bận rộn nhiều thứ nên tạm thời chưa ban hành được Luật biểu tình. Nay Quốc hội còn định bàn đến Luật Nhà thơ, cớ sao lại không bàn tới Luật Biểu tình?
 Phản đối hay ủng hộ Dự luật Biểu tình, Dự luật Lập hội là quyền của mỗi người. Nhưng thông qua sự phản đối hay ủng hộ, người ta đánh giá được sự hiểu biết của người đó.
 Ông thì cho rằng dân trí (sự hiểu biết của nhân dân) hiện nay còn thấp nên không thể ban hành Luật biểu tình được. Còn tôi thì cho rằng, ông nói như vậy là kém hiểu biết (mặc dù tôi thấy ông ghi: Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh – doanh Quốc – tế) tình hình thực tế hiện nay. Ông có biết những người tham gia biểu tình vừa qua là những ai không? Họ chủ yếu là những người có trình độ học vấn và nhận thức sâu sắc mọi vấn đề, bao gồm giáo sư, tiến sỹ, nhà văn, nhà báo, sinh viên, học sinh. Không thể nói họ là những người dân trí thấp dưới bất cứ góc nhìn nào! Đây không chỉ là những người hiểu biết mà còn là những người yêu nước nồng nàn và đầy lòng dũng cảm.