Thứ Hai, 17 tháng 10, 2011

Nghịch lý

Lê Phan


Một trong những điều mà hẳn đang làm các lãnh tụ ở Bắc Kinh bực mình là tại sao đột nhiên họ thấy mình trở thành nếu không phải là kẻ thù thì cũng là người hàng xóm đáng ngại của hầu hết các quốc gia láng giềng.
Khi mà vào cuối tháng vừa qua, các ông tướng Miến Ðiện, mặc dầu nay đã khoác áo dân sự, tuyên bố ngưng việc thực hiện đập thủy điện khổng lồ Miytsone, thì sự bực mình đã trở thành tức giận. Miến Ðiện, vốn hầu như đã trở thành chư hầu, mà cũng trở mặt. Tưởng cũng xin mở ngoặc là đập Myitsone là một công trình liên doanh giữ Bộ Ðiện Lực, một công ty tư nhân có cái tên là Asia World Company of Burma và công ty quốc doanh China Power Investment Corp. của Trung Quốc. Asia World, xin phép mở ngoặc, là sở hữu của ông Lo Hsing Han, một người Miến gốc Hoa, vốn xuất thân là trùm buôn lậu thuốc phiện từ vùng Tam Giác Vàng. Thành ra công ty xây dựng và điều hành Myitsone thực ra là hai phần Hoa, một phần Miến, và mục đích là để cung cấp điện cho Trung Quốc.
Trong khi đó, Ấn Ðộ, vốn mấy lâu nay đã có lúc tìm cách làm thân với Bắc Kinh, đột nhiên đổi hướng, tung ra chính sách “Hướng Ðông,” bắt đầu tìm sang Ðông Nam Á làm bạn với Việt Nam.
Ở Ðông Nam Á, Philippines, mà tổng thống đương thời có mang một phần dòng máu Hoa trong người, đã trở thành một trong những tổng thống tích cực bài Trung Quốc nhất mặc dầu Philippines đang trông cậy rất nhiều vào liên hệ mậu dịch với Hoa Lục.
Ngay cả Singapore, vốn có thời được Bắc Kinh liệt vào loại “lãnh thổ Hoa kiều hải ngoại,” cũng hăng say củng cố quốc phòng và siết chặt hơn nữa trong liên hệ với Hoa Kỳ. Còn Malaysia kế cận, và ngay cả đến Indonesia, cũng không mấy mặn mà với Bắc Kinh.
Xa hơn nữa về phía Bắc, Nhật Bản, mà chính phủ thuộc đảng Dân Chủ Nhật Bản, kể từ khi lên nắm quyền, đã công bố một chính sách ngoại giao hướng về các quốc gia láng giềng, với ý muốn xa lánh vòng ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Chuyện đó là hồi năm 2009 khi đảng mới lên cầm quyền. Giờ đây Nhật Bản đang tăng cường lực lượng và siết chặt liên hệ với Hoa Kỳ hơn bao giờ hết.
Không hiểu trong lúc bàn bạc với nhau ở Trung Nam Hải các vị lãnh tụ Trung Quốc có bao giờ tự đặt câu hỏi chuyện gì đã xảy ra mà tại sao tất cả những quốc gia này nay bỗng nhiên thay đổi thái độ hay không? Ðiều hẳn còn làm cho các vị ngạc nhiên hơn nữa, vì như lời ví von của Nhân Dân Nhật Báo, họ đang đều mua vé trên con tàu cao tốc của nền kinh tế Trung Quốc và đang được hưởng lợi nhờ sự phát triển của nền kinh tế đó.
Kẻ đứng ngoài thì thấy rõ tại sao nhưng có lẽ người trong cuộc không thấy. Trong sự kiêu căng của một kẻ vừa mới thành công, của một thứ giàu nổi, Bắc Kinh quên mất là chính những hành động của họ đã đẩy các quốc gia này ngày càng muốn tách rời ra khỏi vùng ảnh hưởng bá quyền của họ.
Trước hết là với Ấn Ðộ. Tuy chưa được phát triển bằng Trung Quốc, Ấn Ðộ là một quốc gia đang lên với một dân số cũng không thua gì dân số của Trung Quốc. Khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng những hải cảng ở Pakistan, Bangladesh, Miến Ðiện và Sri Lanka, Ấn Ðộ bắt đầu cảm thấy bị đe dọa. Như nhật báo The Hindustan Times đã tức tối viết, “Nếu Trung Quốc lý luận họ có quyền sở hữu Biển Nam Trung Hoa bởi nó tên là Nam Trung Hoa thì Ấn Ðộ Dương phải là của Ấn Ðộ.” Ấn Ðộ cảm thấy “quyền lợi cốt lõi” của mình bị đụng chạm, và dĩ nhiên phải tìm cách bảo vệ.
Và cứ như vậy những vấn đề tương tự xảy ra trong toàn vùng. Với Miến Ðiện, vấn đề là tự chủ và độc lập. Khi người dân Miến bắt đầu than thở là nhiều vùng đất của họ bây giờ đã bị Hán hóa thì ngay đến cả một chính quyền quân phiệt cũng cảm thấy không thể tiếp tục làm chư hầu được. Ở Philippines, vấn đề cũng là chủ quyền và quyền lợi kinh tế. Phi không thể nhắm mắt làm ngơ khi Trung Quốc ra lệnh cho các tàu thăm dò ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Phi.
Còn riêng với Việt Nam, Bắc Kinh biết là có thể chèn ép Việt Nam vì Hà Nội ở trong thế kẹt. Nhưng khi liên tiếp hai con tàu thăm dò của PetroVietnam (PVN) bị tàu của Bắc Kinh, dầu không phải là tàu hải quân, tới quậy phá, cắt dây thăm dò, thì chính PVN đã làm ầm lên. Những hình ảnh video được PVN phổ biến, những cuộc họp báo tố cáo ầm ĩ, đã khiến chính quyền Hà Nội dầu muốn dầu không cũng phải phản ứng. Vả lại trong hệ thống công quyền của chế độ, các công ty quốc doanh là những thành phần cốt cán và có tiếng nói quan trọng trong chính sách nhà nước.
Một nhà bình luận trong ngành dầu khí giải thích là có lẽ PVN đã không phản ứng mạnh đến thế nếu Bắc Kinh không lấn lướt quá mức. Theo chuyên gia này thì lâu nay PVN cũng đã biết thân biết phận, chỉ hoạt động thăm dò ở những vùng “biển nhà,” nằm gọn trong vùng đặc quyền kinh tế của bờ biển Việt Nam mà đường baseline không thể ai chối cãi được. Nhưng khi bị đụng đến miếng cơm, khi việc khai thác trong vùng “biển nhà” mà cũng bị đe dọa thì PVN phải có phản ứng.
Bắc Kinh tuy vậy có vẻ từ chối không hiểu vấn đề của các quốc gia láng giềng. Dĩ nhiên họ vẫn còn có những người bạn thân như Thái Lan, nhưng có thể Thái Lan cũng sẽ có phản ứng nếu quyền lợi bị đụng chạm.
Bắc Kinh, ít nhất là phe đang thắng thế ở Bắc Kinh, tự coi mình là kẻ bá quyền đương nhiên trong vùng Ðông Á, và Hoa Kỳ là một cường quốc đang lúc đi xuống, vì thế Bắc Kinh coi mình có quyền hành động ngang ngược như vậy. Không khác gì luận điệu của Ðế quốc Nhật hay Ðế quốc Ðức Quốc Xã, Bắc Kinh cho là họ có quyền bành trướng, và mọi quốc gia khác đều phải nhượng bộ.
Chính vì vậy Trung Quốc đã lồng lộn lên khi Hoa Kỳ, qua lời của Ngoại Trưởng Hillary Clinton, và mới đây nhất, qua tuyên bố chính sách của bà ngoại trưởng “Thế kỷ Thái Bình Dương Của Hoa Kỳ,” gửi một thông điệp thật rõ ràng đặc biệt cho Trung Quốc là “Ðừng loại chúng tôi ra và đừng đến cả nghĩ đến chuyện đẩy chúng tôi ra!”
Nhưng trên thực tế, Trung Quốc chẳng có thể làm gì được, bây giờ, hay trong tương lai gần, thay đổi một thực tế chiến lược. Sự bền vững của vai trò độc tôn của Hoa Kỳ không phải chỉ trông cậy vào khả năng tuyệt đối hay tương đối về quân sự của Hoa Kỳ. Nó nằm trong vai trò độc nhất vô nhị của Hoa Kỳ là kẻ tạo thăng bằng chiến lược cho Á Châu. Ở các nơi khác trên thế giới, người ta có thể muốn Yankee go home, nhưng ở Á Châu, sự hiện diện của Hoa Kỳ được mừng rỡ chào đón. Tại sao ư? Câu trả lời thật giản dị: Bá quyền Hoa Kỳ có thể có lúc khó chịu đấy, nhưng Á Châu sẽ chọn Hoa Kỳ thay vì bá quyền Trung Quốc mà không cần suy nghĩ.
Và ngày nào mà Bắc Kinh chưa thể làm cái gì để thay đổi thực tế địa lý chính trị đó của Á Châu, Bắc Kinh sẽ còn tiếp tục ngạc nhiên khi thấy các quốc gia láng giềng xa lánh, họp nhau lại để chống họ, và chạy theo Hoa Kỳ.
http://www.diendantheky.net/