Thứ Hai, 17 tháng 10, 2011

Chuyến thăm lịch sử tới Nam Á

Chuyến thăm Ấn Độ và Sri Lanka của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tuần qua (từ 11 đến 15/10) mở chương mới trong quan hệ giữa Việt Nam và hai quốc gia Nam Á với hàng loạt văn kiện được ký kết. 

2012 - Năm Ấn Độ ở Việt Nam


21 loạt đại bác đã vang lên ở Phủ Tổng thống ở thủ đô New Dehli sáng 12/10. Nghi thức cao nhất chào đón nguyên thủ nước ngoài đến thăm quốc gia Nam Á dành cho Chủ tịch nước Việt Nam thể hiện sự trọng thị của Ấn Độ.
Hiếm có lễ đón chính thức nguyên thủ nước ngoài, mà với tấm lòng trân trọng và tình cảm sâu sắc đối với nhân dân Việt Nam, cả Tổng thống Ấn Độ Pratibha Devisingh Patil, Thủ tướng Manmohan Singh đều cùng tham dự như lần này.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh. Ảnh: VOV
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã phát biểu ngắn gọn từ New Dehli: “Tôi dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ lần này, không có mục đích nào hơn là tiếp tục tăng cường hơn nữa tình đoàn kết, quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược giữa hai nước. Tôi tin tưởng chuyến thăm sẽ thành công, góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ vốn hết sức tốt đẹp đó".
Ông cùng các nhà lãnh đạo cấp cao Ấn Độ thống nhất phát triển quan hệ hai nước là ưu tiên cao trong chính sách đối ngoại mỗi nước, là nhân tố quan trọng để đảm bảo hòa bình và ổn định khu vực. Tổng thống Pratibha Patil trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN nhấn mạnh: "Việt Nam là một trụ cột quan trọng trong “Chính sách hướng Đông” của Ấn Độ. Ấn Độ cam kết xây dựng quan hệ chặt chẽ hơn với Việt Nam cả trên cả bình diện song phương và đa phương".
6 văn kiện hợp tác đã được ký kết nhân chuyến thăm, gồm hiệp định về dẫn độ tội phạm, bản ghi nhớ về Năm hữu nghị Việt- Ấn 2012, hợp tác nông nghiệp, thỏa thuận hợp tác về dầu khí, Nghị định thư về hợp tác văn hóa, chương trình trao đổi văn hóa giai đoạn 2011-2014.
Tất cả nhằm cụ thể hóa tinh thần "nhất trí tăng cường mạnh mẽ các nội hàm của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước dựa trên các trụ cột then chốt là hợp tác về chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa và đào tạo nguồn nhân lực" , được hai bên xác định trong Tuyên bố chung.
Cụ thể, hai bên đặt mục tiêu đạt 7 tỷ USD thương mại song phương vào năm 2015, mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực giàu tiềm năng khác như khoa học - công nghệ cao, tư pháp, y tế, thông tin - truyền thông, du lịch, thể thao, báo chí và các lĩnh vực khác mà hai bên cùng quan tâm, sớm hoàn thành Trung tâm India Gandhi khôi phục dữ liệu, chứng cứ tội phạm tại TP Hồ Chí Minh...
Ấn Độ, quốc gia có 7.516 km bờ biển, bao bọc bởi Ấn Độ Dương về Đông và Nam, cũng đã chia sẻ vấn đề nổi lên liên quan đến hàng hải. Trong cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo Việt - Ấn đã chia sẻ và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và việc đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở biển cả.
Hai bên cũng nhất trí cho rằng tranh chấp trên Biển Đông cần được các bên liên quan giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002.
Theo đó, Ấn Độ và Việt Nam nhất trí gia tăng hợp tác trong lĩnh vực tăng cường năng lực, giúp đỡ kỹ thuật và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan liên quan của hai nước nhằm đảm bảo an ninh hàng hải, trong đó có việc chống cướp biển, ngăn chặn ô nhiễm và tìm kiếm cứu hộ v.v.. trên biển.
2012 sẽ là một dấu mốc đặc biệt của quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ : 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ và 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Đây sẽ là năm Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ. Quốc gia Nam Á đã chuẩn bị cho “Năm Ấn Độ ở Việt Nam” trong năm 2012 với nhiều sự kiện văn hóa như biểu diễn nghệ thuật, liên hoan phim, ẩm thực và tranh ảnh ở nhiều thành phố của Việt Nam.

Sri Lanka

Nối tiếp chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là Sri Lanka - quốc gia nằm ở Ấn Độ Dương, nước đảo có đường biển bao bọc dài 1.340km, không có biên giới đất liền. Sri Lanka được cho là đường nối hàng hải chiến lược giữa Tây Á và Đông Nam Á. Cùng với Ấn Độ, Sri Lanka có quan hệ truyền thống hữu nghị và hợp tác nhiều mặt phát triển tốt đẹp với Việt Nam trong hơn 40 năm qua.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa. Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ
Phù hợp với tầm nhìn về quan hệ Sri Lanka - Việt Nam trong tương lai, trong chuyến thăm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Mahinda Rajapaksa nhất trí tăng cường hợp tác trên cơ sở chia sẻ, hài hòa các mối quan tâm và lợi ích chung, tạo nên sự kết nối và gia tăng sức mạnh tổng hợp của hai nền kinh tế, củng cố các thể chế hợp tác sẵn có.
7 văn kiện hợp tác đã được ký kết nhân chuyến thăm, gồm: Bản ghi nhớ về tham vấn chính trị song phương giữa hai Bộ Ngoại giao, bản ghi nhớ về hợp tác chế tạo máy, bản ghi nhớ về hợp tác xúc tiến đầu tư hai chiều, hiệp định về hợp tác giáo dục 2011-2015, bản ghi nhớ về hợp tác tài chính, bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng, bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực dầu khí và hợp đồng bán dầu khí.
Một số mục tiêu cụ thể được hai bên nhất trí, đó là phấn đấu đạt 1 tỷ USD kim ngạch thương mại hai chiều trong những năm tới, chuẩn bị tiến tới ký kết hiệp định dịch vụ hàng không giữa hai nước nhằm khai thác tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực du lịch và đẩy mạnh giao lưu nhân dân, phát triển hợp tác toàn diện trong lĩnh vực năng lượng, bao gồm thăm dò và khai thác, chia sẻ công nghệ và kinh nghiệm.
Nhân dịp này, Sri Lanka đã chính thức công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ và ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2013-2016. http://www.vietnamnet.vn
Như bản Thông cáo chung nêu rõ, kết quả chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Việt Nam tới Sri Lanka là “một minh chứng của mối quan hệ tuyệt vời” giữa hai nước.