Richard Baker và Nick McKenzie
Các viên chức của cơ quan Thương vụ Australia [Austrade] đã gặp hoặc nói chuyện 18 lần với một đại tá thuộc một cơ quan tình báo của Việt Nam trước khi đề nghị một công ty in tiền của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Australia (RBA) thuê người nói trên làm đại lý trong một vụ thu xếp giờ đây được cho là đang dẫn tới thêm những cáo buộc tham nhũng trong lúc cuộc điều tra vụ hối lộ lớn nhất của nước này đang diễn ra.
Tờ The Age còn tiết lộ rằng cảnh sát liên bang đã điều tra một viên chức của Austrade, người nay hiện nay vẫn đang làm việc tại châu Á, sau khi phát hiện những thông tin cho thấy vai trò của Austrade trong việc giúp công ty in tiền Securency International đài thọ các chuyến đi nước ngoài của các quan chức Việt Nam.
Tờ The Age còn tiết lộ rằng cảnh sát liên bang đã điều tra một viên chức của Austrade, người nay hiện nay vẫn đang làm việc tại châu Á, sau khi phát hiện những thông tin cho thấy vai trò của Austrade trong việc giúp công ty in tiền Securency International đài thọ các chuyến đi nước ngoài của các quan chức Việt Nam.
Việt phát hiện ra vai trò mật thiết của Austrade trong các quan hệ tham nhũng với Việt Nam chỉ diễn ra vài giờ sau khi cảnh sát Đức tiến hành một cuộc đột kích để bắt giữ một người nguyên là giám đốc bán hàng của Note Printing Australia (NPA), công ty in tiền thứ hai trực thuộc RBA bị cáo buộc đưa hối lộ các viên chức nước ngoài.
Vụ bắt giữ Christian Boilott vào ngày nghỉ cuối tuần đầy kịch tính nói trên với lý do ông ta được cho là có vai trò trong một âm mưu hối lộ các viên chức nước ngoài khi đang còn làm việc cho NPA chỉ xảy ra ngay trước lúc chiếc du thuyền của ông ta chuẩn bị lên đường đi tham gia một cuộc thi ở Boltenhagen thuộc Đức.
Ông Boilott, người mà chính phủ Australia sẽ tìm cách để dẫn độ về Australia, là người thứ chín bị buộc tội trên thế giới vì được cho là có vai trò trong vụ xì căng đan hối lộ của các công ty in tiền nói trên, trong số đó sáu người ở bang Victoria [của Australia] và hai người Malaysia đã bị bắt hôm thứ Sáu tuần trước.
Viên đại tá người Việt Nam cũng bị nghi ngờ là có đóng một vai trò quan trọng trong một kế hoạch hối lộ được cho là được dàn xếp bởi công ty Securency và NPA trực thuộc RBA song cho đến nay vẫn chưa bị nhà chức trách Việt Nam thẩm vấn và chính phủ Việt Nam cho đến lúc này vẫn từ chối giúp đỡ Australia trong cuộc điều tra toàn cầu nói trên.
Nhiều nhà ngoại giao và viên chức của bộ ngoại thương Australia đã xác nhận riêng rằng sứ quán Australia tại Hà Nội đã biết rất rõ thân thế của Lương Ngọc Anh, đại lý cho Securency, là một đại tá của cơ quan tình báo thuộc Bộ Công An khi vào năm 2002 Austrade đề nghị Securency bổ nhiệm ông Lương Ngọc Anh và công ty của ông này là CFTD (Công ty Phát triển Công nghệ) làm đại lý cho Securency.
Thông tin do Austrade và Bộ ngoại giao gửi tới thượng nghị sĩ Russel Trood thuộc Đảng Tự do cho thấy rằng các viên chức Australia tại Hà Nội đã gặp gỡ hoặc nói chuyện với Lương Ngọc Anh 18 lần trong thời gian từ năm 1999 đến năm 2001.
Một công ty Australia thuê một viên chức nước ngoài làm đại lý ăn lương là điều bất hợp pháp và vụ bổ nhiệm ông Lương Ngọc Anh đang bị nghi ngờ là đã khởi đầu cho một trong những vụ thu xếp đưa hối lộ lớn nhất trên thế giới của công ty Securency, số tiền thanh toán cho Đại tá đã lên tới 20 triệu đô la [đô la Australia], phần lớn số tiền đó là nằm trong các khoản bị nghi là để đưa hối lộ.
Để đổi lại, Lương Ngọc Anh đã giúp công ty Securency giành được một hợp đồng khổng lồ ấy là chuyển đổi tiền giấy của Việt Nam sang tiền polyme.
Các nhân viên sứ quán Australia tại Hà Nội vẫn tiếp tục có quan hệ gần gũi, kể cả ăn tối thân mật, với Đại tá Lương Ngọc Anh ngay cả sau khi vào năm 2007 và 2008 một viên chức của Austrade đã chính thức cảnh báo Canberra và RBA rằng Lương Ngọc Anh là một sĩ quan an ninh cấp cao của Bộ Công An. Bộ này là cơ quan phụ trách về an ninh trong nước và phản gián của Việt Nam.
Vào thời điểm đó Hội đồng quản trị của công ty Securency cũng biết được thông tin nói trên. Hội đồng quản trị đã không yêu cầu ban giám đốc của Securency chấm dứt sự thu xếp với Đại tá Lương Ngọc Anh.
Theo tìm hiểu của hãng thông tấn AFP thì viên chức của Austrade được thỏa thuận là đã giúp đỡ thu xếp visa vào Mỹ cho các viên chức Việt Nam trong một chuyến đi nghỉ ngắn ngày do Securency tài trợ.
Viên chức nói trên của Austrade đã không bị buộc tội. Nhiều viên chức khác của Austrade cũng cung cấp những lời khai cho AFP.
Việc phát hiện ra Austrade có liên quan mật thiết trong các vụ làm ăn của Securency có khả năng sẽ gia tăng sức ép lên chính phủ của Gillard [nữ Thủ tướng Julia Gillard của Australia hiện nay] để buộc chính phủ phải đồng ý với sự thúc giục của lãnh tụ đảng Greens Bob Brown là nghị viện phải mở cuộc điều tra về vai trò của Austrade và RBA trong vụ xì căng đan hối lộ này.
Một quan chức cao cấp của chính phủ liên bang đã nói với báo The Age rằng nếu mở một cuộc điều tra về mối quan hệ giữa Austrade với Securency và Note Printing Australia thì ”một điều sẽ lòi ra là chính phủ Australia đã từng ủng hộ và liên quan đến tham nhũng”.
Một quan chức cấp cao của Austrade đã nói riêng với The Age rằng ”trong trường hợp của Securency … thì chắc chắn là Austrade với tư cách cơ quan chính phủ đã có sự đồng lõa không chỉ ở những vụ giới thiệu CFTD với các công ty Australia mà còn tư vấn cho CFTD cách để làm việc với những công ty đó”.
RBA sở hữu một nửa công ty Securency và toàn bộ công ty NPA. Trong giai đoạn xảy ra vụ được cho là hối lộ thì cả hai công ty này đều có chủ tịch hội đồng quản trị là cựu phó thống đốc RBA Graeme Thompson và có những giám đốc là các quan chức cấp cao khác của RBA.
Ở Việt Nam thì Securency bị cáo buộc là đã hối lộ nguyên thống đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam Lê Đức Thúy bằng cách trả tiền cho con trai của ông này đi học tại một trường đại học đắt tiền ở Anh Quốc. Ông Thúy vẫn tiếp tục là một nhân vật cấp cao trong chính phủ Việt Nam và là chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia.
Lương Ngọc Anh được cho là đã dùng một phần tiền hoa hồng do Securency trả cho ông và cho CFTD để tài trợ cho chuyến đi học nói trên của con trai ông Thúy. Tội hối lộ ở Việt Nam có thể phải nhận đến án tử hình.
Austrade tưởng rằng mối quan hệ đối tác giữa Securency với Đại tá Lương Ngọc Anh và công ty CFTD của ông ta là vô cùng thành công cho nên năm 2004 đã tặng cho họ một bằng khen đặc biệt về thành tích xuất khẩu.
Tháng 11 năm 1999, Đại tá Lương Ngọc Anh được mời sang Australia tham dự một hội thảo về thị trường Việt Nam. Tháng 8 năm 2008 ông là thành viên của phái đoàn của Ủy ban hỗn hợp Australia-Việt Nam về Thương mại và Hợp tác Kinh tế – nhiều tháng trước đó thì viên chức của Austrade ở Việt Nam đã cảnh báo ông này là người của Bộ Công An. Đại tá Lương Ngọc Anh cũng tham dự nhiều bữa tiệc trưa và tiệc tối do sứ quán Australia chiêu đãi.
Ông Lương Ngọc Anh đã hai lần gặp gỡ các nhân viên sứ quán trong những tháng sau khi tờ The Age đăng tin về việc Securency đưa hối lộ và chỉ định ông Lương Ngọc Anh làm đại lý vào tháng 5 năm 2009.
The Age trước đó đã đăng bài viết về tài liệu nội bộ của Austrade từ năm 1998 đã tiết lộ rằng Đại tá Lương Ngọc Anh được biết tới như là có ”những mối quan hệ người nhà ở trong những bộ quan trọng [của chính phủ]”. Các tài liệu đó còn nói cụ thể ông Lương Ngọc Anh có một ông bố ”quan hệ rộng với lãnh đạo cấp cao” ra sao rồi có ”bố vợ [ai] là bộ trưởng nội vụ”.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn một nhà báo Việt Nam hồi năm 2007, lãnh đạo của Securency nói rằng những dịch vụ do Đại tá Lương Ngọc Anh và công ty của ông cung cấp chủ yếu liên quan đến dịch tài liệu, tổ chức các cuộc họp và đưa đón người ở sân bay.
AFP hiện vẫn đang tiếp tục điều tra về Securency và NPA và người ta chờ đợi sẽ có thêm những cựu quan chức cấp cao khác của hai công ty này bị buộc tội.
Cơ quan Chống Gian lận của Anh Quốc [Serious Fraud Office] đang điều tra các hợp đồng của Securency ở Nigeria, các hợp đồng liên quan đến gần 20 triệu đô la tiền hoa hồng được chuyển cho một mạng lưới đại lý và những tài khoản ở nước ngoài.
Austrade từ chối đưa ra lời bình luận, họ nói rằng cảnh sát vẫn đang tiếp tục điều tra.
Người dịch: Hiền Ba
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011