Sau thảm họa Fukushima Nhật Bản, cuối tháng Năm 2011, Thủ tướng Angela Merkel đưa ra kế hoạch nước Đức rút khỏi điện hạt nhân kể từ năm 2022. Quyết định này gây chấn động và làm nảy sinh nhiều cuộc tranh luận tại nhiều nước châu Âu. FRI xin giới thiệu ý kiến của chuyên gia Nguyễn Khắc Nhẫn, nguyên cố vấn Nha Kinh tế, Dự báo, Chiến lược EDF Paris, nguyên Giáo sư Viện Kinh tế, Chính sách năng lượng Grenoble và Trường Đại học Bách khoa Grenoble. Là người rất quan tâm đến sự phát triển của đất nước, từ nhiều năm qua, Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn đã viết nhiều bài về vấn đề năng lượng của Việt Nam.
Một quyết định sáng suốt và dũng cảm của thủ tướng Đức Angela Merkel
FRI: Kính chào Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn, vừa qua, chính phủ Đức của Thủ tướng Angela Merkel đã tuyên bố sẽ đóng cửa toàn bộ các cơ sở điện hạt nhân tại nước này vào năm 2022. Một số nước phương Tây coi đây là quyết định mang màu sắc chính trị, phục vụ ý đồ tranh cử. Với tư cách là chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, Giáo sư bình luận gì về quyết định của Đức?
Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn: Ngày 30/5 vừa qua tại Berlin, bà Angela Merkel đã long trọng loan báo trước thế giới rằng nước Đức sẽ từ bỏ điện hạt nhân vào năm 2022. Dự luật được phê chuẩn ngày 6/6 gần giống dự luật của chính phủ Gerhard Schröder, thông qua năm 2000, bắt buộc đóng cửa nhà máy điện hạt nhân cuối cùng vào năm 2021.
Quyết định của bà Angela Merkel có thể gây ngạc nhiên vì tháng 9/2010, chính phủ của bà ta vừa đồng ý cho các công ty điện kéo dài thêm trung bình 12 năm các lò phản ứng cũ nhất. Trong số 17 lò phản ứng, 7 lò đã đóng cửa ngay từ khi có tai biến Fukushima vì đã hết hạn vận hành (trên 30 năm hoạt động).
Những lobby hạt nhân nói đó là một quyết định hoàn toàn mang tính chính trị, điều này không đúng hẳn. Là một nhà vật lý, bà Angela Merkel biết rất rõ mối nguy hiểm của điện hạt nhân. Bà ta đã lấy một quyết định sáng suốt, hết sức khôn ngoan, về mặt chiến lược lẫn kinh tế kĩ thuật, để tránh cho đất nước một thảm họa như Tchernobyl hay Fukushima. Bộ trưởng Môi trườngNorbert Röttgen, trong chính phủ của bà Angela Merkel tuyên bố rằng quyết định trên không thể đảo ngược được.
Kinh phí dự kiến của việc từ bỏ điện hạt nhân
FRI: Thưa Giáo sư, việc đóng cửa các lò hạt nhân cũng rất tốn kém, nước Đức dự kiến cho công việc này ra sao?
Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn: Về khía cạnh tài chính, thật sự đó là một đòn nặng nề đối với các công ty khai thác nhà máy điện hạt nhân khi họ đã mất khoảng 500 triệu euro vì việc đóng cửa 7 lò phản ứng cũ từ cách đây hơn 3 tháng. Lợi nhuận hằng năm sẽ giảm 6,4 tỷ euro lúc tất cả các nhà máy đóng cửa vĩnh viễn. Dự kiến lợi nhuận sẽ bớt 30% vào năm 2012. Hằng năm, chính phủ Đức sẽ mất khoảng 2,3 tỷ euro (thuế đối với nhiên liệu hạt nhân) và cũng mất thêm 300 triệu euro liên quan đến nguồn đóng góp của các nhà sản xuất điện dành cho quỹ phát triển năng lượng tái tạo.
Nước Đức chấp nhận trả giá rất đắt cho việc từ bỏ điện hạt nhân bởi ngoài việc phải mất đi một nguồn thu cho ngân sách, họ phải dành một khoản đầu tư rất lớn cho năng lượng tái tạo. Giá kWh hiện nay đã cao tại Đức, sẽ tăng từ 20% đến 30% từ đây đến 2020. Các công ty sẽ chịu 3/4 của phần tăng thêm này được ước tính trên 33 tỷ euro.
Những kinh phí khác của việc chuyển đổi toàn bộ ngành công nghiệp hạt nhân vẫn chưa được biết chính xác.
Cuộc cách mạng Điện Xanh của Đức
FRI: Tại châu Âu, Đức là một trong những quốc gia có truyền thống trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, sinh thái. Phong trào bảo vệ môi trường đã xuất hiện từ những năm 70 của thế kỷ trước. Giáo sư nhận định thế nào về cuộc cách mạng Điện Xanh tại Đức?
Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn: Quyết định từ bỏ điện hạt nhân của Đức, một cường quốc có công nghiệp đứng hàng thứ 3 thế giới, là dấu hiệu của một chuyển biến quan trọng, có tính quyết định trong lĩnh vực năng lượng thế giới. Nó thể hiện mong muốn của dân chúng ở Đức, đặc biệt nhạy cảm, cũng như ở nhiều nước châu Âu khác, sau thảm họa Fukushima.
Đó là một bài học sâu sắc, khôn ngoan, dành cho tất cả các nước nói chung và Việt Nam nói riêng.
Đằng sau quyết định nổi bật, đáng phục này, là một chiến lược công nghiệp ấn tượng, một kế hoạch đổi mới công nghệ khổng lồ, cho phép nước Đức giữ vững được sự tăng trưởng kinh tế. Từ 20 năm nay, nước Đức đã xây dựng một nền công nghiệp năng lượng tái tạo đầy chất lượng. Sự chuẩn bị có phương pháp và có tính lâu dài đối với năng lượng tái tạo đã cho nước này đi trước một bước rất xa và có ưu thế cạnh tranh lớn. Kể từ đây, công nghiệp năng lượng xanh của Đức, sẽ phát triển hùng mạnh, và nước này sẽ nhanh chóng trở thành vô địch thế giới về năng lượng tái tạo. Đó là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của nền kinh tế Đức, tính đến cả công ăn việc làm và giá trị mà nó tạo ra. Năm 2010, với sự đầu tư 27 tỷ euro cho thiết bị sản xuất và phân phối năng lượng xanh, đã có 370.000 việc làm được tạo ra, tức gấp đôi so với năm 2004. Trong một ngày gần đây, con số này sẽ vượt quá 500.000. Lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ qua mặt lĩnh vực hóa chất và tiến gần đến ngành công nghiệp ôtô, đầu tàu tạo công ăn việc làm.
Luật đầu tiên về giúp đỡ và khuyến khích dân chúng, bắt buộc các công ty phải mua điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo với giá hấp dẫn, đã xuất hiện từ năm 1991. Những văn bản khác nhằm cải thiện các công cụ hỗ trợ được ban hành năm 2000 và sửa đổi cho phù hợp vào năm 2004, rồi năm 2009.
Hiện nay, điện hạt nhân (với 17 lò) đóng góp 23% vào tiêu thụ điện năng tại Đức, trong khi phần của điện “xanh” (100 TWh) trong tổng số lượng điện sản xuất ra (560 TWh) đã đi từ 3,1% năm 1990 đến 17% năm 2010, với phân bố như sau: gió (5,8%), sinh khối (4,5%), thủy điện (3,3%), mặt trời (1,9%).
Theo Bộ trưởng Liên bang về Môi trường, con số về phân bổ các nguồn năng lượng trong tiêu thụ năng lượng sơ cấp năm 2010 như sau: dầu mỏ, dầu (35%), khí tự nhiên (22%), than đá (12%), than nâu (11%), hạt nhân (11%), tái tạo (9%).
Không nên nhầm lẫn con số về điện và năng lượng sơ cấp (bao gồm tất cả các nguồn năng lượng).
Theo dự đoán của Berlin, phần năng lượng tái tạo trong sản xuất điện của Đức sẽ đi từ 17% hiện nay lên đến 35% (thậm chí 50%) vào năm 2020 và 80% vào năm 2050.
Sự thành công trong công nghiệp năng lượng tái tạo
FRI: Thưa Giáo sư, tại châu Âu, nước Đức cũng đi tiên phong trong việc đầu tư, phát triển công nghệ và công nghiệp năng lượng tái tạo?
Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn: Nhờ vào ý chí chính trị và trợ giúp tài chính của chính phủ, nước Đức từ lâu đã được xem như là nước dẫn đầu không thể chối cãi trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Sự thành thạo về công nghệ và năng lực công nghiệp của Đức trong lĩnh vực năng lượng gió và mặt trời được thừa nhận và đánh giá cao.
Năm 2010, với công suất lắp đặt tuabin gió là 27.000 MW, nước Đức sản xuất khoảng 25% tổng số năng lượng gió của thế giới. Đức đứng hàng thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ, về năng lượng gió. Năm 2008, Đức thu được 12 tỷ euro nhờ xuất khẩu thiết bị.
Về năng lượng mặt trời, với 5.400 MW lắp đặt, thị trường này của Đức lớn hơn Tây Ban Nha và Nhật Bản. Trong lĩnh vực năng lượng xanh, nước Đức có rất nhiều công ty vừa và nhỏ chuyên về kỹ thuật cao.
Về năng lượng gió, có thể kể tên các công ty vô địch như Enercon, Repower, Nordex, Siemens Windpower. Từ lâu, họ cung cấp tua bin gió trên khắp thế giới. Về năng lượng mặt trời, Solar World, Q-Cells với hàng ngàn nhân viên, có mặt trên thị trường chứng khoán. Điều mà Đức lo ngại nhất là sự cạnh tranh từ các công ty Trung Quốc.
Siemens, đối tác chính của Framatome vào năm 1989 để thiết kế và xây dựng lò phản ứng thế hệ 3 EPR, đã chấm dứt thỏa thuận hợp tác với Areva NP vào năm 2009. Ngay sau đó, Siemens muốn hợp tác với Rosatom của Nga và có tham vọng dẫn đầu trong lĩnh vực điện hạt nhân. Nhưng sau Fukushima, một thăm dò cho thấy 59% nhân viên của Siemens đồng ý với việc từ bỏ điện hạt nhân, bởi vì họ nhận thấy quá nguy hiểm, nếu tiếp tục theo đuổi lĩnh vực nguyên tử đang xuống dốc. Điện hạt nhân không còn nằm trong chiến lược của Tổng giám đốc M. Löscher, người muốn công ty của mình đứng nhất nhì trên thế giới trong các ngành công nghiệp chú trọng đến môi trường. Tập đoàn có trụ sở tại Munich này phải trả bù cho Areva NP 40% giá trị, khoảng 648 triệu euro. Điều khoản “không cạnh tranh” đến năm 2013, trên thực tế ngăn chặn sự hợp tác của Siemens với Rosatom. Nhưng Siemens có nhiều ưu thế khác. Siemens, nổi tiếng trên toàn cầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, cũng có tham vọng thực hiện được doanh số là 40 tỷ euro, vào năm 2014, trong việc sử dụng năng lượng và bảo vệ môi trường.
Theo Viện Khí hậu Wuppertal, 12 tỷ euro đầu tư trong việc sử dụng hiệu quả năng lượng cho phép tiết kiệm hằng năm hơn 19 tỷ euro và tạo ra từ 250.000 đến 500.000 việc làm! Việt Nam nên lưu ý. Cũng cần nhấn mạnh rằng ngay cả Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ Công nghiệp Đức (BDI), Hans-Peter Keitel, dù chỉ trích thời điểm cuối để rút ra khỏi điện hạt nhân là năm 2022, cũng ủng hộ việc từ bỏ này của chính phủ. Tất nhiên, sẽ còn có thêm những chi phí phải chịu đựng, nhưng cũng có những cơ hội kinh doanh mới, đặc biệt hấp dẫn, đối với nền công nghiệp và kinh tế Đức. Nước này sẽ đầu tư lớn trong lĩnh vực năng lượng gió, mặt trời, sinh khối, khí, than, tiết kiệm năng lượng và sử dụng hiệu quả năng lượng.
Từ năm 2009, những nhà công nghiệp hàng đầu của Đức như Siemens, E.ON, RWE và Deutsche Bank đã triển khai tập đoàn Desertec Industrial Initiative (DII) nhằm khai thác năng lượng mặt trời và gió tại sa mạc Sahara. Đó là một dự án khổng lồ với 400 tỷ euro, liên kết khoảng ba chục dự án địa phương, mà mục tiêu là đến năm 2050 sẽ cung cấp điện cho khu vực Bắc Phi và Cận Đông, đồng thời cung cấp 15% lượng tiêu thụ của châu Âu. Desertec có tham vọng xây dựng các ngành công nghiệp mới trong khu vực đang phát triển này, ưu tiên tạo ra công ăn việc làm và chuyển giao công nghệ. Sự từ bỏ điện hạt nhân càng củng cố thêm địa vị Desertec. Hiện nay, tập đoàn nhận được sự ủng hộ của dân chúng, Đảng Xanh, Tổ chức Hòa bình Xanh, và tất nhiên của cả Ủy viên châu Âu về năng lượng, Günter Oettinger người Đức.
Hậu quả của thảm họa Fukushima và sự lựa chọn lịch sử của Đức
FRI: Thưa Giáo sư, thảm họa Fukushima Nhật Bản đã buộc giới lãnh đạo nhiều nước trên thế giới phải xem xét lại chính sách phát triển điện hạt nhân. Ngoài quyết định mang tính lịch sử của Đức, người dân các nước khác như Ý, Thụy Sĩ, Pháp… cũng không muốn phát triển điện hạt nhân?
Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn: Sự lựa chọn thông minh có tính lịch sử này của nước Đức đang làm rối loạn thị trường điện châu Âu. Châu Âu đang xem xét lại chính sách năng lượng của mình và tự đặt câu hỏi về sự tồn tại của điện hạt nhân trên toàn cầu.
Sự từ bỏ điện hạt nhân của Đức có thể xem như là lời cảnh báo nghiêm túc với Việt Nam và các nước muốn dấn thân vào lĩnh vực nguy hiểm này, vô cùng tốn kém với hậu quả khủng khiếp, đối với những thế hệ mai sau. Thảm họa Fukushima và sự rút lui có trật tự của Đức đã giáng một đòn cay đắng cho những nước mơ ước hạt nhân và những lobby. Họ đã mất hết hi vọng kiếm được lợi nhuận với một thị trường 2000 tỷ euro, trị giá của 400 lò phản ứng dự trù sẽ được xây cất. Thay cho việc hồi sinh của điện hạt nhân, chúng ta đang chứng kiến sự suy tàn không thể nào tránh khỏi. Ngoài ra, phần lớn các lò phản ứng đang hoạt động hiện nay trên thế giới cũng khó có thể nhận được giấy phép để kéo dài thời gian hoạt động.
• Italy: Trong ngày trưng cầu ý kiến 13/6, Thủ tướng Silvio Berlusconi đã tuyên bố “Tạm biệt hạt nhân, chúng ta phải tập trung vào năng lượng tái tạo”, khi mà các phòng bỏ phiếu vẫn còn mở cửa! 95% cử tri trả lời “không” đối việc quay trở lại điện hạt nhân. Thảm họa Fukushima và quyết định của Đức đã kích thích dư luận phản đối hạt nhân. Ngay từ năm 1987, sau thảm họa Tchernobyl, nước Ý đã nói không với điện hạt nhân, thông qua trưng cầu dân ý (tại sao Việt Nam không bắt chước cách xử lý dân chủ này?).
Kế hoạch xây dựng 4 lò EPR - Areva của Tập đoàn điện lực Ý (ENEL), với sự hợp tác của EDF, đã bị hủy bỏ (cũng như Việt Nam, ở đây, lò phản ứng đầu tiên dự tính sẽ đưa vào hoạt động năm 2020).
Hiệp định hạt nhân Pháp - Ý năm 2009, thương thảo rất khó khăn, dự kiến rằng ENEL, ngoài lò EPR ở Flamanville (Pháp), có thể chiếm 12,5% trong số các lò EPR sẽ được xây dựng ở Pháp, và có quyền hưởng lượng điện tương ứng với số tiền họ bỏ ra.
Từ nay, Italy sẽ khai thác triệt để năng lượng tái tạo và than sạch. 65 kỹ sư và kỹ thuật viên của Ý đang được đào tạo tại công trường EPR Flamanville sẽ về nước. Đó là một thất bại lớn đối với Enel, EDF và đặc biệt là Areva. Công ty này còn sẽ chịu nhiều sự rút lui khác (desistement).
• Thụy Sỹ: Ngày 25/5/2011, tức 2 tháng rưỡi sau Fukushima, chính phủ Thụy Sỹ đã thông báo việc từ bỏ dần dần điện hạt nhân từ đây đến năm 2034 (lò cuối cùng sẽ là Leibstadt, được đưa vào sử dụng năm 1984). Chỉ 3 ngày sau trận sóng thần ác liệt ở Nhật Bản, chính phủ đã quyết định ngưng các dự án khôi phục các nhà máy. Sau thời gian khai thác, ước tính khoảng 50 năm (theo tôi là quá lạc quan, nên rút ngắn lại), 5 lò phản ứng của Thụy Sỹ sẽ không được thay thế.
Quyết định này, được nước Áo đặc biệt ủng hộ, xảy ra vào thời điểm mà ở Deauville, G8 yêu cầu tăng cường các biện pháp an toàn trong các nhà máy điện hạt nhân. Bộ trưởng Năng lượng Thụy Sỹ, Doris Leuthard, tuyên bố rằng đó là một ngày lịch sử và đáng mừng vì đã lựa chọn điều tốt đẹp cho đất nước. Chi phí hằng năm cho việc từ bỏ điện hạt nhân ước tính từ 0,4% đến 0,7% PIB, tức khoảng 3 tỷ euro, và kWh sẽ tăng từ 10% đến 15%.
Chính phủ Thụy Sỹ cho rằng họ đã lựa chọn chiến lược tốt nhất, vì họ biết về lâu dài, điện hạt nhân sẽ không thể cạnh tranh được với năng lượng tái tạo (Việt Nam nghĩ sao?). Sau đây là phân bố của năng lượng điện hiện nay: thủy điện (56%), hạt nhân (39%), nhiệt điện cổ điển và các dạng khác (5%). Thụy Sỹ sẽ phát triển tối đa các nguồn năng lượng Xanh, đặc biệt là thủy điện, khuyến khích tiết kiệm năng lượng, xây dựng các nhà máy chạy bằng khí, song song với việc nhập khẩu điện.
• Pháp: Sau Fukushima và trước cuộc trưng cầu ý kiến ở Ý, tờ báo JDD (Journal du Dimanche) ngày 5/6 đã đăng kết quả thăm dò của Ifop, thực hiện ngày 1/6 đến ngày 3/6. Kết quả: 2/3 dân Pháp muốn chấm dứt năng lượng hạt nhân (62% đồng ý chấm dứt trong vòng 25 đến 30 năm, 15% đòi chấm dứt nhanh chóng).
Các chuyên gia của Mạng lưới từ bỏ điện hạt nhân (Réseau Sortir du Nucléaire) mới đây đã đưa ra một kế hoạch rất lạc quan (mà theo tôi nên khuyến khích nhưng rất khó thực hiện được) nhằm từ bỏ điện hạt nhân tại Pháp chỉ trong vòng 10 năm mà thôi.
Vấn đề hạt nhân cũng nằm trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2012. Đối với Đảng Xanh, hoàn toàn ủng hộ lập trường của bà Angela Merkel, việc từ bỏ điện hạt nhân là điều kiện quyết định để liên minh với Đảng Xã hội. Vấn đề này cũng gây ra những phiền phức ở cánh hữu khi mà 37% số người được thăm dò ý kiến của Đảng UMP, đảng nắm quyền, cũng cho rằng nên từ bỏ điện hạt nhân.
Thảm họa Fukushima đã làm thay đổi tình thế hoàn toàn, hơn nữa nó xảy ra ở một nước dân chủ và có trình độ công nghệ hết sức cao. Nước Pháp, với hai hãng khổng lồ đang gặp khó khăn tài chính, Areva và EDF (với khoản nợ 34,4 tỷ euro), không thể tiếp tục theo đuổi ảo vọng với điện hạt nhân an toàn! Trong nhiều năm, chi phí của điện hạt nhân đã được che dấu một cách có hệ thống, và ít người biết đến sự hỗ trợ tài chính của chính phủ Pháp, từ năm 1974, cho việc nghiên cứu hạt nhân ở CEA, ước tính lên quá 159 tỷ euro. EDF sẽ phải tăng mạnh dần dần giá điện để đối phó với việc cải tiến và tu bổ các nhà máy điện hạt nhân và tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt mới về an toàn.
Việt Nam nên biết là hiện nay, người ta tranh luận xung quanh hai vấn đề tối quan trọng, có thể xem như những quả bom nổ chậm: sự chôn cất lâu dài chất thải phóng xạ và việc tháo gỡ 58 lò và các cơ sở hạt nhân mà tổng chi phí có thể lên đến hàng trăm tỷ euro! Ví dụ cho thấy chi phí ước lượng cho việc tháo gỡ nhà máy Brennilis ở vùng Bretagne đã đi từ 50 triệu euro lên đến 500 triệu euro, tức 1.000%! Ngay cả trước Fukushima, Areva đã gặp nhiều khó khăn tài chính nghiêm trọng. Hãng đánh giá tài chính Standard & Poor's dọa sẽ đánh lùi xếp hạng, hiện nay đã xuống BBB+. Sự chậm trễ 3 năm trong việc xây dựng lò EPR ở Phần Lan khiến Areva phải trả giá rất đắt. Chi phí đầu tư tăng từ 3,2 lên 6 tỷ euros. Từ nay, Areva sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu lň EPR, quá đắt và công suất quá lớn (1600 MW).
Pháp thường tự hào có công nghiệp điện hạt nhân hùng mạnh, giá điện rẻ, nhưng sự thật nó rất mỏng manh. Nếu có tai biến, trong giây phút, toàn quốc có thể bị tê liệt, vì tỷ lệ điện hạt nhân quá cao (78%). Vì hạt nhân đang gây ra lo sợ và giá dầu hỏa tiếp tục tăng cao, tất cả các tập đoàn năng lượng lớn của Pháp, Areva, Total, EDF, GDF- Suez, đều ồ ạt đầu tư vào năng lượng Xanh.
Vấn đề an toàn hạt nhân sau Fukushima
FRI: Nhật Bản là nước công nghiệp phát triển, đứng đầu nhiều lĩnh vực công nghệ tiên tiến, nhưng thảm họa hạt nhân Fukushima cho thấy, điện hạt nhân có rất nhiều rủi ro và cần phải xem xét lại vấn đề an toàn hạt nhân?
Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn: 100 ngày sau Fukushima, tình hình tại Nhật Bản chưa thể ổn định, vẫn còn đáng lo ngại. Và nó sẽ kéo dài hàng chục năm! Những tin tức dồn dập về mức ô nhiễm phóng xạ quá cao, những che đậy, dối trá của chính phủ và Tepco làm đa số dân Nhật Bản ngày nay tỏ ý muốn từ bỏ điện hạt nhân. Mặt khác nhiều nhà máy vẫn còn bị cấm hoạt động và luôn ở trong tình trạng tăng cường an toàn, bị kiểm soát và thanh tra. Các cơ quan an toàn đã đánh lừa người dân bằng cách nâng (thậm chí đến 2 lần) ngưỡng ô nhiễm chấp nhận được. Một điều không thể tha thứ! Việc Tepco thực hiện các sarcophage tạm thời (không bằng bê tông như ở Tchernobyl) vô cùng tốn kém và ít hiệu quả, không cho phép đảo ngược tình hình. Việc di dời hàng chục, hàng trăm nghìn tấn nước phóng xạ, với sự giúp đỡ của các công ty nước ngoài, trong đó có Areva, gặp những khó khăn lớn. Chi phí mỗi ngày một tăng, có thể lên đến hàng trăm tỷ đôla. Không sớm thì muộn, Nhật cũng không tránh khỏi viêc từ bỏ điện hạt nhân.
Với 143 lò đang hoạt động, châu Âu quyết định kiểm tra sức chịu đựng (stress test) của các nhà máy. Tuy nhiên, sự tranh cãi xung quanh tiêu chí của các phép thử sức bền đã nhanh chóng gây chia rẽ. Cơ quan an toàn Tây Âu (Wenra), do Pháp dẫn đầu, chỉ muốn kiểm tra với các nguy cơ thiên nhiên (bão, lũ lụt, động đất…) trong khi Ủy ban châu Âu, được sự ủng hộ của Đức và Áo, đề nghị tính đến tất cả các nguy cơ có thể có, bất kể chúng thuộc bản chất gì (khủng bố, rơi máy bay, tấn công tin học, lỗi con người…). Vài chuyên gia cho rằng đây là cơ hội để dự báo những điều không thể dự báo, nghĩ đến những điều không thể nghĩ được, và tưởng tượng những thứ không thể tưởng tượng nổi!
Vừa qua, Paris đã tổ chức một hội nghị về an toàn hạt nhân bao gồm khoảng 30 nước tham gia (Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Canada, châu Âu...) Theo Bộ trưởng Năng lượng Thụy Sỹ, từ nay, sự an toàn của các nhà máy hạt nhân của từng nước phải được kiểm tra theo cặp. Nghĩa là bắt buộc phải có sự hợp tác chuyên gia của các nước khác khi thanh tra tại một quốc gia thành viên. Việc kiểm tra sẽ công khai. Bắt buộc tính đến những sự kiện ít có khả năng xảy ra (sóng thần và động đất mạnh…). Với hướng này Pháp có nguy cơ gặp sự cố nghiêm trọng.
Theo hai chuyên gia nổi tiếng, Benjamin Dessus - Chủ tịch của Global Chance, và Bernard Laponche - nhà vật lý hạt nhân đã từng làm việc ở CEA, số liệu về những tai nạn lớn xảy ra trong 30 năm gần đây cho thấy về mặt thống kê, có thể xảy ra tai nạn lớn ở Liên hiệp Châu Âu trong quá trình sử dụng các lò hiện tại, và xác suất xảy ra tại Pháp rất cao. Như vậy, không phải là không thể xảy ra tai nạn. Và điều đó là chưa tính đến các cơ sở sản xuất plutonium, sự vận chuyển và lưu trữ chất thải phóng xạ, hồ chứa các thanh nhiên liệu phóng xạ!
Thái độ đáng lo ngại của Việt Nam
FRI: Sau Fukushima, một số nước đang có những chương trình phát triển điện hạt nhân đã phải đình chỉ các dự án, thậm chí có nước từ bỏ hẳn điện hạt nhân. Trong khi đó, chính quyền Việt Nam vẫn chủ trương duy trì các kế hoạch phát triển điện hạt nhân. Về chủ đề này, Giáo sư đã nhiều lần có ý kiến khuyên can Việt Nam. Sau sự cố Fukushima, chắc Giáo sư lại càng tha thiết đề nghị Việt Nam từ bỏ lựa chọn này?
Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn: Cá nhân tôi rất tiếc và vô cùng lo ngại vì Fukushima không làm suy giảm niềm tin của các nhà chức trách Việt Nam đối với điện hạt nhân. Chương trình xây dựng 8 lò phản ứng từ năm 2014 đến 2031 hình như vẫn không có gì thay đổi, trong khi phần lớn các quốc gia trên thế giới từng theo đuổi hạt nhân, đều xem xét lại toàn bộ chiến lược năng lượng. Thật không phải là một điềm tốt cho đồng bào khi biết rằng hai lò phản ứng đầu tiên định xây cất ở miền Trung Việt Nam, trên dải đất rất eo hẹp, được chính phủ phó thác cho Nga và Nhật, những nước đã chịu thảm họa Tchernobyl và Fukushima!
Nhằm xoa dịu sự lo lắng của dân chúng, giới thẩm quyền nhắc đi nhắc lại rằng các lò phản ứng được chọn, thuộc thế hệ thứ 3+, đảm bảo an toàn. Từ gần mười năm nay, tôi đã cho biết là không có lò phản ứng nào trên thế giới, thậm chí kể cả lò thế hệ 4 đang trong quá trình thiết kế, có thể tránh khỏi những tai nạn nghiêm trọng. Lò phản ứng EPR của Areva, đặc biệt đắt tiền và nổi tiếng về sự an toàn (trên lý thuyết), cũng sẽ không chịu đựng được các cuộc tấn công khủng bố có chủ đích hoặc những máy bay cảm tử lớn đâm vào. Việt Nam phải hiểu rằng cuộc tranh luận về điện hạt nhân không thể chỉ giới hạn trong vấn đề an toàn mà thôi.
Tôi có thể quả quyết rằng giá kWh điện hạt nhân ở nước ta sẽ không kinh tế, nếu phân tích và tính toán một cách khoa học. Bao vấn đề quan trọng cần được xem xét chu đáo: các cơ sở công nghiệp liên hệ, trình độ và khả năng chuyên môn, luật pháp, tham nhũng, sự phụ thuộc vào quốc gia cung cấp, nhập khẩu uranium làm giàu, giá thành xây dựng, độ trễ khi thi công, các lợi ích chằng chịt, văn hóa về kỷ luật và an toàn. Đó là chưa kể đến những chi phí khổng lồ cần thiết cho việc quản lý, lưu trữ chất thải phóng xạ và việc tháo gỡ nhà máy, có thể lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đôla! Thật là thiếu tinh thần trách nhiệm nếu chúng ta quyết tâm để lại những di sản cực kì nguy hiểm cho các thế hệ mai sau.
Mặt khác, đừng quên rằng một tai nạn hạt nhân lớn xảy ra ở Việt Nam đồng nghĩa với sự tê liệt lâu dài của ngành du lịch, làm mất đi một nguồn ngoại tệ to lớn. Nhật Bản không còn thu hút nhiều khách du lịch như xưa, sau thảm họa Fukushima.
Hạt nhân đã mất sự tín nhiệm của dân chúng. Việt Nam, cũng như hầu hết các nước trên thế giới, phải nhanh chóng xem xét lại chiến lược năng lượng. Chúng ta không còn cách nào khác ngoài việc khai thác tối đa tất cả các nguồn năng lượng tái tạo: mặt trời, gió, thủy điện, sinh khối… Sự tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng cũng là những giải pháp chiến lược ưu tiên. Hệ số đàn hồi (coefficient d’élasticité = ΔE/E / ΔPIB/PIB) lớn hơn 2, điều đó có nghĩa là chúng ta phí phạm quá nhiều năng lượng.
Điều cấp bách là Việt Nam phải từ bỏ ngay chương trình điện hạt nhân để đầu tư gấp vào năng lượng Xanh đầy hứa hẹn, đặc biệt là năng lượng mặt trời. Theo báo cáo của GIEC (nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu) trình bày tại Abou Dhabi ngày 8 tháng 5 vừa qua, năng lượng tái tạo có thể đáp ứng 80% nhu cầu tiêu thụ của thế giới vào năm 2050 (điều này tương ứng với việc giảm 1/3 khí thải hiệu ứng nhà kính). Theo lời của Chủ tịch GIEC, Rajendra Pachauri, chi phí sẽ nhỏ hơn 1% PIB thế giới. Cũng theo kịch bản tham vọng này, vào năm 2030 năng lượng xanh sẽ chiếm 43%.
Việt Nam không thể do dự, nghi ngờ gì nữa: năng lượng mặt trời sẽ là nguồn năng lượng của tương lai, bởi vì nó vừa vô hạn, sạch, và không nguy hiểm. Trái đất đón nhận từ mặt trời khoảng 10.000 lần năng lượng mà nhân loại tiêu thụ hàng năm! Để thay thế năng lượng hạt nhân bằng năng lượng mặt trời, các chuyên gia đã đưa ra 5 kiểu (đang thực hiện hoặc còn là dự án): pin mặt trời, nhiệt mặt trời, ống khói mặt trời, năng lượng mặt trời không gian và phim mặt trời. Ray Kurzweil, được Bill Gates xem như là một trong số ít những nhà tương lai học uy tín, dự đoán 100% năng lượng đến từ mặt trời, có thể đạt được trong 20 năm nữa! Theo ý tôi, năng lượng lấy toàn bộ từ mặt trời có thể đạt được vào năm 2050, chứ không thể sớm hơn, nếu xét đến sức ỳ (inertie) trong lĩnh vực năng lượng, cần thời gian đáp ứng rất lâu dài. Năng lượng mặt trời toàn bộ không có nghĩa là bỏ hoàn toàn các nguồn năng lượng hóa thạch (than, dầu mỏ và khí đốt) cũng như các nguồn năng lượng tái tạo khác (gió, thủy điện, sinh khối…). Nên nhớ rằng tiềm năng năng lượng gió cũng to lớn và chi phí của nó càng ngày càng trở nên kinh tế, nhờ sự tiến bộ của công nghệ. Ngoài hạt nhân, tất cả các nguồn năng lượng nêu trên đều bắt nguồn từ mặt trời. Đi đâu rồi cũng trở về cội! Nhân loại đã phung phí thì giờ và tiền bạc từ lâu mà không biết. Rút lui ngay khỏi lĩnh vực hạt nhân là hợp thời, hợp lý. Khiêu khích tạo hóa thì có ngày cũng mang họa.
Điều đáng lo ngại là thiếu sự quyết tâm chính trị mạnh mẽ của cấp lãnh đạo các nước. Tôi sẽ an tâm bao giờ nước ta có cái nhìn chiến lược về năng lượng như bà Angela Merkel. Sau Fukushima, nhân loại đang bước vào một cuộc cách mạng năng lượng Xanh toàn diện. Tại sao nước ta vẫn tiếp tục bịt tai che mắt?
Cũng như các lobby, một số chuyên gia ở Việt Nam luôn đề cao hiện tượng thay đổi khí hậu để biện minh cho các dự án điện hạt nhân. Nhưng đó không phải là một luận điểm vững chắc bởi điện hạt nhân chỉ chiếm 15% lượng điện sản xuất trên toàn cầu, và phần năng lượng do uranium so với toàn bộ năng lượng sơ cấp ngày nay chỉ chiếm 5% - 6%. Điều đó có nghĩa là thay thế điện hạt nhân bằng các nguồn năng lượng tái tạo là hoàn toàn khả thi và nên xúc tiến mạnh.
Nước chúng ta có nhiều may mắn lắm vì chưa có nhà máy điện hạt nhân nào cả. Chúng ta sẽ không tốn kinh phí khổng lồ để từ bỏ nó, và chi phí chuẩn bị lâu nay để đi vào lĩnh vực không đáng là bao, có thể bỏ qua. Rút ngắn sự chậm trễ của chúng ta trong lĩnh vực năng lượng tái tạo so với Đức, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Mỹ hoặc Trung Quốc không phải là điều dễ dàng. Việt Nam càng chậm trễ trong việc từ bỏ điện hạt nhân, khó khăn sẽ càng chồng chất và không thể nào bắt kịp các nước trong việc phát triển năng lượng Xanh, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Nên biết rằng ưu điểm của năng lượng Xanh là có khả năng tạo ra rất nhiều việc làm cho đồng bào (trái với điện hạt nhân) và công nghệ không khó lắm.
Chúng ta cần phải biết làm chủ nhu cầu năng lượng, khuyến khích tự tiêu thụ nguồn năng lượng tái tạo sản xuất ra, phát triển các cơ sở năng lượng tích cực, đào tạo khẩn cấp các chuyên gia và thợ chuyên môn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Cũng cần nghĩ đến một chiến lược có tính giáo dục để kêu gọi dân chúng hưởng ứng cách thức tiêu thụ mới. Sự tiết kiệm năng lượng không phải ngẫu nhiên mà có được, và cũng không phải đến một cách bất thình lình từ các văn bản luật lệ.
Thời kì của các đại dự án kiểu Liên Xô đã qua rồi. Cái gì nhỏ mới đẹp! (Small is beautiful!). Triệt để khai thác các nguồn năng lượng Xanh, phù hợp với các dự án nhỏ, với công suất thấp, để cung cấp các lưới điện thông minh (Smart grids). Chính năng lượng phân tán (Energie décentralisée) mới đáp ứng hoàn hảo nhất đối với các đặc tính của năng lượng lan tỏa (Energie de flux) thiên nhiên. Con người tự mình làm phức tạp vấn đề vì quá tin vào công nghệ tinh vi. Chúng ta khiêu khích tạo hóa bằng cách luôn tập trung lại những gì tạo hóa đã phân tán. Tại sao lại đi xa, đào sâu, tìm nguồn năng lượng hóa thạch (Energie de stock) xây dựng những nhà máy đồ sộ rồi truyền dẫn và phân phối điện trên quãng đường dài hàng chục, hàng trăm km, gây nên những tổn thất (nhiệt) tốn kém vô ích? Đó là sự lãng phí. Từ nay, chúng ta phải nghĩ đến việc giảm khoảng cách giữa nơi tiêu thụ và nơi sản xuất.
Từ lâu, những bà cụ và phụ nữ Việt Nam đã nấu cơm nấu nước bằng củi hay than một cách đơn giản mà không gây cháy nổ hay để lại chất thải. Họ sáng suốt và thông minh hơn chúng ta.
Các lò phản ứng hạt nhân chẳng khác gì cái nồi nấu nước sôi, có chăng chỉ khác ở chỗ trăm nghìn lần phức tạp và tốn kém hơn. Tất nhiên, chúng làm ra điện nhờ vào uranium làm giàu nhập khẩu, thay cho củi than, bằng cách làm quay tuabin và máy phát điện. Nhưng nó lại sinh ra chất thải phóng xạ cực kì độc hại trong hàng thế kỉ. Có đáng phải trả giá như vậy không? Lò PWR được thiết kế năm 1954 là để trang bị cho tàu ngầm Nautilus của Mỹ. Lúc sơ khởi, lò hạt nhân có mục đích chiến tranh giết người chứ không phải làm điện cho hòa bình thế giới. Việt Nam phải hiểu rằng thời kỳ oanh liệt của hạt nhân đã qua rồi! Nó không có một chút tương lai nào cả. Ngày nay một nước có nhà máy điện hạt nhân không phải là một cường quốc có uy tín như xưa.
Vì cớ gì chúng ta lại có thể nhắm mắt tin cậy ở công nghệ hạt nhân của Nga đang chuẩn bị xây lò đầu tiên cho ta? Một báo cáo trình bày ngày 9/6 vừa qua của Tập đoàn nước này, Rosatom, gây hoang mang và lo sợ, nhất là cho nước láng giềng Norvège (báo Le Monde ngày 25/6).
Trong số 32 lò phản ứng của Nga, nhiều khuyết điểm và cẩu thả về thiết kế hay khai thác được vạch trần (nhờ thảm họa Fukushima, có nghĩa như họ không có Tchernobyl xảy ra?!): mức độ nguy cơ động đất quá lạc quan và cách đề phòng yếu ớt, nhiều lò không có hệ thống ngưng vận hành tự động, các nhà (batiment) máy như Balakovo và Kalinin bị nghiêng và lún (như một vài biệt thự ở ta). Đó là chưa kể sự thiếu sót về số kịch bản nguy biến, sức chịu đựng lâu dài của các lò khi thiếu điện hay hệ thống làm lạnh, sự kiểm tra về khí hydro để tránh nổ, sự phân tích có hệ thống các thiết kế về an toàn.
Các chuyên gia Nhật cũng vì quá tin tưởng ở hai chữ an toàn nên mới dám xây dựng hàng loạt nhà máy nguyên tử dọc theo bờ bể, khiêu khích trái đất lên cơn nổi giận và sóng thần ồ ạt tàn phá!
Trong vòng 50 năm qua, thế giới chỉ với 435 lò, mà đã có 5 lò bị nóng chảy: lò Three Miles Island, lò Tchernobyl và 3 lò của Fukushima. Trung bình có thể nói cứ 10 năm có một biến cố rùng rợn! Hạt nhân Fukushima hay Hiroshima, Nagasaki cũng là một. Phóng xạ giết người của bom nguyên tử hay của lò điện hạt nhân cũng là một. Những tâm lò (Coeur du réacteur) nóng chảy kia đã và đang làm bao trái tim của thường dân và con nít vô tội tan nát, các nhà lãnh đạo quốc gia có xót xa không?
Grenoble, ngày 3/7/2011
(Nguyễn khắc Nhẫn, nguyên Cố vấn Nha Kinh tế, Dự báo, Chiến lược EDF Paris, GS Viện Kinh tế, Chính sách Năng lượng Grenoble, GS Trường Đại học Bách khoa Grenoble, Giám đốc Trường cao đẳng Điện học và Trung tâm Quốc gia kỹ thuật Sài Gòn - nay là Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh)
|
Đ.T.
Nguồn: Viet.rfi.fr