SGTT.VN - Bộ trưởng kinh tế Đức Philipp Rösler, 36 tuổi, một người Việt Nam được một gia đình Đức nhận làm con nuôi khi còn rất nhỏ, khẳng định rằng ông chưa bao giờ gặp khó khăn với lai lịch Việt Nam của mình.
Cuộc phỏng vấn ông Philipp Rösler do tạp chí Spiegel thực hiện ngày 19.7 xoay quanh các vấn đề về sự hội nhập của người nước ngoài với xã hội Đức, sự phân biệt đối xử, và ý nghĩa của việc trở thành một người Đức.
SPIEGEL: Bộ trưởng Rösler, ông sinh ra ở Việt Nam và được cha mẹ người Đức nhận làm con nuôi khi ông mới chín tháng tuổi. Lần đầu tiên ông chú ý đến việc ông trông khác với những đứa trẻ Đức khác là khi nào?
|
Philipp Rösler: Khi tôi lên bốn hay năm gì đó, ba tôi cùng tôi soi gương. Ông nói: "Con hãy nhìn vào con, rồi nhìn vào ba - chúng ta trông khác nhau. Nhưng cho dù có điều gì xảy ra và cho dù người ta có nói gì: ba vẫn là ba con".
Hồi nhỏ ông có bị trêu chọc vì ngoại hình của mình không?
Không, chưa bao giờ. Thỉnh thoảng tôi mơ tưởng mình là một hoàng tử Việt Nam bị lạc nữa. Suy nghĩ đó làm tôi thích thú. Có lúc tôi còn hỏi ba là ở Việt Nam có hoàng tử không. Ông nói là từng có vua ở đó, nhưng giờ không còn nữa. Chuyện (tôi hỏi ba) xảy ra vào khoảng năm 1980.
Với ngoại hình của mình, hồi thiếu niên ông có bao giờ hình dung đến một ngày ông trở thành phó thủ tướng Đức không?
Làm sao mà một thiếu niên có thể hình dung đến việc trở thành phó thủ tướng được? Tôi thấy người dân Đức đã rất thông cảm và chấp nhận việc tôi trông khác với một "người Đức bình thường". Ở nước ngoài, điều này hiện giờ và sau này vẫn còn gây chú ý. Tôi vừa mới tháp tùng thủ tướng (Angela Merkel) đến Washington và khi chúng tôi được đón tiếp ở Nhà Trắng, tổng thống Obama đã rất tò mò về sự nghiệp chính trị của tôi.
Có phản ứng nào từ Việt Nam khi ông trở thành chủ tịch của đảng Dân chủ Tự do (FDP) – đảng liên minh với đảng bảo có đường hướng bảo thủ của thủ tướng Angela Merkel – và phó thủ tướng Đức?
Tôi nhận được lời chúc mừng từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam, điều đó khiến tôi rất vui. Nhưng không có mối liên hệ gì gán ghép vào lai lịch Việt Nam của tôi cả.
Những người ở Việt Nam có tự hào về Philipp Rösler?
|
Xe chở khách du lịch Việt Nam thường dừng ở bộ của tôi, và với nhiều người Việt Nam, đó chắc chắn là điều gì đấy đặc biệt. Nếu ai đó gốc Đức được nhận làm con nuôi và trở thành người trong chính phủ Việt Nam, chúng ta những người Đức có lẽ cũng sẽ thấy thú vị.
Ba ông có kể cho ông nghe nhiều về Việt Nam không?
Ba tôi gặp một số người Việt Nam khi ông làm phi công lái trực thăng cho không quân Đức. Trong những năm 1970, ông thường đi tập huấn ở Mỹ, nơi các phi công của quân đội miền Nam Việt Nam cũng được huấn luyện. Cuộc chiến ở Việt Nam thu hút sự quan tâm của ông, như hầu hết những người cùng thế hệ của ông. Sau đó ông nhận thấy có hai lựa chọn – hoặc là xuống đường và biểu tình, hoặc giúp đỡ theo một cách thiết thực. Ông chọn cách thứ hai và nhận nuôi một đứa trẻ Việt Nam – là tôi.
Giờ, khi ông xem những phim ảnh về chiến tranh Việt Nam, ông đứng về phía bên nào?
Không bên nào cả. Trong những phim chẳng hạn như "Platoon" của Oliver Stone, không cần có một sự phân biệt giữa thiện và ác, vì vậy tôi không thấy mình phải đứng về phía nào.
Ông có bao giờ thử học tiếng Việt chưa?
Chưa.
Ông có bao giờ ước mình trông giống một người Đức không?
Không, vì tôi là một người Đức và tôi luôn cảm thấy như một người Đức. Tôi học trường tiểu học công giáo ở vùng Harburg của Hamburg, nới có rất nhiều học sinh Tây Ban Nha và Ý. Sau ngày đầu tiên ở trường, tôi lại nói chuyện với ba: "Ba ơi, có nhiều bạn người ngoài trong lớp con". Ông đã cười lớn.
Đức có phải là một đất nước thân thiện với người nước ngoài?
Vâng, đúng vậy. Bản thân tôi chưa bao giờ có trải nghiệm tiêu cực nào (về việc này).
Nhóm người nước ngoài nào mà ông cho là sẽ gặp khó khăn ở Đức?
Điều đó khó mà nói được. Nhìn chung, yếu tố nước ngoài và yếu tố xa lạ khiến nhiều người lo sợ. Vì vậy tôi hình dung những người gặp khó khăn nhất là những người mà có vẻ rấc khác biệt với "người Đức điển hình".
Các quan điểm tích cực của ông về nước Đức có liên hệ gì với việc ông đã được lớn lên trong một môi trường được che chở không? Một cậu bé Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng ven khó khăn của Berlin như quận Neukölln chẳng hạn có thể có một cái nhìn rất khác về nước Đức.
|
Không có ai giễu cợt với điều tôi được thừa hưởng. Nhưng những cậu bé Thổ Nhĩ Kỳ thường bị véo mũi vì chúng trông khác mọi người. Tôi thấy điều này không công bằng và nguy hiểm. Làm sao một người có thể cảm thấy họ là một phần của xã hội khi bị nói ngay từ đầu là: "Bạn không thực sự là một phần của chúng tôi?".
Tại sao thái độ với người nước ngoài ở Đức lại trở nên khó chịu như vậy?
Trong quá khứ, người nước ngoài được xem là làm giàu cho đất nước này. Đức cần lao động, vì vậy người Tây Ban Nha, Ý, và người Thổ Nhĩ Kỳ được chào đón. Khi nỗi lo thất nghiệp tăng lên, nỗi sợ của nhiều người về việc người nhập cư sẽ lấy mất việc làm của họ cũng tăng lên. Dù sao thì trong vài năm qua, thái độ này đã được cải thiện đáng kể.
Và tại sao tân phát xít ở phía Đông nước Đức gọi người Việt Nam là "dân Fiji" như một cách miệt thị?
Gọi người Việt Nam là dân Fiji hoàn toàn là ngu xuẩn, ít nhất là về mặt địa lý. Đảo quốc Fiji cách Việt Nam hàng ngàn km.
Ông có nhận thấy rằng người ta đang lo sợ người nhập cư không?
Luôn có hai cách ứng xử với những nỗi lo sợ như vậy. Hoặc anh đầu hàng nỗi sợ và khép kín bản thân mình, hoặc anh cố gắng cởi mở và nói cho mọi người cùng hiểu. Tôi thấy cách thứ hai thoải mái hơn.
MAI HƯƠNG (theo Spiegel)