Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

Các Ngoại trưởng ASEAN thảo luận về tranh chấp Biển Đông

http://www.voanews.com/vietnamese/news/asean-talks-7-19-11-125822788.html 
Tìm ra một giải pháp cho vấn đề tranh chấp lãnh thổ trong vùng Biển Đông giữa một số nước thành viên ASEAN và Trung Quốc là đề tài được đặt lên hàng đầu trong lúc các Ngoại trưởng của Hiệp Hội các Quốc gia đông Nam Á ASEAN tụ hội tại Bali, Indonesia trong cuộc họp hằng năm.
Các đại biểu dự hội nghị cấp bộ trưởng ASEAN trên đảo Bali, Indonesia
Hình: AP
Các đại biểu dự hội nghị cấp bộ trưởng ASEAN trên đảo Bali, Indonesia
Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa cho biết các ngoại trưởng ASEAN đã dùng hầu hết thời giờ của buổi họp hôm thứ Ba để tranh luận về những nỗ lực giải quyết những lời tuyên bố nhận chủ quyền đối nghịch nhau tại những nơi có trữ lượng dầu hỏa và khí đốt trong vùng Biển Đông.

Sáng thứ Ba, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã khuyến nghị các đại biểu hãy hoàn tất cho xong bản Tuyên bố Ứng xử tại Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc. Ông lưu ý rằng đôi bên đã thương thảo về những hướng dẫn này từ 9 năm nay.

Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa nói rằng trong lúc ASEAN cho rằng bản tuyên bố về cách ứng xử tại Biển Đông và một bộ luật về cách ứng xử được dự tính soạn thảo là cách hay nhất để giải quyết vụ tranh chấp, một số nước thành viên đang cứu xét đến những chọn lựa khác. Ông nói một số các đại biểu đã đề nghị biến việc phát triển trong vùng tranh chấp thành một công cuộc hợp doanh.

Ông nói: "Một quan niệm đã được nhắc tới là ý kiến về một khu vực hòa bình, tự do và hợp tác."

Trung Quốc và Đài Loan nhận chủ quyền trên hầu hết vùng Biển Đông, trong khi Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam nhận một phần chủ quyền ở vùng biển gần duyên hải của họ. Vụ tranh chấp thỉnh thoảng đã bộc phát thành bạo động trong 40 năm qua, và trong những tháng gần đây, cả Manila và Hà Nội đã than phiền về những vụ tàu Trung Quốc vi phạm lãnh hải của họ.

Philippines muốn đưa vụ tranh chấp ra trước Tòa Án Quốc Tế của Liên Hiệp Quốc về luật biển. Ông Natalegawa nói rằng chuyện này có thể cho thấy là khó.

Ông phát biểu: ”Đòi hỏi đầu tiên là tất cả mọi phía hay cả đôi bên đều đồng ý với hành động pháp lý đó, và tôi không chắc được là cả đôi bên, Philippines và Trung Quốc, và có thể cả các quốc gia liên hệ khác, đồng ý với giải pháp đó.”

Về một đề tài nhạy cảm khác cho ASEAN, ông Natalegawa cho biết ông cảm thấy phấn khởi vì Bộ trưởng Ngoại giao của Thái Lan và Kampuchea đều nói rằng hai quốc gia sẽ tuân thủ lệnh của Tòa Án Quốc Tế phi quân sự hóa vùng đất tranh chấp ở biên giới hai nước.

Tuy nhiên, trên nguyên tắc, trong lúc đôi bên đều đồng ý với phán quyết của tòa, Thái Lan nói rằng rút các lực lượng quân sự cần có thời gian và thương thuyết. Còn Kampuchea lại muốn các quan sát viên ASEAN được bố trí trước khi họ rút khỏi vùng tranh chấp.

10 quốc gia ASEAN gồm Brunei, Kampuchea, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đang họp hội nghị thường niên về các vấn đề đối ngoại và an ninh trong tuần này.

Họ cũng sẽ mở các cuộc họp song phương và các phiên họp của từng nhóm với các nhà ngoại giao hàng đầu của các nước láng giềng quan trọng và các đối tác then chốt của ASEAN, gồm Trung Quốc, Nhật, Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ.