http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2011/07/110720_clinton_india_asia_pacific.shtml |
Ấn Độ sẽ làm trụ cột châu Á? Ngoại trưởng SM Krishna đón bà Clinton ở Dehli hôm 19/7 |
Trước khi tới Bali họp ASEAN về an ninh vùng tuần này, Ngoại trưởng Hillary Clinton khuyến khích Ấn Độ nhận trách nhiệm "lãnh đạo chính trị" và có vai trò mạnh mẽ hơn ở châu Á - Thái Bình Dương.
Hiện đang ở thăm Ấn Độ, bà Clinton đã đọc bài diễn văn tại thành phố Chennai, nói rằng nước chủ nhà cần tăng sức mạnh chính trị cho xứng đáng với phát triển kinh tế.Hoa Kỳ đưa ra quan điểm rằng mối quan hệ Mỹ - Ấn sẽ tạo dựng đối tác cho thế kỷ 21 ở khu vực.
Theo lời bà Hillary Clinton, "đây không phải là thời gian để bất cứ quốc gia nào có cái nhìn hướng nội, bỏ qua tầm nhìn ra bên ngoài. Đây là thời gian để nắm bắt các cơ hội của thế kỷ 21 và dẫn dắt nó."
Các quan chức Hoa Kỳ nói diễn văn của bà Clinton một lần nữa xác tín viễn kiến về quan hệ của Washington với Dehli để thay đổi diện mạo châu Á.
Ủng hộ Ấn Độ
Tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Barack Obama đã thăm Ấn Độ và công khai ủng hộ Dehli có một ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Ông Obama cũng nói Hoa Kỳ muốn thấy Ấn Độ, nền dân chủ đông dân nhất thế giới trở thành đối tác rõ rệt hơn để cùng giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Nay, bà Clinton nêu ra một loạt các lĩnh vực hai bên đang hợp tác, từ công nghệ năng lượng sạch đến lo ngại về chương trình nguyên tử của Iran.
Có những vấn đề quan trọng mà chúng ta chưa cùng đồng ý, hoặc bất đồng riêng với nhau, nhưng chúng ta đều có các lĩnh vực chung quyền lợi
Bà Clinton nói về tam giác Mỹ - Ấn - Trung
Hồi năm 2008, hai nước đã ký hiệp ước về năng lượng nguyên tử dùng cho mục tiêu dân sự nhưng các công ty Mỹ vẫn chưa triển khai được dự án hợp tác với Ấn Độ.
Về địa chính trị, bà Clinton nay nhấn mạnh đến tính tương đồng Mỹ - Ấn trong việc phối hợp vai trò dẫn dắt châu Á và nêu cao các giá trị chung từ an ninh biển, dân chủ đến nhân quyền trong thời điểm Washington đang va chạm với Trung Quốc, theo bản tin của Reuters 20/7.
"Vì Ấn Độ chia sẻ các giá trị và quyền lợi đó, nên hoạt động mở rộng hợp tác với chúng ta [Hoa Kỳ] sẽ chỉ có lợi cho cả hai,"
'Quyền lợi'
Nhưng bà Clinton cũng nói cả New Delhi và Washington sẽ vẫn phải có "quan hệ mạnh, mang tính xây dựng với Trung Quốc".
Ngoại trưởng Mỹ cũng thừa nhận:
"Đây không phải là điều dễ dàng. Có những vấn đề quan trọng mà chúng ta chưa cùng đồng ý, hoặc bất đồng riêng với nhau, nhưng chúng ta đều có các lĩnh vực chung quyền lợi".
Bà tin rằng cả Ấn Độ, Trung Quốc và Hoa Kỳ "đều phải phối hợp các nỗ lực".
Bà Clinton bắt đầu chuyến thăm ba ngày đến Ấn Độ bằng cuộc gặp với lãnh đạo nước chủ nhà ở Dehli hôm thứ Hai.
Hai bên đã hội đàm cả về chương trình hạt nhân của Ấn Độ, và tình hình Pakistan, Afghanistan.
Theo phóng viên Suvojit Bagchi của BBC News từ Delhi thì Ngoại trưởng Krishna tỏ ý lo ngại với bà Clinton về kế hoạch Hoa Kỳ rút quân khỏi Afghanistan.
Ông nêu lý do chính quyền Karzai sẽ không đủ sức tự vệ trước phe Taliban, và nguy cơ hỗn loạn tại đây có thể lan rộng.
Ngoại trưởng Mỹ sau đó đến Madras (Chennai), nơi có đầu tư nhiều của Mỹ và thăm nhà máy xe hơi của hãng Ford.
Ấn Độ hiện là bạn hàng thứ 12 thế giới của Hoa Kỳ với trao đổi thương mại hai bên đạt gần 50 tỷ USD năm ngoái.
Hoa Kỳ muốn Ấn Độ vươn lên vị trí một trong 10 nước là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ.