Thứ Hai, 18 tháng 7, 2011

Chúng tôi lại đi biểu tình


Nguyễn Huệ Chi
clip_image002
Bắt đầu cuộc biểu tình. Ảnh: HC
Phải rồi, biểu tình là lương tâm của tất cả chúng ta, những ai còn dòng máu Việt ở trong người. Chính vì sức vẫy gọi thiêng liêng ấy mà Chủ nhật sáng nay 17-7-2011, những khuôn mặt rất quen thuộc, Phạm Duy Hiển, Nguyễn Quang A, vợ chồng GS TS Nguyễn Đông Yên, TS Đỗ Xuân Thọ, TS Nguyễn Hồng Kiên, Đỗ Minh Tuấn, Thùy Linh, Nguyễn Xuân Diện, Phạm Viết Đào, Trần Kim Anh, Trần Nhương, Nguyễn Trọng Tạo, ông già kéo đàn Viollon... và vô số người Hà Nội khác nữa, chúng tôi lại có mặt ở 36 Điện Biên Phủ, cùng dàn thành hàng ngang kéo đến trước quán café Cột Cờ để cùng nhau đi sang Công viên Lê Nin. “Thật là khí thế, vì mới sáng sớm đã có đến 100 người từ khắp mọi nẻo dồn về đây rồi” – một bạn không rõ tên bỗng reo lên một câu như thế làm ai nấy hởi lòng. Anh ta nói thêm: “Công an không đàn áp chúng ta anh em ơi, họ đã “trở về” với dân, hoan hô!!!”.
clip_image004
Bắt đầu hành tiến. Ảnh: HC
Nhưng đó chỉ là mơ ước của chúng tôi thôi. Mơ ước hão! Từ con đường Hùng Vương đang tiến thong thả đến phía Cột Cờ thì một thay đổi kỳ lạ bỗng bày ra trước mắt, có thể nói là thay đổi đột biến: Lực lượng cảnh sát cơ động, cảnh sát áo xanh, cảnh sát thường phục, dân vệ đeo băng đỏ... từ đâu đã đổ đến nườm nượp, đông không tưởng tượng được, đông gấp bội người biểu tình. Họ làm gì đây nhỉ? Câu trả lời có ngay lập tức. Mấy chiếc xe bus từ phía ngã năm Điện Biên Phủ, Trần Phú, Lê Duẩn cũng bất thần trờ tới và dừng lại sát lề đường. Ai nấy chưa kịp hiểu gì thì cả đoàn biểu tình đang rải rác chưa kịp tập hợp lại thành một khối đã bị xé lẻ ngay ra thành nhiều nhóm nhỏ trên dọc quãng đường Điện Biên Phủ này, và lần lượt... ba tốp đi đầu bị công an ập tới hốt lên 3 xe bus rồi phóng vù đi liền về phía Mỹ Đình, sau giây phút chớp nhoáng diễn ra quang cảnh lộn xộn đạp người ngã lăn và tóm lấy chân tay người kéo đi như lắc võng để nhét lên xe không khác gì tình trạng kẹp người ngang hông ở Sài Gòn hôm 3-7-2011. Quang cảnh diễn ra chớp nhoáng và trắng trợn trước mắt mọi người. Không một ai không bần thần ngơ ngác.
clip_image005
Bắt ngay người lên xe bus. Ảnh: Nguyễn Trọng Tạo
clip_image006
Bắt ngay người lên xe bus. Ảnh: NG gửi qua Ba Sàm.
clip_image008
clip_image010
Những bức ảnh này tại Hà Nội sáng 17-7-2011 là sự bổ sung tuyệt diệu cho bức ảnh sáng 3-7-2011 tại Sài Gòn. Cả mấy bức ảnh sẽ đi vào lịch sử cuộc đấu tranh kiên cường chống cướp nước và bán nước của toàn dân tộc. Ảnh: Huỳnh Hoa
Nhiều tiếng nói truyền đến tai chúng tôi: “Ít nhất đã có 50 người bị đẩy lên xe”. Một tiếng khác: “Em Phương (Nguyễn Văn Phương, thanh niên đọc tuyên ngôn trước Nhà Hát Lớn hôm 3-7-2011) bị thộp mất rồi!”. Lại một tiếng nói khác: “Chị Bình (Nguyễn Nguyên Bình, con gái lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh) cũng bị nhét lên xe nữa!”. Lại một tiếng nói thêm: “Vợ chồng GS Nguyễn Đông Yên, TS Đỗ Xuân Thọ và Blog Gốc Sậy TS Nguyễn Hồng Kiên cũng bị đẩy tuốt lên xe tất. Họ không kiềng ai hết!”. Những tiếng kêu thắt nghẹt lấy tim chúng tôi. Mặt đăm chiêu, chúng tôi... chờ đến lượt mình.
Tất nhiên là chúng tôi vẫn cứ đi về phía trước, cho dù số lượng còn lại đâu chỉ khoảng 70 người. Nhưng cả phía trước lẫn phía sau chúng tôi những áo xanh cứt ngựa bâu lại đông đặc, dùi cui lăm lăm. Họ áp sát lấy chúng tôi khiến cả đoàn dồn cục lại, và họ ngang nhiên dùng tay đẩy vào lưng. Cả tôi và anh Phạm Quang Hiển khựng người vì những cú đẩy, trong khi anh Nguyễn Quang A cao lớn hơn đứng phía trước nên vẫn không việc gì, ngoảnh lại nhìn chúng tôi xem có sao không. Nhiều tiếng nói cất lên sau lưng: “Các bác đi khỏi đây cho, nơi này cấm tụ tập. Đi lên trước kia kìa!”. Anh Hiển quay cả người lại mặt đỏ bừng cất giọng từ tốn nhưng tiếng anh sang sảng khác hẳn thường ngày: “Sao lại cấm? Đây là chỗ vui chơi, đi lại của dân, sao lại cấm? Ai dám cấm chúng tôi?”.
clip_image012
Cảnh sát cơ động bắt đầu áp sát Đoàn còn lại. Ảnh: HC
Những khuôn mặt lạnh lùng bất động trơ trơ trước câu hỏi của anh. Một anh khác đứng gần bên anh cất tiếng nói liền theo: “Có biết các bác đi đây là vì cái gì không? Các cháu có biết Tổ quốc đang trong mối họa hiểm nghèo không?”. Cũng có những khuôn mặt dịu xuống và có tiếng nói khẽ: “Biết rồi, nhưng đây là nhiệm vụ! Các bác về ngay đi cho! Mọi việc đã có Nhà nước với Nhà nước”. Anh Hiển chỉ vào một cậu áo xanh cứt ngựa đứng sát sau lưng mình: “Đẹp trai thế kia mà đi đẩy các ông già không biết ngượng! Chính các cháu mới phải về chứ sao các bác đi cứu nguy đất nước lại phải về? Các bác cũng là người Nhà nước chứ đâu phải bá vơ!”. Cuộc đối thoại chỉ trong một giây ngắn ngủi và trong cái giây phút rất ngắn ấy tôi thoáng thấy phía sau mình một vài ánh mắt của lương tâm như đang thức dậy. Khoảng cách ngột ngạt giữa cảnh sát và người biểu tình có cảm giác được giãn ra... Nhưng đấy chỉ là một giây phút của trí óc giàu tưởng tượng mà thôi. Từ một xe cảnh sát có loa ở đâu đã kịp chạy tới phát lên một tiếng nói oang oang: “Lực lượng cơ động đâu, làm nhiệm vụ giải tán người ngay lập tức! Mọi người hãy rời khỏi chỗ này!”. Thế là hết. Tiếng loa là cả một sức ép vô hình mà thật hữu hiệu làm cho chút ánh sáng trong những đôi mắt công cụ vụt tắt. Chúng tôi bị những cú hích mạnh hơn hẳn trước. Một kẻ mặc thường phục vừa góp tay đẩy chúng tôi vừa nói lớn: “Đi ngay đi! Tụ tập đông người chỉ phá rối!”. Cái cách hò hét của kẻ thiếu văn hóa này đã làm trào lên cả một cơn giận trong đoàn người đang bị xô đẩy. Người ta nhao nhao lên: “Nói bậy bạ rồi! Ai phá rối ở đây? Ê, ai phá rối sao không xấu mặt? Hãy xin lỗi ngay đi!”. “Hãy xin lỗi ngay đi!”. Kẻ vừa phát ra tiếng nói ngu xuẩn kia lặng thinh trước những tiếng phản ứng tức giận và hình như chuồn mất. Nhưng tình hình thì vẫn không khá hơn chút nào bởi chiếc xe cảnh sát cất tiếng nói mệnh lệnh vẫn theo sát chúng tôi và vẫn một giọng quyền uy như cũ, mỗi tiếng của nó là một dấu hiệu thôi thúc đối với đám người chức năng đông đặc phía sau chúng tôi: “Lệnh cho cảnh sát cơ động vào cuộc giải tán người ngay”. Tôi lảo đảo cả người vì một bàn tay nắm lấy vai đẩy chúi mình đi. Kịp nhìn sang bên, tôi thấy anh Hiển đang co người sau một cú đẩy tương tự, anh liền ngồi tựa vào hàng rào Café Cột Cờ không đi nữa.
clip_image014
Nguyễn Quang A đang sẵn sàng chờ một cú đẩy. Ảnh: HC
Một người đứng bên cạnh anh có hàm râu quai nón trắng và bộ tóc cua lởm chởm trắng liền nói lớn: “Ông GS này bị đau chân không đi được nữa rồi”. Nói xong anh ta liền ngồi xuống ghé lưng để anh bíu lấy vai. Tôi đang hốt hoảng nhìn vào chân Hiển xem anh bị thương thế nào thì bỗng lại thấy Hiển gượng đứng lên và cố bước đi thật thẳng, ngang hàng với mình, mặt bừng bừng một nỗi uất nghẹn nào đấy không phát ra được. Nguyễn Quang A nháy mắt với tôi lặng lẽ không nói một câu.
clip_image016
Người tình nguyện cõng GS Phạm Duy Hiển. Ảnh: HC
Cứ đùn đẩy như thế mà rồi cả đoàn cũng đi qua trước Văn phòng LS Cù Huy Hà Vũ lúc nào không hay, cũng không hiểu sao mấy chiếc xe bus nữa đã ghé lại mấy lần rồi mà chúng tôi vẫn chưa bị hốt lên xe. Chỉ khi LS Nguyễn Thị Dương Hà đứng bên đường vẫy tay chào Đoàn thì mọi người mới sực tỉnh để hiểu ra chúng tôi đã đi được một quãng khá dài. Thực tình, tâm trạng của chúng tôi như những con cá quẫy trong lưới, quẫy để tìm một lối thoát và phải thoát cho bằng được. Còn lực lượng công an thì hình như có phân công, mỗi tốp chỉ canh ở một đoạn đường, đẩy được chúng tôi khỏi đoạn đường họ canh là họ đứng lại, coi như họ đã hết phận sự.
clip_image017
Đã đến trước Văn phòng LS Cù Huy Hà Vũ. Ảnh: Huỳnh Hoa
clip_image019
LS Nguyễn Thị Dương Hà tiễn Đoàn một quãng. Ảnh: HC
Khi chúng tôi bị dồn vào con đường Tôn Thất Thiệp, tôi bỗng thấy anh Hiển gằn giọng bên tai: “Cũng chẳng trách mấy tay ở trên, nhưng trách là trách sao dân ta hèn quá thế? Thì cứ cứng cổ với cái đám xua đuổi mình xem làm gì được nhau nào? Chân lý trong tay mình mà sao khốn khổ vậy? Thế này thì mất nước chứ còn gì nữa”. Mặt anh trở lại đỏ bừng, và tôi có ý nghĩ hình như cả một hòn đảo Lý Sơn quê hương lúc này càng trĩu nặng trong đầu anh. Tôi chưa kịp nói câu gì thì bỗng nhìn thấy phía trước phía sau biểu ngữ, cờ, khẩu hiệu bắt đầu giăng lên, rồi tiếng hô “Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam”; “Đả đảo Trung Quốc ăn cướp biển Đông – Đả đảo”... vang vang từ đầu đoàn đến cuối đoàn. Chúng tôi hòa vào những tiếng hô nồng nhiệt ấy, tự nhiên thấy mọi bức bối dịu hẳn lại. Đi được một quãng nữa, tôi nhìn Hiển, Hiển cũng nhìn tôi, chúng tôi cùng nở nụ cười, mặt giãn ra. Tôi nói với Hiển: “Dân mình quả hèn anh ạ, nhưng cũng là một dân tộc tài lách, trong trường hợp nào cũng tìm một được lối để đi, và chính điều đó làm ta ấm lòng”. Hiển gật đầu đồng tình.
clip_image021
Nguyễn Huệ Chi, Phạm Duy Hiển, Nguyễn Quang A sát cánh cùng nhau khi cờ và biểu ngữ giương lên. Ảnh: HC

clip_image023
Ảnh: HC
Phạm Viết Đào từ đâu đi sát lên gần tôi và say sưa kể cho tôi nghe việc cầu đồng ở Nghệ An vừa qua, ông Hoàng Mười – theo anh là Lý Nhật Quang – hiện lên ốp vào một cậu thanh niên 17 tuổi, nói những điều cơ mật đáng cho ta ngẫm nghĩ. Tôi nghe anh tai được tai mất, bởi tiếng thét của đoàn biểu tình dội sát bên tai làm cho mình rạo rực, và cũng bởi một nỗi hồ nghi cứ dấy lên trong lòng: Nếu có thế giới âm thật thì thế giới ấy hẳn chẳng còn phù hộ gì được mình, bởi trong khi môt di tích như Thập Tam Lăng (13 ngôi mộ của nhà Minh gần Bắc Kinh) được chính quyền bắc Kinh bảo quản nghiêm mật kể từ thời Chu Ân Lai, thì chính quyền chúng ta, “tinh thần duy vật” mới cao làm sao, sau khi đã cho dân phá ngôi tháp Hoàng đế Trần Nhân Tông (tên là Phật hoàng tháp) trên am Ngọa Vân từ trước năm 1992 lâu lắm rồi (chúng tôi có trèo lên tận nơi vào năm 1992 để nhìn quang cảnh tàn phá ấy với những giọt nước mắt của các chị đi trong đoàn cứ chảy ràn rụa không sao ngăn được), nay lại thản nhiên cho dân tự động phá nốt những ngôi mộ nhà Trần (một triều đại chống quân Nguyên Mông lừng danh không chỉ trong nước mà cả trên thế giới) ở Yên Sinh, Đông Triều để chia nhau lấy đất xây nhà để ở – những ngôi mộ mà khi Đoàn khảo sát của Ban văn học Cổ cận đại Viện Văn học chúng tôi đến tận nơi năm 1971 thì vẫn còn nguyên vẹn. Nghe Phạm Viết Đào say sưa kể về anh linh ông Hoàng Mười, trong lòng tôi chỉ thấy nhói lên sự xót xa tiếc nuối: Phải chi Cù Huy Hà Vũ còn được tự do thì biết đâu Vũ chẳng làm ra lẽ về vụ đập phá mộ Trần của bọn người vô học này và cứu được một di tích vô giá cũng nên.
clip_image025
Nhà văn Phạm Viết Đào đang tâm đắc với câu chuyện tâm linh về ông Hoàng Mười. Ảnh: HC
clip_image027
clip_image027
Nguyễn Xuân Diện đi giữa một khẩu hiệu có cả tiếng Việt, Anh, Trung. Ảnh: HC
clip_image029
Ảnh: HC
clip_image031
Hô vang khẩu hiệu. Ảnh: HC
clip_image033
Hô vang khẩu hiệu. Ảnh: HC
clip_image035
clip_image035
Con đường Tôn Thất Thiệp trở nên chật chội. Ảnh: HC
clip_image037
Dù có phải đi vào ngõ, khí thế vẫn không giảm. Ảnh: HC
clip_image039
Phía trước không còn đường đi nữa, nhưng tiếng hô vang dậy vẫn cứ làm người ta ấm lòng. Ảnh: HC
Niềm vui đến với chúng tôi không lâu. Khi khí thế của đoàn tuần hành đã có đà để dâng cao hơn thì than ôi, gặp ngay... ngõ cụt. Một tốp công an lại đã chặn ở ngã ba Trần Phú và Lý Nam Đế, không cho chúng tôi bước sang đường Phùng Hưng. Làm thế nào bây giờ? Thôi thì lại đành phải đi quành trở lại, quành lại theo lối Tôn Thất Thiệp cũ, ra gặp lại đường Điện Biên Phủ. Hết đường rồi sao? Chân chúng tôi như chùng xuống hẳn. Không gì chán bằng sự quẩn quanh, chân mình lại dẫm lên dấu vết của chính chân mình. Tôi bỗng thấy kinh hoàng khi Hiển cho biết một tin làm dựng tóc gáy. Đúng là “Ông Ninh ơi hỡi ông Ninh / Đi đến đầu đình lại gặp ông Nang / Ông Nang ơi hỡi ông Nang / Đi đến đầu đàng lại gặp ông Ninh”. Có phải lịch sử đang chịu một cực hình ghê rợn là sự lặp lại, sự tới lui vô ích trên một con đường cụt, và không còn chút ánh sáng nào le lói ở căn hầm sâu tối thăm thẳm phía cuối con đường nữa, ở đó ta chỉ nhìn thấy những khuôn mặt quen, những khuôn mặt bề ngoài trông vẻ thật hiền lành, những “Mạnh Tử”, “Trọng Ni” kia đấy, nhưng thực ra đó là những kẻ đã ăn phải “cháo lú”, và nếu soi bằng kính chiếu yêu thì thấy phía sau họ là hai hàm răng chó sói của con sói phương Bắc đang nhe nanh gầm gừ đợi cho cả đoàn người – cả dân tộc không trừ một ai – lọt vào mõm của nó. Tôi lạnh người không dám nghĩ tiếp. Anh Hiển bảo tôi : “Thôi đành về vậy thôi. Thế cũng là đủ rồi. Tôi trở lại 36 Điện Biên Phủ đây”. Tôi cũng bối rối không biết làm gì để gỡ khỏi tình thế tắc tịt lúc đó thì Nguyễn Xuân Diện ở đâu chạy đến hiến kế: “Em đề nghị các thầy ta cơ động kéo ra Nhà Hát Lớn, người nào người ấy tìm phương tiện mà đi. Riêng hai thầy Hiển thầy Huệ Chi và chú Quang A đã có chiếc xe con của KTS Trần Thanh Vân đến hỗ trợ các thầy cho đỡ mệt đây”. Thế thì còn gì bằng! Chết đuối vớ được cọc. Chúng tôi băng ngang đường Điện Biên Phủ để đi ra phía Cửa Nam vì xe đang đợi ở bên Cửa Nam, nhưng đường nghẹt xe cộ, khó mà băng sang. Chợt một công an nữ đi đến nhìn chúng tôi rồi chỉ tay vào anh Hiển với cái đầu hói lơ thơ tóc trắng, cất tiếng khá dịu dàng: “Bác để đấy cháu giúp”. Rồi cô cầm lấy tay anh, dìu anh sang bên kia đường. Tôi và vài người nữa bám sát theo anh. Đến được chiếc xe con thì không thấy bóng anh Quang A đâu cả. Chờ không được, đành là cứ lên xe mà đi thôi.
Đến Nhà Hát Lớn, vào quán café bên hông nhà hát đã thấy vài người đợi ở đấy. Ngồi một lúc nữa thì người lục tục đến ngày một đông: Đỗ Minh Tuấn, ông già kéo viollon, Trần Kim Anh, nhiều người khác tôi không biết hết tên, cả người râu quai nón đã tình nguyện cõng anh Hiển. Và cuối cùng là Nguyễn Quang A lộc ngộc mò vào, mồ hôi lấm tấm phía sau lưng. Anh ngồi xuống kế bên tôi nói: “Họ chia cắt chúng ta tài thật. Thấy anh Huệ Chi và anh Hiển qua đường rồi mà muốn đi theo không được nữa vì họ đã kéo đến đông nghịt, chặn kín không cho mình đi. Đành là lại quặt lại rồi lên một chiếc xe ôm mới đến được đây”. Ai nấy ngao ngán lắc đầu và cứ mơ hồ về những hành vi xem ra có vẻ như trái ngược của đám nhân viên chức năng nọ, và về nhiều câu hỏi không tự mình giải đáp nổi cứ vương mãi trong đầu. Chị công an kia là ai? Những anh “mặt sắt” nghe nói đều là người thiểu số, tiếng Kinh chưa thạo và cũng không hiểu gì lắm về những chuyện “yêu nước”, “bán nước”, chỉ biết làm theo lệnh – có đến cả một Sư đoàn – kia là ai? Có phải đã có một cuộc “thỏa thuận ngầm” nào đấy rồi không mà sao các cuộc biểu tình trước đây và cuộc biểu tình hôm nay khác nhau một trời một vực đến thế? – Trước thì ngấm ngầm cho dân được quyền “lên tiếng” bằng hành động biểu tình mà nay cơ chừng đã “ngã giá” nên sợ ai đấy đến toát mồ hôi trước hành động chính đáng của dân?
clip_image041
Một Đại tá cựu chiến binh thành cổ Quảng Trị sẵn sàng ra trận lần nữa nếu kẻ thù phương Bắc xâm phạm lãnh hải lãnh thổ chúng ta. Ảnh: HC
Trong khi lòng chúng tôi nặng trĩu nhiều câu hỏi ngổn ngang thì riêng đám thanh niên ngồi quanh vẫn cứ vô tư. Một cậu áo đỏ có hình ngôi sao vàng trước ngực nói: “Cháu mặc áo này từ nhà, đi suốt trên đường không có anh công an nào hỏi cả. Chú Nguyễn Trọng Tạo có hỏi: “Mày mặc thế mà công an để yên cho đến đây được ư?”. Mọi người cười ồ lên: “Mặc lá cờ Tổ quốc thiêng liêng mà công an còn bắt nữa thì mặc gì mới không bắt hỡi các bác? Cờ ba sọc chăng? Đúng là công an chúng ta đang bắt chúng ta phải phủ định chân lý mà cụ Hồ nêu lên cho con cháu noi theo rồi đây?”. Một cậu trẻ ngồi gần đấy tâm sự: “Cháu từ Phú Thọ xuống đây từ sớm. Xuống được đây cũng coi là thắng lợi rồi”. Lại một cậu khác kể tiếp: “Cháu thì ở khá xa bên kia cầu Chương Dương. Trước khi ra đi đã có hai công an đến canh trước nhà không cho ra khỏi nhà. Nghĩ chán chê cách nào để ra được khỏi nhà mình, cuối cùng tìm ra một cách: để bố cháu chở đi nói là đi có việc gia đình. Họ đành phải cho đi. Ra được một quãng thì bố xuống xe để con đi tiếp còn mình đi bộ trở về và tìm cách chống chế với hai ông canh cửa. Thế là sang an toàn”. Chúng tôi ngồi nghe lớp trẻ trò chuyện mà lòng dần dần lại trở lại thấy ấm cúng. Tôi, anh Hiển, anh Quang A đưa mắt nhìn nhau. Đám hậu sinh được thế này thì vẫn còn là có hậu. Chưa đáng lo cho lắm. Đỗ Minh Tuấn tuy cười vui nhưng tôi vẫn thấy trong ánh mắt của anh một chút âu lo, dường như anh chưa giải đáp được câu hỏi anh nói với tôi hôm biểu tình ngày Chủ nhật 12-7-2001: Làm cách nào để “nuôi” phong trào cho nó khỏi chết yểu, vì đàn áp kiểu này thì khí thế mấy mà cuối cùng chẳng “chết”? Không riêng anh, trong đầu tất cả mọi người đang ngồi cùng nhau ở đây đều gợn lên câu hỏi ấy mà không ai tiện nói cả. Thốt nhiên Nguyễn Xuân Diện đang ngồi trước cái laptop bỗng nói to lên: “Các bác có biết Dân làm báo viết gì không? Họ viết rằng nghe nói GS Nguyễn Huệ Chi cũng ở trong số bị đẩy lên xe bus cùng 50 người lên tận Mỹ Đình rồi”. Ai nấy lại được một dịp để cười. Cuối cùng thì cũng phải kéo nhau ra Nhà Hát Lớn để chụp vài pô ảnh thôi. Một anh nói nhỏ với tôi: “Anh thử đứng lên mời tất cả bà con đang uống café cùng ngừng lại 5 phút và ra theo đoàn biểu tình chúng ta chụp ảnh kỷ niệm, chỉ 5 phút thôi, xem họ có ra không”. Như cái máy tôi làm theo lời anh. Cả khu vườn café ngưng hẳn tiếng trò chuyện râm ran, dỏng tai lên nghe, làm cho chúng tôi lòng đầy hy vọng. Nhưng khi kéo nhau ra đi thì ngoảnh nhìn lại, họ vẫn trầm ngâm lặng lẽ nhìn theo mà không nhúc nhích. Chỉ có chúng tôi. Thế là câu trả lời cho Đỗ Minh Tuấn đã rõ – tôi thầm nghĩ vậy – chúng ta chưa đủ sức lay tỉnh rất đông những ai đang bàng quan đứng ngoài. Chỉ có đâu chừng 40 mống tụ tập lại đây thì lại tự nguyện bước ra đương trường với công an khu vực Nhà Hát Lớn, và cũng chỉ để làm trò diễn là... chụp ảnh. Nhưng chỉ có thế thôi mà đã khiến cả một đám công an đang lảng vảng bỗng trở nên nhốn nháo. Nhiều tiếng còi vang lên. Họ vội vội vàng vàng từ đâu kéo đến đối phó với chúng tôi. Nhưng họ có vẻ khôn ngoan hơn những cảnh sát cơ động ở Công viên Lê-nin. Vài người cất giọng, ngọt nhạt và khôn khéo: “Các bác làm việc vì đất nước, chúng cháu biết chứ. Nhưng hôm nay trong Nhà Hát Lớn có cuộc họp đặc biệt nên không được phép chụp ảnh. Mong các bác thông cảm”. Tất nhiên chúng tôi đã nhanh tay hơn họ, chúng tôi đã chớp được vài pô rồi.
clip_image043
Ảnh: Huỳnh Hoa
clip_image045
Ảnh: Huỳnh Hoa
Chúng tôi thừa hiểu lời đuổi khéo của họ và chẳng thèm tranh cãi làm gì. Đành kết thúc cuộc biểu tình tại địa điểm này sau khi đã hẹn với nhau ta sẽ không bỏ cuộc, ta sẽ có mặt vào Chủ nhật tuần sau.
Về đến nhà một lúc, qua điện thoại di động của một vài người, tôi được biết ở Mỹ Đình có 46 người bị hốt lên đấy và đến gần 12 giờ thì cũng được thả. Chị Nguyễn Nguyên Bình về ngay còn lại cả 45 người trong đó có Nguyễn Văn Phương, hai TS, và một Giáo sư, không về mà lại làm một cuộc tuần hành từ Mỹ Đình đi dọc suốt 3 cây số về cho đến Bảo tàng Hà Nội trên đường Phạm Hùng. Họ vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu trên con đường chưa hề có dấu chân người biểu tình kể từ hôm 5-6-2011 đến nay. Có cả một chiếc loa lớn hỗ trợ âm thanh cho họ. Có cả người mang hoa ra tặng.
clip_image046
Bó hoa tình nghĩa. Ảnh: Blog Nguyễn Xuân Diện
clip_image048
Nguyễn Văn Phương tay cầm loa. Ảnh: Blog Nguyễn Xuân Diện
clip_image050
GS Nguyễn Đông Yên mặc áo đỏ có sao vàng giữa ngực. Ảnh: Blog Nguyễn Xuân Diện
Ôi thế ư? Biến khó khăn thành thuận lợi, thế là đúng tính cách người Việt rồi đấy. Bằng cách nào cũng tìm ra đường được cả. Cuộc đấu tranh này tuy rất khó khăn nhưng vẫn còn nhiều hy vọng.
N.H.C.