Tổng thư ký Asean Surin Pitsuwan (DR) |
Vào lúc tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng, việc hoàn tất bản quy tắc hướng dẫn thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Trong tinh thần đó, hôm qua, 17/07/2011, Tổng thư ký Hiệp hội các nước Đông Nam Á, ông Surin Pitsuwan, nói với hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo rằng ASEAN và Trung Quốc hy vọng sẽ làm xong văn bản quan trọng này vào cuối năm nay. Ông tỏ ra lạc quan là các bên liên quan sẽ thông qua bản quy tắc hướng dẫn vào năm tới, tại Cam Bốt, đúng vào dịp kỷ niệm 10 năm ngày ký kết DOC.
Theo lãnh đạo ASEAN, Hiệp hội và Trung Quốc đã nhận thức được sự cấp thiết phải có bản quy tắc hướng dẫn để có thể giải quyết một cách hòa bình những bất đồng trong hồ sơ Biển Đông : « Đây là thời điểm quan trọng để ASEAN và Trung Quốc đưa là một tín hiệu cho thế giới, bởi vì vấn đề này gây ra nhiều lo lắng cho cộng đồng quốc tế » và cả hai bên, các nước Đông Nam Á cũng như Trung Quốc có chung trách nhiệm là làm giảm sự lo lắng này, bởi vì Đông Á có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của thế giới, trong lĩnh vực kinh tế, hòa bình và an ninh.
Trung Quốc và ASEAN đã ký DOC năm 2002 nhằm giải quyết một cách hòa bình những tranh chấp ở Biển Đông, với mục tiêu đề ra là hướng tới một bộ luật. Thế nhưng cho đến nay, phía Trung Quốc vẫn tránh ký kết một thỏa thuận mang tính ràng buộc. Trước mắt, các nước Đông Nam Á và Trung Quốc cố gắng đạt được đồng thuận về bộ quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC làm cơ sở cho việc soạn thảo bộ luật.
Indonesia, trên cương vị chủ tịch luân phiên ASEAN năm nay, đã đề nghị bổ sung vào dự thảo bộ quy tắc hướng dẫn một số chi tiết, nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các bên và giảm căng thẳng tại Biển Đông. Ngày 20/07 tới, các quan chức cao cấp của ASEAN và Trung Quốc sẽ thảo luận về dự thảo bổ sung này trước khi đệ trình lên hội nghị bộ trưởng Ngoại giao của hai nhóm nước, sẽ họp vào ngày 21/07 tại Bali.
Theo các nguồn thạo tin, bản dự thảo quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC nói đến việc Trung Quốc và ASEAN có thể thăm dò hoặc có các hoạt động hợp tác trong một số lĩnh vực như bảo vệ môi trường biển, tiến hành các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ, đấu tranh chống tội phạm xuyên biên giới trên cơ sở tự nguyện. Các hoạt động hợp tác chung tạo cơ sở cho việc xây dựng lòng tin và hiểu biết lẫn nhau, qua đó làm giảm căng thẳng ở Biển Đông và lập trường của Trung Quốc cũng sẽ bớt cứng rắn hơn.
Cần nhắc lại là, bản Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông không đề cập đến vấn đề chủ quyền biển, đảo. Điều 5 của DOC ghi rõ, « trong khi chờ đợi sự dàn xếp hòa bình cho các tranh chấp về lãnh thổ và quyền thực thi pháp luật, các bên liên quan tiến hành tăng cường những nỗ lực nhằm tìm kiếm các phương cách xây dựng lòng tin và sự tín nhiệm lẫn nhau trong tinh thần hợp tác và hiểu biết … ».
Ngày 23/07 tới, Trung Quốc và các nước đối tác đối thoại của ASEAN, cùng với Hiệp hội các nước Đông Nam Á sẽ tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN tại Indonesia, để thảo luận về các vấn đề an ninh trong khu vực. Mặc dù Trung Quốc phản đối sự « can thiệp » của các nước khác vào hồ sơ Biển Đông, nhưng Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ đề cập đến vấn chủ đề này. Theo Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan, lập trường của Mỹ là quan tâm đến ổn định, an ninh và tự do lưu thông, bởi vì Hoa Kỳ có tàu bè đi khắp nới trên thế giới. Một nhà ngoại giao ASEAN nhận định rằng « các hoạt động năng động của Mỹ trong khu vực buộc Trung Quốc phải tiến hành đàm phán với các nước ASEAN. Bắc Kinh không thể từ chối đối thoại với chúng tôi », bản dự thảo quy tắc hướng dẫn sẽ giúp ASEAN xây dựng bộ luật về ứng xử và đây là mục tiêu cuối cùng, có tầm quan trọng sống còn đối với các nước Đông Nam Á.