Ở quê tui, người ta gọi sự cãi liều cãi lấy được là cãi ngẳng. Người cãi ngẳng thường có những lý lẽ bất chấp logic của vấn đề, không thèm để ý đến lý lẽ của đối phương, hoặc cố tình đánh tráo khái niệm, đổi trẳng thay đen lý lẽ của đối phương để chụp mũ đối phương, lý lẽ ấy gọi là lý điềm.
Ví dụ trong bài “Về sự sợ hãi” của giáo sư Ngô Bảo Châu chẳng hạn. Gs. Châu đã viết: “Như Hector người thành Troy, như Turnus người Rutuli hay như Kinh Kha người nước Vệ, ông Vũ không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình. Những nhân vật huyền thoại này đã làm mọi thứ để được đối mặt với số phận, để hoàn thành sứ mệnh của mình trong cuộc đời này.” Trong đoạn này giáo sư Châu đã khẳng định hai điểm, một là ở phiên tòa CHHV đã không hề sợ hãi, hai là CHHV giống Hector,Turnus hay Kinh Kha ở đặc điểm: “không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình“. Muốn cãi lại Gs. Châu để khẳng định giáo sư ngộ nhận thì phải chứng minh được hai điểm: một là thực ra ở phiên tòa CHHV đã rất hèn nhát, hai là khác với Hector, Turnus hay Kinh Kha, CHHV đã sợ hãi “khi đối diện với số phận của mình”. Rứa mới gọi là cãi.
Nhưng chứng minh được hai điểm đó là chuyện không thể. Vì thế, để cãi lấy được lý lẽ của Gs. Châu, ông ( bà) Quý Thanh, tác giả bài: ” Về sự ngộ nhận của giáo sư Ngô Bảo Châu“, buộc phải đánh tráo khái niệm, tháu cáy lý lẽ. Trong khi Ngô Bảo Châu nói về sự sợ hãi thì Quý Thanh lại luận anh hùng; trong khi Ngô Bảo Châu so sánh CHHV với các anh hùng kia chỉ ở một đặc điểm “không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình” thì Quý Thanh cố chụp mũ giáo sư “đã đặt Cù Huy Hà Vũ ngang với những người anh hùng trong lịch sử nhân loại.”
Ngay cả khi chụp mũ như vậy, Quý Thanh cũng phải bàn đến điều mà Gs. Châu nói đến là khí phách của CHHV ở phiên tòa, liệu khí phách ấy có xứng đáng khí phách của người anh hùng hay không, có so được khí phách anh hùng của các vị anh hùng đã nói hay không. Rứa mới phải nhẽ. Đằng này Quý Thanh đã không hề nhắc lại khí phách ấy, cố tình lờ đi khí phách ấy khi luận về sự so sánh CHHV với các vị anh hùng kia. Nếu đã thích luận so sánh như vậy, Quý Thanh cũng phải luận về những hành động của CHHV dẫn đến tù tội có đáng được coi là hành động anh hùng hay không, đằng này Quý Thanh lại lôi chuyện đời tư của CHHV ra để chỉ trích, những chuyện chẳng ai biết thực hư phải quấy ra sao. Khác gì khi người ta đang khen sự can đảm của một người thì lại khăng khăng bảo rằng trong người kẻ ấy có hắc lào.
Những lý sự kiểu ấy không thuyết phục được ai, chỉ tổ gây tranh cãi và bực mình. Cho nên học theo Gs. Ngô Bảo Châu, tui cũng nói như ri: không thể lấy sự cãi ngẳng và lý điềm làm phương pháp bảo vệ chế độ.
Rứa đo rứa đo.
Nguyễn Quang Lập