Thứ Ba, 17 tháng 5, 2011

Trung Quốc: Kẻ thù hay bạn của Ấn Độ?

Trong giới cầm quyền cũng như các nhà phân tích chiến lược tại Ấn Độ luôn tồn tại hai quan điểm trái ngược nhau về mối quan hệ Trung - Ấn. Quan điểm cứng rắn thì luôn luôn coi Trung Quốc là mối đe dọa, là kẻ thù. Quan điểm còn lại thì cho rằng, quan hệ Trung - Ấn hoàn toàn có thể dựa vào ngoại giao và các hình thức hành động thích hợp khác thay vì viện đến đe doạ hoặc các biện pháp đối phó khẩn cấp.

Chính sách hướng Đông của Ấn Độ
Ở một thái cực trong quan điểm của Ấn Độ là một nhóm người nhận thức quan hệ Trung-Ấn phần lớn trên phương diện quyền lực thô và xem những ý đồ của Trung Quốc về cơ bản là xấu. Bharat Karnad, hiện ở Trung Tâm Nghiên cứu Chính sách, là cựu thành viên của Ban Tham vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ (India’s National Security Advisory Board) và tham gia vào việc viết dự thảo đầu tiên của học thuyết hạt nhân Ấn Độ. Là một người nổi tiếng là diều hâu, Karnad lâu nay vẫn thúc đẩy sự phát triển của một lực lượng vũ khí nhiệt hạch có khả năng tấn công vào các trung tâm dân cư đông đúc của Trung Quốc, một  lực lượng đã được kiểm chứng với những cuộc thử nghiệm hạt nhân xa hơn. Ông tranh luận rằng chương trình hạt nhân của Ấn Độ đã và tiếp tục bị ảnh hưởng bởi quan ngại về Trung Quốc, chứ không phải Pakistan vốn ngày càng trở nên như một “quan tâm thứ yếu.”
Theo Karnad, “điều giữ Ấn Độ khỏi cân bằng với Trung Quốc là chiến lược đa hướng tinh vi của Trung Quốc, mà cùng một lúc thực thi “găng tay nhung và cú đấm sắt” một chiến lược kết hợp sự hợp tác với “hành vi bắt nạt.” Ông cho rằng thương mại chỉ là “con ngựa thành Troa” để tích lũy dần tính dễ bị tổn thương của Ấn Độ.
Karnad ủng hộ rằng trong trường hợp mâu thuẫn với Trung Quốc, việc sử dụng các chiến lược từ chối xâm nhập đường biển như phong toả hải quân để cắt đứt các dòng cung cấp năng lượng cho Trung Quốc – ví dụ bằng “việc siết chặt đường cung cấp dầu và các hành lang thương mại trên biển Ấn Độ Dương.” Ông cũng kêu gọi “giúp đỡ Việt Nam gia tăng các lực lượng chiến lược của nước này, hợp tác với Đài Loan trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích “hòa bình”, và thăm dò các biện pháp chiến lược với Nhật Bản để bóp nghẹt tham vọng bành trướng của Trung Quốc,” như sự trả đũa cho việc Trung Quốc giúp đỡ Pakistan. Trong bối cảnh văn hoá kiềm chế chiến lược của Ấn Độ, “Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ” mang tính cứng rắn này thể hiện tầm nhìn rộng mở và khá quả quyết trong chính sách Trung Quốc của Ấn Độ.
Quan điểm cứng rắn của Karnad càng ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là sau rất nhiều báo cáo về những sự xung đột biên giới từ năm 2006 đến nay. Ví dụ, Harsh Pant, một học giả ở King’s College, London, dẫn chứng hành động của Trung Quốc như một nỗ lực “ngăn chặn sự nổi lên của Ấn Độ như một chủ thể khu vực và toàn cầu.” Ông khẳng định rằng “Ấn Độ không thể có một chính sách đối ngoại được định hình dựa trên những giả định về sự tử tế của các nước láng giềng,” ngụ ý về sự cần thiết có phản ứng chính thức mạnh mẽ hơn trong thời gian tới so với những gì đã xảy ra từ trước đến nay.
Brahma Chellaney, một đồng nghiệp của Karnad ở Trung tâm Nghiên cứu Chính sách, tranh luận rằng “trong khi Jawaharlal Nehru sai lầm khi theo đuổi những mục tiêu lãng mạn, Thủ tướng hiện tại đã cẩn trọng chọn cách tạo ra các thoả hiệp hơn là xây dựng các rào cản.” Chellaney nói thêm rằng, “giới quyền uy của Ấn Độ ngày nay sẵn sàng tính đến sự bạo dạn của Trung Quốc khi đưa ra quyết sách.”
Mohan Malik, một giáo sư ở Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương, đã gọi nhóm học giả trên là những người “siêu hiện thực,” dù có một cách khác hay hơn miêu tả những người này là “những nhà hiện thực tấn công.” Họ tối thiểu hoá các tác động xoáy ốc tiềm năng của sự quyết đoán từ phía Ấn Độ, nhấn mạnh điểm yếu của Ấn Độ khi so sánh với Trung Quốc trong khi thúc đẩy các phản ứng mạnh mẽ và nhấn mạnh hiệu quả của vũ lực và đe doạ trong ngoại giao quốc tế.
Quan điểm này dường như được lan truyền rất rộng dù không phải là nổi bật nhất trong các cơ quan quân sự và tình báo của Ấn Độ. Điều này không ngạc nhiên. Quân đội Ấn Độ không chỉ bị Trung Quốc nắm được đường đi nước bước một cách đáng xấu hổ trong chiến tranh năm 1962 mà quân đội ở mọi nơi có những lý do về mặt tổ chức và nhận thức để ủng hộ những chiến lược đặt ưu tiên cho lực lượng vũ trang và dựa trên những giả định về tình huống xấu nhất về các ý đồ của dối thủ.
Thêm nữa, quan hệ dân sự-quân sự của Ấn Độ được biểu thị bởi sự thống trị dân sự cực đoan. Điều này có nghĩa là các quyết định không hoạt động chủ yếu được đưa ra bởi các cơ quan dân sự không có chuyên môn, thường khiến các sĩ quan cấp cao nổi giận và tầng lớp chính trị không quen sử dụng vũ lực để trả đũa lại các hành vi khiêu khích. Năm 2002, Ấn Độ huy động quân đội của mình chống lại Pakistan nhưng lại mất đi nhiệt huyết sau một thời gian trì hoãn dài.  Năm 2008, sau khi Pakistan thực hiện những cuộc tấn công khủng bố ở Mumbai, nội các Ấn Độ quyết định chống lại tất cả các việc huy động quân sự.
Quân đội Ấn Độ do đó có xu hướng xem các lãnh đạo chính trị dân sự là yếu kém về mặt ý chí và tin tưởng hão huyền. Năm 2009, Bharat Verma, một lãnh đạo trong quân đội và biên tập viên của tờ báo danh tiếng Indian Defense Review, đã tuyên bố rất bi đát rằng “Trung Quốc sẽ tấn công Ấn Độ trước năm 2012… để dạy cho Ấn Độ bài học cuối cùng, để từ đó khẳng định uy thế của Trung Quốc ở châu Á trong thế kỷ này.” Suy nghĩ mang tính cảnh báo này được đưa tin rộng rãi trong giới thạo tin của các phương tiện thông tin đại chúng chính thống ở Ấn Độ.
Vikram Sood, cựu lãnh đạo của cơ quan tình báo đối ngoại của Ấn Độ, bộ phận Nghiên cứu và Phân tích, đã viết theo một cách cẩn trọng hơn rằng “Trung Quốc đã quyết tâm làm cho chúng ta… tật nguyền về tâm lý và chiến lược.” Sood ở đâu đó còn cảnh báo rằng “trong khi chúng ta chịu khổ sở từ các thách thức đến từ các mặt trận trên đất liền, chúng ta đang phớt lờ thách thức mới trên Ấn Độ Dương nếu chúng ta không lên kế hoạch cho các biện pháp đối phó ngay bây giờ.”
Trong nhiều năm, các cơ quan tình báo Ấn Độ được người Mỹ và Anh giúp đỡ để nâng cao khả năng thu thập thông tin tình báo chống lại Trung Quốc, đo đó đã nuôi dưỡng trong cán bộ các cơ quan này tâm lý tập trung coi Trung Quốc là kẻ thù. Rất có lý khi giả định rằng các quan điểm cứng rắn thể hiện thái độ chính thống trong các cơ quan như thế, mặc dù người ta nhận ra rằng các quan chức tình báo và quân đội thường có những quan điểm trái ngược nhau.
Những người thực dụng
Tuy nhiên, quan điểm chính thống quốc gia thì khác biệt nhiều. Steven Hoffmann, một giáo sư ở Skidmore College, lưu ý rằng trong khoảng từ năm 1998 và 2003, có một “nhận thức cốt lõi” trong giới chiến lược Ấn Độ rằng “Trung Quốc không cấu thành nguy cơ quân sự trực tiếp và rõ ràng đối với Ấn Độ trong tương lai gần,” thậm chí “trong giai đoạn xa hơn cũng không chắc chắn.” Điều này có nghĩa là “tồn tại khả năng Ấn Độ và Trung Quốc có thể xoay xở các vấn đề lớn trong tương lai dựa vào ngoại giao và các hình thức hành động thích hợp khác” thay vì viện đến đe doạ hoặc các biện pháp đối phó khẩn cấp.
Trung tâm của lối tiếp cận thực dụng này là nhận thức mang tính diễn giải hiền hòa hơn về hành vi của Trung Quốc cũng như nhận thức về mối nguy hiểm trong việc khởi xướng vòng xoáy của các hành động hiếu chiến đắt đỏ và không cần thiết. Một nghiên cứu về tranh chấp biên giới của hai chuyên gia phân tích người Ấn Độ Mohan Guruswamy và Zorawar Daulet Singh, tranh luận theo quan điểm này cho rằng “việc đổ hết thái độ thù địch cho người khác và coi đó là điều trực tiếp chủ yếu nhằm vào Ấn Độ, là lối giải thích quá hạn hẹp, thúc đẩy tạo ra các lựa chọn chính sách hẹp hòi.”
Các quan chức chính phủ cấp cao, bao gồm cả văn phòng Thủ tướng và Bộ Ngoại giao, dường như cũng chia sẻ quan điểm này. Shyam Saran, trong nhiệm kỳ làm Ngoại trưởng Ấn Độ của mình, đã quan sát rằng “sự bồn chồn lo lắng về một mối đe doạ có thể gây ra những nhận thức tương tự và thù địch từ phía bên kia,” và thêm rằng “xung đột với Trung Quốc không phải là chuyện không thể tránh khỏi.” Khi Saran được hỏi về mối đe doạ từ các căn cứ hải quân của Trung Quốc, cái gọi là “chuỗi ngọc trai”, ông đùa rằng “chuỗi ngọc trai… là thứ vũ khí giết người khá kém hiệu quả,” và khăng khăng rằng “không có căn cứ của Trung Quốc nào ở Ấn Độ Dương ngày nay.”
Chắc chắn là, người ta có thể tranh cãi rằng các quan chức chính phủ, đặc biệt là các nhà ngoại giao có động cơ mạnh mẽ để không công khai bất cứ điều hoài nghi nào về kẻ thù. Quan chức đồng thời là nhà phân tích người Mỹ Ashley Tellis, khi viết về điều này 10 năm trước đây, đã quan sát thấy “sự điềm tĩnh trong các phát ngôn chính thức của New Delhi về Trung Quốc… cùng với những nghi ngờ dai dẳng về Bắc Kinh được bày tỏ thầm kín.” Hiện tượng kỳ lạ này tồn tại đến ngày nay, với việc các quan chức cấp cao thẳng thắn hơn nhiều khi nói sau những cánh cửa đóng kín về các tranh chấp biên giới và cạnh tranh ngoại giao. Tuy nhiên, các vị quan chức này có cùng động cơ để nói một cách cẩn trọng về Pakistan và tuy vậy, rất nhiều người trong số họ còn công khai nói năng lỗ mãng hơn nhiều về Islamabad.
Cũng như vậy, quan chức cũng có động cơ để nói thẳng thắn nếu họ hy vọng làm như thế sẽ tạo nên hiệu quả ngăn ngừa – ngoại giao không giống với hoà giải – tuy nhiên họ hiếm khi lựa chọn việc thực hiện một cách tiếp cận như vậy với Trung Quốc. Khi Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh nói năm 2010 rằng “người Trung Quốc có sự quyết đoán mới … vì vậy, chúng ta cần thiết phải chuẩn bị,” điều này đánh dấu một sự xa rời đáng kể khỏi sự trầm lặng mà đã ngự trị trong các phát ngôn của chính quyền ông về Trung Quốc.
Cuối cùng, những nhóm nhất định phủ nhận rằng Trung Quốc tạo nên bất cứ nguy cơ đe doạ nào và ủng hộ quá trình hoà giải đơn phương. Các đảng Cộng sản của Ấn Độ, cùng với những nhóm cánh tả khác, lâu nay vẫn duy trì quan điểm này. Tuy nhiên, quan điểm này lại ít có sức hút với trung tâm giới chiến lược, nơi mà nó bị cười nhạo như là ngây thơ và không hợp thời. Trên thực tế, người cổ súy mạnh mẽ nhất cho một mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc của Ấn Độ đã từng là Nehru, nhưng sau khi chiến tranh năm 1962, đã thay đổi thái độ thù địch của ông với quân đội, và phê chuẩn các khoản chi tiêu lớn cho quốc phòng.
Chiến tranh năm 1962 với Trung Quốc là một khoảnh khắc quan trọng giúp định hình vai trò của chủ nghĩa lý tưởng trong các suy nghĩ tiếp theo của giới chiến lược Ấn Độ. Cái mà chúng ta có thể gọi là chủ nghĩa Nehru mới về Trung Quốc, trong đó thừa nhận tầm quan trọng của việc hợp tác với Trung Quốc, giờ đây được bao hàm trong lập trường thực dụng rằng không có ảo tưởng nào về khả năng xung đột trong dài hạn. Trạng thái đóng băng quan hệ và không có tiến triển nào trong các cuộc đàm phán biên giới đã cung cấp tính chính đáng cho một mức độ hoài nghi cơ bản. Một cuộc trưng cầu dân ý của Pew năm 2010 chỉ ra rằng chỉ có 34% người Ấn Độ có quan điểm tốt về Trung Quốc (giảm so với 46% năm 2009), và 4 trong số 10 người được hỏi coi Trung Quốc  như “một mối đe doạ rất nghiêm trọng.”


SHASHANK JOSHI, nghiên cứu sinh theo học tiến sĩ tại đại học Harvard
Hằng Ngân (dịch)
Đỗ Thủy (hiệu đính)