Thứ Ba, 17 tháng 5, 2011

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết luận "anh hùng"

"Dám ứng cử Quốc hội thì đừng ngại va chạm"

"Chất vấn các thành viên Chính phủ đôi lúc tôi cũng gặp phiền phức. Thậm chí, nếu nảy sinh mối quan hệ xấu thì vì trách nhiệm trước cử tri tôi cũng phải chấp nhận", đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ.


- Sau 2 nhiệm kỳ tham gia Quốc hội khóa 11-12, điều gì khiến ông hài lòng nhất?

- Suốt hai nhiệm kỳ, tôi luôn tích cực tham gia ý kiến về mọi vấn đề Quốc hội bàn thảo. Tôi rất vui mỗi khi ý kiến của mình được các đại biểu chia sẻ và được Quốc hội tiếp thu. Ví dụ tôi thấy trong các quyết định chưa thông qua như dự án đường cao tốc Bắc Nam, hay chưa thí điểm bầu trực tiếp chủ tịch UBND xã có phần đóng góp nhỏ bé của mình. 

Tôi cũng là người nhiều lần kiến nghị Quốc hội ra nghị quyết sau chất vấn. Tôi thấy ngày càng ít người nói "tôi nhận khuyết điểm, tôi hứa ...", nếu Quốc hội không ra nghị quyết thì việc xác định trách nhiệm và việc cần làm sau chất vấn hoàn toàn phụ thuộc vào thiện chí của người trả lời chất vấn. Rất mừng là Quốc hội đã tiếp thu kiến nghị này.

- Vậy còn điều gì ông thấy nuối tiếc nhất?

- Không hẳn là tiếc nuối, nhưng điều tôi chưa hài lòng về mình là có những vấn đề quan trọng mình nêu ra chưa được chú ý hoặc có chú ý, nhưng chính sách sửa đổi ban hành rất chậm. Ví dụ, từ cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa 11, tôi đã đặt ra vấn đề cần chú ý quản lý đất nông nghiệp. Cứ lấy đất trồng trọt ven quốc lộ biến thành nhà máy sẽ vô cùng lãng phí và không đảm bảo an ninh lương thực. Thứ hai là cần có chính sách khuyến khích trồng rừng. Nếu không phát triển rừng sản xuất để dân có thu nhập thì rừng sẽ ngày càng xác xơ. Bảo vệ rừng mỗi năm chỉ được trả 100.000-200.000 đồng/ha, thì dân sẽ sống bằng gì, làm sao không có hiện tượng chặt cây, phá rừng? Kiến nghị này tôi đã nêu ra từ cuối nhiệm kỳ khóa 11, đến nay chính sách mới bắt đầu có thay đổi nhưng còn rụt rè lắm.

Một điều nữa tôi không thể hài lòng là việc giúp đỡ cử tri giải quyết khiếu nại. Ngày nào tôi cũng nhận được vài đơn thư, mỗi lần đi công tác về là cả một chồng dày đơn khiếu nại mà chưa thể giải quyết hết được. Mà giải quyết các vụ việc cụ thể này thực sự là rất khó.

Ảnh:
"Tôi tâm đắc việc Quốc hội khóa 12 tiếp thu đề xuất ra nghị quyết sau chất vấn". Ảnh: Nguyễn Hưng.

- Là đại biểu từng chất vấn gai góc nhiều thành viên Chính phủ, ông đã phải chịu áp lực như thế nào?

- Với tôi, áp lực lớn nhất không phải từ phía những người mình chất vấn mà là từ cử tri, mặc dù áp lực này vô hình nhưng vô cùng lớn. Thứ hai là áp lực tâm lý trong những ngày đầu làm đại biểu. Làm sao thắng được tâm lý ngại ngùng để phát biểu trước gần 500 người, trong đó có nhiều người làm chính trị chuyên nghiệp, các vị lãnh đạo cấp cao và còn được giới báo chí và cử tri theo dõi.

Còn nói về phản ứng của người được chất vấn thì nhìn chung các bộ trưởng, trưởng ngành đều có thái độ đúng đắn, lịch thiệp. Có vị còn viết thư cảm ơn tôi như Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên. Đôi lúc tôi cũng gặp phiền phức, nhưng tôi cho là khi người ta chưa hiểu mình thì thôi cứ để thời gian trả lời. Thậm chí, nếu có nảy sinh mối quan hệ xấu khi mình nêu các vấn đề nhạy cảm thì vì trách nhiệm trước cử tri cũng phải chấp nhận thôi.

- Ông đánh giá ai cao nhất trong các thành viên Chính phủ mà ông từng chất vấn?

- Trong hai khóa làm đại biểu, tôi đã chất vấn gần hết các vị lãnh đạo, từ Thủ tướng, Phó thủ tướng đến các bộ trưởng, trưởng ngành. Tôi thấy mỗi vị có đặc điểm, phong cách riêng. Ví dụ, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát luôn trả lời chân tình, tự nhận khuyết điểm, có lời hứa với Quốc hội, có chú ý thực hiện lời hứa dù kết quả có mặt tốt, chưa tốt. Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân nắm việc rất chắc, trả lời lưu loát, nhưng ít khi nhận khuyết điểm và không mấy khi chịu hứa gì (cười).

Với Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, khóa 11 tôi có chất vấn và thấy ông là một người hành động. Nói về phát biểu của ông trước Quốc hội thì có lần suôn sẻ, có lần không nhưng sau khi được chất vấn, ông thường chỉ đạo nghiên cứu, xử lý vấn đề đại biểu nêu ra ngay. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc là người rất thạo việc, đầy kinh nghiệm trong trả lời chất vấn. Ông rất hiểu biết, rất có kinh nghiệm nhưng cũng hay tránh nhận trách nhiệm và thường tiết kiệm lời hứa.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu trả lời bỗ bã một chút nhưng thú vị. Không thấy ở ông vẻ căng thẳng thường gặp ở một người bị Quốc hội chất vấn. Mới sang ngành nhưng ông nắm việc sâu sát, nhất là trong kỳ họp thứ 8, ông trả lời về chuyện người Việt Nam đi chữa bệnh ở nước ngoài, số giường bệnh... với những số liệu rất cụ thể.

Nhìn chung mỗi bộ trưởng một vẻ. Nhưng nếu nói thích thì tôi thích cách trả lời của ông Cao Đức Phát, chân tình, có khuyết điểm gì cứ nhận thẳng, rồi đôn đốc anh em sửa chữa. 

ông Thuyết
Ông Thuyết từng chất vấn gai góc nhiều thành viên Chính phủ. Ảnh: TTXVN.

- Đã bao giờ người thân khuyên ông "hạ nhiệt" để tránh những va chạm bất lợi?

- Mọi người trong gia đình đều hiểu và chia sẻ với tôi trước áp lực của công việc. Con gái tôi đang làm việc ở nước ngoài cũng rất quan tâm và chia sẻ với công việc của tôi. Nhiều bạn quen biết, cử tri, bạn đọc thường nhắn tin, gọi điện thoại, viết bình luận trên blog bày tỏ ý kiến hoan nghênh, cổ vũ. Cũng có người lo lắng, khuyên nhủ này kia. Tôi rất cảm kích trước tấm lòng của người thân, anh em. Những sự quan tâm, lo lắng như vậy động viên tôi thêm cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ người đại biểu của dân.

- Trong gần 500 đại biểu khóa 12, ông thích gương mặt nào nhất?

- Thường thì từ trước đến nay, các vị lãnh đạo ủy ban và lãnh đạo địa phương rất ít khi tham gia các vấn đề Quốc hội bàn. Lãnh đạo địa phương có phát biểu thường cũng chỉ nêu khó khăn của địa phương và đề nghị Trung ương giúp đỡ. Có nhiều nguyên nhân, một là bản thân các vị cũng đã có chỗ khác để phát biểu. Thứ hai là tâm lý trong quan hệ công tác, nếu chất vấn thì dễ ảnh hưởng đến quan hệ công tác giữa cơ quan bị chất vấn với cơ quan, địa phương mình. Thứ ba là cũng có những vị ngần ngại bộc lộ mình trước Quốc hội, có thể là chưa tự tin.

Nhưng ở khóa 12 này, nhiều lãnh đạo các ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các tỉnh có những ý kiến phát biểu, chất vấn rất thẳng thắn, sâu sắc như đại biểu Lê Quang Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh; đại biểu Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật; đại biểu Vũ Hoàng Hà, Bí thư tỉnh ủy Bình Định...

Tôi cũng rất tâm đắc với những ý kiến bản lĩnh, trí tuệ của các đại biểu Lê Văn Cuông, Nguyễn Đình Xuân, Phạm Thị Loan, Dương Trung Quốc, Ngô Văn Minh, Danh Út, Vũ Quang Hải.

- Theo ông, phẩm chất nào là quan trọng nhất đối với một đại biểu Quốc hội?
"Những ai coi ứng cử là cách xây dựng thương hiệu, làm PR thì rất dễ phản tác dụng. Nếu vào Quốc hội chỉ để có điều kiện thuận lợi xây dựng quan hệ làm ăn, phát triển thì như vậy là lạm dụng lòng tin của người dân. Cử tri bầu đại biểu vào Quốc hội để làm việc chung chứ không phải tranh thủ làm việc cá nhân" - ông Nguyễn Minh Thuyết nói.

- Quan trọng nhất là chữ "Tâm". Trước hết là có tâm với cử tri, thực sự đặt mình vào hoàn cảnh của cử tri để nói lên được tiếng nói của họ. Những vấn đề như thu mua lúa gạo, cà phê bị ép giá... nếu đặt mình vào vị trí của nông dân thì mới hiểu được. Rồi giải phóng mặt bằng, nếu nhà mình cũng bị "giải phóng" với giá rẻ như bèo thì mình sẽ nghĩ thế nào? Thứ hai là có tâm với công việc. Nếu cả nhiệm kỳ không phát biểu, không làm gì thì dù vì nguyên nhân gì cũng là chưa làm tròn trách nhiệm của đại biểu Quốc hội.

Đại biểu cũng cần dũng cảm. Đã là đại biểu thì không ngại va chạm. Nếu đại biểu chỉ lo bảo vệ sự an toàn và thăng tiến của mình thì khó làm tròn trách nhiệm với cử tri, với Quốc hội. Nếu có những ứng cử viên như vậy thì cử tri không nên bầu và ứng cử viên đó cũng không nên nhận nhiệm vụ. Phải dám làm thì hãy ứng cử. Các phẩm chất khác như có tài, có đức... thì đương nhiên đại biểu phải có, vì đó là phẩm chất chung của cán bộ rồi.
.
Ảnh:
"Các đại biểu Quốc hội khóa 13 không nên nghĩ rằng mình bắt đầu từ 'con số 0'. Ảnh: Nguyễn Hưng.

- Hoàn thành hai khóa Quốc hội, nếu đứng trước cử tri nơi đã bầu ông, ông sẽ nói gì?

- Tôi xin gửi lời cảm tạ cử tri tỉnh Lạng Sơn đã bầu và giúp đỡ tôi trong suốt hai nhiệm kỳ. Trong những vấn đề tôi nêu ra ở Quốc hội có nhiều vấn đề xuất phát từ ý kiến đóng góp của cử tri Lạng Sơn. Nếu không thường xuyên tiếp xúc và dựa vào cử tri thì chắc chắn tôi không đủ hiểu biết để tham gia các hoạt động của Quốc hội. Sự ủng hộ của cử tri luôn tạo cho tôi chỗ dựa vững chắc để mạnh dạn phát biểu.

Đối với tỉnh Lạng Sơn, tôi tiếc một điều là có nhiều vấn đề bức xúc của địa phương đặt ra nhưng giải quyết chậm; nhiều việc cử tri gửi gắm, tôi cố gắng giúp nhưng chưa có kết quả, mong cử tri thông cảm. Ví dụ huyện Đình Lập có khoảng 60 km quốc lộ 31 chạy qua chỉ mới được rải đá cấp phối. Đường rất xấu, đi lại còn khó chứ chưa nói gì đến vận chuyển hàng hóa. Từ khi đại biểu Quốc hội khóa 8 tiếp xúc, cử tri đã đề nghị rải nhựa cung đường này.

Khi tôi về đã là khóa 11, anh chị em Nông trường chè Thái Bình tiếp tục kiến nghị làm đường. Cả đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh và cá nhân tôi đều tích cực phản ánh, đề nghị nhưng mãi gần cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa 12, Bộ Giao thông Vận tải mới thông qua dự án và có quyết định cấp vốn, nhưng có lẽ vốn cấp nhỏ giọt nên làm rất chậm. Đây là nhiệm vụ tôi chưa hoàn thành trọn vẹn trước cử tri.

- Ông kỳ vọng gì ở các đại biểu khóa 13?

- Từ ngày đổi mới đến nay, hoạt động của Quốc hội ngày càng thực chất, không khí sinh hoạt này càng dân chủ, được nhân dân đồng tình. Quốc hội khóa 12 được dư luận đánh giá có nhiều quyết sách quan trọng, để lại nhiều ấn tượng. Nhưng là một đại biểu khóa 12, tôi tự thấy vẫn có nhiều việc chưa làm được.

Tôi hy vọng các đại biểu khóa 13 sẽ không nghĩ rằng mình bắt đầu từ "con số 0" mà nghĩ rằng mình bắt đầu bước từ "cây số 101" trở đi. Với tư cách một cử tri, tôi mong các đại biểu nghiên cứu lại những chặng đường Quốc hội khóa trước đã trải qua xem vấn đề gì còn treo, vấn đề gì giải quyết chưa phù hợp với lòng dân, nguyên nhân là gì… để sắp tới có những quyết sách đúng đắn và hiệu quả hơn.

Hồng Khánh - Nguyễn Hưng thực hiện.
Nguồn: VNExpress.