Nguyễn Hữu Quý
Cả thế giới đều biết tình hình
Biển Đông thời gian vừa qua hết sức nóng bỏng, nhưng có lẽ nóng bỏng hơn
cả là những gì hiện đang tích tụ trong tâm tư hàng triệu con dân nước
Việt. Bởi nếu nhìn cho tinh một chút, toàn bộ những quậy phá ghê tởm của
Đế quốc Trung Cộng đều đang nhằm chĩa mũi dùi chủ yếu vào các quần đảo
và lãnh hải Việt Nam với một thái độ trịch thượng mà chúng không cần
giấu giếm. Sự căng thẳng trong nhiều ngày ở bãi cạn Scarborough của
Philippines rất có thể chỉ là màn dạo đầu và là đòn "đánh dứ" nhằm lạc
hướng dư luận mà thôi; hơn nữa đối diện với liên minh quân sự Phi - Mỹ,
con sói Đại Hán dù có đói mồi đến mấy cũng phải biết gờm, không thể dại
đột làm liều.
Trên tinh thần đó, chúng tôi xin đăng lời bàn dưới đây của bạn Nguyễn Hữu Quý để độc giả xa gần rộng đường tham khảo.
Bauxite Việt Nam
Trung Quốc thực sự đã xâm lược Việt Nam.
Cho
dù né tránh dưới hình thức nào đi chăng nữa, người Việt Nam cũng như
những ai trên toàn thế giới khi quan tâm đến Biển Đông (biển Nam Trung
Hoa), đều thấy và chấp nhận một sự thật rằng: Trung Quốc đã thực sự xâm
lược Việt Nam.
Ngay sau khi Quốc hội (QH) Việt
Nam thông qua LUẬT BIỂN VIỆT NAM vào ngày21/6/2012, với số phiếu xem như
là tuyệt đối, theo đó, ngay từ điều I, QH Việt Nam khẳng định: quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam;
thì ngay lập tức, như đã được lập trình sẵn, Trung Quốc đã có một loạt
các hành động, không chỉ phản đối mà còn leo thang tiến hành chiến tranh
xâm lược. Ta có thể kể qua các sự kiện chính sau:
-
Ngày 21/6/2012 Trung Quốc bên cạnh phản đối LUẬT BIỂN VIỆT NAM, là hành
động thành lập Thành phố cấp địa khu Tam Sa, bao gồm toàn bộ Biển Đông
Việt Nam trong phạm vi “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tự vẽ và công bố
với thế giới vào năm 2009.
- Ngày 23/6, Tổng
công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) thông báo chào thầu quốc tế
đối với 9 khu vực trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và
thềm lục địa của Việt Nam. Đây được xem là hành động “rao bán nhà hàng
xóm” rất ngang ngược của Trung Quốc, bị rất nhiều nước trên thế giới
phản đối.
- Ngày
26.6, Cơ quan Giám sát hàng hải (CMS) Trung Quốc điều động đội gồm 4 tàu
hải giám rời căn cứ tại thành phố Nam Á thuộc đảo Hải Nam để thực hiện
chuyến tuần tra trên Biển Đông (theo Học viện Nghiên cứu quốc phòng quốc
gia Nhật Bản, tính đến hết năm 2011, CMS có khoảng 280 tàu Hải giám,
trong đó gồm 27 chiếc trên 1.000 tấn và có 9 máy bay trực thăng, các tàu
Hải giám được trang bị hệ thống định vị tiên tiến...).
-
Ngày 13/7/2012 Trung Quốc đưa 30 “tàu đánh cá”, mà theo báo chí Trung
Quốc thì đây là một trong những hoạt động đánh cá chung lớn nhất trong
lịch sử tỉnh Hải Nam. Đội tàu cá này gồm một tàu hậu cần có trọng tải
3.000 tấn và 29 tàu cá trọng tải 140 tấn. Các tàu chia thành nhiều nhóm
khác nhau khi tham gia vào hoạt động đánh cá rầm rộ kéo dài 20 ngày ở
khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam; và đến ngày 16/7/2012, sau 3
ngày 3 đêm, đoàn tàu này đã có mặt tại đảo Chữ Thập, thuộc quần đảo
Trường Sa của Việt Nam.
- Ngày 19/7/2012, Trung
Quốc đưa tàu đổ bộ xuống khu vực Trường Sa, theo các báo đưa tin, thì
đây là con tàu chở lính và thiết bị hậu cần Trung Quốc thuộc lớp Ngọc
Đình, có số hiệu No. 934, mang theo 3 súng hạng nặng, cần cẩu và có bãi
đỗ trực thăng. Máy bay hải quân Philippines đã chụp được hình con tàu ở
khu vực Palawan.
- Tân Hoa xã ngày 20/7 dẫn các
nguồn tin từ Bộ tư lệnh quân khu Quảng Châu cho hay Quân ủy Trung ương
Trung Quốc đã phê chuẩn thành lập bộ chỉ huy quân đồn trú của cái gọi là
“thành phố Tam Sa”.
Đây có thể xem như hợp pháp hóa sự chiếm đóng về quân sự trên đảo đã và sẽ chiếm được trong tương lai.
-
Ngày 21/7/2012, Trung Quốc tiến hành “bầu đại biểu Hội đồng nhân dân” ở
Tam Sa, chính thức “hành chính hóa” toàn bộ phần biển Đông trong phạm
vi “đường lưỡi bò”.
Không sớm thì muộn, để thực
hiện các mục tiêu của “đường lưỡi bò”, buộc Trung Quốc phải tiến hành
chiến tranh xâm lược đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam, và nay,
Trung Quốc thực sự đã và đang thực hiện chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Mặc dù rất muốn chiếm đoạt Trường sa, nhưng Trung Quốc thực sự run sợ nếu thực hiện cuộc chiến với Việt Nam.
Nhận định trên đây nghe có vẻ rất vô lý, nhưng thực tế đúng là như vậy, bởi vì:
-
Lịch sử hàng ngàn năm trong chiến tranh Trung-Việt đã chứng minh điều
này, nghĩa là, trong cuộc chiến mở màn, thường là Trung Quốc giành phần
thắng, vì trong tương quan lực lượng, Trung Quốc luôn bằng 15-20 lần so
với Việt Nam, và Trung Quốc là nước luôn chủ động thực hiện chiến tranh
xâm lược; ngược lại, kết thúc cuộc chiến, sự thảm bại bao giờ cũng giành
cho phía Trung Quốc. Các bãi chiến trường như là: Chi Lăng, Tốt động,
Chúc động, Đống Đa, Bạch Đằng, Hàm Tử v.v.. là mồ chôn xác giặc hiện vẫn
còn in đậm dấu ấn lịch sử trên đất Việt Nam.
-
Nếu cuộc chiến trên Biển Đông diễn ra, thì toàn bộ con đường vận chuyển
trên Biển Đông, đây là tuyến đường biển xem như là mạch máu nuôi sống
nền kinh tế Trung Quốc, khi đó sẽ bị Việt Nam khống chế, và theo đó,
chiến tranh sẽ kéo dài, nền kinh tế Trung Quốc bị khủng hoảng, kéo theo
là sự nổi dậy của nhân dân Trung Quốc và sẽ lật đổ chế độ cộng sản Trung
Quốc.
- Mặc dù mấy năm gần đây, báo chí và dân
cư mạng Trung Quốc rất hung hăng, tưởng như muốn “làm gỏi” Việt Nam,
nhưng với vị trí địa hình chạy dọc theo phương Bắc-Nam của Việt Nam;
quần đảo Trường Sa lại cách xa Trung Quốc hơn 1.000 km, nếu cuộc chiến
Trung-Việt diễn ra, Trung Quốc sẽ lại nuốt hận như tiền nhân của họ đã
phải nhiều lần cam chịu mà thôi.
Không quân Việt Nam sẽ là nỗi khiếp sợ cho bọn Trung Cộng xâm lược lần này
|
Thế “tiến thoái lưỡng nan” của Việt Nam.
Trong
lịch sử chống giặc phương Bắc, có thể nói, chưa bao giờ nhân dân Việt
Nam run sợ, có chăng là chỉ có giai cấp thống trị tại Việt Nam run sợ mà
thôi. Một số triều đại phong kiến trước đây, do muốn duy trì chế độ cai
trị của mình đã phải cầu viện phương Bắc và đã bị nhân dân lật đổ cùng
với việc đuổi giặc ngoại xâm như lịch sử đã ghi lại.
Hiện
tại, lãnh đạo Việt Nam đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan”; nếu không ra
tay bảo vệ chủ quyền thì mặc nhiên chấp nhận hành động xâm lược của
Trung Quốc, tạo tiếp một sự “đã rồi” như đối với Gạc Ma năm 1988; và
nguy hiểm hơn, là cơ hội để Trung Quốc lấn tới đặt giàn khoan “Dầu khí
Hải dương 981” vào trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của
Việt Nam vào thời gian tới đây.
Ngược lại, chủ
trương của Đảng cộng sản Việt Nam lại luôn cho rằng, “Việt Nam cần môi
trường hòa bình, ổn định để phát triển”. Đó là một chủ trương không sai,
vì hợp với xu thế của nhân loại hiện nay, tuy nhiên không thể cứ nắm
chặt lấy nó là có được lá bùa thiêng để tránh khỏi cuộc chiến nằm ngoài ý
mình, càng không thể chỉ đáp lại kẻ thù bằng những lời “tuyên bố” hoặc
“thư từ ngoại giao” như đã diễn ra bao lâu nay chứ không có thêm những
động thái cần kíp khác có tính chất nhà nước quan phương để chính thức
tuyên cáo với quốc tế, làm cho quốc tế hiểu ta hơn và có thêm nhiều
tiếng nói đồng tình với ta.
Tóm lại, do bị ràng
buộc bởi “quan hệ 4 tốt và phương châm 16 chữ vàng”, Việt Nam hiện đang
rất bất lợi trong bảo vệ chủ quyền đối với khu vực Trường Sa. Lịch sử
Việt Nam hôm nay khiến ta chạnh lòng nghĩ đến thời kỳ Triều đình nhà
Nguyễn sợ nhân dân ta hơn sợ thực dân Pháp, dẫn đến thành Hà Nội thất
thủ (1882) và đưa đến cái chết của Tổng đốc Hoàng Diệu.
Có
khác chăng là, với sự ngang ngược, bất chấp luật pháp và công ước quốc
tế, Trung Quốc hiện đang “tứ bề thọ địch”, đây lại là một lợi thế vì
chính nghĩa đã đứng về phía Việt Nam.
Mặc dù
không ai muốn một cuộc chiến Trung-Việt sẽ xảy ra, nhưng có vẻ như định
mệnh đã được sắp đặt. Bắc Kinh đang tự tin vào các yếu tố về “thiên
thời, địa lợi, nhân hòa” nằm trong tay họ, và vì vậy, rất có thể Trung
Quốc sẽ ra tay đánh chiếm một số đảo của Việt Nam trong thời gian tới,
kết hợp giải quyết các mâu thuẫn nội tại bên trong Trung Quốc trước Đại
hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, dự kiến diễn ra trong tháng 10
tới đây.
Có thể nói, đêm trước cho một cuộc chiến tranh Trung-Việt đã bắt đầu.
Câu hỏi được đặt ra là: Lực lượng nào sẽ lãnh đạo nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược lần này?
Tôi
đồng ý với tác giả Lê Ngọc Thống, trong bài “Việt Nam trước diễn biến
mới của khu vực”, đăng trên Viet-studies, ngày 22/7/2012, khi ở cuối
bài, tác giả viết:
“Làm thế nào để có sức
mạnh tinh thần? Làm thế nào để cả nước đồng lòng, đồng bào trong và
ngoài nước kết tinh tinh thần yêu nước thành một làn sóng nhấn chìm quân
xâm lược? Nếu như bọn tham nhũng, “lợi ích nhóm” đã làm chao đảo kinh
tế và lòng tin thì chúng chẳng ngại ngần gì bán nước để yên vị, hưởng
lợi, vậy làm gì để diệt bọn chúng?... Câu trả lời dành cho lãnh đạo Việt
Nam”.
22.7.2012
N.H.Q.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN