Thứ Hai, 5 tháng 3, 2012

Những trận chiến không bao giờ quên: Hải chiến Trường Sa 1988

Hai mươi bốn năm trước, 64 người con đất Việt hy sinh ở Gạc Ma (Trường Sa)

Hôm nay, 27 tháng Giêng (âm lịch), hai mưoi tư năm trước, 64 người con đất Việt đã hy sinh trên đảo Gạc Ma, tàu HQ 604 và tàu HQ 605 khi  bảo vệ chủ quyền Tổ quốc ở quần đảo Trường Sa, ngày 14-3-1988, nhằm ngày 27 tháng Giêng năm Mậu Thìn. 64 của người con đất Việt tuy sinh ra khác ngày tháng, quê hương khác nhau nhưng hy sinh cùng một ngày vì từng tấc đất chủ quyền của đất nước. Gạc Ma, Trường Sa những tiếng gọi thân thương trong tâm hồn người Việt



trang 2:

trang3
(ảnh trên lấy từ Blog Thiềm thừs Site)
Người Ba Đồn xin giới thiệu một bài viết của mình cách đây 4 năm (2008) đăng trên báo Văn Hóa về hoàn cảnh gia đình của anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương. Và thật sự như một sự trùng hợp lạ kỳ, hôm qua chúng ta nhớ đến 33 năm trước ngày chiến tranh biên giới phía bắc (17.2.1979-17.2.2012) đúng là ngày 26 tháng Giêng (âm lịch) và hôm nay ngày 27 tháng Giêng năm Nhâm Thìn ta lại nhớ đến 24 năm trước 27 tháng Giêng năm Mậu Thìn (1988) trận chiến trên đảo Gạc Ma, 64 người con đất Việt đã hy sinh

Quảng Bình: Sao chưa có chế độ cho thân nhân liệt sĩ Trần Văn Phương? (07/03/2008)
Kỷ vật của anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương.

(VH)- Chiều ở làng Đơn Sa, xã Quảng Phúc (Quảng Trạch, Quảng Bình) hiu quạnh đến chạnh lòng. Trong nghĩa trang liệt sĩ xã, tôi gặp chị Mai Thị Hoa, vợ của anh hùng liệt sĩ hi sinh trên quần đảo Trường Sa Trần Văn Phương. Ngày anh hy sinh chị còn rất trẻ, đang độ tuổi hai mươi...
Sống với những kỷ vật xưa
Năm 1987, sau khi xong một khoá huấn luyện chiến sĩ hải quân, anh được về phép và ngỏ lời cầu hôn với chị. Hồi ấy gia đình anh chị nghèo lắm, đông anh em, khoai không đủ mà ăn chứ đừng nói chuyện cơm. Vì vậy, đám cưới của anh chiến sĩ hải quân và cô giáo dạy mầm non trường làng tổ chức rất đơn giản không áo cưới, không chụp hình... Cưới nhau được hơn 10 ngày anh lại trở vào đơn vị.
Và sau đó, chị và anh chỉ “sống” với nhau qua thư từ. Chị đưa cho tôi xem những lá thư anh viết trên tờ giấy pơ luya mỏng manh nhưng chứa đựng bao nhiêu tình cảm chứa chan. Cầm những lá thư anh viết về nhà mà nước mắt chị cứ lăn hoài trên gò má. Mãi đến cuối năm 1987, anh mới được về ăn Tết cùng chị.
Ai ngờ đây là cái Tết cuối cùng của anh và chị. Tết đó anh và chị đạp xe chở nhau lên Ba Đồn chụp ảnh, sống bên nhau nồng nàn hạnh phúc. Đến mồng 10 Tết anh được lệnh trở lại đơn vị để làm nhiệm vụ đặc biệt. Chị cứ ôm tấm hình của anh và khóc: “Ai ngờ đây là tấm hình cuối cùng chúng tôi chụp ảnh chung nhau, anh đi mãi mãi không trở về, anh đâu biết tôi đã có giọt máu của anh...”.
Về đến đơn vị, anh viết cho chị một lá thư đầy yêu thương. Anh dặn chị nhớ giữ gìn sức khoẻ, đừng gửi thư vào cho anh nữa, bởi vì anh sắp đi công tác ở Trường Sa. Vì công việc, đến cả địa chỉ cố định anh cũng chưa có... Chuyến tàu ra đi gặp bão. Anh cùng đồng đội trở lại đất liền, và lại tranh thủ thời gian viết thư về cho chị.
Ngày 14.3.1988, anh đã cùng những đồng đội của mình quyết bảo vệ lá cờ Tổ quốc trên đảo Gạc-Ma. Trong trận chiến không cân sức, anh và những đồng đội của mình đã anh dũng hi sinh. Khi đó, thiếu uý Trần Văn Phương là cán bộ chỉ huy lực lượng bảo vệ việc xây dựng trên đảo. Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam ghi lại trường hợp anh Phương hy sinh: “Đồng chí Nguyễn Văn Lanh trong khi cùng đơn vị vận chuyển vật liệu từ tàu HQ 604 lên đảo thì tàu địch đến bao vây, uy hiếp.
Tình thế rất căng thẳng. Khi địch đổ quân xuống đảo, ép bộ đội, giật cờ của ta hòng chiếm đảo, theo lệnh của đồng chí Trần Đức Thông, chỉ huy cụm đảo: “Đồng chí nào biết bơi thì bơi ngay vào đảo hỗ trợ cho các đồng chí trên đảo bảo vệ cờ”. Nguyễn Văn Lanh cùng 11 anh em khác nhảy ngay xuống biển và bơi vào đảo. Khi đó trên đảo, địch đã nổ súng, đồng chí Trần Văn Phương, người giữ cờ đã hy sinh”.
Sau sự kiện đó, có 3 sĩ quan Hải quân nhân dân Việt Nam được phong danh hiệu Anh hùng LLVTND là Vũ Huy Lễ, Nguyễn Văn Lanh và Trần Văn Phương.
413thep.jpg
Thắp hương cho chồng tại nghĩa trang liệt sĩ
Mòn mỏi ngóng trông
Gần một tháng sau, chị mới biết tin và ngã gục trước sự mất mát quá lớn này. Thế rồi bằng nghị lực của chính mình và động lực giọt máu của người chồng đang ở trong bụng mình, chị đã đứng dậy nuôi con thay chồng. Cuối năm 1988, bé Trần Thị Thuỷ ra đời. Bé Thuỷ mỗi ngày một lớn, chăm ngoan học giỏi. Cháu thường hỏi mẹ, ba con đâu, những lúc ấy chị Hoa chỉ biết ôm con vào lòng mà gạt dòng nước mắt.
Sau bốn năm hai tháng ở lại với đồng đội ngoài đảo xa, tháng 5.1992, liệt sĩ Trần Văn Phương đã “trở về” cùng với gia đình, mãi mãi yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ xã Quảng Phúc và đến lúc đó bé Thuỷ mới biết ba mình đã dũng cảm hy sinh vì Tổ quốc.
Bé Thuỷ càng ngày càng thương mẹ, thông cảm và chia sẻ với nỗi đau của mẹ. Bây giờ em là sinh viên trường Đại học Quảng Bình, khoa Việt Nam học. Em học giỏi, năm nào cũng có giấy khen. Và đó cũng là nguồn động viên lớn đối với chị.
Năm 2001, được các tổ chức hỗ trợ 8 triệu đồng chị quyết định xây nhà. Ngôi nhà trị giá 40 triệu  nhưng phải đến giữa năm 2007, chị mới trả được hết nợ vay hàng xóm. Bây giờ chị sống chủ yếu dựa vào 3 sào ruộng nhưng thất bát lắm, còn khoản tiền trợ cấp hằng tháng của Thuỷ (khoảng 700 ngàn đồng) chị để dành cho con ăn học.
Chị cho biết, vào tháng 9.2006, chị làm hồ sơ xin hưởng chế độ dành cho thân nhân liệt sĩ theo Nghị định 47/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 33/TT-BLĐTBXH ngày 09/12/2005 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin gì từ các cơ quan có liên quan.    Chị cũng đi hỏi khắp nơi, nhưng ở Phòng Nội vụ - LĐ-TB&XH huyện Quảng Trạch bảo đã chuyển lên Sở LĐ-TB&XH, nhưng khi vào Sở hỏi thì người có thẩm quyền cho biết chưa hề có bộ hồ sơ nào về việc xin hưởng chế độ dành cho thân nhân liệt sĩ của huyện Quảng Trạch chuyển vào.
Đến nay, hồ sơ của chị vẫn chưa có thông tin gì và cũng chưa biết đến bao giờ mới được trả lời? Chị vẫn tiếp tục đợi chờ như ngày xưa mỏi mòn ngóng trông ngày anh Phương trở về. Vì Tổ quốc, anh mãi mãi không trở về với mẹ con chị. Nhưng chẳng lẽ, chính sách dành cho thân nhân liệt sĩ mà chị đáng được hưởng cũng phải ngóng trông vô vọng thế sao?
Phạm Phú Thép