Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2012

Căng thẳng mới ở biên giới Ấn – Trung

Nguyễn Huy theo Washingtonpost

Người ta đã nghĩ đến một “giai đoạn vàng” trong quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng xem ra nó lại đang bị lu mờ nghiêm trọng.

Đầu năm nay, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc đã tới New Delhi trong vòng hội đàm thứ 15 về vấn đề tranh chấp biên giới bấy lâu nay giữa hai láng giềng hạt nhân. Ông Đới tuyên bố rằng, họ đã chia sẻ một cơ hội lịch sử để tiến tới tương lai tươi sáng "tay trong tay".
Nhưng rõ ràng Ấn Độ và Trung Quốc lại đang có những tranh cãi trở lại, và khu vực biên giới của họ chính là điểm nóng.
Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ tới một bang biên giới mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền, đi kèm là đoàn máy bay bay diễu gần đây đóng trong khu vực, đã khuấy động phản ứng từ Bắc Kinh với lời khuyên "không làm phức tạp" tình hình. Đáp trả lại, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ, A.K. Antony, đã gọi bình luận của Trung Quốc là "rất không thích hợp" và "thực sự đáng phản đối".

Sự đấu khẩu này, theo các chuyên gia, là một "triệu chứng" suy giảm trong mối quan hệ đã từng bắt đầu năm 2005, khi Ấn Độ xích gần lại hơn với Mỹ và đàm phán về một thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự.
Mối liên kết mới dường như đe dọa Bắc Kinh và đặt quan hệ với Ấn Độ theo chiều đi xuống - nhiều tới nỗi mà các kế hoạch hiện đại hóa quân sự nhiều tỉ đô lâ của Ấn Độ giờ đây phần lớn là để kiềm chế mối đe dọa ngày một lớn từ Trung Quốc. "Kể từ thỏa thuận hạt nhân với Mỹ năm 2005, quan hệ với Trung Quốc đã trải qua một thời gian bất ổn", Brahma Chellaney thuộc Trung tâm nghiên cứu Chính sách ở New Delhi nói. "Không có gì thay đổi trong vài tháng nay để có thể nói rằng, sự bất ổn ấy đang gia tăng hay suy giảm. Những gì chúng ta nhìn thấy là thực tế rằng, truyền thông quốc gia Trung Quốc đang đưa ra những tuyên bố ngày càng cứng rắn".
Tâm điểm của căng thẳng có vẻ nằm ở tranh chấp biên giới dai dẳng giữa hai bên từng bùng nổ thành một cuộc chiến tranh ngắn năm 1962. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với bang Arunachal Pradesh phía đông bắc Ấn Độ - một khu vực rừng núi rậm rạp có nhiều nét tương đồng văn hóa với Tây Tạng. Ấn Độ thì tranh cãi sự chiếm đóng của Trung Quốc với một cao nguyên cằn cỗi tại Kashmir, xa hẳn về phía tây.
Trong năm 2005, hai bên đã nhất trí tôn trọng "các khu vực dân cư" trong bất kỳ thỏa thuận cuối cùng nào, cho thấy rằng ngày nào đó, họ có thể nhất trí chấp thuận hiện trạng. Nhưng không lâu sau thỏa thuận hạt nhân Mỹ - Ấn được kí kết, tranh cãi lại bắt đầu.
Trung Quốc tận dụng mọi cơ hội để tái khẳng định tuyên bố chủ quyền với Arunachal, nơi họ gọi là Nam Tây Tạng. Cảm thấy không còn bất kỳ hy vọng nào cho một thỏa thuận, Ấn Độ cũng cứng rắn hơn trong lập trường của mình.
Mối quan hệ giữa hai láng giềng lớn tiếp tục trở nên xấu đi vào tuần này, khi một nhóm các chuyên gia đối ngoại của Ấn Độ và các cựu quan chức cảnh báo rằng, Ấn Độ cần có sự chuẩn bị tốt hơn trong trường hợp Trung Quốc quyết định khẳng định tuyên bố chủ quyền lãnh thổ bằng vũ lực. "Đó là khả năng Trung Quốc có thể phải dùng tới để chiếm lãnh thổ", họ viết trong bản đánh giá chính sách đối ngoại Ấn Độ. Theo các chuyên gia này, Trung Quốc có thể nhằm mục tiêu chiếm giữ các vùng đất dọc theo biên giới không rõ ràng giữa hai bên. "Chúng ta không thể hoàn toàn bác bỏ khả năng một hành động quân sự lớn ở Arunachal Pradesh hoặc Ladakh [Kashmir]".
Trong tháng 1, Trung Quốc đã từ chối cấp thị thực cho một quan chức không quân Ấn Độ tới từ bác này và dự kiến thăm Bắc Kinh trong đoàn đại biểu quân sự Ấn Độ. New Delhi phản ứng bằng cách hủy bỏ toàn bộ chuyến đi.
Ông Antony sau đó tới thăm bang Arunachal trong dịp kỷ niệm tròn 25 năm thành lập. Các hoạt động chào mừng trong đó có đoàn máy bay bay diễu thuộc hàng "đầu bảng" của Ấn Độ, Sukhoi do Nga chế tạo và dẫn đầu đoàn chính là vị quan chức đã bị Trung Quốc từ chối cấp thị thực. Các máy bay Sukhoi này hiện đóng ở ngay phía ngoài Arunachal kể từ năm ngoái để đối phó với mối đe dọa Trung Quốc.
"Ấn Độ nên duy trì khu vực biên giới hòa bình và an toàn với Trung Quốc và kiềm chế không tiến hành bất kỳ hành động nào có thể làm phức tạp vấn đề", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói tại Bắc Kinh.
Kiểu phản ứng mang đậm tính chất ngoại giao này thường bị Ấn Độ không để ý tới trong ít năm trước, nhưng giờ đây họ lại cảm thấy buộc phải đáp trả. "Ấn Độ sẽ không khoan dung cho bất kỳ sự can thiệp bên ngoài nào của Trung Quốc vào vấn đề lãnh thổ Ấn Độ", Ngoại trưởng Ấn Độ S.M. Krishna tuyên bố.
Trong các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, các kêu gọi kiềm chế và khoan dung được pha lẫn với những cú chọc giận với chính phủ Ấn Độ kiểu như "tự phụ" hay "đầu hàng" làm thúc đẩy quan điểm dân tộc chủ nghĩa.
Ấn Độ đang là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, và khi căng thẳng với Trung Quốc gia tăng, họ đã bắt đầu theo đuổi một chương trình hiện đại hóa quân sự dự kiến có chi phí 100 tỉ đô la trong suốt thập niên tới.
Vào tháng 1, Ấn Độ đã chọn hãng Rafale của Pháp cho một hợp đồng 15 tỉ USD để cung cấp 126 máy bay chiến đấu mới, trong khi lực lượng không quân không ngừng nâng cấp các sân bay dọc dãy Himalaya.
Quân đội Ấn Độ đã triển khai thêm 36.000 quân gần Arunachal Pradesh và dự kiến tăng thêm hai sư đoàn miền núi. Trong buổi diễu binh hàng năm chào mừng Ngày Cộng hòa vào tháng 1, Ấn Độ đã trình diễn các tên lửa tầm xa mới nhất có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, có thể bay hơn 2.000 dặm và tiến sâu vào Trung Quốc.
Hải quân Ấn Độ cũng đã nhận một tàu ngầm hạt nhân Nga trong hợp đồng thuê 10 năm và đã tổ chức hội nghị có sự tham gia của các chuyên gia, quan chức và thành viên hàng hải từ 14 nước, thực hiện cuộc diễn rập ngay ở bên cạnh trọng tâm chiến lược - quần đảo Andaman - ở Ấn Độ Dương. Sự kiện này không có mặt Trung Quốc. Ấn Độ cũng đang chi khoảng 2 tỉ USD để xây dựng căn cứ chỉ huy quân sự ngay trên quần đảo để đối phó với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực.
"Quân đội Ấn Độ đang tăng cường lực lượng của mình để chuẩn bị chiến đấu trong một xung đột có thể giới hạn dọc theo biên giới tranh chấp và làm việc để cân bằng với sự trình diễn sức mạnh cảu Trung Quốc tại Ấn Độ Dương", James R. Clapper Jr., giám đốc tình báo quốc gia Mỹ nói trước một ủy ban thượng viện hồi tháng trước.
Một cuộc chiến tranh quy mô lớn giữa Ấn Độ và Trung Quốc khó có thể xảy ra, nhưng kiểu chạm trán nhỏ vùng biên giới là không thể bác bỏ trừ phi hai bên kiểm soát các vết trượt trong quan hệ của mình, một số chuyên gia nhấn mạnh. Với việc Trung Quốc trong giai đoạn chuyển đổi lãnh đạo, còn chính phủ Ấn Độ thì dường như thiếu lãnh đạo trầm trọng, giới phân tích bi quan về tiến triển trước mắt trong quan hệ hai nước.
"Qũy đạo là đi xuống và không có dấu hiệu nào chứng tỏ nỗ lực giải quyết tranh chấp với cả hai bên", Harsh Pant, nhà thuyết trình thuộc khoa nghiên cứu quốc phòng tại trường King's College London nói. "Trước 2006, thậm chí không có ai nói về sự xung đột Trung - Ấn, và quan hệ kinh tế dường như có nhiều điểm tích cực hơn. Nhưng cảm nhận ấy giờ không còn. "Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, nhưng điều đó không ngăn cản khả năng có những ồn ào hay chạm trán nhỏ ở khu vực biên giới những năm tới", ông nói.

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/