Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2012

ĐẦU ĐUÔI CHUYỆN ĐOÀN CỐ VẤN QUÂN SỰ TRUNG QUỐC GIÚP VIỆT NAM CHỐNG PHÁP

Tác giả:  Ngô Tất Phú, Trịnh Diệm Bình
Người dịch:  Quốc Thanh

 Rất nhiều người đã biết đến Kháng Mỹ viện Triều của nước ta vào thập kỷ 50 thế kỷ 20, nhưng nói đến Kháng Pháp viện Việt thì rất ít người biết. 
Vào đầu thập kỷ 50, nước ta từng phái Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc do Vĩ Quốc Thanh làm Trưởng đoàn tới viện trợ cho cuộc Chiến tranh chống Pháp của Việt Nam, đây là một đoạn sự thật lịch sử mà ai cũng biết.
    I.  Việc lập ra và hủy bỏ Đoàn cố vấn quân sự giúp Việt Nam của Trung Quốc
Khỏang giữa tháng 1, tháng 2 năm 1950, Chủ tịch Đảng Cộng sản Đông Dương (đến năm sau đổi thành Đảng Lao động Việt Nam) Hồ Chí Minh đi thăm Liên Xô, đã cùng với Stalin và Mao Trạch Đông khi ấy đang ở thăm Liên Xô thảo luận về những vấn đề quan trọng của cách mạng Việt Nam. Sau khi Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh quay về Bắc Kinh,
Hồ Chí Minh nêu yêu cầu giúp đỡ Việt Nam với Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, trong đó bao gồm trợ cấp quân sự và phái Đoàn cố vấn quân sự tới trợ giúp  cuộc Chiến tranh chống Pháp của Việt Nam. Theo yêu cầu của Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc quyết định, đồng thời với việc cung cấp trang bị quân sự và trợ cấp quân sự, sẽ phái Đoàn cố vấn quân sự tới hiệp trợ Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức, chỉ huy tác chiến và xây dựng quân đội Việt Nam. Quyết sách này của Trung ương, cũng giống với việc phái chí nguyện quân tới Triều Tiên chống Mỹ viện Triều sau đó, là một quyết sách trọng đại chi viện cho quân đội nước ngoài đầu tiên kể từ khi lập nước.
Hai nước Trung-Việt núi liền núi sông liền sông, môi hở răng lạnh. Để chi viện cho Đảng anh em và nước láng giềng thân thiện giành được độc lập nước nhà và giải phóng dân tộc, Đảng cộng sản Trung Quốc, trong tình trạng vừa mới giành được thắng lợi trên toàn quốc, đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, vẫn cương quyết ra quyết định viện trợ cho Việt Nam, giúp đỡ không hoàn lại cả về mặt trợ cấp và quân sự, đồng thời phái ngay La Quý Ba là đại diện liên lạc của Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc tới Việt Nam, trao đổi với Đảng Cộng sản Đông Dương về những việc trọng đại giúp Việt Nam chống Pháp: phái Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc do Vĩ Quốc Thanh làm Trưởng đoàn, Mai Gia Sinh, Đặng Dật Phàn làm Phó đoàn tới hiệp trợ Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức, chỉ huy tác chiến và xây dựng quân đội Việt Nam. Tiếp đó lại phái Trần Canh đại diện cho Đảng cộng sản Trung Quốc tới Việt Nam hiệp trợ chỉ huy Chiến dịch Biên giới khai thông đường biên giới Trung Việt và phụ trách thống nhất xử lý những việc có liên quan đến viện trợ quân sự cho Việt Nam. Giữa tháng 4, Bộ tổng tham mưu Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc lựa chọn trong toàn quân ra được 59 cán bộ các loại có kinh nghiệm đánh trận thật và trình độ chính trị nhất định cùng với các nhân viên công tác khác, tổng cộng 281 người, hợp thành Đoàn cố vấn quân sự. Tháng 7, Đoàn cố vấn quân sự được chính thức thành lập ở Nam Ninh, để tiện cho việc bảo mật, Đoàn cố vấn quân sự không công khai ra bên ngoài, lấy mã hiệu là “Đoàn công tác Hoa Nam”. Vào thượng tuần tháng 7, Trần Canh dẫn các nhân viên của Đoàn cố vấn quân sự được điều chọn từ Nhị dã[1] do Trần Canh dẫn đầu đi vào Việt Nam từ hướng Vân Nam. Sau đó, ngày 11 tháng 8, Đoàn cố vấn quân sự đi vào Việt Nam từ Tịnh Tây, Quảng Tây, rạng sáng ngày 12 tháng 8 đến Bộ tổng tham mưu Quân đội Việt Nam ở Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng, Việt Nam. Sau khi Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc nghe Bộ tổng tham mưu Quân đội Việt Nam giới thiệu về tình hình Quân đội nhân dân Việt Nam và nêu những kiến nghị công việc với Đoàn cố vấn, đã tuyên bố về phân công tổ chức; Đoàn cố vấn được chia thành các tổ cố vấn quân sự, chính trị và hậu cần; Vĩ Quốc Thanh đảm nhận nhiệm vụ Cố vấn cho Tổng Quân ủy Việt Nam và Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Mai Gia Sinh đảm nhận nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ cố vấn quân sự, Đặng Dật Phàn đảm nhận nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ cố vấn chính trị, Mã Tây Phu đảm nhận nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ cố vấn hậu cần, đồng thời lần lượt đảm nhận nhiệm vụ cố vấn cho Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục chính trị và Tổng cục hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, cử các tổ cố vấn cho 3 sư đoàn chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 16 tháng 9, Chiến dịch Biên giới nổ ra, ngày 23 tháng 10 kết thúc thắng lợi. Ngày 1 tháng 11, Trần Canh hoàn thành xong nhiệm vụ đã định và quay về nước.
Tháng 6 năm 1951, sau khi kết thúc Chiến dịch Kinh Bình[2], Đoàn trưởng Đoàn cố vấn quân sự Vĩ Quốc Thanh bị ốm về nước nghỉ dưỡng, nhận thấy ông ta không thể quay về Việt Nam làm việc được, ngày 29 tháng 5 năm 1952, Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc đã bổ nhiệm La Quý Ba (Đoàn trưởng Đoàn cố vấn chính trị giúp Việt Nam) kiêm nhiệm Đoàn trưởng Đoàn cố vấn quân sự, Mai Gia Sinh là Phó đoàn thứ nhất, Đặng Dật Phàn là Phó đoàn thứ hai. Ngày 16 tháng 6, sát nhập Đoàn cố vấn quân sự với Đoàn cố vấn chính trị. Đồng thời, theo yêu cầu của phía Việt Nam, Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc quyết định lại tiếp tục tuyển chọn hơn 10 cán bộ sư đoàn từ Giải phóng quân nhân dân đưa sang Việt Nam, đảm nhận nhiệm vụ làm cố vấn cho các Bộ tham mưu và các cơ quan cấp sư đoàn của Quân đội nhân dân Việt Nam. Theo kiến nghị của các đồng chí Nhiếp Vinh Trăn…, ngày 6 tháng 12, được sự phê chuẩn của Mao Chủ tịch, đã sát nhập các cán bộ do Vĩ Quốc Thanh, La Quý Ba đứng đầu thành Tổng đoàn cố vấn, La Quý Ba là Tổng cố vấn, đặt ra một Phó tổng cố vấn phụ trách các công việc về mặt quân sự. Để tiện cho việc quản lí công việc thật sâu sát, ngày 10 tháng 10 năm 1953, Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc bổ nhiệm Vĩ Quốc Thanh làm Tổng cố vấn quân sự, chịu trách nhiệm giúp Quân đội nhân dân Việt Nam các công việc về mặt tác chiến và xây dựng quân đội, La Quý Ba làm Tổng cố vấn chính trị, chịu trách nhiệm giúp Việt Nam các công việc về mặt xây dựng Đảng, chính quyền và làm chính sách ở các địa phương. Không lâu sau, Đoàn cố vấn quân sự tách ra khỏi bộ máy Đoàn cố vấn chính trị. Ngày 25 tháng 10, Vĩ Quốc Thanh khỏi bệnh quay lại Việt Nam, lập tức nghiên cứu luôn  tác chiến mùa đông với phía Việt Nam, giúp quân đội Việt Nam nghiên cứu tấn công Lai Châu, đồng thời bố trí tác chiến tấn công mùa đông để đánh Thượng, Trung, Hạ Lào và vùng bắc Tây Nguyên.
Ngày 22 tháng 7 năm 1954, sau khi Chiến tranh chống Pháp của Việt Nam thắng lợi, Quân ủy Trung ương đã phái các tổ cố vấn pháo binh, công binh để giúp trang bị, huấn luyện pháo binh và bộ đội công binh của Việt Nam. Ngày 25 tháng 8, Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc đã quyết định lập Đại sứ quán Trung Quốc ở Việt Nam. Ngày 1 tháng 9, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam chính thức được thành lập, Đại sứ đầu tiên nhậm chức tại Việt Nam La Quý Ba đã trình quốc thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bởi nhân dân Việt Nam đã giành được thắng lợi trong cuộc Chiến tranh chống Pháp, quân đội nhân dân được xây dựng đã bắt đầu đi vào quỹ đạo, nhiệm vụ giúp Việt Nam đã hoàn thành, nên Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc đã cân nhắc đến chuyện hủy bỏ Đoàn cố vấn quân sự và Đoàn cố vấn chính trị. Vào trung tuần tháng 9, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam La Quý Ba đã truyền đạt lại đề nghị của Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc về việc hủy bỏ dần Đoàn cố vấn quân sự và Đoàn cố vấn chính trị với Trung ương Đảng lao động Việt Nam, để trưng cầy ý kiến bên phía Việt Nam. Trung ương Đảng lao động Việt Nam sau khi thảo luận đã biểu thị sự đồng tình với việc hủy bỏ bộ máy và tên gọi của Đoàn cố vấn, tán thành việc công khai mời cố vấn về sau này, nhưng cho rằng cố vấn hệ thống quân sự không nên áp dụng biện pháp mời công khai mà vẫn cần làm theo phương thức bí mật.
 Ngày 10 tháng 10 năm 1954, Hà Nội được giải phóng. Vào hạ tuần cùng tháng, Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc tiến về Hà Nội theo Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân. Theo quyết định hủy bỏ dần Đoàn cố vấn quân sự, Phó tổng cố vấn Mai Gia Sinh cùng một bộ phận các cố vấn sư đoàn, trung đoàn đang nghỉ phép ở trong nước không quay về Việt Nam làm việc nữa.         
Vào giữa tháng 7, tháng 8 năm 1955, Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình đã truyền đạt lại và ra chỉ thị về việc hủy bỏ Đoàn cố vấn quân sự của Trung ương với đồng chí Vĩ Quốc Thanh đang nghỉ phép ở Bắc Kinh. Hạ tuần tháng 8, Vĩ Quốc Thanh rời Bắc Kinh đến Hà Nội, truyền đạt lại quyết định về việc hủy bỏ dần Đoàn cố vấn của Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, Đảng ủy Đoàn cố vấn sẽ có sự sắp xếp cụ thể để quán triệt quyết định của Trung ương, quyết định cho các nhân viên của Đoàn cố vấn rút về nước làm 3 giai đoạn, đến đầu xuân sang năm là rút hết. Các chuyên gia quân sự và nhân viên kỹ thuật được mời sẽ giao cho Văn phòng Tùy viên quân sự Đại sứ quán quản lí. Theo sự sắp xếp nói trên, Phó tổng cố vấn Đặng Dật Phàn sau khi hoàn thành nhiệm vụ làm việc tại Việt Nam, sẽ cùng một bộ phận các nhân viên cố vấn rời Hà Nội về nước vào trung tuần tháng 9 năm 1955.
Theo quyết định về việc hủy bỏ dần Đoàn cố vấn của Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc và theo yêu cầu của Việt Nam, ngày 24 tháng 12 năm 1955, Bộ quốc phòng, Bộ ngoại giao nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đồng công bố “Quyết định về việc hủy bỏ Đoàn cố vấn quân sự và đổi sang phái chuyên gia quân sự tại Việt Nam”, chỉ định Vương Nghiên Tuyền là Tổ trưởng Tổ chuyên gia, Quốc Lâm Chi là Bí thư Đảng ủy Tổ chuyên gia. Đồng thời, Bành Đức Hoài đã thông báo bằng thư cho Võ Nguyên Giáp về việc hủy bỏ Đoàn cố vấn quân sự cho Quân đội nhân dân Việt Nam, trình bày cụ thể về vấn đề hủy bỏ Đoàn cố vấn quân sự. Trong thư nói: “Hòa bình của Việt Nam đã được thực hiện, Quân đội nhân dân Việt Nam đã được tôi luyện qua 8 năm kháng chiến, cả về mặt tác chiến và huấn luyện đều đã có sự tiến bộ rất lớn, đồng thời đã có được kinh nghiệm tác chiến khá phong phú, đặt được nền móng tốt cho việc đi vào hiện đại hóa chính quy hóa. Để thích ứng với tình hình nói trên, chúng tôi cho rằng cần phải thay đổi bộ máy tổ chức của Đoàn cố vấn quân sự do Trung Quốc phái đến hiện nay. Nếu Quân đội nhân dân Việt Nam có những việc gì cần giúp đỡ, mà chúng tôi lại có thể giúp được, thì sẽ đổi sang phái các cán bộ kiểu chuyên gia đến tiến hành giúp đỡ.” Lời cuối của bức thư nói, “theo đề nghị của ông, đồng chí Vĩ Quốc Thanh sẽ lại tới Hà Nội một thời gian ngắn nữa để hiệp trợ Tổng quân ủy về một số công việc cần thiết đã thảo luận ở Bắc Kinh. Sau khi đã hoàn thành những công việc này, sẽ để ông ấy quay về Bắc Kinh luôn”. Vĩ Quốc Thanh mang theo mình bức thư của Bành Đức Hoài gửi Võ Nguyên Giáp, từ Bắc Kinh tới Hà Nội vào ngày 29 tháng 12 năm 1955, tiếp tục giúp Quân đội nhân dân Việt Nam sắp xếp bố trí cuộc trao đổi tại Bắc Kinh giữa ba bên Trung Quốc, Việt Nam và Liên Xô. Ngày 13 tháng 1 năm 1956, lại có một đợt nhân viên nữa của Đoàn cố vấn quân sự về nước. Vĩ Quốc Thanh đang hoàn thành nhiệm vụ của mình, đồng thời tham dự Hội nghị cán bộ Quân đội nhân dân Việt Nam, sau khi lắng nghe mọi yêu cầu và ý kiến về những công việc tiếp theo, theo chỉ thị của Quân ủy Trung ương, đã rời Hà Nội về nước cùng với tốp nhân viên cố vấn cuối cùng vào trung tuần tháng 3.      
Đến đây, Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc đã hoàn thành thắng lợi sứ mệnh giúp Việt Nam, mọi công việc đã kết thúc, bộ máy Đoàn cố vấn đã được hủy bỏ.
    II. Sứ mệnh của Đoàn cố vấn quân sự
Trước khi Đoàn cố vấn quân sự vào Việt Nam, theo yêu cầu từ phía Việt Nam và tình hình cuộc Chiến tranh chống Pháp của Việt Nam khi ấy, Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc đã trao nhiệm vụ cho Đoàn cố vấn quân sự, một là giúp Việt Nam đánh thắng trận, đuổi quân xâm lược Pháp; hai là giúp Việt Nam xây dựng quân đội chính quy. Ngày 27 tháng 6 năm 1950, tại Di Niên Đường Bắc Kinh, Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Đức đã tiếp những người phụ trách Đoàn cố vấn quân sự là Vĩ Quốc Thanh, Mai Gia Sinh, Đặng Dật Phàn, một số cán bộ cấp trung đoàn trở lên và nhân viên công tác, đưa ra những chỉ thị quan trọng về ý nghĩa, nhiệm vụ và tư tưởng chỉ đạo… đối với công việc giúp Việt Nam của Đoàn cố vấn quân sự, đồng thời đề ra những yêu cầu về các mặt thái độ làm việc, phương pháp làm việc, tác phong tư tưởng và đoàn kết với phía Việt Nam… Mao Trạch Đông nói: Các anh đến Việt Nam làm cố vấn là thực hiện nghĩa vụ quốc tế vẻ vang. Cách mạng Trung Quốc đã giành được thắng lợi, nhưng nhân dân Việt Nam vẫn còn phải chịu đau khổ dưới gót giày của bọn thực dân Pháp, chúng ta cần tới giúp đỡ họ. Nhiệm vụ của Đoàn cố vấn  là hiệp trợ quân đội Việt Nam chỉ huy tác chiến, chủ yếu là hiệp trợ tổ chức chỉ huy vận động chiến và chính quy chiến với quy mô khá lớn, giúp họ đánh thắng trận; giúp đỡ Việt Nam tổ chức xây dựng một quân đội chính quy cách mạng. Tiếp đó, Người đưa ra những chỉ thị rõ về phương pháp làm việc… của Đoàn cố vấn: Làm cố vấn tức là làm tham mưu, phải điều tra nghiên cứu nhiều, nêu ý tưởng, nghĩ biện pháp, nhưng không được bao biện làm thay, lại càng không được làm “Thái thượng hoàng”, chỉ tay ra lệnh, mà nhất thiết phải tỏ ra khiêm tốn thận trọng, thành tâm thành ý giúp đỡ họ, phải tôn trọng họ, đoàn kết với họ, làm theo tinh thần coi sự nghiệp giải phóng của nhân dân Việt Nam là sự nghiệp của nhân dân Trung Quốc. Chiểu theo phương châm và sự bố trí của Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, từ tháng 8 năm 1950 đến tháng 3 năm 1956, Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc trong thời gian giúp Việt Nam chủ yếu đã tiến hành những công việc sau: Một là hiệp trợ Quân đội nhân dân tổ chức và chỉ huy tác chiến, giành thắng lợi trong cuộc Chiến tranh chống Pháp. Theo chỉ thị của Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc và thực tế cuộc Chiến tranh chống Pháp của Việt Nam, Đoàn cố vấn quân sự luôn coi việc giúp Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ huy tác chiến, liên tục giành thắng lợi ở các chiến dịch, trận chiến, đánh bại quân xâm lược Pháp là nhiệm vụ trung tâm của mình. Từ ngày Đoàn cố vấn quân sự đến Việt Nam vào tháng 8 năm 1950 đến khi đình chiến ở Đông Dương năm 1954, Quân đội nhân dân đã lần lượt tiến hành 8 chiến dịch tương đối lớn như Biên giới, Trung du, Đông Bắc, Kinh Bình[3], Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào, Điện Biên Phủ… , đã giành được chiến tích huy hoàng, đẩy nhanh được tiến trình thắng lợi. Trừ Chiến dịch Hòa Bình, Đoàn cố vấn quân sự vì đang tập luyện chỉnh đốn nên không ra tiền tuyến trực tiếp giúp đỡ chỉ huy ra, còn các chiến dịch khác, từ ra quyết sách đến tổ chức thực thi cả quá trình chiến dịch, đều được tiến hành dưới sự giúp đỡ của Đoàn cố vấn. Hai là giúp xây dựng nền quân sự, nâng cao sức chiến đấu cho Quân đội nhân dân. Trong Chiến tranh chống Pháp, với sự giúp đỡ của Đoàn cố vấn, Quân đội nhân dân đã trải qua rèn luyện đánh trận thật, huấn luyện quân sự và tổ chức  trang bị biên chế…, đã thực hiện được sự chuyển đổi từ lối đánh du kích sang lối vận động chiến, chuyển đổi từ lối đánh tấn công quy mô nhỏ sang lối đánh tấn công quy mô lớn, chuyển đổi từ hoàn cảnh hòa bình đến thực hiện từng bước chính quy hóa, hiện đại hóa quân đội. Ba là giúp Quân đội nhân dân tăng cường xây dựng chính trị, tăng cường xây dựng Đảng trong quân đội. Bốn là giúp đào tạo huấn luyện cán bộ, nâng cao tố chất đội ngũ cán bộ. Năm là giúp Quân đội nhân dân Việt Nam tăng cường xây dựng hậu cần, nâng cao năng lực bảo đảm hậu cần.            
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng lao động Việt Nam, Tổng quân ủy hết sức tín nhiệm và ủng hộ Đoàn cố vấn trong công việc. Hồ Chí Minh nhiều lần nói, “với các cố vấn Trung Quốc, tôi tuyệt đối tín nhiệm”. Để động viên các đồng chí trong Đoàn cố vấn tích cực nêu kiến nghị, làm tốt công việc, Người yêu cầu “giữa cán bộ Trung Quốc và Việt Nam phải đoàn kết, cán bộ Việt Nam phải học tập cán bộ Trung Quốc một cách trung thực”. Với những kiến nghị và quyết sách quan trọng về tác chiến và xây dựng quân đội cho Quân đội nhân dân Việt Nam của Đoàn cố vấn, Người đều đích thân giữ quyền ra quyết định, rồi sau đó mới do Tổng quân ủy tổ chức thực thi. Tổng quân ủy và các Bộ tham mưu  hết sức tôn trọng, ủng hộ và gửi gắm niềm hi vọng vào các nhân viên Đoàn cố vấn cùng công việc của họ, cùng với sự phát triển của thực tiễn đã ngày càng tin tưởng vào tính chính xác của tư tưởng Mao Trạch Đông và kinh nghiệm của Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc, đồng thời cũng tỏ ra hết sức quan tâm đến mọi sinh hoạt của Đoàn cố vấn. Tất cả những điều này là điều kiện quan trọng để Đoàn cố vấn làm tốt được công việc, hoàn thành thắng lợi được sứ mệnh giúp Việt chống Pháp.
(“Quân sự sử lâm” cung cấp)

[1] Nhị dã:  Tên gọi đầy đủ: “Đệ nhị dã chiến quân”. Một trong những đội quân chủ lực của Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc trong thời kỳ chiến tranh giải phóng. – ND.
[2] Tôi chưa tra được tên tiếng Việt của Chiến dịch này. Phải chăng là Chiến dịch Hà-Nam-Ninh hay Chiến dịch Quang Trung?-ND.
[3] Xem chú thích 1. –ND.
Nguồn: 中国军事顾问团援越抗法始末 – Xinhuanet.com
Bản tiếng Việt © Việt sử ký 2012