Hòa Ái
Trong bối cảnh qui hoạch đất đai ở Việt Nam còn quá nhiều bất cập, khiến người dân trong diện bị trưng thu đất bất hợp lý rất là bất mãn.
Một vụ cưỡng chế đất ở huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng diễn ra hôm 5/1 vừa qua cho thấy nỗi phẫn uất của người bị thu hồi đất với kết cục có 6 nhân viên thi hành công vụ bị thương. Vì sao người dân kiên quyết không giao đất và “nổi dậy” bằng cách nổ súng? Hòa Ái trình bày cùng quý vị.
Từ biểu tình đến nổ súng
Những ngày cuối năm 2011 khép lại với cuộc biểu tình ôn hòa của hàng trăm người dân ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định tưởng niệm một năm họ bị cưỡng chế đất. Với hy vọng có an cư thì mới lạc nghiệp không chỉ của những người dân mất nhà mất cửa ở Nam Định này, mà của hàng vạn người dân Việt khác đang trong cùng cảnh ngộ trông chờ vô vọng từ lãnh đạo cấp trung ương giải quyết thỏa đáng cho nguyện vọng của họ. Dù có bị bức bách đến thế nào thì lâu nay hầu hết những người dân này cũng chỉ biết chờ đợi trong sự im lặng.
Có hai tội danh mà họ có thể xem xét, áp dụng. Tức là tội chống người thi hành công vụ và thứ hai là tội giết người vì lý do công vụ.
LS Trần Vũ Hải
Tuy nhiên, mới đây nhất, trong vụ tổ chức cưỡng chế với qui mô lớn thu hồi khoảng 70 héc ta đầm nuôi thủy sản, trồng cây ăn quả tại vùng bãi bồi ven biển của gia đình ông Đoàn Văn Vươn tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng đã xảy ra nổ súng, khiến 4 công an và 2 bộ đội phải nhập viện. Một số cơ quan ngôn luận của chính phủ đăng tải thông tin là chính quyền địa phương cho rằng ông Vươn đấu thầu khu vực này nhiều năm, hiện đã hết hạn và không chịu đóng thuế trong thời gian dài. Theo tờ Đất Việt thì nguyên nhân để xảy ra vụ án đặc biệt nghiêm trọng này bắt nguồn từ việc nhiều hộ dân có đầm nuôi trồng thủy sản, trong đó có ông Đoàn Văn Vươn, không đồng tình với quyết định thu hồi đất của Ủy Ban Nhân Dân huyện Tiên Lãng.
Xin được nhắc lại, trong bài viết “Kỳ tài đất Tiên Lãng và cuộc chinh phục lời nguyền của biển” đăng trên báo Đời sống và Pháp luật năm 2010 về ông Đoàn Văn Vươn như một tấm gương sáng ngời về lao động cần cù, không đầu hàng số phận, đã biến một nơi của thiên tai bão dữ thành một đầm 70 héc ta nuôi thủy sản, trồng cây ăn quả. Vì sao một người nông dân lành như đất lại chống đối lực lượng thi hành công vụ hơn trăm người trên chính mảnh đất mà gia đình đã đổ bao mồ hôi, công sức, nước mắt và chính cả mạng sống của người thân dù biết rằng không những mất trắng mà còn phải đối mặt với vòng lao lý? Trao đổi với Luật sư Trần Vũ Hải về hình phạt của luật pháp hiện hành đối với người sử dụng vũ khí chống lại nhân viên thi hành công vụ. Luật sư Hải cho biết:
“Có hai tội danh mà họ có thể xem xét, áp dụng. Tức là tội chống người thi hành công vụ và thứ hai là tội giết người vì lý do công vụ. Hiện nay, chúng ta thấy trên báo chí đăng hiện người ta đang khởi tố vụ này về tội giết người và lý do giết người vì lý do công vụ . Về khung hình phạt thì rất là cao. Nhưng về thực tiễn xét xử thì có thể chưa chưa chắc đến mức đấy. Tuy có yếu tố được coi là chống người thi hành công vụ mà có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng. Về lý thuyết thì khung có thể thậm chí ở mức cao nhất. Nhưng về thực tế có thể không đến mức đó.”
Dồn vào đường cùng
Quá trình qui hoạch, thu hồi đất của các cấp chính quyền địa phương đã khiến cho quá nhiều người dân bất bình. Có những vụ việc lớn như vụ án nông trường Sông Hậu năm 2009, với việc ‘nữ anh hùng lao động” Trần Ngọc Sương bị đem ra xét xử do phản ứng lại việc đất đai bị trưng thu để làm dự án. Cuối năm 2011, hàng trăm hộ dân ở huyện Vụ Bản cũng biểu tình vì bị cưỡng chế thu hồi đất để xây dựng khu công nghiệp Bảo Minh mà không được đền bù thỏa đáng. Trong trường hợp ở huyện Tiên Lãng này, có phải người dân đã bị dồn nén đến đường cùng, đến mức phải đối kháng chống trả? Luật sư Hải nhận định:
Nếu chính quyền ở đâu đó, cấp huyện hay cấp tỉnh thành mà sai thì theo tôi phải xử lý, kỷ luật nghiêm đối với họ.
LS Trần Vũ Hải
“Qua thông tin báo chí, tôi nhận thấy rằng gia đình anh Vươn thực ra có ý tôn trọng pháp luật. Tức là họ đã khởi kiện chính quyền ra tòa án theo những phương thức văn minh. Như vậy là họ cũng có ý tôn trọng pháp luật. Thế nhưng khi tòa phúc thẩm xử vụ đó thì họ bị hiểu lầm. Họ cho rằng biên bản đó là quyết định của tòa án. Và việc hiểu lầm này, theo tôi là lỗi có phần từ tòa án như bà chánh án đã thừa nhận. Và quan trọng nhất là lỗi từ phía chính quyền.”
Luật sư Hải cũng nhận định thêm rằng ông Vươn đã quá bức xúc vì ông cho là chính quyền đã không giữ lời hứa của họ như ở tòa. Và có thể thấy gia đình họ Đoàn này đã quá là tiếc công sức của họ mấy chục năm qua. Luật sư cho rằng chính quyền trung ương phải xem xét lại toàn bộ các vấn đề như việc thu hồi đất có đúng luật pháp hay không, việc đền bù như thế nào vì công sức khai phá hàng chục năm của người dân là rất lớn và tại sao không cho chính những người dân này tiếp tục thuê trong khuôn khổ luật pháp cho phép mà phải thu hồi và tổ chức cho người khác thuê. Dư luận Việt Nam đang quan tâm xem chính quyền cấp chính phủ có xem xét mọi khía cạnh đúng luật pháp không khi các cấp địa phương đã kinh tập các lực lượng công an, quân đội cưỡng chế đất đai như vậy. Nếu việc cưỡng chế đất chỉ vì một người hay một nhóm người nào đó để trục lợi thì phải xử lý, kỷ luật nghiêm minh. Luật sư Hải nói:
“Nếu chính quyền ở đâu đó, cấp huyện hay cấp tỉnh thành mà sai thì theo tôi phải xử lý, kỷ luật nghiêm đối với họ. Mà nếu có dấu hiệu là trục lợi cho một nhóm người nào đó thì rõ ràng cũng cần phải xem xét và xử lý hình sự như vụ án đất ở Đồ Sơn đã xảy ra cách đây mấy năm ở Hải Phòng. Theo tôi, chính quyền xoa dịu dân chúng thì cần phải làm một cách minh bạch.”
Một khi quyền sở hữu đất đai của người dân không được pháp luật bảo vệ thì việc phản ứng của những người dân được cho bị dồn vào đường cùng như gia đình ông Vươn, sẽ có thể tiếp tục diễn ra.