Thứ Tư, 7 tháng 12, 2011

Lực lượng phòng vệ hải dương Nhật và các trụ cột an ninh biển

Lê Vĩnh Trương


Trong những nỗ lực ứng dụng khoa học đáng khâm phục, Nhật Bản cũng ráo riết vận động và áp dụng UNCLOS 1982, cổ súy các cách giải quyết theo pháp luật... và tiến hành đầu tư 7 tỷ USD để trồng 50 ngàn mẫu san hô Acroporata tại các đảo đá Okinotorishima, cách Tokyo 1700km về phía tây nam nhằm ngăn chặn nước biển xói mòn. Các nỗ lực này luôn là đề tài để Bắc Kinh quan ngại và chỉ trích.

Nhật Bản luôn đứng đầu trong tốp 5 nước đầu tư và trao đổi thương mại cao nhất đối với Việt Nam từ những năm bắt đầu mở cửa đến 2011. Quan hệ ngoại giao và văn hóa của nhân dân hai nước thường xuyên được vun bồi, củng cố và phát triển trong những nỗ lực chia sẻ lợi ích phát triển kinh tế và tổ chức xã hội. Ngoài vị trí của một siêu cường kinh tế và là tiếng nói quan trọng trong G7+1, Nhật Bản còn là một thế lực địa chính trị mạnh hàng đầu khu vực châu Á Thái Bình Dương. Trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước, nhân dân Việt Nam và Nhật Bản có thể chia sẻ những kinh nghiệm không chỉ về mặt kinh tế, văn hóa, xã hội mà còn về mặt phòng thủ, xây dựng lực lượng quốc phòng và bảo vệ tổ quốc.
1-     Đảm nhận trọng trách

Sau 1947, Hiến pháp Nhật Bản đã quy định Nhật Bản sẽ không gây chiến, quân đội Nhật được gọi giảm thành lực lượng phòng vệ, còn Hải quân Nhật là lực lượng phòng vệ biển, Japan Maritime Self-Defense Force (JMSDF: 海上自衛隊, Kaijō Jieitai). Điều này bảo đảm cho Nhật Bản giữ một hình ảnh hòa bình và phát triển đất nước trở thành một cường quốc chỉ 20 năm sau chiến tranh, bên dưới sự bảo đảm an ninh của Mỹ. Trước tình hình thế giới và tình hình biển Đông biến chuyển những năm 2005 đến nay, JMFDF phải tự thích nghi để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ phòng vệ của mình.[1]

Vào tháng 2/2009, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Mitsuo Sakaba đã thảo luận với Đại sứ Hoa Kỳ ông Michael Michalak, cho biết Nhật muốn gia tăng cạnh tranh với ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á, thông qua con đường phát triển cơ sở hạ tầng và thúc đẩy hội nhập khu vực. Nói cách khác, Nhật muốn hỗ trợ Việt Nam để cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc.[2]

Ngoài ra, trong tháng 10/2011, Tokyo đã chủ trì hội nghị Hải quân ba bên Nhật Ấn Mỹ[3], và sự kiện này cho thấy Nhật Bản đang định vị mình để gánh vác những trách nhiệm lớn hơn không chỉ ở vùng biển cận Nhật. Cũng xin lưu ý, các tin tức về hội nghị Tokyo tháng 10/2011 này được phát đi sau thông tin tàu ISN Airavat (Ấn Độ) bị một cuộc gọi lạ quấy rối hôm 22/7/2011 khi chỉ cách bờ biển Việt Nam 45 hải lý (83km). JMSDF có khả năng sẽ đóng một vai trò tích cực trong sự nghiệp bảo vệ hòa bình và phát triển kinh tế biển của Việt Nam.
2-   Tiền thân của JMSDF

Trong trận Đối Mã (5/1905), Hải quân hoàng gia Nhật Bản đã đánh bại hạm đội Nga dưới quyền Đô Đốc Rojdetsvensky- danh truyền từ thời Peter Đại Đế khắp Châu Âu, Baltic và Viễn Đông.

Vào năm 1915, hải quân Anh phải đối phó gian nan với các cuộc tấn công bằng tàu ngầm của hải quân Đức, nên đã đề nghị Nhật cho mượn bốn tuần dương thiết giáp hạm (battlecruiser)  là Kongo, Hiei, Haruna và Kirishima[4] trang bị các đại pháo 356 ly. Nhật không cho mượn tàu, thay vì vậy phái một hải đội gồm tám khu trục hạm (destroyer) mới là Ume, Kusunoki, Kaede, Katsura, Kashiwa, Matsu, Sugi và Sakaki và một tuần dương hạm (cruiser), chiếc Akashi, sang tham chiến trên Địa Trung Hải.

Vào năm 1917, một hải đội gồm chín tàu chiến Nhật đã sang Địa Trung Hải, hộ tống tàu vận tải đồng minh. Ba tháng sau, bốn khu trục hạm khác sang bổ sung (các chiếc Kashi, Hinoki, Momo và Yanagi), tuần dương thiết giáp hạm Akashi về nước thay thế bởi tuần dương hạm Izumo. Hải quân Nhật đã dấn thân vào chiến trường để học kinh nghiệm hầu sử dụng về sau.[5]

Trong thế chiến thứ hai, Hải quân Nhật Bản đã không ngại đối thủ nào ở châu Á nhưng đã lực bất tòng tâm sau trận Midway cho đến khi đại pháo hạm hạng nặng Yamato (heavily-armed battleship) bị đánh bại dẫn đến sự cáo chung của chủ nghĩa quân phiệt Nhật năm 1945[6]. Trong cuộc chiến Thái Bình Dương những ngày ấy, Hải quân Nhật gần như không hề nhận sự hỗ trợ của Hải quân phe Trục và đã đảm nhận công việc chính trong tiếp vận, đánh chặn, đổ bộ khắp Đông Á và Đông Nam Á. Họ đã là nỗi kinh hoàng cho quân đội Tưởng, quân đội Pháp và cả người Mỹ sau Trân Châu Cảng.

Đáng lưu ý đối với những tương đồng khi so sánh trong thời gian gần đây, sự kiện Nhật bước vào thách thức Mỹ tại Thái Bình Dương trong Thế chiến thứ hai không là vì hiếu chiến cảm tính mà là vì nhu cầu tiếp vận nhiên liệu căng thẳng cho nền kinh tế và guồng máy chiến tranh, một cách đầy cân nhắc, không bồng bột. Một tướng lĩnh hàng đầu đã trình lên Nhật Hoàng để bảo vệ lý lẽ khai chiến với Mỹ -vì đường vận chuyển dầu: "Một cuộc phẫu thuật, dù cho có cực kỳ nguy hiểm, cũng vẫn cần thiết để cứu bệnh nhân"[7].

Cuộc chiến có tính toán đó đã kết thúc sau  trận Trân Châu Cảng, khi Mỹ bước ra chủ nghĩa cô lập, tham chiến Thế chiến thứ hai. Những cuộc đọ súng không khoan nhượng của hải quân Nhật- như con độc long đối đầu Mỹ, Anh, Úc, Trung Hoa Dân Quốc...cho đến tận khi Nhật đầu hàng vẫn còn mang nhiều nét kỳ bí của đất nước kamikaze và hara-kiri.
3-   JMSDF và các trụ cột hành động

Tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu đi và đến Nhật, tổng lượng nguyên nhiên liệu cung cấp cho nền kinh tế Nhật lên đến 85% đi qua biển Đông Nam Á... Biển tây Thái Bình Dương, và sát sườn hơn là biển Đông Nam Á đối với Nhật Bản là quan trọng sinh tử nối đất nước ít tài nguyên này với Âu, Phi, Đông Nam Á. Nếu tranh chấp tại biển Nhật Bản và biển Đông Nam Á xảy ra theo hướng hạn chế Nhật Bản trong cuộc giao thương của mình, thì Nhật chỉ có thể đi xuyên Thái Bình Dương để mua bán với châu Mỹ, sử dụng đường bộ đi ngang Châu Á để thông thương với châu Âu, hoặc tính đến một con đường sống nào khác.

Tầm quan trọng của biển Đông và các tuyến thông thương (SLOC) qua đó đối với sự sống còn của đất nước hoa anh đào là vô cùng to lớn. Nhật Bản quyết không để mình bị quá phụ thuộc vào con đường này và đang tìm cách giảm nhẹ sự phụ thuộc ấy bằng cách nghiên cứu mở đường xuyên Bắc Băng Dương. Nhật Bản hiện đang nghiên cứu sử dụng tàu phá băng đặc biệt đi xuyên qua biển băng để tạo nên một SLOC mới và dĩ nhiên đi kèm là những hiểm lộ chưa có tiền lệ trên hành trình này[8].

Trong những nỗ lực ứng dụng khoa học đáng khâm phục như trên, Nhật Bản cũng ráo riết vận động và áp dụng UNCLOS 1982, cổ súy các cách giải quyết theo pháp luật... và tiến hành đầu tư 7 tỷ USD để trồng 50 ngàn mẫu san hô Acroporata tại các đảo đá Okinotorishima, cách Tokyo 1700km về phía tây nam nhằm ngăn chặn nước biển xói mòn. Các nỗ lực này luôn là đề tài để Bắc Kinh quan ngại và chỉ trích.

Hiện nay, ngoài những tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền quần đảo Senkaku, với Nam Hàn về đảo Dokdo và với Nga về Nam Kuril, Nhật Bản còn phải quan tâm đến biển Đông, eo Malacca chuyển sang vịnh Bengal và Ấn Độ Dương. Ngoài các lý do chủ quyền dân tộc, an ninh nội địa, an toàn sinh thái, an toàn địa chấn học, sự quan tâm của Nhật Bản lần này cũng lại tương đồng với lý do mà giới quân sự đã lập luận với Nhật Hoàng trước đây, đó là con đường mạch máu để vận chuyển vì lợi ích kinh tế, công nghiệp của cường quốc kinh tế nhất nhì thế giới này.

Dẫu vậy, với tư thế mới, ôn hòa và cân nhắc đến vị thế địa chính trị, JMSDF hiện có những cách ứng xử khác với Hải quân hoàng gia Nhật trước đây. Theo một số quan sát viên, mặc dù về phương tiện khí tài và kỹ thuật chiến đấu trên biển, Nhật Bản hiện nay đứng vị trí số một[9] tại châu Á, JMSDF đang bám thật chắc vào UNCLOS 1982 và quan điểm tự do hàng hải trên vùng biển quốc tế để giải quyết các vấn đề hải dương.

Theo Hideaki Kaneda[10], sáu thách thức bất ổn hải dương cho JMSDF vào đầu thế kỷ 21 bao gồm 1) sự gia tăng võ khí hủy diệt và tên lửa đạn đạo của các nước, 2) hệ quả chiến tranh lạnh chưa dứt của Đông Bắc Á, 3) sức mạnh quân lực tăng, 4) tranh chấp chủ quyền đất, biển, đảo đi kèm tranh chấp tôn giáo và sắc tộc, 5) tranh chấp lợi ích hải dương, 6) cuối cùng là các hoạt động phi pháp như hải tặc, di cư bất hợp pháp và buôn ma túy.

Trong sáu điểm này, JMSDF quy ra từ điểm bốn đến sáu là những vấn đề chính yếu cần phải được giải quyết bằng cách bảo đảm cho được tự do hàng hải theo luật quốc tế: tự do đi biển và tự do có những hoạt động khác trên biển.

Để có được các quyền tự do này, cần vận dụng khôn khéo các cơ chế như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), APEC, Liên Hiệp Quốc... nhưng ASEAN với chính sách bất can thiệp sẽ khó mà đi xa hơn các hoạt động hợp tác vì an ninh đa quốc gia trong khuôn khổ. Ngoài ARF, còn có ISS[11] và sau này là WPNS (West Pacific National Symposium: Hội nghị thường niên Tây Thái Bình Dương). Riêng với nội bộ JMSDF, các kế hoạch như MTDBP (Mid-Term Defense Build-up Plan: Kế hoạch kiến thiết phòng vệ giữa kỳ), NMDBP (New Mid-Term Defense Build-up Plan: Kế hoạch kiến thiết phòng vệ giữa kỳ mới).

Tại WPNS, các chương trình như MOOTW[12] chú trọng đến cứu trợ cứu hộ và phát triển dần lên các hoạt động thực tiễn hơn để gắn kết liên minh hải dương như đã đề cập. JMSDF nỗ lực quan hệ với các lực lượng hải quân các nước trên bình diện song phương và đa phương, nhằm tiến tới sự minh bạch càng lớn càng tốt, phục vụ cho cả chính trị và kinh tế của quốc gia đối tác. Những hoạt động nêu trên đã gia tăng độ tin cậy của JMSDF đối với các quốc gia trong vùng.

Tại Kế hoạch kiến thiết (MTDBP) 1996-2000, ứng dụng từ tháng 12/1995, Nhật Bản nêu rõ sẽ tái kiến thiết năng lực phòng vệ của cả lực lượng phòng vệ hải lục không quân cùng với duy trì và nâng cao nền tảng sản xuất và khoa học vũ khí. Vào tháng 12/2000, MTDBP mới được Hội đồng An ninh và Nội các Nhật thông qua chú trọng vào công nghệ máy tính, cách chuyển hướng các giai đoạn chiến tranh đã có tại MTDBP, tiếp tục chương trình nghiên cứu hợp tác Mỹ Nhật về phòng vệ bằng tên lửa đạn đạo (BMD) và sau cùng là ứng dụng các công nghệ và năng lực quốc phòng vào cứu hộ cứu nạn trên thế giới.[13]

Kế hoạch mới (NMTDBP) biểu thị một quyết tâm cao độ trong phân bố kinh phí và nguồn lực, thích nghi với cuộc cách mạng thông tin (IT), trong vấn đề ứng dụng C4ISR[14] tương tác khoa kỹ với Hải quân Mỹ và phối hợp tác chiến với lục quân, không quân của JSDF[15]. Từ những năm thập kỷ đầu (2000-2009, Nhật Bản đã phát triển tàu đổ bộ Osumi (tiếp nối từ chương trình MTDBP đầu có điều chỉnh theo hướng sử dụng cho cứu hộ thiên tai), khu trục hạm có trang bị trực thăng (Helicopter Destroyer- DDH) cùng với trực thăng phá mìn và vận tải. Khu trục hạm này cung cấp chức năng toàn diện C4I,[16] phối hợp nhuần nhuyễn với tàu tấn công đổ bộ Osumi (amphibious assault ship).

Tương tự, một loạt tàu tiếp liệu trọng tải cao bổ sung khả năng quét phá mìn (minesweeper-tảo lôi hạm), chở trực thăng, đồng thời có chức năng một bệnh viện nổi cũng được thiết kế cho hoạt động của JMSDF. Ngoài ra còn phải kể đến các con tàu nghiên cứu đáy biển, khoan thám dầu khí và phục vụ cho ngành ngư nghiệp của Nhật bản.
Hình 1: Tàu đổ bộ Osumi. Nguồn: おおすみ型輸送艦

Từ những nhu cầu và thực tế bảo đảm hòa bình vì kinh tế, các tác giả của Kế Hoạch Mới cho thấy cần phải có một liên minh hàng hải (maritime coalition) của các nước có quyền lợi từ biển và nhất thiết Nhật Bản phải có đại diện. Nhật cũng đang có một tư thế đặc biệt là đại diện cho châu Á ở diễn đàn G7+1 với tiếng nói trọng lượng trong các công việc chính trị, kinh tế và an ninh thế giới. Cố nhiên, dù nằm trong liên minh an ninh hàng hải nào đi nữa, thì quan hệ hải quân Mỹ và JMSDF vẫn là quan hệ trụ cột đối với Nhật. Đáng chú ý, phái thân Trung Quốc của ông  Ichiro Ozawa[17] dù có thể quay trở lại chính trường, song riêng về vấn đề tranh chấp biển đảo với Trung Quốc, vị tướng quân trong bóng tối này vẫn có lập trường khá cứng rắn với Trung Quốc.[18]

Nhìn chung, JMSDF có lập trường ôn hòa như chính tên gọi để hạn chế sự trở lại của chủ nghĩa quân phiệt từ sau 1945. JMSDF tận dụng sự hỗ trợ của Hải quân Mỹ để tiết kiệm chi phí và công sức trên diễn đàn đa phương. JMSDF tích lũy vốn liếng sức mạnh mềm thông qua cứu trợ thiên tai trong và ngoài nước nhanh chóng và hiệu quả. Trong thảm họa Tsunami 2004 tại Thái Lan, JMSDF, Hải quân Mỹ, Hải quân Ấn Độ là ba lực lượng cứu hộ xuất phát nhanh nhất. Hải quân Trung Quốc đến trợ giúp sau và nhắm đến mục đích kinh tế và chính trị.[19] JMSDF tận dụng các cơ hội tiến ra biển vì các mục đích cứu trợ nhân đạo để phát triển các khả năng khác trong khuôn khổ chương trình MOOTW[20] do WPNS (Hội nghị Thường niên Tây TBD) khởi động.

Ngoài các thể chế, các chương trình hành động, các thao dượt hải chiến và cứu hộ, một trụ cột quan trọng cho sức mạnh của JMSDF- là những đại công ty kỹ thuật cao, những tập đoàn đóng tàu Nhật sẵn sàng hợp tác, mà bất cứ quốc gia hải dương nào cũng phải kính phục. Qua đó, ngành hàng hải Việt Nam với các công ty Vina yếu kém có thể học tập. Các công ty Nhật đó là Mishubishi Heavy Industry, Kawasaki Heavy Industry, Mitsui Shipbuilding, Marine United (liên doanh giữa Ishikawajima Harima Heavy Industry và Sumitomo Heavy Machinery Industry), Hitachi Shipbuilding, Nippon Kokan- nhà đóng tàu và cơ khí, Mitsubishi Electric, Hitachi, NEC, Toshiba, Oki Electric, Fujitsu...vân vân là những nhà chế tạo võ khí. Những nhà thương buôn hỗ trợ sức mạnh JMSDF là Mitsubishi Soji,Marubeni, Itochu Aviation, Yamada Yoko, Sumimoto Soji...Họ là bên đã đứng ra nhập các thiết bị như hệ thống AEGIS, CIWS, đầu đạn SM-2 về cho Lực lượng Phòng vệ Hải dương Nhật.
Còn tiếp ........
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/ 

[1] Misson of JMSDF, http://www.mod.go.jp/msdf/formal/english/index.html
[2]http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/09/110903_wikileak_vietnam_japan.shtml
[3] http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20110902/Nhat-An-My-se-hoi-dam-ve-hang-hai.aspx
[4]DDG Kongo Class,  金剛型巡洋戦艦, Kim cương hình tuần dương chiến hạm, http://www.battleships-cruisers.co.uk/kongo.htm
[5]Danh Đức, Truyền Thống Hải Quân Nhật, đọc ngày 18/09/2011: http://tuoitre.vn/chinh-tri-xa-hoi/phong-su-ky-su/450963/tram-nam-tau-san-bay-tren-thai-binh-duong---ky-2-truyen-thong-hai-quan-nhat.html
[6] Quốc Việt, Yamato - bản bi hùng ca của Hải quân Nhật Bản, 18/09/2011:
http://quocphong.baodatviet.vn/Home/QPCN/Yamato--ban-bi-hung-ca-cua-Hai-quan-Nhat-Ban/20115/146583.datvie
[7] Joseph Nye, Understanding International Conflicts- An Introduction to Theory and History, Pearson-Longman, 2009, tr. 109.
[8] Vijay Sakhuja, Asian Maritime Power in the 21 st Century, Institute of South Esat Asian Studies- 2011, tr. 37.
[9] Vijay Sakhuja, Asian Maritime Power in the 21 st Century- Institute of South Esat Asian Studies, 2011: "The JMSDF is technologically superior and has far-ranging capabilities ascompared to the PLA Navy that is attempting to build capabilities for distant operation....", tr. 272.
[10] Jurgen Schwarz, Wilfried A. Herrmann, Hank Frank Seller, Maritime Strategy in Asia, White Lotus, 2002, tr. 242.
[11] International Sea Power Symposium: Hội nghị chuyên đề các cường quốc hải dương quốc tế, do Mỹ chủ trì 2 năm 1 lần, đã ngưng khi WPNS nhóm họp.
[12] Military Operations Other Than War: Tác vụ quân sự phi chiến đấu.
[13] Precautionary Surveillance, 18/09/2011:
http://www.mod.go.jp/msdf/formal/english/surveillance/index.html>
[14] Command, control, communication, computer, intelligence, surveillance, and reconnaissance.
[15] Jurgen Schwarz, Wilfried A. Herrmann, Hank Frank Seller, Maritime Strategy in Asia, White Lotus, 2002, tr. 253.
[16] Command, control, communication, computer, intelligence.
[17] Tổ Quốc, Tại sao tiểu sự trên biển Hoa Đông lại thành đại sự?, đọc 18/09/2011: http://www.toquoc.gov.vn/Print/Article/Tai-Sao-Tieu-Su-Tren-Bien-Hoa-Dong-Lai-Thanh-Dai-Su/pdf
[18] Thanh Mai, Tàu Trung Quốc Và Nhật Đâm Nhau, đọc 18/09/2011:
http://vnexpress.net/gl/the-gioi/2010/09/3ba20181/.
[19] Nguyên văn: "... Chinese motives in the relief work as well are not without its realpolitik considerations". John Chan, China Tsunami Aid: Political interests not Humanitarian Concerns, 18 January 2005: http://niaslinc.dk/gateway_to_asia/Asia_insights/China%20%20Tsunami.doc
[20] Military Operations Other Than War: Tác vụ quân sự phi chiến đấu.