Thứ Tư, 7 tháng 12, 2011

Tương lai của Trung Quốc tại Mianma

Theo nhà phân tích Aung Zaw, Tổng biên tập báo “Irrawaddy” có trụ sở tại Chiang Mai (Thái Lan), vào thời điểm Ngoại trưởng Mỹ Hillary có chuyến thăm lịch sử tới Mianma, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng ủng hộ sự cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Mianma. Tuy nhiên, ẩn sau biểu hiện bề nổi này là thái độ lo ngại ngày càng tăng của Bắc Kinh khi Mianma vươn tới Mỹ. China’s Future Role in Burma”.
Tổng thống Mianma Thein Sein và nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi đều khẳng định Mianma sẽ duy trì mối quan hệ hữu hảo với Trung Quốc. Người phát ngôn Hạ viện Mianma Shwe Mann cũng nói rằng việc Mianma cải thiện quan hệ với Mỹ sẽ không làm giảm tầm quan trọng của mối quan hệ hữu nghị Mianma-Trung Quốc vì “chúng ta sẽ tiếp tục đường hướng đối ngoại cùng tồn tại hòa bình với mọi quốc gia trên thế giới”. Tuy nhiên, nhiều học giả cho rằng “trong bối cảnh làn gió bất lợi đối với Trung Quốc đang thổi vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương, những lời đảm bảo đó của Nâypiđô dường như không đủ làm yên lòng người khổng lồ phương Bắc”. Trong những năm gần đây, có lẽ do Bắc Kinh đã thái quá trong các nỗ lực thống trị nền kinh tế cũng như các nguồn tài nguyên của Mianma, đồng thời do Bắc Kinh ngộ nhận sự trung thành của các tướng lĩnh Mianma đối với họ, nên họ đã vô tình tạo cho Mỹ và các nước phương Tây cơ hội để đảo ngược tình thế ở Mianma. 
Trong các diễn biến mới nhất, ông Thein Sein đều tìm cách phát đi các tín hiệu lẫn lộn tới Trung Quốc một cách có chủ đích. Đầu tiên, ông “thả quả bom tấn” khi đột ngột thông báo ngừng dự án thủy điện Myitsone, sau đó cử tân Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang - Tướng Min Aung Hlaing - tới thăm Việt Nam để ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng, trước khi tới thăm Bắc Kinh. Các động thái này diễn ra vào thời điểm Chính quyền Mỹ triển khai kế hoạch tăng cường hiện diện ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và tỏ rõ ý đồ biến Mianma thành một trong các trọng tâm của kế hoạch, khiến Bắc Kinh có lý do thích đáng để lo ngại về nguy cơ ảnh hưởng của họ tại Mianma có thể suy tàn. Thế nhưng, các tướng lĩnh Mianma cũng tỏ ra là những người giỏi về nghệ thuật sử dụng các siêu cường đối chọi và cân bằng nhau. Ngay trước khi bà Clinton đặt chân tới Nâypiđô, Mianma đã gửi tới Mỹ một “thông điệp về cân bằng quan hệ” khi cử Tướng Min Aung Hlaing tới Trung Quốc gặp Phó Chủ tịch Tập Cận Bình - người được cho là sẽ trở thành Chủ tịch Trung Quốc vào năm 2012. Phát biểu trong buổi tiếp bà Clinton tại Nâypiđô, ông Thein Sein cũng nêu rõ: “Mianma sẽ duy trì mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc song song với các nỗ lực tăng cường quan hệ hữu nghị với tất cả các nước khác và đây là một phần trong chính sách đối ngoại độc lập và chủ động của Mianma, dựa trên nền tảng 5 nguyên tắc quốc tế về cùng tồn tại hòa bình”. Ông Thein Sein nhấn mạnh với phía Mỹ rằng Trung Quốc là một đối tác địa chính trị quan trọng của Mianma và Trung Quốc đã khích lệ, giúp Mianma cải thiện quan hệ với các nước phương Tây. 
Một số nhà phân tích chỉ ra rằng Trung Quốc thừa hiểu Mianma hòa bình và ổn định sẽ có lợi cho tất cả các nước láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc. Và khi Mianma đẩy mạnh cải cách, Trung Quốc sẽ có một đối tác ổn định hơn và vì thế, Bắc Kinh sẽ giảm bớt gánh nặng phải che chở cho Nâypiđô. Mianma hiện muốn xây dựng quan hệ với Mỹ và phương Tây để tạo đối trọng cho mối quan hệ quá gần gũi giữa Mianma và Trung Quốc, đồng thời để cảnh báo Bắc Kinh về nguy cơ mất đi nhiều ảnh hưởng tại Mianma nếu họ tiếp tục quan hệ với Nâypiđô một cách thiếu tôn trọng và bất bình đẳng. Tuy nhiên, ít nhất trong thời gian trước mắt và trung hạn, Mianma sẽ không quay lưng lại với nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc. Nhà sử học Mianma Thant Myint-U nói: “Hoàn toàn không có lý do gì để Mianma phải hy sinh mối quan hệ với Trung Quốc để bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Mianma sẽ phải tránh tình huống lựa chọn một trong hai cường quốc”.
Hiện các nhà lãnh đạo Mianma đều hiểu rằng Trung Quốc có mối quan hệ kinh tế sâu rộng với Mianma và các cường quốc khác sẽ phải mất nhiều năm nữa mới có thể theo kịp. Việc xa lánh một nước láng giềng khổng lồ quá gần gũi về địa lý sẽ là một bất lợi về địa chính trị cho Mianma. Bên cạnh đó, giới lãnh đạo Mianma cũng lo ngại rằng việc gây tức giận cho Bắc Kinh có thể khiến họ phải trả giá bằng việc quốc gia láng giềng này nối lại sự ủng hộ đối với các nhóm vũ trang thiểu số để gây bất ổn và làm suy yếu Mianma. Tuy nhiên, nhà phân tích Aung Zaw cho rằng xét về lâu dài, khi Mianma cải thiện dân chủ và nhân quyền, Nâypiđô sẽ không còn phải dựa vào Trung Quốc làm lá chắn ở Liên hợp quốc và khi đầu tư quốc tế vào Mianma nhiều hơn, Nâypiđô sẽ có trong tay nhiều quyền mặc cả hơn trong việc giải quyết các vấn đề song phương với Trung Quốc. Nếu Mianma tiếp tục đẩy mạnh lộ trình cải cách dân chủ và Mỹ tiếp tục gia tăng ảnh hưởng sâu rộng tại Mianma, Trung Quốc sẽ đến lúc phải điều chỉnh chính sách đối ngoại để thích ứng với tình hình mới, trong đó Trung Quốc suy yếu cả về ảnh hưởng lẫn quyền mặc cả tại Mianma. Người Mianma sẽ tiến tới cân nhắc nhiều hơn về các giá trị mà từng siêu cường mang đến cho họ trong cải cách chính trị và sự phát triển hướng tới một xã hội thịnh vượng, tự do và dân chủ. Lúc đó, Mianma sẽ phải xác định mối quan hệ nào, với Mỹ hay Trung Quốc, có lợi nhất cho mình và kết cục của những cân nhắc này tất yếu sẽ là chiến thắng của người Mỹ và sự thất bại của Trung Quốc tại Mianma.
  Theo Irrawaddy (2/12)
 Hương Trà (gt)