Huỳnh Phan (thực hiện)
Tiếp theo Kỳ 1: Rơi vào ván bài nước lớn, Việt Nam lỡ bước
Tiếp theo Kỳ 1: Rơi vào ván bài nước lớn, Việt Nam lỡ bước
Chúng ta phải phân biệt những cản trở mang tính kỹ thuật, và lợi ích thực sự của Mỹ ở Đông Nam Á, Đông Á - Thái Bình Dương. Điều này đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược, và các mối quan hệ cụ thể trong từng lĩnh vực. Bởi ở mỗi thời điểm những cản trở mang tính kỹ thuật lại rất khác nhau.
Tại sao ông lại cho rằng từ năm 1985 người Mỹ mới thực sự quan tâm lại tới Việt Nam?
Tình hình thế giới và khu vực từ lúc đó đã quá thay đổi.
Thứ nhất, sự đe doạ của Liên Xô không còn nữa, với việc ông Michail Gorbachev lên nắm quyền vào đầu tháng 3.1985, và tiến hành perestroika (cải tổ). Họ, một mặt, phải tập trung vào giải quyết vấn đề của chính mình, và, mặt khác, lại mở cửa với phương Tây, hoà dịu với Mỹ.
Thứ hai, cũng chính vì vậy, con bài Trung Quốc đối với người Mỹ cũng bị giảm giá trị theo. Đó là chưa nói sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc khiến họ cũng gặp phải những vấn đề của mình, và trong quan hệ với Mỹ. Đỉnh điểm là sự kiện Thiên An Môn năm 1989, khiến quan hệ Trung - Mỹ trở nên căng thẳng.
Thứ ba, yếu tố khu vực cũng có sự tác động tích cực với tiến trình Việt - Mỹ. Các nước ASEAN tuy vẫn phản đối Việt Nam về chuyện đưa quân sang Campuchia, nhưng đã có những nỗ lực muốn giảm sự đối đầu trong khu vực để chuyển sang đối thoại. Bởi năm 1985 cũng là lần đầu tiên Việt Nam đưa ra tuyên bố trước quốc tế là sẽ hoàn thành rút quân khỏi Campuchia trước năm 1990.
Chẳng hạn như sáng kiến "Jakarta Cocktail" (Tiệc rượu Jakar ta) của Ngoại trưởng Indonesia Ali Alatas giúp cho 4 phái kháng chiến Campuchia ngồi với nhau, và các nước Đông Dương và ASEAN gặp nhau không chính thức (JIM1 và JIM2)...
Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, bản thân trong nội bộ Việt Nam cũng có sự thay đổi mang tính bước ngoặt. Đại hội Đảng đã khẳng định quyết tâm mở cửa và hội nhập của Việt Nam để thoát khỏi thế bị bao vây, cô lập.
Về đối ngoại, đây cũng là dấu mốc chính thức cho chủ trương đối thoại thay cho đối đầu - tiền đề cho quá trình bình thường hoá quan hệ, không chỉ riêng với Mỹ.
Nhưng tại sao phải mất tới 10 năm, với ba nhiệm kỳ tổng thống nữa (Reagan, Bush cha và Clinton), hai nước mới có thể chính thức hoàn tất việc bình thường hoá quan hệ ngoại giao?
Cuối năm 1986, ngay trước Đại hội Đảng VI của Việt Nam, phía Mỹ có cử một đoàn do hai hai thượng nghị sĩ là Hart và Lugar dẫn đầu vào Việt Nam. Họ vào gặp Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, nói rằng tình hình khu vực thay đổi và phía Mỹ muốn đối thoại với Việt Nam. Hai điều kiện họ đưa ra để nối lại đàm phán bình thường hoá là giải quyết vấn đề POW/MIA và Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia.
Bộ trưởng Thạch hiểu câu chuyện, hiểu người Mỹ, và ông biết Việt Nam phải hợp tác tốt trong vấn đề POW/MIA thì Mỹ mới bỏ cấm vận kinh tế, trước khi bình thường hoá quan hệ.
Ông nói với phía Mỹ rằng đây là vấn đề nhân đạo nên hai bên cùng thể hiện thiện chí với nhau, và đề xuất mở hai diễn đàn: một diễn đàn về POW/MIA, và diễn đàn kia về việc giúp đỡ những người bị tàn tật trong chiến tranh với chân tay giả, xe đẩy... Phía Mỹ thấy có thể chấp nhận được, và OK ngay.
Phải nói ông hành động rất khôn khéo, vẹn cả đôi đường.
Nhưng cho dù Việt Nam đã hoàn tất việc rút quân vào tháng 9.1989, đến tận năm 1991, phía Mỹ vẫn chưa tin. Họ bảo rằng biết đâu Việt Nam rút ở đầu này, nhưng lại vào Campuchia ở đầu khác.
Còn đối với vấn đề POW/MIA, trong Quốc hội Mỹ có nhiều nghị sĩ, nổi bật nhất là Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hoà Bob Smith, của bang New Hampshire, luôn dùng luận điểm này để chống bình thường hoá với Việt Nam. Ông Bob Smith này luôn nói là Việt Nam vẫn còn giam giữ tù binh Mỹ, và điều này tác động đến lòng người ở Mỹ rất mạnh, nhất là đối với hiệp hội những gia đình có người thân mất tích trong chiến tranh và một số tổ chức cựu binh Mỹ.
Tôi còn nhớ là sang đến nhiệm kỳ của Tổng thống George H.W. Bush (cha), khoảng năm 1990-1991 gì đó, có một đoàn của Mỹ sang Việt Nam, và yêu cầu cho phép họ kiểm tra xem Việt Nam còn giam giữ tù binh Mỹ hay không. Ông trợ lý ngoại trưởng Mỹ, tôi không nhớ tên, nói: "Sau khi ăn cơm trưa ở Nhà khách Chính phủ, các ông đưa chúng tôi sang Sân bay Gia Lâm, có một trực thăng chuẩn bị sẵn ở đó. Lúc đó chúng tôi mới nói cần đi đâu."
Bộ trưởng Thạch lại quyết định ngay: Phải chấp nhận mới xây dựng được lòng tin. Lên máy bay, họ chỉ về phía Nam, đến một khu rừng ở Thanh Hoá, đến một cái trại giam tù binh thời chiến tranh, lán trại đã mục nát. Chúng tôi chỉ cho họ xem cỏ mọc dày hết cả lối đi, tức là đã lâu lắm rồi không có người qua lại, lúc đó họ mới tin.
Rồi sang thời của Tổng thống Bill Clinton, khi Việt Nam và Mỹ đã thoả thuận rằng Mỹ sẽ bỏ cấm vận vào mùa hè năm 1993, và thiết lập quan hệ ngoại giao ở mức cơ quan liên lạc, sau chuyến đi của đặc phái viên tổng thống, cựu ngoại trưởng Edmund Musky vào tháng 4 năm đó, thì bên Mỹ lại rộ lên chuyện "tài liệu Nga".
Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Lê Văn Bàng |
Câu chuyện đầu đuôi thế nào nhỉ, thưa ông?
Một nhân vật chống Việt Nam rất mạnh tên là Stephen Morris, làm tại Đại học John Hopkins, đã tung ra bản tài liệu đó và nói rằng ông ta đã lấy được khi qua Moscow. Theo tài liệu này, Trung tướng Trần Văn Quang đã báo cáo với Bộ Chính trị Việt Nam liên quan đến những tù binh Mỹ được gửi sang Liên Xô.
Thế là Chính phủ Mỹ liền tập trung điều tra, yêu cầu gọi Tướng Quang và những người Nga có liên quan trả lời về nghi vấn này. Trong khi đó, Đại tá tình báo Nga Kalugin lại đổ thêm dầu vào lửa, khi phát biểu rằng vấn đề này là có thật.
Vì tài liệu đó mà cần thời gian xác minh, loại bỏ hiểu lầm. Nhưng chuyến đi của ông Musky coi như thất bại. Những gì mà cả hai chính phủ kỳ vọng đã bị vô hiệu hoá.
Tôi vẫn còn nhớ, đầu năm 1993, Bộ Ngoại giao đã cử tôi đi làm đại sứ tại Liên Hợp Quốc, với tâm thế là sẽ đi Washington D.C. để thành lập cơ quan liên lạc, và bàn giao nhiệm vụ ở LHQ cho người phó của tôi là ông Ngô Quang Xuân.
Và đến tháng 7.1993, Tổng thống Clinton chỉ tiến thêm được một bước nữa trong việc tiếp tục nới lỏng cấm vận, khi quyết định cho Việt Nam tiếp cận các khoản vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Còn việc thiết lập cơ quan liên lạc hai bên phải chờ thêm một năm rưỡi nữa (1.1995), sau khi Tổng thống Clinton dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận kinh tế gần một năm trước đó (3.2.1994).
Công việc của ông với tư cách là Trưởng phòng Liên lạc, cho tới khi Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bình thường hoá quan hệ Mỹ - Việt, và ông trở thành Đại biện Lâm thời?
Thì vẫn tiếp tục thúc đẩy vấn đề POW/MIA. Ngoài ra là các vấn đề nhân đạo và giải quyết những tồn đọng trong chiến tranh.
Chẳng hạn phía Mỹ đòi Việt Nam phải trả khoản tiền hơn 200 triệu USD do công dân Mỹ để lại ở Sài Gòn khi di tản vào tháng 4.1975, như nhà, ô tô, tài sản....
Chủ yếu là do họ tự kê khai và qui ra tiền thôi, nhưng đàm phán đi đàm phán lại, rút cục, chúng ta vẫn phải chấp nhận. Nhưng, đổi lại, phía Mỹ đã hứa dùng toàn bộ số tiền này để giúp Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục, và đưa vào quỹ học bổng Fulbright, mỗi năm chi đâu khoảng 6-7 triệu USD.
Món nợ của quá khứ đã trở thành khoản đầu tư cho tương lai.
Với tư cách là người tham gia từ đầu tới cuối tiến trình bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Mỹ, và cũng là đại sứ Việt Nam đầu tiên ở Mỹ, ông nhìn nhận thế nào về tiến trình này?
Kể từ thời điểm bình thường hoá đến tận bây giờ, vị trí địa chiến lược của Việt Nam ở Đông Nam Á đã đóng vai trò quyết định trong những quyết định lớn Mỹ trong quan hệ với Việt Nam. Dù quan hệ của họ với Trung Quốc vẫn tiếp tục cải thiện, nhưng họ vẫn cần có thêm những mối quan hệ cho nặng đồng cân. Đó là lý do họ duy trì và củng quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và các nước Đông Nam Á khác, họ vẫn chủ trương mở rộng quan hệ với chúng ta, từ ngoại giao sang thương mại, giáo dục, và cả an ninh, quốc phòng nữa.
Nói tóm lại, Mỹ luôn tính tới Việt Nam trong việc đàm phán và quan hệ với các cường quốc khác.
Tuy nhiên, có thể quyết sách dựa trên lợi ích là vậy, nhưng giải quyết các vấn đề nội bộ lại là chuyện khác. Cho nên tuy Clinton muốn xoá bỏ cấm vận, bình thường hoá, hay đạt thoả thuận thương mại song phương, ông vẫn cần những ông nghị sĩ cả hai đảng đứng đằng sau, nhất là những thượng nghị sĩ vốn là cựu binh John Kerry, hay John McCain, để hỗ trợ ông.
Chúng ta phải phân biệt những cản trở mang tính kỹ thuật và lợi ích thực sự của Mỹ ở Đông Nam Á, Đông Á - Thái Bình Dương. Điều này đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược, và các mối quan hệ cụ thể trong từng lĩnh vực. Bởi ở mỗi thời điểm những cản trở mang tính kỹ thuật lại khác nhau.
Giải mã về "Mr. America" Nguyễn Cơ Thạch
Tôi thấy ông mấy lần nhắc tới cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Ấn tượng của ông như thế nào về vai trò của ông Thạch trong tiến trình này?
Nói đến tiến trình bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ, về phía Việt Nam, người đầu tiên phải nhắc đến là ông Nguyễn Cơ Thạch, đặc biệt là từ khi ông trở thành bộ trưởng ngoại giao. Đồng thời là Uỷ viên BCT và Phó Thủ tướng Chính phủ, ông có vai trò quan trọng trong việc hoạch định chính sách đối ngoại của Việt Nam. Ông là người luôn chủ động tìm kiếm các kênh khác nhau để thúc đẩy tiến trình này.
Tôi còn nhớ giai đoạn 1987-1988, hai bên vẫn gặp nhau để bàn thảo những công việc liên quan tới POW/MIA, nhưng phía Mỹ yêu cầu không đưa vấn đề bỏ cấm vận vào chương trình làm việc. Họ không được phép của chính phủ Mỹ.
Ông Thạch bảo phải tìm thêm một kênh nữa để có thể nói chuyện về bỏ cấm vận và bình thường hoá. Thế là vào mùa thu năm 1988, ông đã viết thư cho ông William Sullivan, người đồng cấp với ông trong đàm phán Hiệp định Hoà bình Paris và ông vẫn giữ được quan hệ kể từ đó.
Ông Sullivan có sang London gặp Đại sứ Việt Nam tại đó. Rồi từ London, ông Thạch mời ông Sullivan sang đây, và họ có thể nói chuyện nhiều thứ, chứ không bị bó buộc như đối với trường hợp của đặc phái viên của Tổng thống, Đại tướng John Vessey.
Hội đồng Thương mại Việt - Mỹ, một tổ chức có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy vấn đề POW/MIA, cũng như xoá bỏ cấm vận với Việt Nam, tất nhiên theo một cách riêng, đã ra đời theo sáng kiến của họ. Chị Ginny Foote là thư ký của ông Sullivan, còn tôi cũng ở vai thư ký của ông Thạch nên ngồi những cuộc như thế tôi biết rất rõ.
Ông là người khá gần gũi với ông Thạch trong công việc. Nét tính cách nào của ông Thạch khiến ông thấy ấn tượng nhất?
Hài hước. Ông nói nhiều câu mà người Mỹ ngỡ ngàng.
Chẳng hạn, có một đoàn Mỹ sang đây năm 1988, khi làm việc, thấy câu chuyện hơi căng thẳng, tự nhiên ông hỏi: Các ông có thuốc nổ không? Chúng tôi muốn nhập.
Họ hỏi lại nhập làm gì, và giải thích là việc đó không hề dễ dàng theo qui định của hệ thống pháp luật của Mỹ.
Ông bảo: Tôi muốn làm nổ tung mấy nhà máy in tiền của chúng tôi đi. Lạm phát cao quá!
Cả Mỹ, cả ta cười ồ lên. Không khí trao đổi tự nhiên dịu hẳn đi.
Khi ông Nguyễn Cơ Thạch nghỉ năm 1992, tôi nghe nói có nhà báo Mỹ nhận xét ông là "the right man of the wrong time" (con người đúng ở thời điểm sai). Ông nghĩ sao về nhận xét đó?
(Cười). Tôi nghĩ đã là lãnh đạo thì không thể đi ngang bằng, hoặc đi sau, so với những người còn lại trong đoàn người. Bởi như vậy thì làm sao thực hiện vai trò dẫn dắt được. Nhưng, ngược lại, cũng đừng đi nhanh quá mà anh bị mất hút đối với đám đông.
Ý ông là ông Thạch đi quá nhanh?
Cũng khó nói là ông Thạch đi quá nhanh, hay những người còn lại đi quá chậm. Chỉ có điều, nói một cách hình tượng, trên thực tế, khoảng cách giữa ông và mọi người là 10 mét, trong khi, trong sương mù, người ta chỉ nhìn rõ được 5 mét thôi.
Trong quan hệ với một nước khác, họ cứ đồn ông Thạch là Mr. America, nhưng hoàn toàn không phải. Ông là một người rất Việt Nam, nhưng sáng suốt biết chọn bước đi đúng đắn, có lợi cho mở cửa và đổi mới kinh tế đất nước.
Xin cảm ơn ông.
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/