Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2011

Khả năng không chiến của lực lượng phòng vệ Nhật Bản (tiếp theo)

Lê Vĩnh Trương
Nhật bản đã từng sử dụng và có đến 20 hàng không mẫu hạm nhưng hiện nay thì trong tình trạng chưa sẵn sàng.
Sơ lược khả năng không hải chiến
Nói về xác suất chiến sự cao nhất tại biển Nhật Bản, phối thuộc với JMSDF là các lực lượng JGSDF (Phòng vệ mặt đất) và JASDF (phòng vệ không phận), các bên sẽ kết hợp triển khai nhanh, tạo điều kiện cho các đơn vị của Lực lượng GSDF đến giải cứu các đảo của Nhật Bản trên biển Hoa Đông khi có sự cố bất ngờ xảy ra. Nhật Bản trước mắt sẽ sử dụng cao tốc đỉnh, từng được sử dụng để vận tải trên tuyến đường biển nối Aomori tới. Đây là hai tàu chiến thuộc loại lớn nhất thế giới với chiều dài 112 m, có thể đạt vận tốc tối đa 67 km, chở được 774 người và khoảng 220 ôtô các loại.[1]
Hình 2 : So sánh Hyuga và một số mẫu hạm các nước. Nguồn: Japanese Aircraft Carrier, http://www.globalsecurity.org/military/world/japan/ddh-x-aircraft-carrier.htm , 26/102/011

Nhật Bản đã từng sử dụng và có đến 20 hàng không mẫu hạm nhưng hiện nay thì trong tình trạng chưa sẵn sàng. Tuy nhiên JMSDF sở hữu tàu chở trực thăng lớp Hyuga là mẫu hạm mới nhất của lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản (JMSDF), do Nhật Bản xây dựng từ sau năm 1945. Tàu có chiều dài 197m, và lượng choán nước là 13.950 tấn. Tàu này được so sánh với các mẫu hạm hạng nhẹ như Giuseppe Garibaldi (Italy), Principe de Asturia (Tây Ban Nha) và Invincible (Anh). Chỉ có khác biệt là Hyuga không thể mang các phi cơ chiến đấu, oanh tạc cơ mà chỉ chở trực thăng chiến đấu.
Hình 3: Tàu chở trực thăng Hyuga. Nguồn: World Military Forum, http://www.armybase.us/2009/03/japans-largest-helicopter-carrier-commissioned-amid-concerns/, 26/10/2011
Hyuga sở hữu một dàn khí giới đáng gờm là hệ thống ống phóng mk41 (16 ống) với tên lửa phòng không Rim - 162 có khả năng đánh từ xa các loại máy bay và phóng tên lửa đối hạm. Các liên hợp pháo phòng không tầm ngắn (Close - In Weapon System - CIWS) Phalanx 20mm, và các súng phóng thủy lôi 324mm.
Thiết bị điện tử trên tàu được hệ ATECS chỉ huy, ngoài ra chiến hạm này còn có rađa tầm soát không trung và điều phối đạn đạo FCS - 3, rađa tầm soát hải dương OPS - 20, hệ định vị siêu âm OQS - XX...
Tàu mẫu hạm trực thăng Hyuga (helicopter carrier) là khu trục hạm chở trực thăng lớp Hyuga (Hyuga-class helicopter destroyer)[2] sở hữu hai vận thăng có khả năng chuyển trực thăng từ các hầm chứa dưới boong lên trên boong. Trong sứ mệnh chống tiềm thủy đỉnh, Hyuga mang ba trực thăng SH - 60K và một trực thăng quét mìn MCH - 101. Hyuga cũng có thể chở 11 trực thăng vận tải CH - 47 Chinooks và các trực thăng nhỏ.
Hyuga trang bị bốn động cơ turbin khí GM- LM2500 có thể vận hành với tốc độ 30 hải lý/giờ.
JMSDF còn có trong tay các khu trục hạm lớp Kongo có nhiệm vụ phòng không, diệt tiềm thủy đỉnh, chống tàu chiến nổi với 4 động cơ tuốc bin khí loại LM-2500 có tổng công suất 102.000 mã lực.
Hình 4 : Mokyo, một trong 4 khu trục hạm lớp Kongo. Nguồn: The Asia-Pacific Journal: Japan Focus http://japanfocus.org/-Craig-Martin/2434
Khu trục hạm mang tên Kongo có 2 dàn phóng (8 ống) tên lửa đối hạm RGM-84 Harpoon; 2 thiết bị phóng dạng thẳng đứng Mk41 mang 90 tên lửa loại Standard SM2MR và tên lửa chống ngầm ASROC.
Ngoài ra, tàu này còn được trang bị 1 khẩu pháo 127 mm loại OTO Breda, 2 liên hợp pháo phòng không sáu nòng Mk15 Vulcan Phalanx, 4 súng máy 12,7 mm, 2 thiết bị phóng thủy lôi Mk32 Mod14 trang bị thủy lôi săn tàu ngầm Mk46 Mod5 và trực thăng săn ngầm SH-60J Sea Hawk. Khu trục hạm Kongo còn trang bị dàn radar hỗn hợp với các trạm: trạm radar tầm soát không SPY-1D; trạm radar tầm soát mặt nước OPS-28C; 3 trạm radar điều khiển hỏa lực SPG-62 và một trạm loại Mk2/21, trạm radar dẫn đường URN-25, trạm tuần thám kỹ thuật vô tuyến và hải chiến vô tuyến điện NOLR-6C, OLR-9C và OLT-3, trạm định vị thủy âm QQS-102, hệ thống định vị thủy âm có antenae QQR-2 và hệ thống chống định vị thủy âm AN/SLQ-25 Nixie.
Tính đến năm 1998, Nhật Bản đã sở hữu tất cả 4 khu trục  lớp Kongo là Kongo (DDG-173), Kirishima (DDG-174), Mokyo (DDG-175),Chokai (DDG-176)[3].
Hình 5: Khu trục hạm Kirishima. Nguồn: DDG Kongo Class, http://www.globalsecurity.org/military/world/japan/kongo-pics.htm

Nhật bản còn có các sản phẩm tự sản xuất như máy bay tiêm kích đa năng (multirole fighter) Mitsubishi F - 2, một động cơ do Nhật-Mỹ cùng thực hiện, được coi như phi cơ chiến đấu chủ lực của Lực lượng phòng vệ không phận Nhật Bản (JASDF).Các hệ thống điện tử hàng không trên phi cơ này hầu hết do Nhật Bản tự sản xuất. F-2 sử dụng rađa quét chủ động (AESA) J/APG - 1 và chiến đấu cơ này trang bị nhiều loại vũ khí khác nhau để có thể vừa không chiến, vừa tấn công mặt đất, và vừa ứng chiến trên biển cùng tàu chiến. Dàn 13 giá treo vũ khí trong và ngoài máy bay gồm: tên lửa không đối không tầm trung AIM -7F/M, tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9 và tên lửa đối không tầm ngắn Mitsubishi AAM- 3, bom tự khiển 227kg, bom chùm CBU-87 và ống phóng tên lửa, tên lửa diệt hạm Mitsubishi ASM-1 (bán kính 50km) và ASM-2 (bán kính 80km).
Trên chiếc F-2 này còn có một dàn pháo M61A1 20mm nhiều nòng dùng để đánh giáp lá cà trên không. Mitsubishi F-2 sử dụng động cơ tuốc bin phản lực General Electric F110 - GE - 129, F - 2 đạt tốc độ March 2, độ cao đạt 18,000m.
Nhật cũng đã tự sản xuất máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 mang tên Shinshin (công nghệ tàng hình)- sẽ tiến hành bay chuyến thử nghiệm vào 2014. Quyết định này cũng nhằm quảng bá công nghệ cao bởi trước đó Tokyo chưa có kế hoạch sẽ biên chế ATD-X Shinshin cho JASDF. Thay vì vậy,vị trí đặc biệt trong không lực Nhật là dành cho chiếc F-22 Raptor do Lockheed Martin sản xuất mà Nhật và Mỹ đã đàm phán để mua trang bị này. Do Trung Quốc tăng cường sức mạnh quốc phòng và Bắc Triều Tiên bất ổn, Nhật Bản đã quyết tâm tự chế tạo máy bay chiến đấu để vừa củng cố sức mạnh của mình, vừa ít phụ thuộc vào khí tài Hoa Kỳ. Và hai hãng Mitsubishi Heavy Industries và Kawasaki vẫn nhận các đơn đặt hàng các vũ khí do Mỹ thiết kế.
Sau việc Mỹ từ chối bán chiếc F-22 Raptor năm 2009 (do Quốc hội Mỹ từ 2006 đã cấm bán chiến đấu cơ đời thứ 5 của mình nhằm bảo vệ công nghệ), tiến trình thiết kế ATD-X Shinshin được thúc đẩy và nếu thành công nó có thể được biên chế nhanh chóng vào không lực Nhật. Vào tháng 7/2010, sau đàm phán mua F-22 của Mỹ bất thành rõ ràng, JSDF đã đặt hàng hãng Mitsubishi Heavy Industries 50 máy bay tiêm kích F-2A với tổng chi phí 5,5 tỉ USD-đơn giá của F-2A cao gần gấp đôi chiếc F-16 và lên tới gần 110 triệu USD/chiếc.
Do đó, hiện nay, ngoài F-2, JASDF còn có 53 máy bay tiêm kích đa năng một chỗ ngồi Mitsubishi F-2A (một phiên bản cải tạo của F-16 Fighting Falcon do Lockheed Martin cấp phép chế tạo); 92 chiếc Mitsubishi F-4EJ Kai (mô thức tương tự F-4 Phantom II của McDonnell Douglas) và 152 chiếc Mitsubishi F-15J (phiên bản F-15 Eagle của Boeing).
Máy bay vận tải của Nhật hầu hết đều là những mẫu thiết kế của Mỹ nhưng do các hãng Nhật sản xuất.[4]
Trên đây chỉ là một số các võ khí của Nhật đáng tham khảo. Đáng lưu ý, Nhật Bản dù nhập khẩu trang thiết bị võ trang vẫn cần có các nhà máy để phục vụ công tác nâng cấp, hoàn thiện các khí tài, đáp ứng yêu cầu quốc phòng. Tuy việc này tốn kém hơn so với việc nhập khẩu võ khí, khí tài hoàn chỉnh trực tiếp từ Mỹ, song cách này tạo ra nhiều việc làm, kích thích đầu tư vào nền kinh tế và nuôi sống hàng chục nhà máy Nhật.
Quan hệ Nhật -Việt
Nhật Bản và Việt Nam đã có mối quan hệ kinh tế thương mại từ thế kỷ 15 với các mối giao thương tại Hội An và Hải Phòng. Hai nước đã chia sẻ nhiều thăng trầm khi cùng sống bên cạnh người khổng lồ Trung Hoa và đã từng có những chiến công chống quân Nguyên Mông xâm lược từ thế kỷ 13. Sự thành công và sáng suốt của Minh Trị Duy Tân (1868 sau khi Pháp tấn công VN 10 năm), tấm gương của Phúc Trạch Dụ Cát và nghị lực vĩ đại của nhân dân Nhật đứng dậy từ tro tàn Thế Chiến thứ hai đã làm lay động bao tâm hồn Việt Nam yêu nước từ Phan Bội Châu, Cường Để, Lương Định Của... cho đến hôm nay.
Thực sự, năng lực quốc phòng không phải là cây đũa thần giải quyết tất cả các vấn đề và năng lực ấy chỉ bộc lộ khi có sự biến và bế tắc chính trị không thể khai thông. Người Việt Nam có thể đọc cục diện chung với sự mở rộng tư tưởng như người Nhật vậy. Trước tình hình hiện nay, muốn bảo vệ hòa bình hiệu quả cần có các cân nhắc, quan sát và động thái phù hợp không chỉ với các nước có khuynh hướng gây hấn mà còn cả với các quốc gia có lợi ích tương đồng. Nhật Bản là cường quốc hàng hải thứ nhì châu Á, chỉ sau Trung Quốc.
Nhật Bản và Việt Nam có những điểm giống nhau ở chỗ kinh tế và thương mại phụ thuộc nhiều vào con đường vận tải hàng hải. Trung Quốc dung dưỡng tâm lý chống Nhật (sự kiện Nam kinh) và chống Việt để hợp thức hóa các hoạt động mạnh bạo của mình ở biển Nhật Bản và biển Đông Nam Á. Nhật Bản là một đối tác thương mại và nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong hai mươi năm qua.
Hình 6 : Giáo Sư Lương Định Của. Nguồn:Nguyễn Thị Ngọc Hải, Thăm nhà GS Lương Định Của, http://www.viet-studies.info/NTNgocHai_LuongDinhCua.htm , 21/10/2011
Bản thân biểu hiện của chính giới Nhật cũng cho thấy có nhiều tính toán trong việc sẽ nương theo chiều của Trung Quốc để phát triển hay sẽ tổ chức lực lượng để thành một minh chủ của Đông Á như Trung Quốc, Nam Hàn, Malaysia đã đề xướng.[5]Tại sao không khi cả Hàn và Mã đều có giấc mơ này? Cân nhắc này cũng có các yếu tố Nhật phải tính: một Bắc Hàn bất trắc bên cạnh, một thị trường ASEAN rộng lớn, cả óc thực dụng tạm hòa Trung, nuôi đại sự cùng phong cách Nhật - thuộc lòng và ứng dụng nhuần nhuyễn bài guan xi. Dư luận khiêm cung Nhật Bản không sa đà vào các cuộc luận anh hùng kiểu ngũ mao mà chỉ tự biết mình,  cần cù gấp các cánh hạc origami và mài thanh kiếm samurai phòng khi cần dùng đến.
Đọc diễn tiến quan hệ Nhật cùng Trung, Mỹ, Ấn, tìm kiếm điểm tương đồng, tự nâng mình thành một đồng minh tiềm năng xứng tầm bằng cách phát huy kinh tế, dân chủ, nhân tâm cùng với sức mạnh hải lục không quân là nhiệm vụ để kết nối tốt nhất quan hệ kinh tế và quân lực Việt Nhật. Từ đó không bỏ phí cơ hội mà JMSDF có thể đang tìm đối tác trao đổi: Nhật có kỹ thuật cao, cận chiến tốt dù khả năng viễn chinh còn hạn chế- yếu tố mà Việt Nam có thể bù đắp một phần.
Sự năng động hơn của Nhật thông qua cuộc các họp thứ trưởng Bộ quốc phòng Nhật- ASEAN[6], thông qua cuộc gặp Nhật Ấn Mỹ tại Tokyo[7] và các tuyên bố ủng hộ Ấn Độ[8] trong việc Ấn Việt hợp tác khai thác dầu vào tháng 9/2011 cho thấy thật sự JMSDF đang đóng một vai trò can đảm và cách tân hơn trong khu vực tây Thái Bình Dương.
Trong một diễn biến đáng lưu ý, JMSDF lần đầu tiên đã cử hai tàu phá thủy lôi Uraga và Tsushima đến cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, Việt Nam trong chuyến viếng thăm hữu nghị Việt Nam.[9]Hoạt động này đánh dấu quan hệ giao lưu của JMSDF và Hải quân Việt Nam và gợi mở tương lai ấm lành cho hợp tác của quân đội và nhân dân hai nước Nhật- Việt.
Tại thủ đô Tokyo ngày 24/10/2011, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh và người đứng đầu ngành Quốc phòng Nhật Bản Yasuo Ichikawa nhất trí tăng cường hợp tác và trao đổi quốc phòng giữa hai nước. Người đồng cấp Nhật Bản, ông Ichikawa khẳng định Việt Nam là "đối tác chiến lược vì hòa bình và ổn định" của Nhật Bản ở khu vực châu Á và cho biết trong Đại cương Kế hoạch phòng vệ của Nhật Bản có ghi rõ định hướng tăng cường hợp tác an ninh với các nước thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam, vì vậy ngành Quốc phòng Nhật Bản sẽ nắm bắt mọi cơ hội để liên hệ chặt chẽ với Việt Nam.[10]

[1] Tờ Sankei số ra ngày 19/2/2011
[2] Japanese Aircraft Carrier, http://www.globalsecurity.org/military/world/japan/ddh-x-aircraft-carrier.htm , 26/102/011
[3] DDG Kongo Class, http://www.globalsecurity.org/military/world/japan/kongo-pics.htm, 25/10/2011
[4] http://giaoduc.net.vn/Utilities/PrintView.aspx?ID=10956
[5] Phạm Đỗ Chí, Phạm Quang Diệu, VN trong ván cờ Trung - Nhật với ASEAN, Tuổi Trẻ 20/12/2003: http://tuoitre.vn/Kinh-te/13328/VN-trong-van-co-Trung---Nhat-voi-ASEAN.html
[6] Báo QĐND, Hội nghị quốc phòng ASEAN - Nhật Bản cấp thứ trưởng lần thứ ba, 3/102/2011:
http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/4/37/37/161994/Default.aspx
[7] Vnexpress.net, Mỹ, Ấn, Nhật sắp đối thoại ba bên, 3/10/2011:
http://vnexpress.net/gl/the-gioi/2011/09/my-an-nhat-sap-doi-thoai-ba-ben/
[8] Dân Trí, Nhật Bản ủng hộ Ấn Độ thăm dò dầu khí ở Biển Đông, 3/10/2011: http://dantri.com.vn/c12/s36-520297/nhat-ban-ung-ho-an-do-tham-do-dau-khi-o-bien-dong.htm
[9] BBC, Việt Nam phản đối Trung Quốc về Biển Đông, 19/09/2011: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/09/110919_viet_protest_china.shtml
[10] Thanh Niên, Tăng cường hợp tác quốc phong Việt -Nhật http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20111025/Tang-cuong-hop-tac-quoc-phong-Viet-Nhat.aspx, ngày 26/10/2011