Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

Suy nghĩ từ một ý kiến

Trung Quốc cắm cột mốc quyền ở bãi đá ngầm thuộc quần đảo Hòang Sa của Việt Nam
Bữa nay, lang thang qua nhà mấy người bạn FB, có ngó thấy 1 ý kiến khiến mình hơi giật mình và nghĩ. Đó là nhận xét: “Bây giờ người ta bài Hoa quá rồi”.
Có lẽ, đỉnh điểm của câu chuyện này, phải kể đến việc xâm phạm trắng trợn lãnh hải Việt Nam, rồi bắn giết ngư dân Việt Nam của Trung Quốc. Tiếp đến, đó là việc xuất hiện những khu phố Tàu ở Ninh Bình, hay chuyện người Trung Quốc đánh người Việt Nam ngay trên… “sân nhà“. Và cả chuyện bộ phim “Lý Công Uẩn – Đường đến kinh thành Thăng Long”  bị sai lệch về mặt lịch sử.
Tất nhiên, còn nhiều chuyện và nguyên nhân khác nữa (như chất lượng hàng hóa thực phẩm Trung Quốc….), nhưng tạm kể ra những vấn đề chính, có thể được xem là tác nhân chính trong thời gian gần đây. Ở đây có hai vấn đề: “Tại sao” và “như thế nào”.
1. Tại sao?
Tất cả những sự việc trên đều không được giải thích, giải quyết một cách thỏa đáng, khiến một bộ phận không nhỏ người dân xứ mình có tâm lý bài Hoa. Nếu chuyện biểu tình được giải quyết hợp lý; nhà sản xuất bộ phim “Lý Công Uẩn – Đường đến kinh thành Thăng Long” đối chất trung thực với các nhà sử học về cứ liệu; hay vụ công nhân TQ đánh người Việt Nam được xử lý nghiêm minh theo tinh thần pháp luật…. thì có lẽ, tâm lý này khó xuất hiện và lên cao như vậy (?!).

2. Như thế nào?

Mức độ bài Hoa như thế nào, lại là một câu chuyện dài kỳ hơn. Ai cũng biết nền văn minh Trung Hoa thực sự lớn, và đất nước Trung Hoa không chỉ được làm nên bởi những người duy nhất – là những nhà lãnh đạo Cộng Sản Trung Cộng hiện nay. Vì vậy, quả thực, có rất nhiều điều chúng ta còn có thể học hỏi. Cũng như thế, vấn đề ngoại giao không đơn giản chỉ là chuyện: họ xâm phạm lãnh hải, ta bắn họ. Mà còn rất nhiều vấn đề phức tạp khác.
Trong hoàn cảnh, thiếu tiếp cận nguồn thông tin, mỗi con người sẽ có một cách/mức độ nhìn nhận khác nhau. Có thể gọi, đó là năng lực tự nhận thức. Chúng ta tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về Trung Hoa, cũng như khả năng phân biệt hay dở, sẽ dẫn tới chuyện ta bài Hoa đến đâu, tiếp nhận văn hóa Trung Hoa ở mức độ nào. Cũng như thế, nếu chúng ta có vốn hiểu biết cơ bản về lịch sử, xã hội, ngoại giao, sẽ dẫn tới hành động/cách thức phản kháng của chúng ta đến mức nào, trước việc bị xâm hại về chủ quyền, văn hóa.
Như thế, nhân chuyện bài Hoa, có xét tới 2 khía cạnh “chủ quan” và “khách quan”. Vấn đề chủ quan, ở mục chừng mực nào đó, khó có thể nhận được một sự thay đổi hoàn toàn theo chủ ý cá nhân. Còn vấn đề khách quan, đó là năng lực tự thân, ta hoàn toàn có thể thay đổi được.
Thế mới nói tới, sự cần lắm trang bị cho mình tri thức, để có thể chủ động trước những nhân tố tác động từ bên ngoài. Để làm sao chúng ta có thế “thấy” rõ bản chất, chứ không phải chỉ “nhìn” hiện tượng đơn thuần.
Xin trích lại câu nói của tác giả Phan Đình Diệu thay lời kết:
Đời là một cuộc thám hiểm bất tận, mà hành trang cho cuộc thám hiểm đó ở mỗi con người luôn luôn phải là một đôi mắt mới. Hãy để cho mỗi người tự chăm lo cho đôi mắt mình luôn được đổi mới, và được tự nhìn thế giới bằng chính đôi mắt luôn đổi mới đó″.