Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

Chiến lược nhiều ‘mũi giáp công’ của Trung Quốc đối phó với "quay trở lại Châu Á" của Mỹ

Bài viết trên mạng Jamestown nhận định mối quan hệ Trung-Mỹ đang có xu hướng đối đầu sau khi Mỹ tuyên bố "quay trở lại Châu Á". Đối phó với chiến lược của Mỹ, Trung Quốc đang áp dụng nhiều ‘mũi giáp công’ để tránh né thách thức của Washington.
Mặc dù lần đầu tiên tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á tại Bali, nhưng ông Obama và các cộng sự nhiều lần nhắc lại cam kết của Mỹ trong việc bảo đảm tự do hàng hải trên Biển Đông. Họ nhấn mạnh giải quyết các tranh chấp chủ quyền trong khu vực phải phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS). Ông Obama chấp thuận bán 24 máy bay chiến đấu F16-C/D cho Inđônêxia, nước cùng với Philíppin, Việt Nam, Brunây, Malaixia và Đài Loan không chấp nhận các tuyên bố toàn bộ chủ quyền Biển Đông thuộc Trung Quốc của Bắc Kinh. Trong thời gian dừng chân ở Ôxtrâylia, ông Obama tuyên bố Mỹ sẽ bố trí 2.500 lính thủy đánh bộ tại Darwin thuộc lãnh thổ phía Bắc Ôxtrâylia. Rõ ràng Darwin chỉ cách mũi phía Nam của Biển Đông 600 dặm, do đó hành động này của Mỹ được dư luận khu vực coi như một nỗ lực nhằm tăng khả năng can dự của Mỹ ở khu vực đang có tranh chấp này. Cùng lúc đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton lại đến thăm Mianma vào đầu tháng 12/2011 nhằm cải thiện các mối quan hệ với nhà nước khách hàng truyền thống của Trung Quốc. Cuối cùng, tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), ông Obama đã thúc đẩy Hiệp định quan hệ đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), một khu vực thương mại tự do rộng lớn gồm 10 nước nhưng không có Trung Quốc. Tất cả các biện pháp đó khiến Bắc Kinh cho rằng Oasinhtơn đang đẩy mạnh một "chính sách kiềm chế chống Trung Quốc". Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang áp dụng hàng loạt biện pháp cùng một lúc để chống lại các biện pháp của Chính quyền Obama. Trước hết, các nhà bình luận và các học giả Trung Quốc lên tiếng cảnh báo hành động quay trở lại châu Á của Oasinhtơn có thể gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định khu vực và có hại cho các mối quan hệ Trung-Mỹ.
Trong một bài bình luận với lời lẽ cứng rắn, Hãng tin Tân Hoa Xã khẳng định các biện pháp của Chính quyền Obama nhằm áp đặt sự lãnh đạo của Mỹ ở châu Á là để đạt được mục tiêu thế kỷ 21 là Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ. Tân Hoa Xã cảnh báo: "Nếu Mỹ âm mưu gây chiến tranh lạnh và tiếp tục can dự vào các nước châu Á bằng cách tự khẳng định mình, Mỹ sẽ phải chịu số phận bi đát". Hãng tin này còn cho biết các chính sách gần đây của Mỹ có thể dẫn đến nhiều bất đồng và xâm phạm lợi ích của các nước khác, từ đó có thể phá hủy sự thịnh vượng và ổn định của khu vực". Theo đánh giá của chuyên gia về Mỹ Thời Ân Hoằng thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, mối quan hệ Trung-Mỹ đã bước vào một "giai đoạn mới rất quan trọng. Rõ ràng Mỹ đang thực hiện mục tiêu ngăn chặn và hạn chế Trung Quốc". Tương tự, chuyên gia các vấn đề quốc tế Tôn Triết của Đại học Thanh Hoa cho rằng canh bạc của Mỹ ở châu Á "đã phát triển từ mức độ lời nói đến hành động ngoại giao với thái độ nhanh chóng và hiệu quả". Rõ ràng, Trung Quốc đặt ưu tiên hàng đầu là quan hệ với các nước ASEAN cũng như giải quyết sớm các tranh chấp ở Biển Đông, do đó phản ứng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc tập trung vào ngăn chặn Mỹ can thiệp vào khu vực nhạy cảm này. Trong thời gian ở Bali , Thủ tướng Ôn Gia Bảo khẳng định các xung đột chủ quyền "cần được giải quyết giữa các nước có liên quan trực tiếp thông qua tham khảo ý kiến hữu nghị và đàm phán hòa bình. Các cường quốc bên ngoài không được can thiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào". Do sức ép rất lớn của Trung Quốc, Philíppin không thể đưa kiến nghị giải quyết vấn đề Biển Đông vào một khuôn khổ quốc tế tại hội nghị Bali. Bất chấp đây là một thực tế, nhưng trong chuyến thăm Manila gần đây Ngoại trưởng Hillary Clinton cam kết "ủng hộ Philíppin hơn nữa trong việc bảo lãnh thổ chủ quyền". Oasinhtơn còn cung cấp cho quân đội Philíppin một tàu tuẫn tiễu. Bà Hillary Clinton đã sử dụng từ ngữ của Philípin về Biển Đông và tuyên bố: "Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ ý kiến cho rằng bất đồng tồn tại chủ yếu ở biển Tây Philíppin giữa Phillípin và Trung Quốc nên được giải quyết một cách hòa bình". 
Bên cạnh những tuyên bố trên, Bắc Kinh còn áp dụng biện pháp nhiều mũi giáp công để ngăn chặn cuộc tiến công ngoại giao của Obama. Thứ nhất, tái khẳng định với các nước thành viên ASEAN rằng Bắc Kinh không che giấu ý đồ bá quyền và sẵn sàng tuân thủ "luật chơi" với các nước tuyên bố chủ quyền khác. Trong bài diễn văn tại Bali, ông Ôn Gia Bảo nhắc lại cam kết của Trung Quốc đối với Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Bắc Kinh và các nước ASEAN ký năm 2002. DOC là đạo luật không bắt buộc gồm các cam kết liên quan đến an toàn hàng hải và sử dụng các vùng biển hòa bình. Ông Ôn Gia Bảo nói: "Chúng tôi hy vọng các bên liên quan sẽ quan tâm đến sự ổn định và hòa bình của khu vực và làm những gì có lợi cho sự hợp tác và tin tưởng lẫn nhau". Ông khẳng định Bắc Kinh sẽ tiếp tục thực hiện nguyên tắc "đàm phán hữu nghị và tham khảo ý kiến một cách hòa bình" nhằm giải quyết các vấn đề liên quan tới Biển Đông. Tuy nhiên, nhiều quan chức Trung Quốc cho biết Bắc Kinh kiên trì theo đuổi các cuộc đàm phán song phương với các nước tuyên bố chủ quyền, nhưng không trong khuôn khổ đối thoại Trung Quốc-ASEAN, để giải quyết các tranh chấp chủ quyền. Hầu hết các nước ASEAN tin tưởng giải pháp đa phương, có thể có các nước bên ngoài khu vực kể cả Mỹ, sẽ làm tăng vị thế đàm phán của họ với Trung Quốc. Thứ hai, Bắc Kinh đang sử dụng chiêu bài kinh tế để giành được thiện chí của các nước ASEAN, đặc biệt các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Diễn văn của ông Ôn Gia Bảo tại Bali nhấn mạnh kịch bản "cùng thắng" từ các mối quan hệ thương mại phát triển với ASEAN theo Hiệp định khu vực Thương mại Tự do Trung Quốc-ASEAN và các thỏa thuận khu vực khác. Ông ta đưa ra đề nghị 5 điểm nhằm thúc đẩy kinh tế khu vực, trong đó có đầu tư lẫn nhau, chuyển giao công nghệ và phát triển cơ sở hạ tầng liên khu vực. Ông nói: "Phía Trung Quốc sẵn sàng tăng các khoản đầu tư ở các nước ASEAN, tăng cường chuyển giao công nghệ hiện đại và thích hợp và cùng nhau đẩy mạnh tính cạnh tranh công nghiệp".
Theo nghiên cứu viên thỉnh giảng Trương Duy Vi của Viện Nghiên cứu Tổng hợp Xuân Thu, Bắc Kinh sẽ thúc đẩy chương trình viện trợ phát triển nước ngoài, trong đó khả năng có cả "Kiểu Kế hoạch Marshall Đông Nam Á". Chương trình này sẽ không những giúp tăng cường các mối quan hệ chính trị và kinh tế của Trung Quốc với các nước châu Á mà còn giảm thiểu những thiệt hại mà TPP có thể gây cho Trung Quốc. Thực tế, tăng cường hợp tác kinh tế trong Khu vực Thương mại Tự do Trung Quốc-ASEAN có tác dụng ngăn chặn mối đe dọa của TPP mà các quan chức cũng như học giả Trung Quốc coi là một âm mưu của Oasinhtơn để loại Trung Quốc khỏi thỏa thuận thương mại khu vực sinh lợi rất lớn. Giáo sư chính trị Bành Trung Anh của Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng TPP là một âm mưu mà Mỹ, hiện kinh tế đang suy giảm, tìm cách mở cửa thị trường của các nước châu Á-Thái Bình Dương thịnh vượng về kinh tế. Mặc dù các quan chức Mỹ cho biết về lý thuyết Trung Quốc có thể xin trở thành thành viên, nhưng tiêu chuẩn của TPP liên quan đến việc nhà nước chỉ được can dự rất nhỏ trên thị trường cũng như các tiêu chuẩn lao động cao dường như ngăn cản sự tham gia của Trung Quốc. Trong số các nước ASEAN, Xinhgapo, Malaixia, Brunây và Việt Nam bày tỏ quan tâm tham gia TPP. Các thành viên khác có nguyện vọng gồm Ôxtrâylia, Niu Dilân, Chilê, Pêru , Canađa , Mêhicô và Nhật Bản. 
Trong khi tìm cách giành được con tim và khối óc, hoặc chí ít là túi tiền, của phần lớn các nước châu Á-Thái Bình Dương, Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng chiến thuật truyền thống "rung cây dọa khỉ" nhằm trừng phạt "những nước mắc lỗi" như Philíppin và Việt Nam. Chiến lược đó đã được nhắc đến trong một bài viết trên tạp chí "Thời báo hoàn cầu" với nhan đề "Phớt lờ Philíppin: Hãy để nước này trả giá". Bài viết cho rằng "trong quá trình trừng phạt Philíppin, Trung Quốc không được quá đà, nếu không nỗi lo sợ Trung Quốc của khu vực tăng lên. Nhưng việc trừng phạt Philíppin phải tiến hành mạnh mẽ để Philíppin phải trả giá nặng nề". Bài báo gợi ý, cách tốt nhất của Trung Quốc là "phớt lờ Philíppin trong khi đẩy mạnh hợp tác giữa Trung Quốc với tất cả các nước Đông Nam Á". Nhưng theo chuyên gia chính sách đối ngoại của Đại học Nhân dân Trung Quốc Kim Xán Vinh, Trung Quốc nên sử dụng chiến thuật khác nhau với từng nước Đông Nam Á. Ông ta đề nghị áp đặt các biện pháp cấm vận kinh tế với các nước như Philíppin và Việt Nam, bởi vì đây là "các nước ồn ào nhất trong chuyện chống Trung Quốc. Trung Quốc có thể gửi thông điệp đến các nước này bằng cách giảm các khoản viện trợ hoặc tạm thời ngăn chặn khách du lịch Trung Quốc đến các nước". Tuy nhiên, vũ khí lợi hại nhất của Bắc Kinh để đe dọa các nước thành viên ASEAN liên kết với nhau là nhanh chóng hiện đại hóa lực lượng hải quân Trung Quốc (PLAN). Hiện nay, hải quân Trung Quốc đang phát triển một hạm đội biển xanh, được trang bị các phương tiện hiện đại từ các tàu ngầm hạt nhân đến tàu sân bay. Các tin tức gần đây cho biết PLAN sẽ đặt căn cứ của hạm đội thứ 4, có thể gồm 2-3 nhóm tàu chiến đấu chở máy bay, tại Tam Á, một thành phố ở phía Nam đảo Hải Nam. Hạm đội này sẽ hỗ trợ hạm đội Bắc Hải đặt căn cứ tại Thanh Đảo, hạm đội Đông Hải đặt căn cứ tại Ninh Ba và hạm đội Nam Hải đặt căn cứ tại Trạm Giang. Tháng 8/2010, sức mạnh của hải quân Trung Quốc đạt đến đỉnh cao, sau khi tàu sân bay Varyag đầu tiên hoàn thành một hành trình xa trên biển. PLAN cũng đang xây dựng các xưởng đóng tàu để đóng 3 tàu sân bay hiện đại và dự kiến hoàn thành vào giữa thập kỷ này. Bức thông điệp mà Bắc Kinh muốn gửi đi là không loại trừ một giải pháp quân sự trước tình trạng tranh chấp ở Biển Đông đã được đăng trên tờ "Thời báo hoàn cầu". Trong một bài bình luận cuối tháng 10/2010, "Thời báo hoàn cầu" cảnh báo các nước tuyên bố chủ quyền mạnh đối với Biển Đông như Việt Nam và Philíppin nên "chuẩn bị tinh thần nghe tiếng súng thần công". Gần đây hơn, "Thời báo hoàn cầu" đăng một bài báo của nhà chiến lược Phạm Tiến Phát thuộc Đại học Quốc phòng, trong đó nhấn mạnh các nhà chức trách Trung Quốc nên áp dụng biện pháp "võ quyền anh" để ngăn chặn những nước xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc trên Biển Đông. Ông Phạm Tiến Phát nói: "Việt Nam , Malaixia và Philíppin đã chiếm đóng lãnh thổ trên quần đảo Trường Sa. Chúng ta nên có biện pháp mạnh để tăng cường kiểm soát và chiếm đóng các hòn đảo ở các vùng biển có tranh chấp". 
Liệu canh bạc của Bắc Kinh có hiệu quả ? Phần lớn phụ thuộc khả năng Chính quyền Obama có giành được sự ủng hộ của các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương để triển khai chiến lược quan trọng nhất đối với châu Á hay không. Rõ ràng, phần lớn những lo ngại của các nhà lãnh đạo Trung Quốc bắt nguồn từ thực tế lần đầu tiên Ấn Độ và Nhật Bản dường như đang tham gia ý đồ ngăn chặn Trung Quốc của Mỹ thông qua biện pháp "quốc tế hóa" vấn đề Biển Đông. Các công ty dầu mỏ Ấn Độ đã ký nhiều thỏa thuận với Hà Nội để khai thác dầu mỏ và khí đốt gần các hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Gần đây, Tôkyô ký các thỏa thuận hợp tác quốc phòng và trao đổi tình báo với Việt Nam và Philíppin. Tại Bali, Nhật Bản ký một tuyên bố riêng với ASEAN liên quan đến các biện pháp bảo đảm hàng hải không bị trở ngại trên Biển Đông. Tôkyô cũng ủng hộ Manila tìm kiếm một giải pháp quốc tế cho các tranh chấp lãnh thổ ở các vùng biển có tranh chấp. Bất chấp nhiều khó khăn kinh tế, mới đây Tôkyô cam kết chi 25 tỷ USD bằng các khoản vay và viện trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng cho các nước ASEAN. Ông Dư Chí Vinh, nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển Hải dương của Trung Quốc, đặt câu hỏi liên quan đến sự bất đồng của Bắc Kinh với một số nước về Biển Đông. Trong một bài báo gần đây, ông Dư Chí Vinh viết: "Sức mạnh của Trung Quốc đã tăng lên và nó đang làm nhiều nước lo sợ. Trung Quốc có thể làm thế nào để đối mặt với các kẻ thù trên mặt trận và thúc đẩy các nỗ lực để bảo vệ quyền lãnh thổ biển của mình? Một câu trả lời cho câu hỏi của ông Dư Chí Vinh có thể là, sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc, cùng với việc tăng cường sức mạnh cứng của nước này ở châu Á, đã tạo cơ hội cho Mỹ phát động một chiến dịch "trở lại châu Á" với tư cách như một người bảo vệ các nước hiện đang lo lắng trước triển vọng của một con rồng lửa. Như đã được thể hiện qua các cuộc hội đàm giữa ông Obama và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo tại Haoai và Bali, cả Mỹ và Trung Quốc dường như đều thích kịch bản cùng thắng hơn canh bạc được mất ngang nhau. Kết cục của cuộc xung đột giữa siêu cường duy nhất của thế giới và siêu cường đang lên lúc đó phụ thuộc sự trao đổi giữa hai người khổng lồ cũng như khả năng của họ trong việc gây ảnh hưởng tới các nước khác trong khu vực dễ mất ổn định này./.
Theo Jamestown Foundation (ngày 5/12)
Hương Trà (gt)