Trần Bình Nam
Gửi cho BBC từ California, Hoa Kỳ
Hai tháng cuối năm 2011 là hai tháng ngoạn mục nếu nói đến Á Châu và Úc châu. Tháng 11 tổng thống Barak Obama đi Úc châu tuyên bố kế họach triển khai quân tại Úc. Ngày 1 tháng 12, bà Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton đến thủ đô Naypyidaw của Miến Điện gặp tổng thống Thein Sein và sau đó bay đi Vọng Cát (Rangoon, thủ đô cũ) thăm bà Aung San Suu Kyi, người phụ nữ đóng vai trò đối lập với chính phủ quân nhân Miến hơn 20 năm qua.
Ngoại trưởng Hillary Clinton lần đầu tiên gặp mặt bà Suu Kyi |
Đây là chuyến viếng công du của một Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đến Miến Điện trong vòng 56 năm, nhắm hai mục đích quan trọng hỗ trợ cho nhau. Thăm viếng tổng thống Thein Sein để nối lại mối quan hệ với Miến Điện trong mục đích tìm một thế chung chận ảnh hưởng của Trung Quốc. Thứ hai gián tiếp ủng hộ vai trò đối lập của bà Aung San Suu Kyi để chuyển biến dân chủ chế độ quân nhân độc tài tại Miến.
Kể từ năm 1975 sau khi Hoa Kỳ rút ra hỏi Á châu Thái Bình Dương chưa có thời gian nào chính sách Á châu của Hoa Kỳ đạt được thành quả tốt như năm qua. Khởi đầu với chuyến đi Hà Nội của bà Hillary Clinton tháng 7/2010 tham dự Hội nghị Diễn Đàn An Ninh Á châu (Asean Regional Forum – ARF). Tại đó bà tuyên bố chính sách của Hoa Kỳ ủng hộ chính quyền Hà Nội trong cuộc tranh chấp biển đão với Trung Quốc và tuyên bố không úp mở Hoa Kỳ xem sự tự do lưu thông trên Biển Đông là quyền lợi sinh tử của Hoa Kỳ.
Biến chuyển
Tháng 11/ 2011 vừa qua lời tuyên bố đưa quân đến Úc châu của tổng thống Obama tại Canberra cũng được các nước Á châu (lẽ dĩ nhiên trừ Trung Quốc) đón chào nồng nhiệt. Và đầu tháng 12/2011 dư luận thế giới hết sức có thiện cảm với chuyến công du của bà Clinton đến Miến Điện. Chuyển biến tại Á châu như những mắt xích nối kết chặt chẽ nhau. Sau lời tuyên bố tháng 7/2010 của bà Clinton tại Hà Nội, nếu đảng Cộng sản Việt Nam có những thay đổi thái độ đối với Trung Quốc trong vụ tranh chấp trên Biển Đông thì mấy tháng sau tại Miến Điện chính quyền quân nhân Miến trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi.
Được tự do, bà Aung San Suu Kyi tự chế không làm điều gì mất lòng mấy ông tướng, âm thầm vận động điều bà cho là then chốt nhất của dân chủ là “tự do ngôn luận” và trả tự do cho tù nhân chính trị. Đồng thời bà quan hệ các thế lực quốc tế vận động yểm trợ chính phủ quân nhân. Bà Aung San Suu Kyi và các ông tướng Miến đều có một mục đích chung là bảo toàn nền độc lập Miến không để cho Miến rơi vào vòng lệ thuộc vào Trung Quốc.
Trước sự xâm lăng kinh tế của Trung Quốc, các tướng lãnh Miến đã thấy nhu cầu cởi mở chính trị trong nước để mở đường ra các nước dân chủ từ những năm cuối thập niên trước. Tháng 5/2008 Hội đồng SLORC trưng cầu dân ý cho ra đời một bản Hiến Pháp mới và trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi. Năm 2009 bầu Quốc hội và tháng Ba, 2011 vừa qua quốc hội bầu tổng thống mới mở đầu kỷ nguyên chính phủ dân sự. Cựu tướng Thein Sein do Hội đồng Quân Nhân Quốc Phòng giới thiệu theo Hiến Pháp đắc cử tổng thống .
Sau ngày nhậm chức, tổng thống với sự đồng thuận của đa số tướng lãnh trong bộ máy cầm quyền đã thực hiện nhiều bước cải tổ. Trước hết chính phủ trả tự do cho 6,000 tù nhân chính trị, thông qua luật cho phép biểu tình ôn hòa, ban hành luật đình công, và có ý nghĩa nhất là chuẩn bị hủy bỏ cơ quan kiểm duyệt báo chí như đòi hỏi tối thiểu năm trước của bà Aung San Suu Kyi sau khi bà được trả tự do . Chính phủ Miến Điện cũng tỏ thái độ hòa giải với các nhóm thiểu số Shan, Karen, Chin … để đưa họ gần với cộng đồng dân tộc Miến tránh sự mua chuộc của Trung Quốc. Hành động ngoạn mục được lòng dân nhất là tháng Chín 2011 vừa qua, tổng thống Thein Sein hủy bỏ giao kèo 3.6 tỷ Mỹ kim với Trung Quốc xây đập nước trên sông Irrawaddy trong bang Kachin.
Tây phương trở lại Miến Điện mới có thể cân bằng và giải tỏa sức ép của Trung Quốc. Và muốn Hoa Kỳ và Cộng đồng Âu châu trở lại thì không thể không cải tổ chính trị và trả tự do cho bà San Suu Kyi. Nếu chính quyền Miến Điện chấp nhận một tiến trình cởi mở dù nhanh hay chậm, bà San Suu Kyi có thể chính thức yêu cầu quốc tế giải tỏa cấm vận, và Hoa Kỳ và Cộng đồng Âu châu không chờ đợi gì hơn bước vào để cân bằng thế lực với Trung Quốc. Và đó là ý nghĩa của chuyến đi 3 ngày của bà Hillaty Clinton.
Gạch nối
Bà Aung San Suu Kyi là gạch nối tốt giữa chính phủ Miến với thế giới Tây Phương. Ngược lại Hoa Kỳ với sự hiện diện của bà Clinton tại Rangoon là cái gạch nối tốt giữa bà Aung San Suu Kyi và chính phủ Rangoon. Không có gì diễn tả rõ hơn thái độ của Hoa Kỳ khi trong cùng một ngày buổi sáng bà Clinton gặp tổng thống Thein Sein tại thủ đô mới (Naypyidow, phía Bắc Ranggon 320km) buổi chiều bay đi Rangoon (thủ đô cũ) gặp bà San Suu Kyi. Tháng 8 vừa qua bà Aung San Suu Kyi đã đến Naypyidow yết kiến tổng thống Thein Sein và kết quả tổng thống Thein Sein đồng ý để bà phục hoạt Liên Minh Quốc gia Dân chủ và bà được chấp nhận ra tranh cử dân biểu trong cuộc bầu cử bổ khuyết 40 ghế quốc hội năm nay. Năm trước Liên Minh Quốc gia Dân chủ tẩy chay cuộc bầu cử quốc hội toàn và bị giải tán theo luật định.
"Bà Aung San Suu Kyi chứng tỏ là một nhà chính trị có tinh thần yêu nước cao, biết đo lường tình hình và hiểu được sự khó khăn của những người trong cuộc kể cả những người đã giam cấm bà. Năm trước sau khi được trả tự do bà đã tự chế, và trước đám đông đến mừng bà đã nói bà không oán hận ai đã giam giữ bà. "
Cũng dễ đoán bà Aung San Suu Kyi sẽ thắng và đảng bà sẽ có một tiếng nói đối lập chính thức trong quốc hội. Điều khó đoán hơn là trong cuộc bầu cử toàn quốc năm 2015 tới đảng Liên Minh Quốc gia Dân chủ sẽ chiếm được bao nhiêu ghế. Nếu nắm được đa số bà Aung San Suu Kyi có được bầu làm tổng thống không. Các tướng lãnh - vẫn được bản Hiến Pháp mới dành cho nhiều ưu tiên - (thí dụ theo Hiến Pháp, 4 bộ then chốt của chính phủ là Bộ Quốc phòng, Ngoai giao, Nôi vụ và An ninh Biên giới phải là quân nhân) sẽ phản ứng như thế nào?
Thời gian từ nay đến năm 2015 là một thời gian tế nhị đòi hỏi sự khéo léo của bà Aung San Suu Kyi, của tổng thống Thein Sein và của cộng đồng thế giới nhất là Hoa Kỳ. Hoa Kỳ cần tạo điều kiện cho Miến Điện gia nhập các sinh hoạt quốc tế qua khuyến khích đầu tư, vận động IMF, WB nghiên cứu các chương trình trợ giúp.
Bà Aung San Suu Kyi chứng tỏ là một nhà chính trị có tinh thần yêu nước cao, biết đo lường tình hình và hiểu được sự khó khăn của những người trong cuộc kể cả những người đã giam cấm bà. Năm trước sau khi được trả tự do bà đã tự chế, và trước đám đông đến mừng bà đã nói bà không oán hận ai đã giam giữ bà. Bà ngỏ ý muốn tiếp xúc với tướng Than Shwe, người lãnh đạo Hội đồng Hòa bình và Phát Triển (chỉ là một danh xưng mới của Hội đồng Quốc gia Vãn hồi Trật Tự và Luật pháp) để trao đổi ý kiến về một chương trình hành động có lợi cho đất nước. Chương trình của bà đã thành sự thật một phần nhờ tình hình quốc tế và nhất là nhờ sự nhận định đúng đắn có tầm nhìn của các thành phần trong cuộc.
Bài học Việt Nam?
"Cái khác nhau là trong khi Myanamr có bà Aung San Suu Kyi thì Việt Nam không có một khuôn mặt đối lập có tầm vóc tương đương. Và một trở ngại lớn khác là cái Hội chứng sợ làm hoà (syndrome of appeasement complex) còn quá mạnh trở thành một thứ ám ảnh trong tâm tưởng của người Việt lưu vong."
Điếu lý thú ở đây là hai quỹ đạo của Việt Nam và Miến Điện tuy có vẻ khác nhau nhưng thật giống nhau. Cả hai đều là nạn nhân của sự bành trướng của Trung Quốc, nhưng sự cấn cái đối với Hoa Kỳ khác nhau. Việt Nam cần Hoa Kỳ hơn (Miến Điện cần Hoa Kỳ) nhưng quan hệ quá khứ còn đậm nét xung khắc hơn (vì từng đánh nhau, vì khác biệt ý thức hệ).
Nhưng hình như Miến Điện đang học bài học của Việt Nam. Trong khi Việt Nam gởi viên chức cấp cao đi Hoa Kỳ, Ấn Độ thì tổng thống Thein Sein cũng đi Ấn và gởi Tư Lệnh Bộ binh Min Aung Hlaing đến Hà Nội để trao đổi kinh nghiệm.
Và ba ngày trước khi bà Hillary Clinton đến Miến Điện, tướng Hlaing lại được phái tới Bắc Kinh gặp Phó Chủ tịch Nhà nước Trung Quốc Tập Cận Bình, người sẽ thay thế Hồ Cẩm Đào năm tới.
Và cách hành xử của chính phủ Miến Điện cũng giống Hà Nội như in. Cứ mỗi lần có một chuyến công du quan trọng của một trong 3 quan chức lớn (Chủ tịch Nhà nước, Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội) qua Hoa Kỳ thì lại có một quan chức khác trong bộ ba đó đi chầu Bắc Kinh.
Cái khác nhau là trong khi Myanamr có bà Aung San Suu Kyi thì Việt Nam không có một khuôn mặt đối lập có tầm vóc tương đương. Và một trở ngại lớn khác là cái Hội chứng sợ làm hoà (syndrome of appeasement complex) còn quá mạnh trở thành một thứ ám ảnh trong tâm tưởng của người Việt lưu vong.