Nguyễn Xuân Nghĩa - Đức Tâm
Từ khi Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu Thái Bình Dương (APEC) chưa khai mạc hôm 12/11 vừa qua tại Hawaï, người ta đã thấy quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ bỗng như nháng lửa. Bên lề phiên họp của cấp bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế, ngày 11/11, Ngoại trưởng Hillary Clinton kêu gọi Bắc Kinh tiến hành cải cách chính trị và nêu ra mối quan ngại của Mỹ về tình trạng chà đạp nhân quyền tại Trung Quốc, than phiền việc tăng ni Tây Tạng phải tự thiêu để phản đối và việc trí thức Trung Quốc, như luật sư mù Trần Quang Thành vẫn bị quản thúc tại gia.
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đang chờ đợi cuộc họp với đoàn doanh nhân Mỹ ngày 10/11/2011 nhân hội nghị thượng đỉnh APEC ở Honolulu, Hawaï.. REUTERS/Chris Wattie |
Theo giới quan sát, một trong những chủ đề chính Thượng đỉnh APEC năm nay lại là dự án Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương.
RFI phỏng vấn chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa tại Hoa Kỳ về hồ sơ này.
RFI: Xin chào chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa. Theo dõi hồ sơ Xuyên Thái Bình Dương từ lâu và như anh trả lời cho đài Phát thanh Quốc tế Pháp vào ngày 29/10, dường như là năm nay, Hoa Kỳ và Trung Quốc gián tiếp dàn trận về kinh tế và thương mại mà có khi lại trực tiếp đối đầu về cả an ninh lẫn chiến lược. Liệu đấy có phải là một khía cạnh đáng chú ý tại Thượng đỉnh APEC năm nay chăng?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ là quan hệ giữa hai nước có nền kinh tế thứ nhất thứ nhì thế giới ở hai bờ Thái Bình Dương cần được đặt trong bối cảnh rộng về không gian lẫn thời gian và đấy cũng là một khía cạnh đáng chú ý của Thượng đỉnh APEC năm nay tại Hawaï và Thượng đỉnh Đông Á vào tuần tới tại Bali, Indonesia. Ở giữa hai Thượng đỉnh này là chuyến thăm viếng Australia và Indonesia của Tổng thống Mỹ, hai đối tác chiến lược khác của Mỹ.
Trong 10 năm qua, Hoa Kỳ có vẻ thờ ơ với cục diện châu Á mà thật ra vẫn có quyền lợi sinh tử với Á châu, là điều tổng thống Barack Obama đã trước tiên khẳng định khi tới Hawaï để chủ trì Thượng đỉnh APEC năm nay, sau khi chính quyền của ông tuyên bố từ năm kia là "Hoa Kỳ trở lại Đông Á". Đây cũng là nơi mà Trung Quốc bung ra rất mạnh trong 10 năm đó nên không khỏi gây phân vân cho các nước vừa muốn làm ăn với Trung Quốc lại vừa lo ngại sự bành trướng của Bắc Kinh.
Từ năm 2008, trong bối cảnh kinh tế èo uột và thất nghiệp cao tại cả Hoa Kỳ và Âu châu, khi Hoa Kỳ cần bảo vệ quyền lợi và nhất là phát triển ngoại thương với các nước tân hưng trên vành cung Thái Bình Dương thì sáng kiến Đối tác Xuyên Thái Bình Dương mang tầm vóc chiến lược. Cho nên từ năm kia, 9 nước trong cuộc đã có 9 kỳ họp ráo riết về dự án này, đó là Mỹ, Úc, Brunei, Chilê, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Dự Thượng đỉnh APEC năm ngoái tại Nhật, Tổng thống Mỹ còn đề nghị các quốc gia đang đàm phán về hiệp định Xuyên Thái Bình Dương hãy cố lập ra khuôn khổ cơ bản trước Thượng đỉnh năm nay. Điều ấy coi như đã đạt, nên Mỹ hy vọng là qua năm tới thì khối đối tác này sẽ thành hình. Dư luận các nước khác thì coi sáng kiến này không chỉ nhắm vào kinh tế hay thương mại mà thật ra còn có việc Hoa Kỳ tranh thủ hậu thuẫn về chiến lược vì những điều kiện tham gia do phía Mỹ nêu ra lại gây trở ngại lớn cho Trung Quốc.
RFI: Anh nói đến các điều kiện tham gia do phía Hoa Kỳ đề xướng lại có vẻ như là rào cản Trung Quốc, đó là những điều kiện gì vậy?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Người ta cứ chú ý đến chi tiết kỹ thuật mà phía Mỹ đòi hỏi như chế độ bảo vệ lao động, quyền sở hữu trí tuệ hay phát huy loại sản phẩm bảo vệ môi sinh, hoặc việc minh bạch hóa thủ tục tiếp liệu, v.v... Thật ra, Hoa Kỳ còn nêu ra một đề nghị có tính chất sinh tử cho cả Trung Quốc lẫn một số quốc gia Đông Á. Đó là vai trò của thành phần kinh tế Nhà nước.
Tại nhiều nước Đông Á, sự cấu kết mờ ám giữa bộ máy Nhà nước, doanh nghiệp và ngân hàng có thể dẫn tới chủ nghĩa tư bản thân tộc và nạn ỷ thế làm liều. Riêng tại Trung Quốc, doanh nghiệp Nhà nước chiếm ưu thế quá lớn trên khu vực tư doanh của các tiểu doanh thương ở dưới, và lại có sức cạnh tranh quốc tế quá mạnh mà Hoa Kỳ coi là còn bất chính hơn chuyện lũng đoạn ngoại hối bằng cách định giá đồng bạc quá thấp. Vì vậy, một trong những điều kiện được nêu ra chính là hệ thống quốc doanh và lồng trong đó là định nghĩa thế nào là doanh nghiệp Nhà nước, từ trung ương tới địa phương.
Trên nguyên tắc, Mỹ và tám nước đang đàm phán hồ sơ Xuyên Thái Bình Dương này đều ngỏ ý sẵn sàng đón nhận các nước khác vào vòng đàm phán, cụ thể như Canada, Nhật Bản hay Nam Hàn, Phi Luật Tân (Philippines).... Và thực tế thì sáng kiến này có đạt thành quả đáng kể nhân Thượng đỉnh năm nay khi Thủ tướng Nhật yêu cầu tham gia việc đàm phán. Nhưng, với đề nghị của Mỹ về hệ thống quốc doanh, Trung Quốc có thể bị nghẹn, nên dù chẳng nói ra, Bắc Kinh có thấy chủ tâm dàn trận của Mỹ. Nhìn từ Bắc Kinh thì vành cung Xuyên Thái Bình Dương này nhắm vào một hồng tâm chính là Trung Quốc!
Chỉ vì đấy là yêu cầu có nội dung phản bác chủ trương xây dựng "xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Hoa" hoặc "phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" và còn có kết quả là mở bung hình thái trao đổi tự do hơn của tư doanh trên cả vành cung Thái Bình Dương. Chẳng là ngẫu nhiên mà hai tuần trước khi Thượng đỉnh APEC nhóm họp, hôm 29 vừa qua, Ủy ban Giám sát Quan hệ Kinh tế và Chiến lược giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc của Quốc hội Mỹ đã công bố một báo cáo 120 trang về hệ thống doanh nghiệp Nhà nước của Trung Quốc với lời phê phán rất nặng. Khi Quốc hội nêu quan điểm hoài nghi như vậy thì Hành pháp Mỹ, và cụ thể là đặc sứ Thương mại, sẽ càng phải duyệt xét chuyện ấy khá kỹ, nếu sau này Trung Quốc có đề nghị tham gia. Ngược lại, nhìn vào nội tình Trung Quốc, ta cũng thấy ra sự lúng túng của Bắc Kinh. Thí dụ gần nhất, ngày 09/11 vừa qua, là khi họ phải chấp hành đạo luật chống độc quyền mà vi phạm lại là hai tập đoàn quốc doanh rất lớn về viễn thông, cả hai đều là doanh nghiệp Nhà nước của trung ương! Làm sao gia nhập khối TPP với hệ thống độc quyền đó?
RFI: Thưa anh, trong số 8 nước cùng với Hoa Kỳ đàm phán về TPP thì có Việt Nam mà trong nền kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp Nhà nước đóng vai trò chủ chốt cho đến hiện nay. Khi đưa ra vấn đề vai trò của doanh nghiệp Nhà nước như là một điều kiện để cản Trung Quốc, thì phải chăng Việt Nam cũng sẽ gặp khó khăn trên khía cạnh này như Việt Nam đã từng phản đối trong quá trình đàm phán TPP?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ điều này là đúng. Thực ra, tôi cho rằng Hoa Kỳ dùng Việt Nam như vật thử nghiệm. Trong thương thuyết đàm phán với Việt Nam về điều kiện đó, thì Mỹ xem cách xoay xở của Việt Nam ra làm sao. Khi mà trò đã tính như vậy, thì thầy sẽ tính như thế nào trong tương lai. Tức là Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào trong tương lai. Có thể nói, Hoa Kỳ dùng Việt Nam để thử nghiệm. Nếu Việt Nam tranh đấu cho quyền lợi của khu vực quốc doanh mà cả nước Việt Nam bây giờ đã thấy là tốn kém, không hiệu quả và lỗ nhiều, thì điều này có nghĩa là Việt Nam bảo vệ luôn cả chủ trương của Trung Quốc, đi ngược lại quyền lợi kinh tế của khu vực tư nhân, của hệ thống tư doanh, của đại đa số người dân Việt Nam.
RFI: Tìm hiểu Trung Quốc từ lâu, anh cho rằng lãnh đạo Bắc Kinh sẽ phản ứng ra sao với những sáng kiến này của Mỹ?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Có hai mặt của một vấn đề, một mặt là kinh tế một mặt là an ninh.
Tại Thượng đỉnh APEC của 21 nền kinh tế, người ta chú ý đến mặt kinh tế và sáng kiến của Mỹ là vận động hợp tác kinh tế để xây dựng hợp tác chiến lược. Tại Thượng đỉnh Đông Á tuần tới, người ta chú ý đến khía cạnh an ninh. Ban đầu diễn đàn này là đề nghị của Malaysia có hậu thuẫn của Trung Quốc để các nước Đông Á nói chuyện với nhau mà không có sự hiện diện của Mỹ hay Liên bang Nga. Năm nay, là lần đầu tiên mà Nga và Mỹ đều cùng tham dự và Hoa Kỳ sẽ cố xoay Thượng đỉnh này của 18 nước vào đề mục an ninh, như diễn đàn đối thoại về an ninh ngoài vùng biển chẳng hạn.
Từ nhiều năm nay, Bắc Kinh tận dụng quyền lực mềm để mua chuộc nhiều quốc gia Đông Á, theo kiểu bẻ đũa từng chiếc, khởi đi từ Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á ASEAN. Đó là lợi thế của khái niệm "Đồng thuận Bắc Kinh", nhằm bành trướng ảnh hưởng bằng quyền lợi lý tài mà bất chấp đạo lý nhân quyền, dân chủ hay môi sinh của xứ khác. Khi Hoa Kỳ mắc bận vì cuộc chiến chống khủng bố, Bắc Kinh bung ra còn mạnh hơn và đòi chiếm ưu thế trên vùng biển Đông Nam Á.
Bây giờ, Mỹ không chỉ nói mà thực tế tìm cách chứng minh ảnh hưởng đáng tin của mình tại Đông Á, Bắc Kinh chỉ còn vài năm trước mặt để củng cố thành quả đã đạt được qua mồi nhử kinh tế, trước hết là với nhóm ASEAN. Sau đó thì có lẽ phải xuống giọng hợp tác ôn hòa hơn với Hoa Kỳ và các nước trong vùng. Nhưng những bất ổn bên trong, khi lại có chuyển giao quyền lực sau Đại hội Đảng lần thứ 18 vào năm tới, cũng khiến xứ này có thể có phản ứng bất ngờ, là điều mà người ta không thể loại bỏ. Những lời đối đáp nháng lửa tại Hawaï mới chỉ là màn đầu.
RFI: Xin cám ơn anh Nguyễn Xuân Nghĩa.