Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

APEC, EAS: Phép thử cho chiến lược tái cam kết của Mỹ tại châu Á

Tác giả: Stratfor 

Sau hai cuộc chiến tranh tại Trung Đông và Nam Á, Washington đã bắt đầu chuyển sự chú ý của mình sang nơi khác, đặc biệt là vào một Trung Quốc đang trỗi dậy. Trong khi ông Obama còn nhiều việc để làm để định hình các thể chế kinh tế và chiến lược như EAS và APEC cho phù hợp với lợi ích của nước mình, chuyến công du sắp tới của ông có thể thúc đẩy sự chuyển đổi trong cán cân quyền lực châu Á – Thái Bình Dương.
Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ công du Australia và Indonesia vào tháng 11. Và ông vừa chủ trì một hội nghị của Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) hôm 12-13/11 tại Honolulu, Hawaii (Mỹ), và dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) lần thứ sáu vào ngày 18-19/11 tại Bali (Indonesia) lần đầu tiên trong vai trò một thành viên đầy đủ của tổ chức này. Chuyến thăm diễn ra đồng thời với một loạt các chuyến thăm ngoại giao và các phát biểu của các quan chức kinh tế và an ninh của chính quyền Obama nhằm chứng tỏ cam kết trở lại của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và gắn khu vực này với các lợi ích quốc gia của Mỹ.

Chiến lược của Mỹ tái cam kết với Đông Á, lần đầu tiên được thông báo vào năm 2009, trong chừng mực nào đó là không đúng, bởi Mỹ chưa bao giờ bỏ rơi khu vực này. Tuy nhiên, sự tập trung của Washington trong thập kỷ vừa qua đã hướng về Trung Đông và Nam Á. Điều này, cộng với sự ảnh hưởng được mở rộng nhanh chóng về chính trị và kinh tế của Trung Quốc trong khu vực, đã khiến Mỹ nhận ra rằng các lợi ích của Washington tại Đông Á đang suy yếu.
Hiện, khi Mỹ đang chuẩn bị rút hết quân đội khỏi Iraq và giảm các chiến dịch tại Afghanistan, chính quyền Obama có thể sử dụng nhiều nguồn lực hơn để mở rộng sự can dự của mình vào Đông Á. Trong khi Washington còn nhiều việc để làm nhằm định hình các thể chế chiến lược và kinh tế cho phù hợp với lợi ích của mình, chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Obama có thể thúc đẩy sự chuyển đổi trong cán cân quyền lực tại châu Á - Thái Bình Dương.

Lo lắng về sự trỗi dậy của Trung Quốc
Trong những năm gần đây, quân đội Trung Quốc đã tỏ ra ngày càng xác quyết hơn, với việc Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa đóng một vai trò lớn hơn trong các quyết định chính sách của Trung Quốc. Đặc biệt, chiến lược của quân đội phát triển một lực lượng hải quân viễn chinh biển xa đã tạo điều kiện thay đổi trọng tâm của lực lượng này, hướng tới khả năng kiểm soát lớn hơn trên các hải trình quốc tế, đặc biệt tại biển Đông.
Trong giai đoạn này, Bắc Kinh đã muốn tạo dựng quan hệ với các nước láng giềng, nhưng những lo ngại về mối đe dọa của "sức mạnh cứng" của Trung Quốc đã khiến các nước ở châu Á - Thái Bình Dương kêu gọi sự can dự lớn hơn của Mỹ trong khu vực nhằm làm đối trọng với sự ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc, đặc biệt là chiến lược biển hiếu chiến của họ, đặt ra một thách thức đối với các lợi ích của Mỹ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sức mạnh toàn cầu của Mỹ dựa vào quyền kiểm soát của nước này trên các đại dương, và Mỹ thấy Đông Á là một sân khấu chính cho các quan hệ kinh tế và chính trị trong tương lai gần. Vì vậy, chính quyền của Tổng thống Obama đã đầu tư đáng kể nguồn vốn chính trị vào châu Á kể từ sau thông báo tái cam kết của Washington năm 2009.
Cùng với đó, Mỹ đã vượt qua các quan hệ với các đồng minh truyền thống ở Thái Bình Dương - như Australia, Nhật Bản, Philippines và Hàn Quốc - để kết nối với các cường quốc khu vực như Indonesia và Ấn Độ. Washington tìm cách thúc đẩy chỗ đứng của mình tại Indonesia, nước vốn là một lãnh đạo khu vực trong một loạt vấn đề, bằng việc tăng cường hợp tác quân sự và thông qua Đối Tác toàn diện Mỹ - Indonesia, cũng như tham dự Hội nghị EAS do Indonesia đăng cai năm nay. Với Ấn Độ, Mỹ đã đi xa hơn các quan hệ kinh tế, vươn tới hợp tác chiến lược, đặc biệt trong các vấn đề biển. Washington cũng tiến gần hơn tới các đồng minh truyền thống của Trung Quốc như Lào, Campuchia và cả Myanmar.
Washington cũng nỗ lực định hình các thể chế đa phương trong khu vực, như một cách để hợp nhất các nước khác chống lại Trung Quốc, đồng thời tránh sự ra đời của một đồng minh mạnh trong khu vực mà không có sự tham gia của Mỹ. Các thể chế có mặt Washington bao gồm ASEAN - mà Ngoại trưởng Mỹ ví là "điểm tựa cho kiến trúc đang nổi của khu vực" - và một số thể chế kinh tế và chiến lược do ASEAN đứng đầu, như EAS và APEC. Mỹ cũng phối hợp với một loạt các khối tiểu khu vực như Diễn đàn Các đảo Thái Bình Dương và Hội nghị thượng đỉnh sông Mekong.
Washington đặc biệt quan tâm tới APEC và EAS, các cấu trúc và lịch trình của hai tổ chức này đang trong quá trình định hình lại, cho phép Mỹ có một tiếng nói có trọng lượng hơn trong tương lai. Vì vậy, các cuộc gặp sắp tới của ông Obama sẽ cho thấy hai điểm tựa quan trọng cho chiến lược tái cam kết của Mỹ.

Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương
APEC thành lập năm 1989 tại Canberra, Australia, với mục đích quy tụ các nền kinh tế năng động ở bên bờ Thái Bình Dương lại với nhau. Dần dần, nhóm này đã thu hút 21 quốc gia thành viên, trong đó có Mỹ, và trở thành tổ chức kinh tế hàng đầu khu vực. Các nước thành viên APEC có vai trò rất quan trọng đối với các lợi ích thương mại của Mỹ - cùng nhau, họ chiếm 60% hàng hóa xuất khẩu của Mỹ - cũng như đối với nền kinh tế toàn cầu, và vì vậy, Washinton đã sử dụng khối này để thể hiện sự ảnh hưởng kinh tế lớn hơn trong khu vực. Tuy nhiên, sự nổi lên của một số nhóm kinh tế khu vực trong thập kỷ qua, đứng đầu là các quốc gia châu Á - hoặc bị chế ngự bởi Trung Quốc - đã làm giảm vai trò của APEC, và vì thế, Mỹ đã phải tìm kiếm các con đường khác để định hình chính sách thương mại châu Á.
Để đạt mục đích này, Mỹ đã thông báo vào năm 2008 rằng họ sẽ tham gia các cuộc thương lượng về một thỏa thuận tự do thương mại đa phương với tên gọi Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP). TPP ban đầu có hiệu lực năm 2006 và bao gồm Brunei, Chile, New Zealand và Singapore. Sau thông báo của Mỹ năm 2008, Australia, Malaysia, Peru và Việt Nam đều đã tham gia các cuộc đàm phán. Các nền kinh tế như Canada, Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) cũng thấy có lợi.
Cam kết của Mỹ đã thúc đẩy đáng kể các cuộc đàm phán, và Washington đang trong quá trình chốt lại các thỏa thuận tự do thương mại song phương với các nước tham gia. Chính quyền Obama hy vọng có thể thông báo một khuôn khổ cho TPP tại diễn đàn APEC năm nay. Dù khâu Việt Nam và Nhật Bản đang bị đình trệ, nhưng Washington hy vọng thỏa thuận này sẽ cải thiện quan hệ thương mại xuyên Thái Bình Dương, đặt nền móng cho một lịch trình thương mại tự do do Mỹ đứng đầu, và cải thiện nhận thức của các nước châu Á về cam kết của Mỹ trong khu vực.
Nước vắng mặt rõ nhất trong các cuộc thương thảo về TPP là Trung Quốc. Bắc Kinh bày tỏ quan tâm tới việc tham gia đối tác này, vì nó bao gồm rất nhiều đối tác thương mại lớn, nhưng một lịch trình thương mại do Mỹ đứng đầu có thể đồng nghĩa với việc Trung Quốc chỉ có thể tham gia bằng cách mở cửa nền kinh tế theo đường hướng mà Mỹ định ra. Sự "quay lưng" của Trung Quốc khiến một số đối tác đàm phán nhỏ hơn phản đối, vì e rằng động thái này sẽ hủy hoại quan hệ kinh tế giữa họ với Bắc Kinh. Trung Quốc có thể sẽ tham gia TPP trong tương lai, nhưng không tham gia hoạch định chương trình cho thể chế này, Bắc Kinh cho rằng việc đó đi ngược lại lợi ích kinh tế của mình.

Hội nghị thượng đỉnh Đông Á
Mầm mống đầu tiên cho EAS là đề xuất của Malaysia năm 1991 về một khối thương mại đối trọng với phương Tây. Cuộc họp đầu tiên của EAS đã diễn ra năm 2005, hội tụ 16 quốc gia với Nga là quan sát viên, và không bao gồm Mỹ. Washington ban đầu thấy cơ chế này là một âm mưu của các nước thành viên nhằm loại trừ sự ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Nhưng như một phần của chiến lược tái cam kết, mới đây họ đã đã thay đổi quan điểm và sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh năm nay, lần đầu tiên trong vai trò một thành viên đầy đủ.
EAS ban đầu là một hội nghị về năng lượng và kinh tế. Các nước thành viên đã bắt đầu định hình lại lịch trình và cấu trúc của EAS và tạo ra một cơ sở mềm dẻo cho Mỹ tham gia nhằm tập trung vào các vấn đề an ninh khu vực và hướng tới trở thành thể chế ưu việt cho các vấn đề an ninh tại Thái Bình Dương. Từ nay tới đó, Washington hy vọng hội nghị sẽ định hình chương trình của các cơ chế khu vực khác, như ASEAN.
Một số đối tác khu vực đã hoan nghênh sự tham gia của Mỹ trong EAS, coi đây là một đối trọng tốt cho sự chế ngự của Trung Quốc, đặc biệt trong các tranh chấp biển, khi thái độ xác quyết ngày càng mạnh của Trung Quốc làm gia tăng cẳng thẳng trên biển Đông. Trong bối cảnh này, những lời đề nghị của Washington trong năm nay có thể giúp đánh giá cam kết của họ đối với an ninh của châu Á - Thái Bình Dương - đặc biệt đối với quyền tự do hàng hải trên biển Đông. Các nước Đông Nam Á, cũng như các bên liên quan thứ ba như Nhật Bản và Ấn Độ, đã tiến hành một chiến lược ngoại giao tăng cường nhằm thu hút sự chú ý lớn hơn của quốc tế vào vấn đề này. Trong khi các nỗ lực này không chỉ nhằm trực tiếp vào Mỹ, chúng lại giúp thống nhất các nước trong khu vực chống lại Bắc Kinh, điều cũng thể hiện trong chiến lược của Washington.
Trung Quốc theo dõi sát vấn đề biển Đông, và Bắc Kinh đặc biệt quan tâm đến việc Mỹ có thể đưa ra các biện pháp thông qua EAS cho thấy một cam kết mạnh hơn trong vấn đề này. Trong khi một cuộc hội nghị riêng lẻ khó tạo ra một ảnh hưởng lớn, nó lại có thể ra hiệu cho thấy một sự chuyển đổi trong định hướng của khối này dưới vai trò lãnh đạo của Mỹ.
Tuy nhiên, Mỹ cần giải quyết một số vấn đề trước khi có thể định hình lại hoàn toàn EAS thành một thể chế tập trung vào an ninh - mong muốn lớn nhất của chính các nước ASEAN. Các nước này cũng cần cân bằng giữa các lợi thế của việc Mỹ can dự chiến lược lớn hơn trong khu vực với các quan hệ của họ với Trung Quốc, và lường trước nguy cơ bị mắt kẹt trong cuộc cạnh tranh gay gắt giữa Washington và Bắc Kinh. Bài toán này sẽ đặc biệt khó nếu nhìn vào khoảng cách giữa những tuyên bố tái cam kết và các hành động của Mỹ.
Một vấn đề khác là làm thế nào EAS tỏ ra khác biệt với các tiểu nhóm khác cũng tập trung vào an ninh của ASEAN như Diễn đàn khu vực (ARF). Vai trò lãnh đạo của Mỹ trong một EAS đứng đầu sẽ đi ngược lại với ý định của ASEAN là định hình chương trình của mình mà không có sự ảnh hưởng của phương Tây.
Mỹ, sau hơn một thập kỷ vắng bóng trong việc xây dựng các thể chế ở châu Á, giờ đây đang muốn dẫn đầu việc tạo ra một tổ chức kinh tế châu Á - Thái Bình Dương mới, trong đó bảo lưu các nguyên tắc kinh tế và các chương trình chiến lược của Mỹ. Để kế hoạch này có hiệu quả, Mỹ có thể phải thể hiện các diễn biến và cam kết mới nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển của các thể chế khu vực do Mỹ đứng đầu./.

Châu Giang dịch theo stratfor

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/